Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 26/05/2008 15:04 (GMT+7)

Thực trạng động vật thuỷ sinh (ĐVTS) lạ xâm nhập các thuỷ vực Việt Nam và ảnh hưởng của chúng

Nhận thức được tầm quan trọng của điều này, Bộ Thuỷ sản đã giao cho Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản thực hiện đề tài nghiên cứu : Thực trạng động vật thuỷ sinh lạ xâm nhập thuỷ vực Việt Nam và các giải pháp quản lý. Ðề tài được thực hiện trong 2 năm 2004 2005. Chúng tôi xin trích đăng kết quả nghiên cứu về hiện trạng các loài động vật thuỷ sinh lạ xâm nhập ở Việt Nam và đánh giá tác động của chúng lên đa dạng sinh học ở nước ta và đối với nghề nuôi trồng thuỷ sản truyền thống. Bạn đọc có thể liên hệ với tác giả để tham khảo nội dung phần đánh giá hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý và phòng ngừa các ÐVTS lạ xâm nhập ở Việt Nam .

I. Mục tiêu của đề tài

- Kiểm kê các loài động vật thuỷ sinh đã được nhập nội từ một số nước trên thế giới về Việt Nam . Những loài động vật thuỷ sinh lạ dùng làm cảnh không được đề tài nghiên cứu, trừ các loài đã bị vô tình phát tán ra môi trường tự nhiên. Do khuôn khổ định trước, đề tài không đề cập đến việc di giống các đối tượng ÐVTS giữa các địa phương trong nước.

- Ðánh giá tác động của các loài động vật thuỷ sinh lạ đã nhập đến nghề nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) truyền thống và đa dạng sinh học ở Việt Nam .

(- Ðề xuất các giải pháp quản lý các loài động vật thuỷ sinh lạ ở Việt Nam ).

II. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành theo hai phương pháp :

- Nghiên cứu thực địa : Thu thập mẫu vật các loài động vật thuỷ sinh xâm nhập tại thực địa, tiến hành phân loại và đánh giá tác động của chúng tại chỗ.

- Phát phiếu điều tra gửi đến các tỉnh để thu thập thông tin đánh giá về hiểu biết của các tác nhân khác nhau (cán bộ quản lý, nghiên cứu, ngư dân, người nuôi trồng thuỷ sản, người buôn bán sản phẩm thuỷ sản) đối với tác động của các loài động vật thuỷ sinh lạ và vấn đề quản lý việc du nhập chúng.

III. Kết quả nghiên cứu

III.1. Hiện trạng các loài động vật thuỷ sinh lạ xâm nhập và tình hình phân bố của chúng ở Việt Nam

Qua điều tra thực tế tại 6 vùng nông nghiệp, kết hợp với nghiên cứu hồ sơ nhập nội giống thuỷ sản các năm trước hiện lưu trữ tại Bộ Thủy sản, đã thấy khoảng hơn một nửa thế kỷ qua, chúng ta đã nhập khoảng 40 loài động vật thuỷ sinh lạ (ÐVTSL) với các mục đích khác nhau như sản xuất thực phẩm (32 loài), làm cảnh bị thoát ra sống ở tự nhiên (6 loài) và 3 loài với mục đích khác. Các loài động vật thuỷ sinh lạ nhập nội vào Việt Nam đáng quan tâm nhất là tôm Chân trắng, ốc Bươu vàng, cá Mrigan, cá Trắm cỏ, cá Mè trắng Trung Quốc, cá Rôhu, cá Trê phi, cá Chim trắng nước ngọt bụng đỏ, cá Rô phi đen, cá Rô phi vằn...

Ðại đa số các ÐVTS lạ đã thống kê được thuộc nhóm sống ở thuỷ vực nước ngọt. Có 3 loài thuộc nước biển là : áctêmia, tôm Chân trắng và cá Ðù Mỹ. Hầu hết các ÐVTS lạ là cá. Thuộc động vật không xương sống có 4 loài, lưỡng cư 1 loài, bò sát 1 loài và thú 1 loài. Hiện nay, Nhà nước đã cấm nuôi 3 loài vì tác hại của chúng đối với môi trường là chuột Hải ly, ốc Bươu vàng, cá Hổ (Pygocentrus nattereri). Các loài ÐVTS lạ đã nhập nhưng do nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu là do không thích nghi được, nay đã không gặp hoặc rất ít gặp ở Việt Nam là cá Tầm Trung Hoa, cá Học, cá Vược Mỹ miệng bé, cá Nheo Âu, cá Chình Âu.

Các loài ÐVTSL nhập nội có mặt nhiều nhất tại vùng đồng bằng Bắc bộ (34 loài), tiếp theo là đồng bằng Nam bộ (26 loài), vùng núi trung du Bắc bộ (16 loài) và vùng Ðông Nam Bộ (16 loài). Các viện nghiên cứu về nuôi trồng thuỷ sản, các trường và các trung tâm khuyến ngư có vai trò quan trọng trong việc phát tán các loài ÐVTS lạ nhập nội ở Việt Nam

III.2. Ðánh giá tác động của việc nhập nội các loài ÐVTS lạ lên nghề nuôi cá truyền thống ở Việt Nam

Nghề nuôi cá truyền thống ở Việt Nam tuy đã xuất hiện từ lâu đời nhưng năng suất thấp, không đáp ứng đủ yêu cầu cung cấp thực phẩm cho nhân dân. Nghề nuôi cá hiện nay, với tiến bộ kỹ thuật về công nghệ như sản xuất giống nhân tạo, thức ăn công nghiệp, thuốc trị bệnh, công nghệ xử lý chất lượng nước cho ao hồ nuôi cá... đã đạt năng suất cao hơn nhiều lần. Trong quá trình tiến bộ đó, một số loài cá nuôi truyền thống cũng được thay bằng các loài nhập nội như cá Mè trắng Trung Hoa thay cho cá Mè trắng Việt Nam, cá Rô hu và Mrigan thay cho cá Trôi Việt. Một số loài mới hình thành từ việc lai giữa loài bản địa và loài nhập nội cũng xuất hiện, như con lai giữa cá Trê phi với các loài cá Trê địa phương và cá Chép nhập nội với cá Chép trắng địa phương.

III.3. Ðánh giá tác động của các loài ÐVTS lạ nhập nội lên đa dạng sinh học ở nước ở Việt Nam

Ðã tiến hành khảo nghiệm đánh giá sâu tác động của 6 loài đáng quan tâm nhất là tôm Chân trắng, cá Rô phi, cá Chép, cá Tỳ bà, cá Chim trắng bụng đỏ nước ngọt và rùa Tai đỏ. Kết quả sẽ được trình bày ở phần sau.

Ðối với các loài còn lại, đã đánh giá sơ bộ (chủ yếu với 13 loài nhập nội để nuôi) về các tác động như phá hoại nơi cư trú, phá huỷ chuỗi thức ăn của quần xã sinh vật bản địa, cạnh tranh nơi cư trú, suy thoái di truyền do tạp giao và mang theo ký sinh trùng, mầm bệnh mới. Kết quả đánh giá được xếp theo loại Tốt, Xấu hoặc Chưa xác định.

Các loài được đánh giá là Tốt bao gồm áctêmia (nhập nuôi làm thức ăn nuôi tôm, cá giống), cá Mè hoa (ăn động vật phù du, cho đẻ nhân tạo dễ dàng, là đối tượng nuôi phù hợp tại hồ chứa lớn), cá Trắm cỏ, cá Mùi và cá Tai tượng (2 loài sau là cá nhập nuôi gốc Mã Lai từ lâu đã địa phương hoá). Các loài được đánh giá là Xấu gồm có cá Trê phi, cá Mè trắng Trung Quốc. Các loài Chưa xác định được tác động gồm cá ăn bọ gậy, cá Cátla, cá Ðù Mỹ, cá Mrigan, cá Rô hu, ếch bò.

III.4. Ðánh giá và sắp xếp các loài ÐVTS lạ nhập nội ở Việt Nam vào các danh mục Ðen, Xám, Trắng

Ðể có biện pháp quản lý các loài ÐVTS nhập nội, người ta đã đề xuất việc đánh giá và sắp xếp chúng vào các danh mục Trắng, Xám, Ðen theo tiêu chí sau :

Trắng: Là loài ÐVTS được nhập nội đã qua kiểm tra, khảo nghiệm và đưa ra nuôi ở diện rộng với thời gian tương đối dài nhưng chưa phát hiện chúng có khả năng xâm lấn các loài bản địa, hầu như không có ảnh hưởng gì, có thể đưa vào nuôi.

Xám: là loài ÐVTS lạ được nhập nội nhưng chưa rõ nguy cơ hoặc có ý kiến khác nhau giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và với người nuôi, cần nghiên cứu, đánh giá rủi ro và do đó chưa xác định được là có hại.

Ðen: là loài ÐVTS lạ được nhập nội xâm hại các loài bản địa, loài này cần có các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ để huỷ bỏ, tiêu diệt, đồng thời áp dụng biện pháp phòng ngừa là cấm nhập.

Từ kết quả nghiên cứu, đề tài đã đề xuất sắp xếp như sau :

- Các loài thuộc danh mục Trắng : áctêmia, cá Tầm Trung Quốc, cá Mè hoa, cá Trắm cỏ, cá Chình Âu, cá Chình Nhật, cá Học, cá Mùi, cá Tai tượng.

- Các loài thuộc danh mục Xám : tôm Càng đỏ, tôm Chân trắng, cá Diếc lưng gù, cá Cátla, cá Mrigan, cá Chép các dòng, cá Mè trắng Trung Hoa, cá Trâu, cá Rôhu, cá Masia, cá Trê phi, cá Chim trắng bụng đỏ nước ngọt, cá Chim trắng toàn thân, cá Bạc, cá ăn bọ gậy muỗi, cá Song nước ngọt Úc, cá Rô phi đen, cá Rô phi đỏ, cá Ðù Mỹ, cá Quế, ếch bò (Cu ba), cá Vược Mỹ miệng bé, cá Vược Mỹ miệng rộng, cá Rô phi xanh, cá Rô phi vằn.

- Các loài thuộc danh mục Ðen : ốc Bươu vàng, cá Tỳ bà, cá Nheo Âu, cá Hổ, rùa Tai đỏ, cá Sấu Cu ba, Chuột Hải ly

III.5. Kết quả nghiên cứu đánh giá sâu tác động của 6 loài đáng quan tâm nhất :

Ðề tài đã chọn ra 6 loài (hoặc các loài cùng giống) để khảo nghiệm tác động của chúng đối với đa dạng sinh học ở nước và đối với nghề nuôi thuỷ sản truyền thống. Các loài đó gồm: Cá Rô phi, cá Chép các dòng, cá Chim trắng và bụng đỏ nước ngọt , cá Tỳ bà, tôm Chân trắng và rùa Tai đỏ để khảo nghiệm. Các loài này nằm trong số 100 loài mà IUCN khuyến cáo cấm nhập, đồng thời đây là những đối tượng còn có những ý kiến tranh luận trái ngược nhau giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và các hộ nuôi thuỷ sản nghi vấn là có hại đối với nghề nuôi truyền thống và đa dạng sinh học.

III.5.1. Cá Rô phi

Cá Rô phi được du nhập vào nước ta có rất nhiều dòng và thời gian du nhập khác nhau. Mỗi dòng cá có những ưu điểm khác nhau, tuy nhiên việc quản lý lưu giữ giống thuần của các dòng cá khác nhau đã không được quan tâm đúng mức. Việc tạp giao giữa cá Rô phi đen (O.mossambicus) và cá Rô phi vằn (O.niloticus) đã dẫn đến suy thoái chất lượng giống nghiêm trọng. Từ năm 1993 đến 1997, thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học và các chương trình hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu NTTS I đã nhập một số giống cá Rô phi vằn có chất lượng cao như cá Rô phi vằn dòng Thái Lan, cá Rô phi vằn dòng GIFT thế hệ thứ 5 từ Philippin, cá rô phi vằn dòng Swansea và cá Rô phi hồng.

Việc du nhập cá Rô phi vào NTTS ở nước ta không chỉ mang lợi ích kinh tế thông qua việc tăng năng suất, sản lượng mà còn góp phần làm trong sạch môi trường sinh thái. Qua nghiên cứu cho thấy, cá Rô phi được nuôi trong các chu trình khép kín, nuôi trong hệ thống VAC, nuôi xen canh tôm cá ở các đầm nước lợ và đặc biệt cá Rô phi có thể sử dụng như một thiên địch trong hệ thống canh tác lúa cá tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng thuốc trừ sâu và các hoá chát nông nghiệp.

Hiện chưa có tài liệu nào công bố nguy cơ lan truyền một số dịch bệnh hay ký sinh trùng có thể xảy ra khi du nhập cá Rô phi vào nước ta. Một số bệnh phát hiện trên cá Rô phi cũng là những bệnh phổ biến ở cá nước ngọt như bệnh xuất huyết, bệnh viêm ruột, bệnh trùng bánh xe, bệnh trùng quả dưa, bệnh sán lá đơn chủ, bệnh rận cá, bệnh nấm thuỷ mi, nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh ở cá Rô phi thấp hơn các loài cá nước ngọt khác.

III.5.2. Cá Chép

Các dòng cá Chép được du nhập gần đây đã mang lại lợi ích không nhỏ trong việc nâng cao năng suất, sản lượng cá nuôi, góp phần làm trong sạch môi trường nước nơi chúng sinh sống. Bên cạnh đó, việc du nhập cá Chép vào nước ta cũng mang theo một số mầm bệnh như bệnh ký sinh trùng và bệnh bào tử trùng ở cá Chép. Các mầm bệnh này có nguy cơ lây lan cao sang các đối tượng cùng nuôi hoặc cùng sống trong thuỷ vực đó.

Các dòng cá Chép lai đã mang lại hiệu quả lợi ích kinh tế, năng suất sản lượng tăng hơn và hiện đang được nhân rộng nuôi phổ biến ở các tỉnh thành. Hiện nay, cá Chép trắng bản địa ít gặp ngoài tự nhiên.

III.5.3. Cá Chim trắng bụng đỏ nước ngọt

Cá Chim trắng là loài cá ăn tạp, do đó, môi trường tại các khu vực nuôi chúng được làm sạch hơn. Ngoài ra, nuôi cá Chim trắng trong ruộng lúa cũng là một biện pháp phòng trị bệnh tổng hợp cho lúa,giảm thiểu dịch bệnh và hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu gây độc hại cho người và thực phẩm. Kết quả kiểm tra bệnh cá chưa phát hiện được mầm bệnh lạ, do vậy khả năng lan truyền dịch bệnh có nguồn gốc từ nơi xuất xứ cho các loài cá bản địa ít khi xảy ra.

Qua nghiên cứu cho thấy cá Chim trắng không có khả năng lai tạp với các loài cá bản địa nhưng có tác động đến một số loài cá bản địa như cá Chép, Rô hu, Trắm cỏ, Mrigan khi nuôi trong cùng ao, tuy nhiên tác động này không lớn. Vì vậy, tác động của cá Chim trắng đến bảo tồn quỹ gen và nghề nuôi cá truyền thống là không đáng kể.

III.5.4. Tôm Chân trắng

Trải qua thời gian thử nghiệm và nuôi thương phẩm hiện nay cho thấy việc nuôi tôm Chân trắng không ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái và môi trường sống vùng nuôi. Những bệnh thường gặp ở tôm Chân trắng chủ yếu là IHHNV, BP, REO, hội chứng Taura và đặc biệt là bệnh đốm trắng. Quá trình nuôi thương phẩm tôm Chân trắng chủ yếu qua hình thức bán thâm canh và thâm canh, nguồn dinh dưỡng cho tôm chủ yếu do người cung cấp, do đó ít có sự tác động đến quan hệ dinh dưỡng của quần xã sinh vật ngoài tự nhiên.

III.5.5. Cá Tỳ bà

Cá Tỳ bà là loài ăn tạp, thức ăn chủ yếu là dạng chất thải nên không gây ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn của quần đàn cá địa phương. Qua nghiên cứu thấy, trong tất cả các loài hình thuỷ vực có cá Tỳ bà phân bố chưa nhận được sự xáo trộn về các quần đàn cá, nhưng khi số lượng phân bố lớn có thể ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước tại khu vực đó. Sản lượng cá Tỳ bà tự nhiên hay nuôi là nguồn thực phẩm có thể sử dụng làm thức ăn cho người, gia súc và cá nuôi.

III.5.6. Rùa Tai đỏ

Rùa Tai đỏ là loài ăn tạp, thức ăn của chúng thay đổi theo lứa tuổi. Khi nhỏ chúng ăn thịt, lớn hơn chúng ăn thực vật. Ðến khi trưởng thành chúng ăn tạp bất kể động vật hay thực vật. Qua nghiên cứu đã nhận thấy, rùa Tai đỏ có tác hại với các loài thuỷ sinh và rùa bản địa. Khi thoát ra ngoài thủy vực tự nhiên chúng có thể sinh sôi và phát triển tại các thuỷ vực đó, dẫn đến hiện tượng cạnh tranh quyết liệt với loài rùa bản địa và gây tổn hại đến hệ sinh thái thuỷ vực.

IV. Kết luận

IV.1.Trong khoảng hơn một nửa thế kỷ qua, số lượng các loài ÐVTS lạ đã thâm nhập và hiện đang có mặt ở các vựa nước tự nhiên đã khảo sát là 41 loài, phân bố như sau: Vùng núi trung du Bắc Bộ 16 loài; Ðồng bằng Bắc Bộ 34 loài; Bắc Trung Bộ 12 loài; Nam Trung Bộ 13 loài; Tây Nguyên 10 loài; Ðông Nam Bộ 16 loài; Ðồng bằng Nam Bộ 26 loài. Trong số đó gặp phổ biến khoảng 10 loài.

IV.2.Qua kết quả đánh giá sơ bộ 13 loài là áctêmia, cá Mè hoa, cá Mùi, cá Trắm cỏ, cá Tai tượng, cá Trê phi, cá Mè trắng Trung Quốc, cá ăn bọ gậy, cá Cátla, cá Ðù Mỹ, cá Mrigan, cá Rô hu và ếch bò ở phần trên cho thấy việc nhập nội một số ÐVTS lạ vào nuôi ở Việt Nam đã làm suy thoái ÐDSH ở nước. Thực tế đã xuất hiện vài loài gây hại lớn nên cần có biện pháp hạn chế ngăn cấm việc nuôi tiến tới tiêu diệt chúng. Cần khuyến khích thuần hoá nuôi các loài địa phương và quản lý chặt chẽ các loài nhập nuôi tại các cơ sở nuôi. Không nên thả loài nhập nội chưa nghiên cứu kỹ đặc tính sinh vật học, các tác động đến ÐDSH và nghề nuôi trồng truyền thống ra nuôi trong các mặt nước lớn (vực nước tự nhiên).

IV.3.Kết quả khảo nghiệm 6 đối tượng được chọn cho thấy, nhìn chung việc du nhập 6 loài này đều mang lại lợi ích kinh tế, trải qua thời gian thử nghiệm và nuôi các loài này cho thấy chúng chủ yếu là loài ăn tạp, việc nuôi các loài này cũng góp phần làm trong sạch môi trường sống vùng nuôi. Tuy nhiên, việc du nhập cá Chép và tôm Chân trắng vào nước ta cũng mang theo một số mầm bệnh có nguy cơ lây lan sang các đối tượng cùng nuôi khác.

IV.4.Việc nhập nội các loài ÐVTS lạ trong thời gian qua đã có biểu hiện gây ra một số ảnh hưởng bất lợi đối với đa dạng sinh học trong các thuỷ vực. Một số loài bản địa trở nên khan hiếm do khả năng cạnh tranh thức ăn và nơi ở kém hơn các loài nhập nội như cá mè trắng Việt Nam, cá trôi Việt, cá chép Việt Một số loài bản địa, chẳng hạn cá trê đã có biểu hiện bị lai tạp.


Nguồn: Thông tin KHCN & Kinh tế thủy sản, 3/2007

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.