Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 28/01/2008 14:51 (GMT+7)

Tiểu vùng văn hoá xứ Quảng

Về mặt địa lý, miền Trung Bộ trong sự phân biệt với Bắc Bộ và Nam Bộ, kéo dài từ Thanh Hóa (cũng có khi Thanh Hóa được tính vào Bắc Bộ) tới Phan Thiết, thì trong phần lãnh thổ này của đất nước ta lại bao gồm nhiều tiểu vùng văn hóa, như Xứ Thanh, Xứ Nghệ, Xứ Huế (Bình Trị Thiên), Xứ Quảng ...Các tiểu vùng văn hóa này vừa mang tính chung của cả vùng Trung Bộ, lại vừa có các sắc thái địa phương về cả tự nhiên, con người, xã hội và văn hóa.

Xứ Quảng cũng như nhiều tỉnh miền Trung khác trải dài theo hướng bắc nam, chiều ngang lãnh thổ thường hẹp. Vùng này từ bắc xuống nam kéo dài gần 300 km, nhưng nơi rộng nhất chỉ khoảng trên 100km (như ở Quảng Nam), nơi hẹp nhất chỉ khoảng 60 km (như ở Quảng Ngãi)(1). Hình thể này còn được bao bọc bằng dãy Trường Sơn ở phía tây (địa phận của tỉnh Kon Tum) và biển Đông ở phía đông. Phía bắc Xứ Quảng giáp với vùng Bắc Trung Bộ, ngăn cách bằng đèo Hải Vân, bên kia là Xứ Huế. Còn phía nam Xứ Quảng phân chia một cách mong manh về mặt địa lý với Bình Định bằng đèo Bình Đệ. Địa thế trải dài như trên cùng với đặc trưng về địa hình đã chia cắt lãnh thổ thành các vùng tiểu địa lý khác nhau, ảnh hưởng không nhỏ tới các sắc thái văn hóa mang tính địa phương. Ngoài ra, miền Trung, nơi như nhiều người đã ví như chiếc đòn gánh gánh hai đầu vựa lúa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ và Nam Bộ, trong đó Xứ Quảng gần như nằm ở điểm giữa, cùng cách Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh khoảng trên 800 km, một vị trí trung chuyển giữa hai đầu đất nước.

Địa hình Xứ Quảng mang nhiều nét đặc thù so với các vùng khác trong cả nước. Đó là địa hình rừng núi, đồng bằng và biển đan cài vào nhau trong một không gian địa lý nhỏ hẹp. Cả dải miền Trung, trong đó đặc trưng nhất là Trung Trung Bộ, nằm ở địa thế kẹp giữa núi và sơn nguyên ở phía tây và biển ở phía đông, nhiều nơi, núi nhô lên lẻ loi giữa đồng bằng, núi chạy ra tận biển tạo nên các đảo ngoài khơi, núi chia cắt đồng bằng hẹp thành các khúc, mà muốn qua đó người ta phải vượt qua các đèo, như Hải Vân, Đèo Cả, Cù Mông, Bình Đệ... Ngược lại, biển lại ăn sâu vào nội địa, cùng với núi tạo ra các vịnh nhỏ, các đầm phá, thuận lợi cho việc neo đậu của tầu thuyền, cho việc khai thác và nuôi trồng thủy sản.

Đồng bằng của Xứ Quảng thường là những dải đồng bằng nhỏ hẹp vừa mang tính chất cận duyên lại vừa mang tính thung lũng núi, sản phẩm của hệ thống sông ngòi bắt nguồn từ vùng rừng núi phía tây chảy theo hướng đông ra biển. Sông thường ngắn và dốc, cửa sông thường bị chế ngự bởi các cồn cát chạy dài dọc bờ biển, luôn uy hiếp đồng bằng ven biển bởi nạn cát lấn sâu vào nội địa.

Để bù lại sự ngăn cách của các dãy núi đâm ngang chia cắt đất liền, biển ôm sát mặt đông của xứ này là môi trường thuận lợi nhiều mặt. Nằm ở vị trí "ưỡn ra" (chữ của GS. Trần Quốc Vượng) của dải bờ biển nước ta, nơi biển sâu, có dòng hải lưu chảy từ phía bắc qua rìa đảo Hải Nam xuống Trung Trung Bộ, tạo cho xứ này thế mạnh của các nguồn thủy sản và nghề đánh bắt cá. Các dãy đảo Trường Sa, Hoàng Sa ở ngoài khơi hay các dãy đảo nhỏ, như Lý Sơn, Cù Lao Chàm... gần đất liền cũng tạo cho vùng này những sắc diện tự nhiên, kinh tế và văn hóa giầu chất biển hơn các vùng khác của đất nước. Tuy nhiên, cũng như các vùng khác trong nước, biển ở xứ Quảng trong xã hội cổ truyền vẫn chỉ dừng lại ở mức khai thác biển cận duyên, con người vẫn "đứng trước biển", chứ chưa phải là vượt ra biển đại dương với việc đánh bắt cá xa bờ, buôn bán trên biển, khai thác các nguồn tài nguyên thềm lục địa.

Đèo Hải Vân không chỉ là ranh giới địa lý, mà còn là ranh giới về khí hậu. Đó là cái mốc đánh dấu sự thay đổi của khí hậu nhiệt đới chí tuyến ở phía bắc sang khí hậu á xích đạo ở phía nam (2). Đó cũng là nơi mà ảnh hưởng của chế độ gió mùa đông bắc ở phía bắc kết thúc và giới hạn cuối cùng của chế độ gió mùa tây nam ở phía nam. Chính vị trí trung gian chuyển tiếp của các vùng khí hậu này của Xứ Quảng cũng tạo ra không ít các biến thể khí hậu mang tính địa phương.

Chính tính chất đa dạng của các yếu tố địa hình và khí hậu đã tạo nên các hệ sinh thái khác nhau của Xứ Quảng, như hệ sinh thái núi, trung du, đồng bằng, đầm phá, bãi cát ven biển, biển và hải đảo... Trước nhất, rừng núi chiếm diện tích khoảng 2/3 lãnh thổ, ôm gọn mặt phía tây của Xứ Quảng, nhiều nơi núi còn nhô ra sát biển bao lấy cả ba mặt đồng bằng. Dải núi phía tây này nằm trong hệ thống núi nam Trường Sơn, trong đó có những đỉnh cao, thí dụ như núi Cổ Đam (cao 1600m), Đá Vách (1500m), Cao Muôn (1085m), Đồng Tâm (1066m), Hải Vân... Ngay ở đồng bằng người ta thường thấy nổi lên những khối núi, thí dụ ở Quảng Ngãi các khối núi đơn độc như vậy thường thấy ở nhiều nơi, như núi Đồng Tranh, Trà Quân, Thình Thình ở Bình Sơn; Núi Tròn, núi Nhàn, núi Sứa, núi Thiên Ấn, núi Đầu Voi ở Sơn Tịnh... Trước kia, ở vùng đồi núi này bao phủ lớp rừng nhiệt đới ẩm mang tính rừng nguyên sinh, nay do tác động của con người rừng đã bị tàn phá, diện tích đồi núi trọc lớn hơn đồi núi có rừng bao phủ. Sinh sống ở vùng đồi núi này không chỉ có các tộc người thiểu số, như Ka Tu, Hrê, Co, Ca Dong..., mà có cả người Kinh (Việt). Đặc biệt ở vùng này người dân từ lâu đã quen thuộc với rừng núi, nên với họ rừng núi gắn bó, thân thuộc, không có gì đáng sợ, khác với người Việt Bắc Bộ từ xa xưa vẫn coi là "rừng thiêng nước độc".

Hệ sinh thái đồi núi này đã tạo nên những định hướng đa dạng cho hoạt động sinh tồn của con người Xứ Quảng: Khai thác đất bằng, đất thung lũng cho canh tác lúa nước, canh tác nương rẫy trồng lúa khô và các loại hoa màu khá đa dạng, trồng rừng và khai thác tài nguyên rừng, trong đó có những loai sản phẩm quý như trầm hương, trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, như quế ... Nếu ở các vùng khác trong cả nước, người ta thường coi các hoạt động sản xuất trên chủ yếu là của các tộc người thiểu số, thì ở Xứ Quảng, đó vừa là của các tộc người thiểu số vừa của cả người Kinh. Nói cách khác, do đặc điểm địa hình, hệ sinh thái và phân bố cư dân các dân tộc, nên người Kinh ở đây cũng khai thác đa dạng hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Hệ sinh thái vùng trung du (hay trước núi) ở Xứ Quảng chiếm diện tích khá lớn, riêng ở Quảng Ngãi, trung du đã chiếm 2/3 diện tích của cả tỉnh. Đó là những gò đồi thấp bị bào mòn do những tác động xâm thực, tầng đất canh tác mỏng, có nhiều sỏi đá. Đất ở đây thường là đất xám, đất bạc mầu, đất đen, có thể trồng cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày (3).

Đồng bằng ở miền Trung nói chung và Xứ Quảng nói riêng thường nhỏ hẹp, càng về phía nam đồng bằng càng hẹp, chỉ còn một rẻo ven biển. Theo các nhà địa lý, địa chất, đồng bằng ở đây có nguồn gốc khác nhau. Loại đồng bằng phù sa mới chỉ kéo dài ven thung lũng sông, thường bị thu hẹp về phía biển bởi các thành tạo hỗn hợp sông biển, hay đơn giản là các thành tạo biển dưới dạng cồn cát, trảng cát rộng. Đất phù sa sông thường nghèo hơn phù sa châu thổ, hay bị ngập mặn do nước biển thâm nhập vào mùa khô (4). Đất đồng bằng ở đây thích hợp với các loại cây lương thực, cây công nghiệp, đặc biệt là mía, do vậy, Xứ Quảng từ lâu nổi tiếng là đất sản xuất các loại đường mía, như đường phổi, đường phên, đường phèn ...đem bán và trao đổi khắp các địa phương trong nước và với cả nước ngoài.

Sông Thu Bồn.
Sông Thu Bồn.
Cửa sông và bãi cát ven biển tạo thành một hệ sinh thái khá đặc biệt của Xứ Quảng. Bãi cát chạy dài trên 200 km cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt, tính ra cứ 20 km bờ biển lại có một cửa sông lớn nhỏ, nhất là hệ thống các sông Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam), sông Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu (Quảng Ngãi)... Các cửa sông nổi tiếng như cửa Hàn, Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ Lũy, Sa Huỳnh... Hệ sinh thái nước lợ này bao gồm vùng cửa sông, bãi triều, bãi bồi, các bãi sú vẹt ngập mặn, nơi giàu các nguồn thức ăn, nhất là các sinh vật phù du, nơi có chế độ nhiệt, muối, dinh dưỡng thích hợp. Đây là những bãi đẻ, bãi sinh trưởng của các loài thủy sản, như tôm, cua, các loại cá. Đây là hệ sinh thái góp phần quan trọng vào việc tái tạo tự nhiên, nguồn lợi thủy sản. Hiện tại, hệ sinh thái này đang bị suy giảm đáng kể do con người khai thác nó một cách tự phát, không có quy hoạch, nhất là việc đào ao nuôi tôm, làm giảm diện tích đáng kể của quá trình sinh sản và sinh trưởng của các loài tôm cá (5).

Hệ sinh thái này không chỉ tạo ra nguồn thủy sản phong phú ở dưới nước lợ, mà trên bờ biển còn tạo ra vùng đất cát hay cát pha, mà nếu con người biết cải tạo và sử dụng hợp lý thì sẽ mang lại nguồn lợi to lớn. Từ xa xưa, trên diện tích hàng mấy ngàn héc ta đất ven biển (riêng Quảng Ngãi đất ven biển là 1200 héc ta) người Việt, người Chăm đã tận dụng trồng các loại cây củ, đặc biệt là khoai lang và đây cũng là nguồn lương thực khá quan trọng của cư dân ven biển. Bột của các loại củ và đạm thủy sản đã trở thành cơ cấu dinh dưỡng bữa ăn truyền thống của cư dân ven biển, khác với bột gạo và đạm thực vật (đậu tương) là đặc trưng của cơ cấu bữa ăn của cư dân vùng núi và trung du.

Tuy hệ sinh thái rất đa dạng và phong phú, nhưng như nhận xét của GS. Lê Bá Thảo thì các hệ thống sinh thái ở đây rất mỏng manh (6), nó rất dễ bị phá vỡ bởi những biến đổi của môi trường, do tác động của con người, như rừng nhiệt đới bị phá, lũ lụt thường xuyên xẩy ra, biển xâm thực và ô nhiễm khiến tài nguyên biển bị cạn kiệt ...

Đất đai canh tác nông nghiệp hạn hẹp, nguồn nguyên liệu dồi dào, nên Xứ Quảng từ xa xưa đã phát triển các nghề thủ công cổ truyền, như khai thác và chế tác đá ở Non Nước (Quảng Nam), nghề trồng mía và sản xuất các loại đường, trồng bông, dâu, nuôi tằm dệt vải lụa, đan lưới đánh bắt cá, nghề mộc, đặc biệt là đóng ghe Bầu, một loại ghe thuyền nổi tiếng của cư dân ven biển có thể vượt ra khơi xa để đánh cá và buôn bán. Từ truyền thống phát triển thủ công và buôn bán của các Chúa Nguyễn Đàng Trong, thời cận và hiện đại do sự quảng bá của nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, người gốc Quảng Nam, các ngành nghề thủ công ở đây khá phát triển, từ nông thôn đã tập trung vào các đô thị, tiêu biểu là thành phố Đà Nẵng.

Hệ sinh thái đa dạng như trên đã khiến con người Xứ Quảng từ xa xưa đã biết khai thác đa dạng các nguồn tài nguyên thiên nhiên: Làm nông nghiệp, lâm nghiệp, đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản, phát triển các ngành nghề thủ công ...Đặc biệt, các hướng khai thác tài nguyên trên thường không tách biệt, mà con người biết kết hợp, đan xen nhau, tạo nên một truyền thống khai thác đa dạng, kết hợp nhiều nghề trong một cộng đồng dân cư, thậm chí trong một gia đình, trong đó trồng trọt và đánh bắt thủy sản là hướng khai thác và kết hợp chính. Truyền thống này đã hình thành từ thời nguyên thủy, thể hiện rõ rệt trong các di chỉ khảo cổ thời đá mới (7), (8).

Trong sự nối tiếp và phát triển văn hóa Xứ Quảng nhìn từ góc độ môi trường tự nhiên và phát triển kinh tế, chúng ta không thể không chú ý tới sự hình thành và phát triển của các trung tâm chính trị - kinh tế ở vùng này thời hiện đại, đó là trục Huế - Đà Nẵng - Dung Quất, với tính chất là những trung tâm du lịch, kinh tế, giao lưu quốc tế cả về đường không và đường biển... sẽ tạo những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển văn hóa thời công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở Xứ Quảng.

2. Với những hiểu biết hiện nay, các nhà khảo cổ học đã có thể nói tới những dấu hiệu đầu tiên của con người ở vùng đất này từ thời đá cũ, với di chỉ Gò Trá (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), tương đương với niên đại của văn hóa Núi Đọ (Thanh Hóa) hay Hang Gòn, Gia Tân (Đồng Nai) (9). Kế tiếp, một số di tích thuộc văn hóa Hòa Bình muộn, như Bầu Dũ (Quảng Nam ) (10). Tuy nhiên, phải tới hậu kỳ đá mới và sơ kỳ đồ đồng với các di tích văn hóa Sa Huỳnh (các lớp tiền Sa Huỳnh, trung kỳ và hậu Sa Huỳnh) thì dấu tích con người ở vùng này mới thực sự trở nên phổ biến. Chính cái tên văn hóa Sa Huỳnh, một địa danh ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi, nơi phát hiện các di tích văn hóa hậu kỳ đá mới-sơ kỳ kim khí, gần đồng thời với văn hóa Đông Sơn ở phía bắc và Đồng Nai ở phía nam, đã trở thành nổi tiếng, phân bố suốt từ Huế ở phía bắc tới cực nam Trung Bộ và mối quan hệ của nó vươn tới các vùng đảo ở Philippin, Inđônêxia... Các nhóm di tích khảo cổ mang tên Long Thạnh (thuộc sơ kỳ đồng thau), Bàu Trám, Bình Châu (thuộc trung kỳ đồng thau), Sa Huỳnh (thuộc sơ kỳ sắt)... đã quen thuộc không chỉ với các nhà chuyên môn mà còn với cả nhiều người dân địa phương nữa.

Giới nghiên cứu đã nói nhiều tới chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh là cư dân nói ngôn ngữ Nam Đảo, họ sinh sống ven biển nước ta vào thời kỳ kim khí sơ kỳ. Nguời ta cũng đã nói tới những người Nam Đảo sớm hơn, thuộc hậu kỳ đá mới ở ven biển phía bắc văn hóa Sa Huỳnh, như Hạ Long (Quảng Ninh), Hoa Lộc (Thanh Hóa), Bàu Tró (Quảng Bình). Và hình như có một dòng "chảy" của cư dân Nam Đảo này từ duyên hải đông nam Trung Quốc xuống suốt dọc ven biển nước ta suốt thời kỳ đá mới đến sơ kỳ kim khí, mà cái điểm tụ lại có lẽ là Sa Huỳnh, trước khi họ bước vào ngưỡng cửa của nhà nước và văn minh. Điều này cũng phù hợp với ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài khi bàn đến quê hương của người Nam Đảo ở duyên hải đông nam Trung Quốc và các cuộc thiên di của họ xuống Đông Nam Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á hải đảo (11).

Vào các thế kỷ trước, sau công nguyên, cũng như nhiều vùng khác của Đông Nam Á, cư dân Sa Huỳnh ở duyên hải Trung Trung Bộ đã tiếp thu khá sâu sắc những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ thông qua con đường buôn bán và Ấn Độ giáo. Tuy nhiên, sự tiếp thu văn hóa Ấn Độ của các bộ phận cư dân Sa Huỳnh cũng khác nhau. Các nhóm cư dân Sa Huỳnh nói ngôn ngữ Nam Đảo dọc biển Trung và Nam Trung Bộ bản địa hóa văn hóa Ấn Độ (hay như người ta thường nói là Ấn Độ hóa) thì trở thành người Chăm với nền văn minh Chăm Pa nổi tiếng; còn các nhóm Sa Huỳnh sinh sống ở rìa núi, vùng trung du bán sơn địa hay đã vượt lên Tây Nguyên, ít hay không chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ thì con cháu của họ sau này là người Êđê, Gia Rai, Raglai, Chu Ru. Nói tóm lại, người Chăm chính là người Sa Huỳnh bị Ấn Độ hóa, còn các tộc người còn lại nói ngôn ngữ Nam Đảo ở nước ta, như Êđê, Gia Rai, Raglai, Chu Ru thì chính là người Sa Huỳnh núi, không bị Ấn Độ hóa.

Vào khoảng thế kỷ II, người Chăm ở Trung và Nam Trung Bộ hình thành nên các vương quốc với những tên gọi khác nhau, như Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành..., trong đó có tiểu vương hùng mạnh nhất ở vùng Amaravati, tức Xứ Quảng ngày nay. Vương quốc này đã xây dựng nên khu thánh địa Mỹ Sơn từ thế kỷ IV đến XIII, kinh đô của vương quốc này ở Trà Kiệu (Sinhapura - kinh thành Sư tử). Kinh thành của Vương quốc này đã đạt tới sự cường thịnh với hệ thống đền tháp, bia ký, nơi trung tâm thờ Phật giáo Đại Thừa lớn nhất của Chăm Pa và cũng là trung tâm Phật giáo Đại Thừa quan trọng của Đông Nam Á thời đó.

Trên lưu vực sông Thu Bồn, ngoài Mỹ Sơn và Trà Kiệu, thì lui xuống phía hạ lưu còn có Lâm Ấp phố (Hội An ngày nay), Cửa Đại (Đại Chiêm hải khẩu), Cù Lao Chàm... tạo nên một trục liên kết trung tâm tôn giáo, chính trị, kinh tế, thương mại nội địa và quốc tế với Đông Nam Á, thế giới Ả Rập. Như vậy là trung tâm sớm và hùng mạnh, tiểu vương Chăm Pa đã hình thành và tồn tại gần 10 thế kỷ (thế kỷ IV-XIII) trên đất Xứ Quảng ngày nay. Các di vật khảo cổ học đã được phát hiện ở lưu vực sông Thu Bồn cho thấy đây cũng là vùng quần cư của người Chăm, có bề dầy lịch sử từ các thế kỷ trước công nguyên tới thời kỳ sau công nguyên (12).

Bên cạnh những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ thông qua quá trình Ấn Độ hóa các tiểu vương Chăm Pa , chúng ta cũng không thể không đề cập tới những ảnh hưởng của văn hóa Hán từ khá sớm đối với miền Trung nói chung và Xứ Quảng nói riêng. Trước khi người Chăm thành lập các tiểu vương ở miền Trung thì một phần vùng này đã bị nhà Hán đô hộ. Thế kỷ II, lợi dụng địa thế xa Trung Hoa, người Chăm Pa ở Tượng Lâm (có lẽ là vùng đất nằm giữa Hải Vân và Cù Mông, bao gồm toàn bộ Xứ Quảng hiện nay) đã nổi dậy đánh đuổi nhà Hán, thành lập nước Lâm Ấp, tiền thân của Chăm Pa. Trị sở của Lâm Ấp nằm trên đất Quảng Nam, trên bờ sông Thu Bồn (13). Sau này, quan hệ giữa Chăm Pa vẫn tiếp tục, thông qua thương mại, di dân từ Trung Quốc đến miền này vào các thời kỳ lịch sử khác nhau, hình thành nên các nhóm Minh Hương sau này. Mối quan hệ chính trị và văn hóa đó không chỉ thấy trên các di vật khảo cổ, các nhóm dân cư, mà còn phản ánh trong các huyền thoại, tiêu biểu là huyền thoại Pônưgar (Bà mẹ Xứ sở) của người Chăm đã từng trôi dạt vào Trung Hoa và lấy hoàng tử Trung Quốc.

Có lẽ những ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa tới vùng đất miền Trung và Xứ Quảng mạnh mẽ nhất kể từ sau những đợt di dân vào xứ này thời kỳ Minh và Thanh. Các nhóm Minh Hương đã di cư đến vùng này, mang theo văn hóa và trực tiếp truyền bá, trong đó tiêu biểu là người Hoa ở Hội An (Quảng Nam ), Thu Xà, Cổ Luỹ (Quảng Ngãi)... Riêng Hội An, với tính chất là cảng thị nổi tiếng nhất ở miền Trung thế kỷ XVII-XVIII không chỉ thu hút người Hoa mà còn cả người Nhật tới sinh sống và buôn bán, để lại không ít những ảnh hưởng văn hóa Nhật trên mảnh đất này (14).

Quá trình Nam tiến của người Việt bắt đầu từ thời Lý đã thực sự tác động tới quá trình lịch sử, bức tranh dân cư và quá trình văn hóa của miền Trung, trong đó có Xứ Quảng. Có lẽ đối với Trung Bộ và Nam Bộ, quá trình Nam tiến của người Việt cũng cần phân biệt giữa việc di dân khẩn hoang tìm đất sinh sống của người dân và sự hợp thức hóa của nhà nước về mặt lãnh thổ. Nói chung, ở đây quá trình di dân của nhân dân thường diễn ra trước khi có sự hợp thức về mặt lãnh thổ của nhà nước.

Năm 1403, Hồ Quý Ly sau khi đã thoả thuận với vua Chăm, giao nộp đất Chiêm Động và Cổ Luỹ, nay thuộc Quảng Nam và Quảng Ngãi cho Đại Việt. Nhà Hồ đã phân chia vùng đất này thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, cử các quan đến trông coi việc bình định và khai khẩn. Nhà Hồ cũng lệnh cho dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Thuận Hóa đem gia đình, vợ con vào khai khẩn, cấp trâu bò cho dân cày đi khai phá vùng đất mới. Sang thời Lê, vua Lê Nhân Tông đã sắp đặt lại nền hành chính trong các vùng kể trên và lập ra đạo Thừa Tuyên Quảng Nam , trong đó bao gồm cả Quảng Ngãi. Tới thời Minh Mệnh thứ 10, Quảng Ngãi mới tách ra thành một tỉnh riêng (15).

Việc di dân người Việt vào Xứ Quảng diễn ra nhiều đợt, bắt đầu từ thời Trần và kéo dài tới tận ngày nay. Nguyễn Xuân Hồng đã phân chia các đợt di dân của người Việt vào Quảng Nam thành các đợt : 1) Di dân theo Huyền Trân công chúa, 2) Di dân theo cuộc viễn chinh của Lê Thánh Tông, 3) Di dân cùng Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận, Quảng, 4) Di dân từ Quy Nhơn và miền Nam ra dưới thời Nguyễn Huệ và thời kỳ đầu vương triều Nguyễn, 5) Di dân từ miền Bắc vào thời kỳ 1954-1955, 6) Di dân từ Huế vào thời kỳ sau giải phóng miền Nam 1975 (16).

So với những người di dân vào Nam Bộ, phương thức di dân của người Việt vào miền Trung, trong đó có Xứ Quảng, có nhiều nét đặc thù. Thứ nhất, như trên đã nói, phần lớn cư dân này có gốc từ vùng Thanh Nghệ; thứ hai, họ thường di dân theo cộng đồng làng xã và dòng họ, do vậy, khi vào vùng đất mới ở Trung Bộ, trong quá trình khai hoang, lập ấp, họ vẫn duy trì được ở mức nào đó cộng đồng cũ nơi quê hương xứ sở, khác với những người di dân vào Nam Bộ thường theo quy mô gia đình nhỏ hay cá nhân. Do vậy, khi đặt tên thôn làng nơi đất mới, không ít trường hợp họ vẫn giữ tên làng cũ, vẫn thờ các vị thần và phong tục nghi lễ nơi chôn nhau cắt rốn.

Hệ quả của việc di dân của người Việt vào Xứ Quảng nói riêng và trung Trung Bộ nói chung là rất to lớn, sâu sắc và diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Trước nhất, cùng với quá trình Nam tiến của người Việt, vương quốc Chăm Pa ngày một thu hẹp dần về phía Nam và tới thế kỷ XVI thì vương triều cuối cùng ở vùng Ninh - Bình Thuận ngày nay cũng bị tan rã, chấm dứt 14 thế kỷ hình thành và tồn tại. Tuy nhiên, người Chăm hiện vẫn còn sinh sống ở cực nam Trung Bộ và Nam Bộ. Ngoài bộ phận hơn một triệu người Chăm đang sinh sống với tư cách một tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, thì không ít người Chăm đã hòa huyết với người Việt hay hòa đồng văn hóa với người Việt, góp phần không nhỏ về dòng máu và văn hóa để hình thành nên cộng đồng cư dân Việt ở miền Trung Trung Bộ hiện thời. Vấn đề hỗn chủng và đồng hóa văn hóa giữa người Việt và người Chăm ở Trung Trung Bộ là đề tài nghiên cứu lý thú, nhưng rất tiếc lại chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm đúng mức.

Di sản văn hóa của người Chăm để lại cả về phương diện vật thể và phi vật thể trên đất Xứ Quảng nói riêng và Trung Bộ nói chung thật là to lớn và phong phú. Các hiện vật như đền tháp, thành quách, bia ký, các phế tích khác trên mặt đất hay còn nằm trong lòng đất đã đủ chứng tỏ một nền văn minh rực rỡ của người Chăm suốt gần 1500 năm, mà người Pháp trước kia cũng như chúng ta ngày nay đang ra sức bảo tồn, khôi phục. Ngoài ra, các hiện tượng văn hóa phi vật thể, như tín ngưỡng, phong tục, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, tri thức dân gian... vẫn tàng ẩn trong tâm thức, trí nhớ của người dân, góp phần không nhỏ trong việc tạo nên các sắc thái văn hóa độc đáo của người Việt ở Xứ Quảng.

Như vậy là miền Trung Trung Bộ nói chung và Xứ Quảng nói riêng trải qua quá trình lịch sử lâu đời hàng mấy nghìn năm, cũng giống như vùng châu thổ Bắc Bộ và Nam Bộ bước vào thế giới văn minh, hình thành nhà nước, hình thành tộc người và tạo nên các truyền thống văn hóa rực rỡ. Nơi đây, đã diễn ra quá trình gặp gỡ và hòa đồng chủng tộc, hòa đồng văn hóa vô cùng sống động, trong đó văn hóa của người Sa Huỳnh - tiền Chăm là nền tảng, sau đó được làm phong phú hơn bởi những giao lưu, ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, Việt, Trung Hoa. Tất cả những gì gọi là bản sắc, sắc thái văn hóa độc đáo của vùng này đều xuất phát từ tính đa văn hóa, đa chủng tộc nói trên.

_______________
1, 3, 9. Quảng Ngãi, đất nước, con người, văn hóa, Sở VH-TT Quảng Ngãi, 2001, tr.23.
2, 4, 6. Lê Bá Thảo, Việt Nam, lãnh thổ và các vùng địa lý, Nxb Thế giới, H, 1998, tr.386.
5. Phạm Việt Tích, Đánh bắt và tái tạo tài nguyên thủy sản tỉnh Quảng Nam - “Khoa học và sáng tạo”, thông tin khoa học, số 1, 8/2000.
7. Viện Đông Nam Á, Biển và người Việt cổ, Nxb Văn hóa, H, 1998.
8. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Văn hóa dân gian các làng ven biển, Nxb Văn hóa dân tộc, H, 2000.
10. Trần Quốc Vượng, Đôi lời về văn hóa Quảng Nam, những giá trị văn hóa đặc trưng, trong sách Văn hóa Quảng Nam, những giá trị đặc trưng, Sở VH-TT Quảng Nam, 2001.
11. Heiner Geldern, Quê hương và những cuộc thiên di sớm nhất của người Nam Đảo, 1930, Bản dịch tiếng Đức, Viện Khảo cổ học.
12, 13, 19. Hoàng Anh Tuấn, Cù Lao Chàm và hoạt động thương mại ở Biển Đông thời vương quốc Chăm Pa, - “Quảng Nam ....”, 2001.
14. Nhiều tác giả, Đô thị cổ Hội An, Nxb KHXH, H, 1991.
15. Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb KHXH, H, 1970.
16. Nguyễn Xuân Hồng, Cư dân Quảng Nam: Những thông số dân tộc học, trong sách Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Sở VH-TT Quảng Nam, 2001
.

Nguồn: Tạp chí Văn hoá - Nghệ thuật số 05/05

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.
Sơn La: Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước
Ngày 2/4, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước". Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và cơ quan truyền thông địa phương.
Huế: Hội nghị về Nội tiết và Đái tháo đường năm 2025
Ngày 29/3, Hội Nội tiết và Đái tháo đường thành phố Huế phối hợp với Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam đã tổ chức hội nghị khoa học Cố đô mở rộng lần thứ 8 về bệnh nội tiết, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa năm 2025.

Tin mới

Thúc đẩy hoạt động đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN tại Việt Nam
Sáng ngày 29/4/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội thành phố Hải Phòng đồng chủ trì.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III đã tìm ra nhà vô địch
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, chiều ngày 27/5, tại Nhà thi đấu IEC Quảng Ngãi, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025 đã tổ chức bế mạc, trao 16 giải thưởng cho các đội đoạt giải. Đội CFF đến từ trường THPT Lê Trung Đình đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.
Khởi động Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 năm 2025
Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.
Khai mạc Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III
Ngày 26/4, tại Quảng Ngãi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi và Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai mạc và vòng loại Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025.
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.