Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu: Làm việc gì tử tế thì đều có ích
TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu sinh năm 1958, tốt nghiệp chuyên ngành khảo cổ học năm 1980, trực tiếp gắn bó với nghề đến 2006, sau đó chuyển sang làm Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM).
Hiện chị còn là Phó tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM, tham gia giảng dạy ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM... Tuy nghiên cứu khoa học, chị vẫn dành thời gian viết lách “vì muốn thay đổi chút không khí để quay trở lại công việc tốt hơn”.
Các cuốn sách của chị đã xuất bản: Đi và tìm trong đất, Quay qua quay lại, Khảo cổ học bình dân Nam bộ - Việt Nam, Buổi trưa trong quán cà phê, Văn hóa khảo cổ huyện Cần Giờ (TP.HCM)...
TS Hậu chia sẻ: “Sau khi đất nước thống nhất, tại TP.HCM, khảo cổ học là một lĩnh vực khá mới mẻ, ít người lựa chọn. Vì thích, tôi đã học và gắn bó cho đến bây giờ. Tôi nghĩ sự sáng tạo phải luôn luôn hướng đến cuộc sống, góp phần giải quyết được các vấn đề thực tiễn, liên quan đến cộng đồng. Vì thế khoa học quay về với cuộc sống mới luôn tạo nên sức sống của nó”.
Dưới góc độ khảo cổ học, TS Hậu nhìn nhận đặc biệt của vùng đất Nam bộ nói chung và TP.HCM: “Vùng đất Nam bộ và vùng đất Sài Gòn - TP.HCM trước nay vẫn được hiểu như là một “vùng đất mới 300 năm” từ thế kỷ 17 với công lao khai phá, xây dựng của lưu dân người Việt và một số tộc người khác như người Hoa, Chăm, Khmer.
Tuy nhiên kết quả phát hiện và nghiên cứu về khảo cổ học đã cho thấy nơi đây từng có một nền văn minh rực rỡ từ những thế kỷ đầu Công nguyên, đó là văn minh Phù Nam mà cụ thể là nền văn hóa Óc Eo.
Trước đó, thời tiền sử là văn hóa khảo cổ Đồng Nai tương đương với văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc và văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung. Như vậy, lịch sử vùng đất Nam bộ cần được tính từ khi có con người sinh sống và tạo dựng nên những nền văn hóa cổ xưa, tức là khoảng từ 3.000 năm trước tới nay.
Ba má tôi là người miền Tây, năm 1954 tập kết ra Bắc và tôi được sinh ra, lớn lên ở Hà Nội. Cùng gia đình tôi trở về Sài Gòn từ năm 1975, học đại học, đi làm, lập gia đình… và có lẽ sẽ sống hết đời ở nơi này. Hà Nội là tuổi thơ của tôi còn Sài Gòn là nơi tôi trưởng thành. Nam bộ là quê hương của tôi.
Những phát hiện khảo cổ độc đáo và có ý nghĩa lớn ở vùng đất này khá nhiều, nhưng theo tôi quan trọng nhất vẫn là kết quả nghiên cứu về văn hóa Óc Eo, văn hóa Đồng Nai, mối liên hệ nguồn gốc của hai nền văn hóa khảo cổ này cũng như sự đa dạng, phong phú do mối liên hệ với các nền văn hóa cùng thời ở Đông Nam Á và xa hơn. Nó cho chúng ta hiểu hơn về đặc điểm lịch sử - văn hóa Nam bộ trong bối cảnh chung của lịch sử - văn hóa Việt Nam”.
Chia sẻ về khảo cổ học bình dân, TS Hậu nói: ““Khảo cổ học bình dân” là một phần của “khảo cổ học cộng đồng” - hiện đang trở thành một hướng phát triển mới của khảo cổ học trên thế giới: “Khảo cổ học cộng đồng (community archeology) là khái niệm chỉ cách thức để cộng đồng cùng tham gia làm khảo cổ và thu lợi từ việc giữ gìn những giá trị khảo cổ. Đây là một cách quan trọng để nâng cao ý thức người dân trong bảo tồn di sản văn hóa”.
Tuy nhiên, trước khi tham gia, hay là cùng với việc tham gia làm khảo cổ (nói rộng hơn là tham gia vào việc bảo tồn di sản văn hóa), cộng đồng cần được biết những kiến thức khoa học cơ bản về nơi mình sống.
Các nghiên cứu theo phương pháp “khảo cổ học bình dân” không chỉ gắn liền với khảo sát thực địa và điền dã, gặp gỡ người dân bình thường, mà các bài viết khoa học còn hướng đến mục tiêu phổ cập kiến thức trong xã hội, vì vậy cần dễ đọc đối với người có trình độ trung học, phù hợp để đăng trên báo chí và các phương tiện truyền thông, giúp quảng bá các kết quả nghiên cứu khoa học đến nhiều tầng lớp dân chúng, khơi gợi lòng yêu thích lịch sử và di sản văn hóa.
Tôi đi theo hướng này cũng từ việc giảng dạy về khảo cổ và văn hóa, nhận thấy nhu cầu của sinh viên và nhiều người muốn hiểu biết hơn về ngành khảo cổ học nói chung và văn hóa Nam bộ nói riêng.
Bản thân hoạt động khảo cổ đã mang tính cộng đồng dưới hình thức là sự phát hiện di tích của người dân, quá trình tham gia của nhân dân vào các cuộc khai quật khảo cổ, việc giới thiệu, giải thích về ý nghĩa, giá trị các di tích lịch sử văn hóa với người dân ở địa phương…
Gần đây Hội Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Viện Khảo cổ học đã tổ chức nhiều hội thảo, khóa tập huấn về lĩnh vực này. Việc các cơ quan truyền thông ngày càng quan tâm và đưa tin nhiều hơn về những phát hiện khảo cổ, đưa ra vấn đề bảo tồn, bảo vệ di tích khảo cổ… cũng là một hoạt động của khảo cổ học cộng đồng nhằm cho người dân nói chung (bao gồm cả các cơ quan chức năng) được tiếp cận nhiều thông tin khoa học và qua đó có thể thể hiện ý kiến của mình”.
Giáo sư Vũ Đức Vượng (đang định cư tại Mỹ) từng nói rằng khảo cổ học là phương tiện hữu hiệu và trung thực nhất để người Việt ở thế kỷ 21 tìm hiểu về nguồn gốc của mình. Đưa ra quan điểm về ý kiến này, TS Hậu bày tỏ: “Tôi đồng ý với ý kiến này, tất nhiên, muốn vậy khảo cổ học phải được đối xử và phát triển đúng như khoa học lịch sử với đầy đủ sự khách quan, trung thực và công bằng với tất cả những gì nó phát hiện và nghiên cứu”.
Với các bạn trẻ, TS Hậu cho rằng hãy tận dụng mọi điều kiện, mọi cơ hội để tạo cho mình một nền kiến thức lịch sử - văn hóa rộng và vững chắc, từ đó mới có thể đi sâu vào lĩnh vực chuyên môn của mình. Và hãy làm những gì mà các bạn thấy đúng và cần thiết, đừng so đo chuyện đó lớn hay nhỏ vì bất cứ mình làm việc gì tử tế thì đều có ích.