Thực hiện cơ chế phát triển sạch ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức
1. Cơ chế phát triển sạch và tình hình thực hiện trên thế giới
Nghị định thư Kyoto được ký kết trong khuôn khổ Công ước khung biến đổi khí hậu (tên viết tắt tiếng Anh là UNFCCC) tại Hội nghị lần thứ 3-Kyoto-Nhật Bản tháng 12 năm 1997. Đây là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng đầu tiên ghi nhận nỗ lực chung của các quốc gia trong việc hạn chế phát thải khí nhà kính toàn cầu bằng các cam kết ràng buộc cụ thể của từng quốc gia thành viên. Cơ chế phát triển sạch ra đời trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí thấp nhất, nhưng vẫn tăng cường hiệu quả cải thiện môi trường. Để đạt được điều này Nghị định thư Kyoto đã đưa ra 3 cơ chế linh hoạt, gồm: mua bán quyền phát thải quốc tế (IET), đồng thực hiện (JI) và cơ chế phát triển sạch (CDM). Trong đó, cơ chế IET cho phép các nước phát triển “mua” lại chứng chỉ giảm phát thải từ các nước khác; cơ chế JI là sự phối hợp thực hiện các dự án hợp tác về khí hậu giữa các nước phát triển với nhau.
CDM (Clean Development Mechanism) được hiểu như là một thị trường hạn ngạch cacbon (các loại khí thải khác đều được quy ra cacbon tương đương). CDM cho phép các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân ở các nước công nghiệp hóa thực hiện các dự án giảm phát thải tại các nước đang phát triển và đổi lại, các doanh nghiệp này nhận được chứng chỉ dưới dạng “giảm phát thải được chứng nhận” (CER) và được tính vào chỉ tiêu giảm phát thải của các nước công nghiệp hóa. Đây là cơ chế cùng có lợi, đem lại lợi ích môi trường và kinh tế cho cả hai phía-phía các nước công nghiệp hóa (các nhà đầu tư dự án CDM) và phía các nước đang phát triển (các nước tiếp nhận dự án CDM). Tuy nhiên, trên thực tế, để các nước đang phát triển chấp thuận thực hiện dự án CDM ở nước mình, thì các quốc gia công nghiệp hóa phải cam kết và chứng minh được với cơ quan có thẩm quyền ở nước sở tại, dự án CDM có khả năng giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thiết lập một đường cơ sở (baseline) ước tính sự giảm thiểu trong tương lai nếu không có dự án nói trên. Phương pháp luận chủ yếu để tính toán hiệu quả của dự án CDM là so sánh giữa lượng phát thải ước tính của dự án với các phát thải tham chiếu (gọi là phát thải đường cơ sở). Dự án sẽ được chứng thực bởi bên thứ ba, còn gọi là Các tổ chức tác nghiệp được chỉ định (DOE), để đảm bảo rằng kết quả dự án là thực tế, đo lường được và có khả năng giảm phát thải trong dài hạn. Nếu dự án được đăng ký và triển khai, cơ quan có thẩm quyền về CDM sẽ ban hành các chỉ tiêu, gọi là chứng chỉ “giảm phát thải được chứng nhận” (CERs) cho các bên tham gia dự án, dựa trên sự xem xét sự khác biệt giữa đường cơ sở và sự phát thải trong thực tế, nguồn tài trợ từ các dự án CDM cũng sẽ giúp các nước đang phát triển đạt được mục tiêu phát triển bền vững như: giảm ô nhiễm không khí và nước, cải thiện sử dụng đất, trồng rừng, thay thế các nguồn nguyên liệu hóa thạch…Còn các nước phát triển cũng đang tích cực mở rộng, đa dạng hóa thị trường CDM tới các nước đang phát triển nhằm thực hiện các cam kết theo Nghị định thư Kyoto, cũng như đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Với cam kết phải cắt giảm khí nhà kính theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, các quốc gia công nghiệp hóa phải đầu tư, đổi mới, cải tiến công nghệ với chi phí rất cao mà kém hiệu quả. Ở các nước phát triển, để giảm 1 tấn CO 2chi phí đầu tư mất khoảng 30-40 USD, trong khi đó nếu bỏ ra số tiền hỗ trợ các nước đang phát triển đổi mới công nghệ sản xuất để giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính và mua quota khí thải từ những nước này, thì các nước phát triển chỉ mất khoảng 7,5-16 USD. Chính sự chênh lệch này đã hình thành nên một thị trường mua bán chỉ tiêu khí phát thải mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp của cả nước phát triển và đang phát triển. Thị trường mua bán phát thải khí nhà kính (CERs) là một thị trường mới, còn nguyên sơ. Ở đây, người mua là Chính phủ của các nước phát triển, là các tập đoàn, công ty lớn của những nước này; người bán là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam . Nhưng khác với các thị trường thông thường, ngoài các bên tham gia mua-bán, bắt buộc phải có một tổ chức quốc tế được chỉ định để thẩm tra và đề nghị Ban chấp hành (đại diện của các nước tham gia) công nhận và cấp chứng chỉ, chứng nhận. Giá CER giao động mạnh phụ thuộc vào mức độ rủi ro của từng dự án. Thông thường người mua có xu hướng trả giá cao cho những dự án có lượng CER lớn với tính bền vững về mặt môi trường và xã hội. Các chủ dự án cũng đạt được giá cao hơn nếu họ sẵn sàng chịu chi phí phát triển dự án trong nước bao gồm phát triển Văn kiện thiết kế dự án CDM (PDD) và đạt được thư phê duyệt nước chủ nhà. Như vậy, CDM có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với các nước đang phát triển.
Theo thống kê của Ban Thư ký Công ước Liên hợp quốc về biến đổi khí hậụ, tính đến ngày 10-3-2011, năng lượng là lĩnh vực nóng bỏng nhất cho các dự án CDM trên toàn thế giới (65,17%), sau đó là các ngành xử lý và tiêu hủy chất thải (15,16%) và nông nghiệp (3,99%). Châu A-Thái Bình Dương hiện đang là khu vực sôi động nhất, đã có tổng số 2.899 dự án CDM được đăng ký. Trong số này, Trung Quốc là nước có số dự án đăng ký lớn nhất, với 1263 dự án, chiếm 43,57% tổng số dự án. Đứng thứ hai là Ấn Độ, với 625 dự án CDM được đăng ký, chiếm 21,56% tổng số dự án. Braxin và Mêhicô lần lượt đứng thứ ba và thứ tư, chiếm 6,45% (187 dự án) và 4,31% (125 dự án). Ở khu vực Đông Nam Á, Malaixia đã đăng ký 90 dự án, đứng thứ năm thế giới với 3,1%, tiếp theo là Inđônêxia đã đăng ký 61 dự án, chiếm 2,1%; Việt Nam với 54 dự án, chiếm 1,86% đứng thứ 7 thế giới về số lượng đăng ký CDM. Đầu tư vào các dự án CDM nhiều nhất là các nước Anh, Ailen, Hà Lan và Nhật Bản. Trong khi Hoa Kỳ quan tâm tới thị trường CDM ở các nước Mỹ Latinh thì châu Á là đối tác quan trọng của EU. Trung Quốc là quốc gia đứng đầu đã nhận được 285,576 triệu tấn CER, chiếm 63,1%, Ấn Độ nhận được 50,01 triệu tấn CER, chiếm 11,07% trong tổng số gần 452,572 triệu tấn CER được cấp trên toàn thế giới. Có thể thấy trong khi Trung Quốc và Ấn Độ đã thu hút được rất nhiều nguồn hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ các nước công nghiệp phát triển vào các dự án CDM, thì Việt Nam và một số nước Đông Nam Á trong thời gian gần đây cũng đã thu hút được đáng kể tài chính từ các nước phát triển.
Để tham gia CDM, các nước phải đáp ứng 3 yêu cầu cơ bản theo Nghị định thư Kyotolà: Phê chuẩn Nghị định thư Kyoto ; tự nguyện tham gia CDM và thành lập cơ quan quốc gia về CDM. Ngoài ra, các nước công nghiệp hóa phải thuộc danh sách các nước trong phụ lục 1 và đáp ứng đủ một số điều kiện cụ thể theo Điều 3 của Nghị định thư Kyoto . Trên bình diện quốc tế, để triển khai và giám sát dự án CDM ở mỗi quốc gia, Ban chấp hành quốc tề về CDM (gọi tắt là EB) thực hiện chức năng duy trì việc đăng ký và giám sát CDM. EB công nhận và ủy nhiệm cho các tổ chức độc lập-các tổ chức tác nghiệp-phê duyệt các đề xuất dự án CDM, thẩm tra kết quả giảm phát thải và chứng nhận các giảm phát thải. Đối với mỗi quốc gia thành viên, trước khi tham gia CDM phải thành lập một cơ quan quốc gia về CDM để đánh giá, phê duyệt các dự án, đồng thời là đầu mối để phối hợp với quốc tế gọi là cơ quan có thẩm quyền quốc gia về CDM (DNA).
2. Tình hình triển khai CDM ở Việt Nam
Việt Namrất quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và đẩy mạnh các hoạt động thực hiện UNFCCC, Nghị định thư Kyoto và CDM. Việt Nam đã nhanh chóng tham gia cam kết với các tổ chức quốc tế như ký Công ước khung, nghị định thư Kyoto, tham gia dự án CDM, chỉ định cơ quan đầu mối quốc gia, phê duyệt Nghị định thư…đủ điều kiện theo quy định của tổ chức quốc tế thực hiện xây dựng và thực hiện các dự án CDM. DNA Việt Nam là Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan có thẩm quyền về CDM cấp thư phê duyệt cho các dự án CDM.
Cơ sở pháp lý trong việc triển khai CDM ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện, cụ thể từ năm 2005, Chính phủ đã có các chỉ thị về thực hiện cơ chế phát triển sạch trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto. Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 10/2006/TT-BTNMT ngày 12-12-2006 hướng dẫn xây dựng dự án Cơ chế phát triển sạch trong khuôn khổ nghị định thư Kyoto . Tiếp theo là Quyết định số 47/2007/QĐ-TTg ngày 6-4-2007 của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành và địa phương có liên quan thực hiện Nghị định thư Kyoto và CDM; Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg ngày 2 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch. Ngày 20-4-2009, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 743/QĐ-BTNMT kiện toàn Ban chỉ đạo UNFCCC và nghị định thư Kyoto .
Nhìn chung, hệ thống văn bản hướng dẫn đang dần được hoàn thiện đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong cam kết thực hiện UNFCCC. Những ưu đãi của Nhà nước đối với các doanh nghiệp tham gia dự án CDM thông qua các hướng dẫn cụ thể được thể hiện trong Quyết định 130/2007/QĐ-TTG và những thông tư, hướng dẫn mới có tính gần với thực tiễn hơn. Bên cạnh đó, việc rút ngắn thời hạn phê duyệt Văn kiện thiết kế dự án CDM (PDD) hoặc Văn kiện thiết kế Chương trình các hoạt động theo CDM (PoA-DD) nêu trong Thông tư số 12/2010/TT-BTNMT cũng thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án CDM.
Việt Nam cũng đã có nhiều ngành bước đầu nghiên cứu và thực hiện các dự án tiềm năng về CDM trong các lĩnh vực như bảo tồn và tiết kiệm năng lượng; chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hóa thạch; thu hồi và sử dụng CH 4từ bãi rác và khai thác than; ứng dụng năng lượng tái tạo; trồng mới và tái trồng rừng; thu hồi và sử dụng khí đốt đồng hành. Cho đến nay, số lượng được DNA phê duyệt là 147 dự án. Tính đến ngày 10-3-2011, Việt Nam đã có 54 dự án CDM được EB công nhận, lượng giảm khí nhà kính khoảng 24,07 triệu tấn CO 2tương đương. Trong đó, thủy điện có 41 dự án (chiếm 77,8%), 1 dự án tái trồng rừng (chiếm 0,2%); 3 dự án thu hồi khí thải từ các bãi chôn lấp (14,8%); 1 dự án thu hồi và sử dụng khí đồng hành (0,2%), 7 dự án xử lý nước thải bằng phương pháp kỵ khí (12,9%).
Xét về số lượng, Việt Nam đứng thứ 7 trong danh sách các quốc gia có nhiều dự án đắng ký và được EB công nhận, tính riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp sau các nước Malaixia, Inđônêxia và đứng trên cả Thái Lan. Mặc dù được giới chuyên môn đánh giá là nước đang phát triển có tiềm năng CDM trong các ngành tiết kiệm năng lượng, trồng rừng, thu hồi khí rác thải và chăn nuôi…trong giai đoạn 2001-2010, Việt Nam có thể giảm khoảng 80-120 triệu tấn CO 2thế nhưng trên cả nước, số doanh nghiệp tham gia vào thị trường này là rất nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng. Ngòai những nỗ lực của Nhà nước, việc triển khai CDM phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của các doanh nghiệp.
3. Cơ hội và thách thức trong triển khai CDM của doanh nghiệp ở Việt Nam
3.1. Thông tin về doanh nghiệp
Nhằm tìm hiểu thực tiễn triển khai CDM ở Việt Nam , nhóm nghiên cứu đã đi khảo sát các doanh nghiệp đang triển khai thực hiện cơ chế phát triển sạch ở những lĩnh vực khác nhau. Đối tượng lựa chọn là các doanh nghiệp có các loại hình sở hữu khác nhau, từ 100% vốn tư nhân, dự án liên doanh với nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối. Ngoài ra, các doanh nghiệp được lựa chọn là các doanh nghiệp mà việc triển khai CDM đã được EB cấp chứng nhận hoặc đã được DNA thông qua, đang đợi kết quả phê duyệt của EB.
Các tiếp cận các nguồn thông tin về triển khai CDM mà đoàn khảo sát tiến hành là trao đổi phỏng vấn sâu, trực tiếp với các doanh nghiệp về những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp từ thiết kế đến triển khai thực tế. Đoàn khảo sát cũng trao đổi phỏng vấn sâu với cán bộ quản lý lĩnh vực CDM của các Sở Tài nguyên và Môi trường, cũng như lãnh đạo các địa phương cấp tỉnh tại địa bàn các dự án CDM để nắm bắt các thông tin vĩ mô, cũng như những thuận lợi, khó khăn từ phía cơ quan quản lý trong việc tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp triển khai CDM. Trong đợt khảo sát vào dịp tháng 10 năm 2010, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn các doanh nghiệp sau:
Công ty cổ phần Đồng Xanh-Nhà máy ethanol Đại Tân-Quảng Nam-doanh nghiệp sơ hữu 100% vốn tư nhân: được cấp PDD do Việt Nam phê duyệt với mức giảm phát thải là 784.876 tấn CO 2/7 năm và đang EB phê duyệt. Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân, thuộc công ty cổ phần Đồng Xanh có diện tích 17 ha, nằm ở vị trí thuận lợi, một bên là sông Vu Gia dồi dào nước rất phù hợp với đặc trưng cho từng công đoạn sản xuất, một bên là giao thông thuận tiện, gần cảng Đà Nẵng. Nhà máy có công suất 100 tấn/năm (tương đương 125 triệu lít xăng/năm), sản phẩm phụ là CO 2hóa lỏng (20 nghìn tấn/năm), phân vi sinh (40 nghìn tấn/năm)…
Nhà máy xử lý rác Phước Hiệp 1- Dự án thực hiện giữa Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh và Công ty của Hàn Quốc-KMDK Việt Nam Co.Ltd làm chủ đầu tư: đã được EB cấp chứng chỉ phát thải với mức là 926.454 tấn CO 2/7 năm. Dự án nhà máy xử lý rác thải Phước Hiệp 1 nằm tại khu tổ hợp xử lý rác thải phía Tây Bắc, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh (phía Tây quốc lộ 22, cách trung tâm thành phố 37 km). Khu rác thải Phước Hiệp đã nhận chất thải rắn cho một phần Tp. Hồ Chí Minh, với 8 triệu người. Theo đánh giá, bãi rác Phước Hiệp 1 với diện tích là 195, 297m 2nhận rác thải sinh hoạt thành phố từ năm 2003 đến năm 2007, khu bãi rác Phước Hiệp có khoảng 1,940,894 tấn chất thải. Lượng khí CO 2thải ra khí quyển dự kiến khoảng 926,455 tấn. Khí CO 2thu hồi sẽ được dùng để phát điện, công suất nhà máy dự kiến là 3 MW, với lượng điện thương phẩm là 140,824 MWh từ năm 2009 đến 2015.
Khu tái chế năng lượng tại bãi chôn lấp Đông Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh-Dự án thực hiện giữa Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh và Công ty của Hàn Quốc-KMDK Việt Nam Co.Ltd làm chủ đầu tư: được EB phê duyệt 1.033.328 tấn CO 2/7 năm. Dự án nhà máy rác thải Đông Thạnh nằm tại bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn) đã được sử dụng để làm bãi rác chính cho hầu hết dân chúng sống trong nội thành và vùng phụ cận. Trước năm 1975, nơi đây cũng là địa điểm của một bãi rác nhỏ được dùng để chế biến rác thành phân bón hữu cơ. Bãi rác có diện tích 32 ha, với lượng rác đã lên 6 triệu tấn, trong khi công suất tối đa chỉ 4 triệu tấn.
Nhà máy thủy điện Diasat-Lâm Đồng-doanh nghiệp nhà nước chiếm cổ phần chi phối: DNA cấp chứng chỉ phát thải là 396.010 tấn CO 2/10 năm, đang chờ EB cấp chứng chỉ phát thải. Nhà máy thủy điện Diasat có vốn đầu tư là 241,804 tỷ đồng, được triển khai thực hiện tại huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng có công suất 13,5 MW với sản lượng 60 triệu kwh/năm, đã phát điện hòa lưới quốc gia từ tháng 01 năm 2010 do Công ty cổ phần thủy điện miền Nam làm chủ đầu tư.
Nhà máy thủy điện Yan Tann Sien-Lâm Đồng-doanh nghiệp nhà nước chiếm cổ phần chi phối: đã được EB cấp chứng chỉ phát thải với lượng giảm phát thải là 278.257 tấn CO 2/7 năm từ ngày 2-4-2010. Công trình thủy điện Yan Tann Sien nằm trên nhánh suối Đak Heur là phụ lưu nhỏ của nhánh Krong kno, thượng nguồn sông Srepok, sông Krong Kno bắt nguồn từ dãy núi cao thuộc phía Tây Bắc, cao nguyên Labiang, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, có độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển. Công trình thủy điện Yan Tann Sien với công suất lắp máy là 19,5 MW, lượng điện trung bình hàng năm là 78,669 triệu kwh/năm do công ty cổ phần thủy điện Cao nguyên-Sông Đà 7 làm chủ đầu tư.
Từ những kết quả nghiên cứu khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu rút ra một số đánh giá về thuận lợi và khó khăn từ phía doanh nghiệp trong triển khai CDM.
3.2. Về thuận lợi
Nhìn chung các chính sách được triển khai trong thời gian vừa qua thể hiện sự quan tâm của nhà nước Việt nam tới ứng phó với biến đổi khí hậu và môi trường, đưa lại nhiều động lực cho các doanh nghiệp triển khai cơ chế sạch. Ngoài mục tiêu chính là giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nói chung, lợi ích mà các doanh nghiệp CDM trực tiếp thụ hưởng, cũng như sự đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nơi có dự án rất quan trọng.
Thứ nhất, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp triển khai CDM. Theo Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg, dự án CDM tại Việt Nam sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế; tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; khấu hao tài sản cố định; tín dụng đầu tư của nhà nước. Cụ thể, qua khảo sát, các doanh nghiệp tham gia cơ chế CDM được hưởng ưu đãi về thuế, các dự án CDM được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư; được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án (hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được, để phục vụ sản xuất của dự án). Các dự án CDM cũng được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Những khoản thuế này được ghi nhận ngay trong giấy phép đầu tư theo quy định của luật hiện hành. Rõ ràng, những ưu đãi cho các dự án CDM theo quy định của pháp luật là rất lớn, tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, để được hưởng những ưu đãi, nhà đầu tư dự án CDM gặp rất nhiều khó khăn…
Thứ hai, cơ chế buôn bán và lợi ích doanh nghiệp từ bán chứng chỉ phát thải CERs. Các doanh nghiệp đều thuận lợi trong việc bán được CER cho đối tác thuộc các nước phát triển. Ví dụ, công ty điện Yan Tann Sien đã được EB cấp chứng chỉ phát thải, đã ký hợp đồng bán với giá bình quân cho công ty của Thụy Sĩ với giá 9,9 UER/CER, hợp đồng chính thức có hiệu lực khi nhà máy chính thức phát điện. Đối với dự án CDM tại Công ty cổ phần Đồng Xanh, doanh nghiệp cũng dễ dàng thỏa thuận bán được lượng chứng chỉ phát thải dự kiến được cấp, công ty có thể thu thêm khoảng 2.000.000 USD/năm. Số tiền bán, CER giúp doanh nghiệp trang trải chi phí… Tuy nhiên, thời hạn hợp đồng bán chứng chỉ phát thải của các công ty này chỉ đến năm 2012, theo đúng thời hạn hiệu lực của Nghị định thư Kyoto. Như vậy, một dự án CDM đi vào hoạt động, sản phẩm của nó sẽ là các CER và lợi nhuận sẽ thu được từ việc mua bán, trao đổi các CER này. Việc phân chia lợi nhuận được thỏa thuận giữa các bên tham gia (đơn vị đầu tư của nước phát triển, đơn vị đầu tư của nước tiếp nhận và các bên khác nếu có). Mặt khác, thông qua CDM, các doanh nghiệp có thể nhận được sự hỗ trợ của các nước phát triển về vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, nhân lực.
Thứ ba, đóng góp của các doanh nghiệp với việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Các dự án CDM không chỉ thu được những lợi ích về giảm phát thải mà còn tạo ra những lợi ích về xã hội và môi trường thông qua đầu tư công nghệ tiên tiến, phát triển bền vững. Về mặt xã hội, các dự án này còn tạo ra cơ hội việc làm tại các địa phương có dự án triển khai. Ví dụ, Nhà máy Ethanol Đại Tân đã tạo việc làm cho hơn 300 công nhân địa phương với mức lương bình quân trên 1,5 triệu đồng/tháng/người. Ngoài ra, hiệu quả dự án xử lý được ô nhiễm môi trường là bã sắn làm phân vi sinh, nước thải xử lý xong dùng tưới khoảng 100 ha lúa đạt năng suất cao hơn 30-50% so với các vùng khác, vùng này không có nước, nên nước nhà máy góp phần giải quyết đời sống nhân dân. Đây là hiệu quả kinh tế xã hội của CDM.
Người dân cũng hưởng lợi từ việc doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng để xây dựng nhà máy thủy điện, điều này đã giúp cho bà con xung quanh khu vực thủy điện đi lại thuận tiện, góp phần giao thương hàng hóa, giảm khó khăn cho bà con khu vực này. Các dự án còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường cho khu vực dân cư xung quanh, rác thải được tái chế thành phân vi sinh, cải tạo môi trường, hạn chế ô nhiễm nguồn đất…
3.2. Một số khó khăn
Thứ nhất, thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính về cấp thư xác nhận và thư phê duyệt dự án CDM quá rườm rà, gây tốn kém về chi phí; các chính sách pháp luật chưa cụ thể; thiếu cơ chế minh bạch, thuận tiện trong việc xác nhận và phê duyệt dự án CDM… Cụ thể, quy định hiện hành còn phức tạp về thành phần hồ sơ, như Thông tư số 10/2006/TT-BTNMT yêu cầu nhà đầu tư phải nộp văn bản nhận xét của các bên liên quan nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến mỗi dự án CDM có thể có những hình thức và nội dung văn bản khác nhau. Mặc dù, Thông tư 12/2010/TT-BTNMT ngày 16 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thay thế, Thông tư số 10/2006/TT-BTNMT vẫn chưa khắc phục được những khiếm khuyết này, dù thông tư mới quy trình phê duyệt PDD ở DNA được rút ngắn thời hạn phê chuẩn hơn.
Đối với doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo, hồ sơ để cấp PDD còn yêu cầu nhà đầu tư cung cấp thêm những giấy tờ như giấy phép khai thác nước mặt, nước ngầm đối với dự án có liên quan, giấy phép xả thải vào nguồn nước, báo cáo đánh giá tác động môi trường trong hồ sơ văn kiện thiết kế dự án là không cần thiết, vì đây là trách nhiệm tuân thủ pháp luật của nhà đầu tư. Điều đáng lưu ý là có giấy phép như đã nêu chỉ được cấp khi dự án đi vào hoạt động, trong khi các dự án CDM chỉ được phê duyệt trong quá trình hình thành (chưa được phép hoạt động), dẫn đến người nộp đơn phải tìm những biện pháp thích hợp để giải quyết vấn đề trên (khảo sát thực tế tại thủy điện Yan Tann Sien). Điều này góp phần kéo dài thời gian cho nhà đầu tư trên thực tế, làm chậm quá trình xin cấp thư xác nhận của nhà đầu tư, ảnh hưởng tới lợi nhuận mà CDM đưa lại.
Thứ hai, vấn đề xác định đường cơ sở. Một trong những khó khăn lớn nhất là Việt Nam thiếu chỉ tiêu phát thải nền khí nhà kính, cơ sở để các doanh nghiệp so sánh khi xây dựng dự án giảm phát thải nhằm nhận được hỗ trợ tài chính từ các nước phát triển. Mặt khác, việc thực hiện các dự án CDM còn gặp rất nhiều khó khăn trong tính toán phát thải nền để xác định mức giảm phát thải CO 2và các khí nhà kính khác khi xây dựng các dự án CDM cho nhiều lĩnh vực. Trên thực tế, đối với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thủy điện, thì đường cơ sở thường được ủy ban quốc tế cấp CER dễ dàng hơn sau khi đi thực địa đánh giá, do có so sánh với các nhà máy sử dụng nhiệt điện. Còn những doanh nghiệp chưa có đường cơ sở để xác định lượng phát thải thời gian thẩm định thường phức tạp hơn. Như ở Công ty cổ phần Đồng Xanh, việc tiến hành đường cơ sở để xác định lượng phát thải là hoàn toàn mới và phức tạp, còn liên quan tới cả quá trình cung cấp nguyên liệu đầu vào như trồng sắn như thế nào, dùng loại phân gì, có phá rừng trong trồng sắn, cũng như làm đường vận chuyển nguyên liệu… nên bị chậm phê chuẩn ở cấp quốc tế.
Nguyên nhân của vấn đề này là do phần lớn các doanh nghiệp tham gia CDM là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi quy định mức mà Ban điều hành CDM quốc tế đưa ra phải giảm 10 tấn CO 2/doanh nghiệp/năm là quá cao đối với các doanh nghiệp Việt Nam . Hơn nữa, phương pháp đánh giá để được Ban điều hành CDM thế giới chứng nhận khối lượng khí thải giảm đặt ra với yêu cầu rất phức tạp. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về vấn đề này đến các doanh nghiệp chưa sâu rộng, nên các doanh nghiệp còn thiếu hiểu biết nhiều về cách thức, cũng như tự đánh giá khả năng của mình khi tham gia vào cơ chế phát triển sạch.
Thứ ba, có sự khác biệt trong triển khai các dự án CDM giữa các doanh nghiệp. Đối với công ty tư nhân chủ sở hữu việc triển khai CDM tốt hơn từ tìm công ty tư vấn, đến tìm hiểu hoạt động của thị trường CDM toàn cầu, cũng như các đối tác nước ngoài và làm sao để bán CER được giá cao nhất (Công ty cổ phần Đồng Xanh). Còn đối với các công ty liên doanh mà chủ đầu tư là cơ quan quản lý nhà nước, việc triển khai thường rất chậm như Dự án bãi xử lý rác thải Đông Thạnh và Phước Hiệp do phía nước ngoài đầu tư vì lợi nhuận, trong khi chủ đầu tư không có cán bộ chuyên trách. Nhất là do cơ chế quản lý dự án của nhà nước, nên việc ra quyết định thường khó khăn, chậm trễ trong quá trình triển khai dự án. Nguyên nhân của việc dự án CDM kéo dài là giấy phép đầu tư một năm được được cấp, tiếp theo là thiết kế dự án phải mất 5 tháng mới được phê duyệt do đặc thù của dự án này là có phát điện và có tính chất của dự án môi trường, nên khó khăn trong việc xác định sở chủ quản phê duyệt dự án (giữa Sở Công nghiệp và Sở Tài nguyên và Môi trường). Mặt khác, khí biogas bị giảm trữ lượng theo thời gian so với đánh giá triển khai dự án ban đầu ảnh hưởng tới lợi nhuận của nhà đầu tư. Nên việc phân chia lợi nhuận trong việc bán CER giữa hai bên phải đám phán lại từ mức ban đầu (phía Việt Nam : 40% và phía Công ty KMDK, Hàn Quốc: 60% và hiện nay tỷ lệ phân chia giá trị bán CER là 20 và 80%). Mặt khác, do tác động thị trường bất động sản, đất ven đô lên giá nên chủ sở hữu có xu hướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không muốn kéo dài thời hạn của dự án… Rõ ràng, các doanh nghiệp có vốn sở hữu hỗn hợp do phía nhà nước tham gia không có cá nhân chịu trách nhiệm, cơ chế đống góp chỉ bằng đất và thu lợi nhuận từ phí bán CDM, trong khi đó, mặt bằng (đất đai) nơi dễ chuyển đổi mục đích trong điều kiện giá đất đai tăng cao, quỹ đất dành cho khu công nghiệp, khu đô thị khan hiếm, ảnh hưởng tới dự án CDM.
Còn các công ty mà Nhà nước giữ vai trò chi phối, việc triển khai CDM cũng khá suôn sẻ, nhưng thường do công ty tư vấn đảm nhiệm cả xây dựng dự án và tìm đối tác nước ngoài mua CER.
4. Một số đánh giá và kiến nghị
- Về phê chuẩn ở EB. Các dự án đang triển khai, hoặc đã được cấp PDD rất khó khăn trong việc được EB phê chuẩn, do thủ tục phê chuẩn cấp chứng chỉ phát thải CERs là khá dài và qua nhiều thủ tục. Mặt khác, do Nghị định thư Kyoto chỉ có hiệu lực đến năm 2012, việc thực hiện bán chứng chỉ CER đã được phê chuẩn là rất ngắn. Việc này cũng làm gia tăng độ rủi ro của các doanh nghiệp muốn đầu tư triển khai CDM hiện nay.
- Cần phải đơn giản hóa và chi tiết hóa các chủ tục yêu cầu đối với dự án triển khai CDM, từ đó có thể rút ngắn được thời gian triển khai dự án và triển khai xin cung cấp chứng chỉ phát thải ở DNA và EB. Đặc biệt, khi triển khai hỗ trợ theo quyết định 130/2007-TTg đối với hưởng ưu đãi các dự án về CDM, cần phải có những quy định cụ thể đối với dự án tham gia CDM, ví dụ như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không có điều khoản quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án CDM, do đó, các nhà đầu tư thường không được hưởng theo quyết định số 130/2007/TTg. Ngoài ra, thủ tục hưởng ưu đãi cũng khá phức tạp, không có cơ chế tự động áp dụng, chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp nhà đầu tư công nghệ để thực hiện dự án CDM. Mặt khác, các doanh nghiệp tham gia triển khai dự án CDM thường nhập khẩu công nghệ cho dự án, nhưng các doanh nghiệp thường gặp khó khăn do quy định chỉ miễn giảm thuế cho các thiết bị không sản xuất được ở trong nước, trong khi công nghệ về môi trường thường đồng bộ, rất khó tách các bộ phận ra để xem là phần nào sản xuất được trong nước, phần nào phải nhập khẩu. Nhiều thiết bị nhập khẩu về phải chờ rất lâu để thông quan, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án.
- Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp CDM bán được sản phẩm của mình ra thị trường. Việc độc quyền trong truyền tải điện làm cho các doanh nghiệp thủy điện nhỏ và điện từ khí biogas gặp khó khăn trong việc xây dựng hạ tầng chuyển tải điện để hòa mạng lưới điện quốc gia; giá bán cũng cần có lộ trình hỗ trợ, do doanh nghiệp đàm phán giá bán thường gặp khó khăn vì công suất thấp, nhỏ lẻ. Đối với việc bán xăng sinh học còn gặp nhiều khó khăn, dường như do độc quyền phân phối xăng sinh học của doanh nghiệp khó tiêu thụ được ở thị trường trong nước. Nhà nước cần có quy hoạch tổng thể và công khai thông tin cho các doanh nghiệp như chiến lược phát triển điện, chiến lược phát triển sử dụng xăng sinh học…
- Cần lồng ghép các hoạt động thực hiện CDM vào trong các chính sách phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, chính quyền địa phương các cấp. Nhà nước cần quyết tâm cao trong thực hiện chính sách môi trường gắn với phát triển kinh tế-xã hội đất nước nói chung và ở địa phương nói riêng, đặc biệt cần cung cấp thông tin cho người dân, cho cộng đồng doanh nghiệp và coi hạn chế phát thải gây hiệu ứng nhà kính là một nội dung hết sức quan trọng trong đối phó với biến đổi khí hậu cũng như bảo vệ môi trường. Có cơ chế hợp tác nhà nước-tư nhân nhằm chia sẻ rủi ro trong quá trình xây dựng và phê duyệt dự án CDM với doanh nghiệp. Ngoài ra, nhà nước và các cơ quan quản lý ở địa phương cần tìm kiếm, giới thiệu các đối tác quốc tế tin cậy, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiến cận, hội nhập với thị trường CER quốc tế.
- Có các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, cũng như cộng đồng doanh nghiệp về những lợi ích của các dự án CDM. Cần có các cán bộ chuyên môn sâu, hiểu biết các thủ tục làm CDM, giúp cho doanh nghiệp rút ngắn thủ tục phê duyệt PDD; đồng thời, lập ra các trung tâm tư vấn buôn bán và tư vấn cho các dự án về CDM… Nhà nước cần quan tâm tới các vấn đề sau: chỉ đạo và điều phối quá trình xem xét và phê duyệt các dự án thuộc CDM; điều hành việc tham gia buôn bán phát thải về các tín dụng CO 2; lập khung thuế cho loại hình dự án CDM; phối hợp, lồng ghép với chính sách ưu tiên của đất nước; xác lập mối quan hệ giữa CDM và các cơ chế phát triển khác (để tránh sự chồng chéo và mẫu thuẫn)./.