Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 19/06/2014 17:21 (GMT+7)

Tiết lộ thú vị về các bộ sử lớn của Việt Nam

  Từ những bản biên niên thời Triệu

Từ trước đến nay nhiều người vẫn cho rằng nước ta có sử từ đời Trần (1225 - 1399) và Lê Văn Hưu là người vâng lệnh vua Trần Thái Tông (1225 - 1258) đầu tiên đứng ra biên soạn bộ  Đại Việt sử ký. Điều đó có nét đúng, nhưng chưa đầy đủ bởi trước  Đại Việt sử ký đã có những bản biên niên ghi chép những việc trọng yếu trong nước.

Từ đời Triệu Đà (207 - 137 TCN) đã có chức nội sử. Trong bức thư của Triệu Đà gửi Hán Văn Đế, có nói đến nội sử Phan, đó là một sử quan đời Triệu. Đến đời Lý (1010 - 1224) đã có những bộ sách về loại hiến chương như Ngọc điệp, Hình thư... chắc chắn đã có sử thần làm việc biên chép những sách ấy. Điều đáng buồn là do biến thiên của thời gian và tản mát sau những cơn binh lửa nên không còn biết rõ sử của nội sử Phan đời Triệu và Ngọc điệp, Hình thư của thời Lý ra sao.

Trước Lê Văn Hưu có ông Trần Tấn, được vua Trần Thái Tông dùng là Tả tàng rồi thăng lên chức Hàn trưởng, có làm Việt chí, nhưng thất truyền, nên cũng không rõ được nội dung. Trong  An Nam chí lược, Lê Tắc nói đến Trần Tấn trước rồi mới nói tới Lê Văn Hưu sau (hai sử thần ấy đều là người đồng thời với nhau, cùng sống dưới triều vua Trần Thái Tông). Cũng theo Lê Tắc, công việc của Trần Tấn là khởi đầu làm ra và Lê Văn Hưu là người sửa sang tu chỉnh. Như vậy, Trần Tấn là một sử thần đời Trần đã đứng ra làm  Việt chí.

Khi làm bộ  Đại Việt sử ký, sử thần Lê Văn Hưu, một đại thủ bút đời Trần, tìm nhặt tài liệu ở các sử cũ và trong mọi sách vở, biên thành 30 quyển. Trên kể từ đời Triệu Vũ Đế, dưới chép đến đời Lý Chiêu Hoàng (từ 207TCN - 1224 SCN).

An Nam chí lược

Lê Tắc soạn  An Nam chí lược sau khi phản bội nhà Trần sang hàng nhà Nguyên. Bộ sách  An Nam chí lược gồm 20 quyển, mỗi quyển trên dưới 10 tờ. Trong bài tựa của mình, Lê Tắc nói "... khoảng mười năm đã đi khắp nửa phần đất nước, nên đối với sông, núi, đất đai cũng biết rõ được đôi chút... nhân lúc rảnh, chắp nhặt thu thập lại, rồi lượm thêm quốc sử các đời, đồ kinh Giao Chỉ và điển cố ở đời nhất thống ngày nay làm thành bộ An Nam chí lược".

Đại Việt sử ký tục biên

Đại Việt sử ký tục biên do sử thần Phan Phu Tiên chép tiếp từ đời Trần Thái Tông đến lúc Lê Lợi quét sạch giặc Minh (tất cả những diễn biến trong thời gian 203 năm 1225 - 1428).

Đại Việt sử ký toàn thư

Bộ  Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên, người Chúc Ly, huyện Chương Đức, vâng mệnh vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) chép từ thời Hồng Bàng đến thập nhị sứ quân (loạn 12 sứ quân) gọi là ngoại kỷ, từ Đinh Tiên Hoàng (968 - 979) đến Lê Thái Tổ (1428 - 1433) gọi là bản kỷ.

Việt sử thông giám

Bộ  Việt sử thông giám do Vũ Quỳnh, người làng Mộ Trạch, Hải Dương vâng mệnh vua Lê Tương Dực (1509 - 1515) cũng theo như Đại Việt sử ký toàn thư chép từ thời Hồng Bàng đến 12 sứ quân là ngoại kỷ và từ Đinh Tiên Hoàng đến năm vua Lê Thái Tổ mới đại định là bản kỷ. Lại chép tiếp từ đó đến đời Thuỵ Khánh, niên hiệu vua Lê Uy Mục (1505 - 1508).

Đại Việt tổng luận

Bộ  Đại Việt tổng luận do Lê Tung, đỗ tiến sĩ đời Lê Hồng Đức (1470 - 1497), sử thần thời Lê Tương Dực (1509 - 1515) soạn. Đại Việt tổng luận tóm tắt việc làm của các vua chúa. Bắt đầu từ hai vua nhà Đinh đến 12 đời vua nhà Trần.

Vịnh sử thi tập

Đặng Khiêm, người đời Lê Chiêu Tông (1516 - 1521) vâng mệnh nhà vua làm ra.

Đại Việt sử ký toàn thư

Bộ sử này có 3 phần:

Phần 1 do Phạm Công Trứ soạn từ Lê Thái Tông (1434 - 1442) đến đời Lê Cung Hoàng (1522) gọi là Bản kỷ thực lục, tiếp từ đời Lê Trang Tông (1533 - 1548) đến đời Lê Thần Tông (1619 - 1642) gọi là bản kỷ tục biên.

Phần 2 do Lê Hy soạn tiếp từ đời Lê Huyền Tông (1663 - 1671) đến năm Nguyên Đức thứ 2 đời vua Lê Gia Tông (1672 - 1675) cũng gọi là bản kỷ tục biên.

Phần 3 do Ngô Thời Sĩ biên tập từ đời Lê Hy Tông (1676 - 1704) đến đời Lê Ý Tông (1736 - 1739), gọi là Quốc sử tục biên.

Việt sử tiêu án

Tác giả là Ngô Thời Sĩ, chép từ thời Hồng Bàng đến lúc quân Minh rút khỏi nước ta. Tác giả chọn từng việc nêu lên để bàn xét phân tích.

Lê Triều thông sử

Sử thần Lê Quý Đôn chép từ thời Lê Thái Tổ đến đời Lê Cung Hoàng (1248 - 1522). Lại chép tục biên từ đời Lê Trang Tông đến đời Lê Ý Tông (1533 - 1739).

Lịch triều hiến chương loại chí

Tác giả là Phan Huy Chú. Sách chia ra làm từng loại gồm: Bang giao, Hiến chương, Thư tịch, nhân vật chí, quan chức chí... xếp đặt có phương pháp, khảo cứu rất kỹ càng. Đây là một bộ sử ký rất có giá trị. Chính bộ  Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng lấy nhiều tài liệu trong bộ sách này.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục

Bộ sử này do Sử quán triều Nguyễn đứng ra biên soạn từ năm Tự Đức thứ 9 (1856) đến năm Kiến Phúc nguyên niên (1884) mới xong. Bộ sách chép từ thời Hồng Bàng đến 12 sứ quân, gọi là tiền biên; từ Đinh Tiên Hoàng đến đời Lê Mẫn Đế gọi là chính biên. Đứng biên tập và duyệt lại có các ông Phan Thanh Giản, Lê Bá Thận, Phạm Thận Duật và Vũ Như...

Việt sử tổng vịnh

Dực Tôn Anh Hoàng đế (vua Tự Đức) soạn. Trong đó chia ra làm 11 loại: Đế vương, hậu phi, tôn thần, hiền thần, trung nghĩa, văn thần, võ tướng, liệt nữ, tiếm nguỵ, gian thần, giai sự, bổ vinh... bắt đầu từ Hùng Vương đến cuối thời Lê Trung Hưng thì hết. Mỗi nhân vật hoặc mỗi đại sự có một tiểu truyện. Tác giả theo quan niệm chép sử của Kinh Xuân Thu, ngụ ý bao biến khuyến trừng bằng vịnh thơ ngợi khen hoặc mỉa mai hoặc rìu búa. Bài tự của tác giả viết ngày 5 tháng 6 năm Tự Đức thứ 27 (1874). Bài biểu của nội các xin đem in bộ Việt sử Tổng vịnh đề ngày 15 tháng giêng năm Tự Đức thứ 30 (1877).

Triều Nguyễn ngoài hai bộ  Khâm định Việt sử và  Việt sử Tổng vịnh còn có một số cuốn truyện ký cũng thuộc loại lịch sử như: Đại Nam thực lục, Đại Nam chính biên liệt truyện và Đại Nam liệt truyện tiền biên... Ngoài ra, còn có những cuốn sử bằng chữ Hán của những người về sau như  Việt sử Tân ước của tác giả Hoàng Đạo Thành,  Việt sử kính của tác giả Hoàng Cao Khải;  Trung học Việt sử toát yếu của tác giả Ngô Giáp Đậu... Những cuốn sử này là của những nhà sử học cận đại khi chép về các triều đại trước đều tham khảo tài liệu của các bộ sử trên.

Như vậy, chúng ta có 14 bộ sử lớn viết bằng chữ Hán, ngoài những cuốn thời cận hiện đại. Điều đáng tiếc là một số bộ sử đầu đều bị thất lạc không còn trọn vẹn.

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.