Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 28/04/2025 20:24 (GMT+7)

GS Trương Đình Dụ: Người mang dòng nước ngọt về cho cuộc đời

GS.TS Trương Đình Dụ, nhà khoa học tiên phong của ngành thủy lợi Việt Nam – đã dành cả đời sáng tạo những công trình đột phá, góp phần kiểm soát nguồn nước, phát triển nông nghiệp và phòng chống thiên tai cho đất nước.

Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Dụ – nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam – là một trong những nhà khoa học tiên phong, đặt nền móng cho sự phát triển vượt bậc của ngành thủy lợi nước nhà. Với hàng loạt sáng chế đột phá như đập trụ đỡ, đập sà lan, cửa van cánh cửa tự động, ông đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát nguồn nước, chống xâm nhập mặn, cải tạo đất và phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt tại các vùng đồng bằng ven biển như Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng Bắc Bộ.

tm-img-alt

GS.TS Trương Đình Dụ trong lần công tác ở Kiên Giang

Từ ước mơ mang nước ngọt về quê hương

Sinh năm 1938 tại xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh – một vùng quê nghèo thường xuyên chịu cảnh hạn hán và xâm nhập mặn – Trương Đình Dụ từ nhỏ đã thấm thía nỗi khổ thiếu nước của người dân. Chứng kiến cảnh người làng phải gánh nước từ xa về dùng, ông nuôi ước mơ theo đuổi ngành thủy lợi để mang nước ngọt về phục vụ quê hương.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1963, ông xin về công tác tại Ty Thủy lợi Hà Tĩnh để góp phần cải thiện tình trạng hạn hán, lũ lụt tại địa phương. Năm 1968, ông được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Đại học Xây dựng Moskva và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 1972.

tm-img-alt

GS.TS Trương Đình Dụ trong thời gian đi học tại Liên Xô cũ.

Những công trình khoa học mang tính đột phá

Trở về nước, GS.TS Trương Đình Dụ công tác tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và bắt đầu chuỗi nghiên cứu ứng dụng thực tiễn. Ông đã giải quyết thành công nhiều vấn đề nan giải trong ngành, như cải tạo đập Đáy (Hà Tây cũ) – một công trình phân lũ cho Hà Nội được xây dựng từ năm 1937 nhưng hoạt động không hiệu quả. Ông phát hiện nguyên nhân do độ kín giữa van hạ lưu và thượng lưu không đảm bảo, và sau khi sửa chữa theo phương án của ông, cửa van của đập Đáy hoạt động bình thường.

tm-img-alt

Trong suốt cuộc đời gắn bó với ngành Thủy lợi, ông đã nhận được nhiều bằng khen của Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành. 

Năm 1981, ông chủ trì đề tài nghiên cứu cấu trúc và phương pháp tính cửa van tự động thủy lực cống vùng triều, kết quả là phát minh ra cửa van cánh cửa tự động – một thiết kế cho phép cửa van tự động đóng mở theo con triều, không cần vận hành thủ công. Sáng chế này đã được cấp bằng độc quyền năm 1991 và nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2000.

tm-img-alt

GS.TS Trương Đình Dụ nhận Giải thưởng Nhà nước cho công trình cửa van tự động và bán tự động trong công tình thủy lợi loại vừa và nhỏ. 

Đập trụ đỡ và đập sà lan – cuộc cách mạng trong công nghệ ngăn sông

Năm 1992, GS.TS Trương Đình Dụ tiếp tục làm chủ nhiệm đề tài “Giải pháp công nghệ tạo nguồn nước ngọt vùng ven biển”, trong đó ông cùng các đồng nghiệp nghiên cứu và phát triển hai công nghệ mới: đập trụ đỡ và đập sà lan. Những công nghệ này đã mở ra một hướng đi hoàn toàn mới trong công nghệ ngăn sông ở Việt Nam, giúp tiết kiệm ngân sách hàng nghìn tỉ đồng khi xây dựng các công trình kiểm soát nguồn nước vùng chịu ảnh hưởng thủy triều.

Những sáng chế của Giáo sư không chỉ có giá trị thực tiễn to lớn, mà còn mang tầm vóc khoa học vĩ đại. Ông đã kiến tạo những giải pháp kỹ thuật độc đáo, giải quyết thành công những bài toán mà trước đó tưởng chừng không thể vượt qua bằng các phương pháp truyền thống. Công trình đập trụ đỡ và đập sà lan – hai sáng chế tiêu biểu – đã thay đổi căn bản cách thức thi công, quản lý nước tại các khu vực khó khăn nhất, được áp dụng rộng rãi trên cả nước.

Chính vì thế, năm 2012, cụm công trình “Đập trụ đỡ và đập sà lan” đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh – giải thưởng cao quý nhất về khoa học và công nghệ của Đảng và Nhà nước.

tm-img-alt

Cụm công trình “Đập trụ đỡ và đập sà lan” đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh – giải thưởng cao quý nhất về khoa học và công nghệ của Đảng và Nhà nước.

Ứng dụng thực tiễn và tầm ảnh hưởng sâu rộng

Hai công nghệ đập trụ đỡ và đập sà lan đã được ứng dụng mạnh mẽ trong xây dựng các công trình ngăn sông trên khắp cả nước. Hiện nay ở Việt Nam đã có hàng trăm đập và cống được xây bằng hai công nghệ này. Một trong những công trình tiêu biểu là dự án Cái Lớn – Cái Bé ở tỉnh Kiên Giang, được xây dựng bằng công nghệ đập trụ đỡ với số vốn đầu tư khoảng 3.300 tỉ đồng. Công trình này giúp kiểm soát, điều tiết nguồn nước (mặn, lợ, ngọt) cho 384.000 ha đất tự nhiên ở các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu.

tm-img-alt

Công trình Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) công trình thủy lợi vĩ đại mang tầm cỡ khu vực. 

Ngoài ra, cống Cầu Xe mới ở tỉnh Hải Dương là công trình đầu tiên trong khu vực đồng bằng sông Hồng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thiết kế cống kiểu đập trụ đỡ do GS.TS Trương Đình Dụ nghiên cứu. Công trình này có khẩu độ thoát nước gần gấp đôi so với thiết kế ban đầu nhưng kinh phí giảm hơn 30 tỉ đồng, và được xây dựng trên lòng sông cũ không phải mất đất vĩnh viễn 6ha.

tm-img-alt

GS.TS Trương Đình Dụ thăm lại công trình Cống Cầu Xe (Hải Dương). 

Người thầy mẫu mực và niềm đam mê không tuổi

Ở tuổi 87, GS.TS Trương Đình Dụ vẫn miệt mài, say sưa nghiên cứu khoa học. Ông là tác giả và đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế như: cửa van cánh cửa tự động, đập bản dầm, đập thuyền, đập trụ neo, đập hộp neo…

Với những công trình, những đề tài khoa học hiệu quả, thiết thực, và uy tín của mình, ông đã được phong hàm Phó Giáo sư năm 1984, Giáo sư năm 1992. Giáo sư Trương Đình Dụ cũng là một trong số rất ít nhà khoa học Việt Nam vinh dự được trao tặng cả hai giải thưởng cao quý: Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ – sự ghi nhận đỉnh cao cho trí tuệ và cống hiến trọn đời của ông.

Xem Thêm

Anh nông dân lớp 5 và hành trình tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật
Trong bối cảnh nông nghiệp ngày càng đòi hỏi sự đổi mới, thích ứng và sáng tạo để nâng cao năng suất và giảm chi phí lao động, một người nông dân tại Châu Phú, An Giang - dù chỉ học hết lớp 5 - đã chứng minh rằng: Tri thức không chỉ đến từ sách vở mà còn từ thực tiễn cần mẫn và khối óc sáng tạo không ngừng.

Tin mới

Đưa Thái Bình trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển giống lúa chất lượng cao bằng công nghệ tiên tiến
Ngày 18/6, tại Thái Bình, LHHVN phối hợp cùng Hội Giống cây trồng Việt Nam và Liên hiệp Hội tỉnh Thái Bình tổ chức hội thảo “Phát triển công nghệ sản xuất giống lúa chất lượng cao”. Chủ trì Hội thảo có GS.VS. Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, ThS. Phạm Thị Bích Hồng - Phó Trưởng Ban Phổ biến kiến thức LHHVN và TS. Trần Thị Hòa - Chủ tịch LHH tỉnh Thái Bình.
Liên hiệp Hội Việt Nam làm việc với UBND tỉnh Sơn La
Ngày 17/6/2025, Đoàn công tác Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) do TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch LHHVN làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Sơn La về đẩy mạnh hoạt động các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) trực thuộc LHHVN trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm SRD phát động trồng rừng phủ xanh tương lai
Sáng ngày 16/6, tại bản Ta Khoang, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) phối hợp với các cơ quan, tổ chức địa phương đã long trọng tổ chức Lễ phát động chiến dịch trồng rừng phủ xanh tương lai, hưởng ứng Ngày Quốc tế chống Sa mạc hóa và Hạn hán (17/6).
An Giang: 25 giải pháp của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật được vinh danh
Ngày 14&15/6, tại TP. Long Xuyên, Hội đồng Giám khảo Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV (năm 2024–2025) đã tổ chức chấm chọn vòng chung khảo với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các sở, ban, ngành cấp tỉnh, doanh nghiệp, giảng viên Trường Đại học An Giang, Trường Cao đẳng Nghề An Giang cùng các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Đồng Tháp: Lan tỏa tinh thần sáng tạo trong Thanh Thiếu niên, Nhi đồng
Sáng ngày 16/6, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh đã tổ chức Lễ Tổng kết và Trao giải Cuộc thi lần thứ 18, năm 2025. Tham dự có Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi; đại diện lãnh đạo các sở ngành Tỉnh, UBND các huyện, thành phố; quý thầy cô giáo và các học học sinh.