Thuốc điều trị tăng huyết áp
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì trị số huyết áp tối ưu là 120/80mmHg, trong đó số trên 120 là huyết áp tâm thu, còn số dưới 80 là huyết áp tâm trương. Người bị tăng huyết áp thì trị số huyết áp tâm thu trên huyết áp tâm trương cao hơn 140/90mmHg. Việc sử dụng thuốc để điều trị tăng huyết áp nhằm mục đích đưa trị số huyết áp về dưới 130/85mmHg đối với người ở tuổi trung niên hoặc mắc bệnh đái tháo đường hay là dưới 140/90mmHg đối với người từ 60 tuổi trở lên.
Tùy theo huyết áp đo được, người ta chia tăng huyết áp làm 3 mức độ khác nhau: nhẹ, vừa và cao. Ở giới hạn tăng nhẹ và vừa người ta khuyên nên áp dụng biện pháp luyện tập thể dục, chế độ ăn giảm cân, hạn chế chất béo động vật, giảm muối, bỏ thuốc lá, thư giãn. Nếu huyết áp tâm trương trên 90mmHg thì cần điều trị bằng thuốc, căn cứ này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giảm các tần suất đột quỵ, tai biến mạch máu não, suy tim, phì đại thất trái.
Hiện nay thuốc tăng huyết áp có nhiều loại, chia làm nhiều nhóm khác nhau, tùy theo cơ chế tác dụng của thuốc:
Nhóm thuốc lợi tiểu
Có 3 loại:
Thiazid: Là một trong những thuốc điều trị tăng huyết áp với cơ chế làm giảm thể tích tuần hoàn. Phối hợp với các thuốc ức chế men chuyển, chẹn bêta, chẹn anpha... có tác dụng tốt hơn so với dùng đơn độc. Không dùng thuốc này cho người suy gan, thận và mẫn cảm với thành phần của thuốc. Tác dụng phụ của thuốc là tăng đào thải natri và clorua, giảm thể tích huyết tương, giảm cung lượng tim và dòng máu thận. Đào thải kali tăng lên nhưng lại giảm đào thải canxi và axit uric làm tăng cholesterol toàn phần. Thận trọng với người rối loạn chức năng tim, đái tháo đường, rối loạn lipid, và bệnh gút. Tác dụng phụ còn có thể buồn nôn, đau đầu, tiêu chảy, suy giảm khả năng tình dục...
Thuốc tác dụng lên quai Henlé như bumetamid, furosemid,... ức chế tái hấp thụ natri và clorua ở cuối ống thận và quai Henlé, được dùng cho người giảm chức năng thận, suy tim, hỗ trợ các thuốc duy trì thể tích. Không dùng cho người bệnh não, bệnh gan, mất nước, mất máu, suy thận, tắc đường niệu. Tác dụng phụ là độc tính với tai tăng nếu phối hợp với aminoglycosid, với người suy thận, mất canxi, kali, thuốc có thể gây buồn nôn, ù tai, tiêu chảy, đau đầu, nhìn mờ.
Thuốc lợi tiểu giữ kali: Như amilorid, spironolactam... ngăn ngừa đào thải kali do các thiazid và lợi tiểu quai, do ức chế cạnh tranh với aldosteron dùng trong điều trị aldosteron tiên phát, suy tim, xơ gan cổ trướng. Không dùng cho người suy thận, suy gan, người mang thai, cho con bú. Thuốc có thể gây buồn nôn, buồn ngủ, tăng kali máu, vú to ở nam giới.
![]() |
Kiểm tra huyết áp tư thế đứng. |
Nhóm thuốc chẹn thụ thể anpha:Gồm có prazosin, alfuzosin, terrazosin, phentolamin. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế việc giải phóng noradrenalin, là chất sinh học làm tăng huyết áp tại đầu dây thần kinh, do đó làm hạ huyết áp.
Thuốc được sử dụng cho bệnh nhân tăng huyết áp đồng thời bị phì đại tuyến tiền liệt.
Nhược điểm của thuốc nhóm này là có tác dụng phụ gây hạ huyết áp thể đứng, đặc biệt khi dùng liều điều trị đầu tiên.
Nhóm thuốc chẹn thụ thể bêta:Gồm có propanolon, pindolol, nadolol, timolol, atenolol, metoprolol, labetolol, acebutolol... Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế thụ thể bêta giao cảm ở tim, mạch ngoại vi, sẽ làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp. Thuốc được sử dụng cho bệnh nhân tăng huyết áp kèm thêm đau thắt ngực hoặc đau nửa đầu, cho bệnh nhân tăng huyết áp sau nhồi máu cơ tim, ít dùng để khởi trị ở người già, hợp với bệnh nhân đang trong tình trạng tăng động cường giao cảm, không dùng dài ngày nếu HDL-cholesterol thấp mà tăng triglycerid. Thuốc được chống chỉ định cho bệnh nhân hen suyễn, suy tim, nhịp đập chậm.
Nhóm thuốc ức chế men chuyển (ACE):Gồm có captopril, enalapril, benazepril, lisinopril, perindopril, quinapril, trandopril... với cơ chế ngăn sự chuyển hóa angiotensin I thành angiotensin II, làm giảm sản sinh aldosteron, tăng thải trừ natri và nước, tăng renin và kali hóa.
Thuốc được lựa chọn dùng cho người suy tim, tiểu đường, lipid máu, bệnh lý mạch ngoại vi, tăng tưới máu và sức lọc cầu thận và thay đổi dung lượng tim. Thuốc ít làm thay đổi nồng độ insulin huyết và đường máu. Không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú, tiền sử phù mạch và dị ứng thuốc.
Thuốc có nhiều tác dụng phụ, gây ho tới 30% người dùng, rất khó chịu. Gây phù mạch mặt, đầu chi, môi, lưỡi, thanh quản. Ngoài ra có thể gây chóng mặt, có thể ngất khi dùng liều đầu tiên. Cũng có thể suy thận cấp ở người hẹp động mạch thận, giảm bạch cầu, rối loạn vị giác, protein niệu.
Nhóm thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II:Gồm có thuốc losartan, irbesartan, candesartan, valsartan... Cơ chế tác dụng của thuốc có ưu điểm là không trực tiếp ức chế men chuyển ACE mà thay vì ức chế men này (vì sinh tác dụng phụ ho khan) mà chỉ ngăn cản không cho angiotensin II gắn vào thụ thể của nó nằm ở mạch máu, tim, thận để không tăng được huyết áp mà làm hạ huyết áp.
Thuốc có tác dụng tương đương về hạ huyết áp và đưa về huyết áp bình thường, với các thuốc thuộc nhóm đối kháng canxi, nhóm chẹn bêta, nhóm ức chế men chuyển. Đặc biệt là nhóm này, tác dụng hạ tốt huyết áp khi phối hợp với thuốc nhóm lợi tiểu thiazid và không gây ho khan như nhóm thuốc ức chế men chuyển hay gây phù như thuốc nhóm đối kháng canxi. Thuốc này cũng có thể gây chóng mặt, tiêu chảy, nhưng rất hiếm. Không dùng cho phụ nữ có thai hoặc bị dị ứng với thuốc.
Việc dùng thuốc tăng huyết áp rất phức tạp, vì vậy muốn điều trị tốt nhất là phải đi khám bệnh để có điều kiện đo huyết áp theo dõi chính xác, làm các xét nghiệm cần thiết, để chọn lựa, chỉ định thuốc chính xác, hướng dẫn sử dụng đúng bệnh, đúng thuốc vì không ai nắm được bệnh trạng của bệnh nhân, tính năng của thuốc, cách dùng của thuốc bằng bác sĩ.
Tuyệt đối không tùy tiện sử dụng thuốc hạ huyết áp không qua thăm khám và ý kiến của bác sĩ.
Nguồn: Sức khoẻ & Đời sống, 8/12/2007, tr 14