Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 15/12/2008 15:02 (GMT+7)

Thủ pháp ẩn dụ trong ca dao xứ Nghệ

1.Dẫn nhập

1.1. Xứ Nghệ - một vùng đất có nhiều điểm khác biệt về địa lí, lịch sử, dân cư, ngôn ngữ và văn hoá. Xứ Nghệ có một kho tàng thơ ca dân gian phong phú, đa dạng gồm nhiều thể loại khác nhau trong đó ca dao là thể loại ổn định, phản ánh rõ nét các đặc điểm địa phương. Ca dao xứ Nghệ tập hợp thành một kho tàng đồ sộ, có nhiều nét độc đáo và tinh tế cả về nội dung lẫn hình thức.

Trong ca dao xứ Nghệ, phương thức ẩn dụ có tần số xuất hiện lớn, có giá trị thẩm mĩ và biểu cảm cao, thể hiện nhiều nét đặc hữu địa phương.

1.2. Tìm hiểu phương thức ẩn dụ trong ca dao xứ Nghệ là tập trung làm sáng tỏ cơ chế chung của ẩn dụ, xác định tính thẩm mĩ và cơ chế tạo nghĩa để thể hiện nội dung. Với tư cách là chất liệu của ca dao xứ Nghệ, các ẩn dụ được kết tụ từ những đặc điểm của tiếng Việt ở Nghệ Tĩnh (còn gọi là phương ngữ Nghệ Tĩnh), từ cách nghĩ, cách cảm, cách diễn đạt của người Nghệ Tĩnh xuất phát từ những sự vật, hiện tượng gần gũi thân thuộc trong đời sống dân dã thành hình tượng nghệ thuật đặc sắc. Tư liệu khảo sát là những bài ca dao trong Kho tàng ca dao xứ Nghệ của các tác giả Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao, Võ Văn Trực [1].

2. Cơ chế ẩn dụ trong ca dao xứ Nghệ

2.1. Các kiểu ẩn dụ trong ca dao xứ Nghệ

Theo cách hiểu lâu nay, ẩn dụ là phép so sánh không nói thẳng ra; người tiếp nhận văn bản nghệ thuật phải dùng năng lực liên tưởng để quy chiếu giữa các yếu tố hiện diện trên văn bản với các sự vật, hiện tượng được nói tới. Thực chất của phép ẩn dụ là dùng tên gọi này để biểu thị sự vật kia dựa trên cơ chế tư duy và ngôn ngữ dân tộc. Cơ chế này gắn bó chặt chẽ với truyền thống văn hoá dân tộc, khu vực, vùng miền. Do đó, từ ẩn dụ tu từ ta sẽ nhận ra mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá.

Ẩn dụ được sử dụng phổ biến trong ca dao, thơ trữ tình và là phương thức quan trọng để xây dựng hình tượng nghệ thuật. Theo Hữu Đạt[3], ẩn dụ có ba kiểu gồm ẩn dụ nhân hoá, ẩn dụ tượng trưng và ẩn dụ ngụ ngôn . Chúng tôi tiếp thu quan niệm của Hữu Đạt để khảo sát các kiểu ẩn dụ trong ca dao Nghệ Tĩnh.

2.1.1. Ẩn dụ nhân hoá

Ẩn dụ nhân hoá hình thành trên cơ chế chuyển nghĩa giữa trường về con người và trường về sự vật gồm hai khía cạnh có quan hệ biện chứng: a/ nhân hoá sự vật, đồ vật( gán cho sự vật, đồ vật những ý nghĩ, hành động như con người), b/ vật hoá người( gán cho con người những cái giống như sự vật, đồ vật). Cũng như ca dao người Việt, ẩn dụ nhân hoá xuất hiện khá nhiều trong ca dao Nghệ Tĩnh. Các con vật gần gũi với đời sống hàng ngày của người nông dân Nghệ Tĩnh như con trùn (giun), con cú, con kiến, con chó, con mèo, con cò, con vạc, cu cu (bồ câu), chàng làng, phượng hoàng... cho đến các đồ vật quen thuộc như kiềng sắt, nồi đồng, nồi đất, cột tre, rơm, rạ, trầm hương..., các loại cây như mơ, mận, đào, trúc, mai, cam, chanh, bưởi, quýt, cưởi( tầm gửi)... đều đi vào ca dao thành những ẩn dụ nhân hoá. Nếu như ca dao người Việt dùng các cặp hình ảnh trúc- mai, thuyền- bến trong từng ngữ cảnh cụ thể thì ca dao Nghệ Tĩnh cũng sử dụng những hình ảnh ấy nhưng lại chập đôi trong một bài ca dao tạo thành một ẩn dụ nhân hoá độc đáo: Trúc dặn dò mai, bến dặn dò thuyền/ Nghe ai quyến rũ bỏ lời nguyền của anh/ Bến dặn dò thuyền, trúc dặn dò mai/ Nghe ai quyến rũ, không vãng lai chốn này.Hai cặp trúc- mai, bến- thuyền được sử dụng trong một ngữ cảnh để bổ sung cho nhau: trúc và bến là hình ảnh người con trai, còn mai và thuyền là hình ảnh người con gái. Trong bài ca dao trên, trúc/ bến, mai/ thuyền cũng trách móc, oán hờn như con người vậy. Ở đây, tình cảnh và tâm sự của chàng trai thật đau đớn và tội nghiệp. Sự kết hợp các cặp hình ảnh và sự láy lại cho ta thấy lời trách móc của chàng trai vì nỗi người yêu phụ bạc lời nguyền ước thật là ai oán.

Trong ca dao Nghệ Tĩnh ta còn bắt gặp nhiều hình ảnh ngộ nghĩnh và thú vị, chẳng hạn, con cá bống đi tu trong bài ca dao: Nực cười con cá bống đi tu/ Con cá thu hắn khóc, con cá lóc hắn cầu/ Em ra ngoài biển em vớt đoạn sầu cho anh. Cá bống, cá thu, cá lóc cũng có tình cảm như người vậy. Vì một cô gái đi tu mà bao chàng trai phải ngẩn ngơ, phải đau đớn buồn bã, sầu thảm. Cô gái đã làm dở dang tình cảm và hi vọng tình yêu của bao chàng trai, làm cho họ rơi vào tình cảnh sầu khổ.

Cũng có khi, các tác giả dân gian Nghệ Tĩnh dùng ẩn dụ nhân hoá để phê phán những thói hư tật xấu trong cuộc sống như thói hợm hĩnh, xem thường người khác trong bài ca dao: Anh nồi đồng hợm mình đắt giá/ lên mặt khinh nồi đất rẻ tiền. Đó là giữa cái vẻ bên ngoài với bản chất bên trong nhiều khi không ăn khớp nên cần phải cảnh giác, phải phân biệt, phải nhận chân sự thật: Chàng làng chèo chẹt không làm chi ai/ Cu cu( bồ câu) thủ thỉ ăn hết độ( đỗ) khoai nhà người.

Qua những bài ca dao trên, chúng ta thấy ẩn dụ nhân hoá trong ca dao Nghệ Tĩnh hết sức đa dạng và độc đáo. Các đồ vật, các con vật, cây cối trong các bài ca dao trở nên sống động, mang hồn người, thể hiện tính chất người, bộc lộ nỗi lòng, tâm trạng, tình cảm mộc mạc nhưng hết sức đằm thắm của người lao động Nghệ Tĩnh.

2.1.2. Ẩn dụ tượng trưng

Ẩn dụ tượng trưng là cách dùng đi dùng lại nhiều lần các hình ảnh có giá trị hình tượng, có tính biểu tượng. Như đã biết, hình ảnh, biểu tượng được hình thành trong quá trình lâu dài, có tính ước lệ và bền vững. Hình ảnh, biểu tượng được hiểu như là cái tượng trưng, được cả cộng đồng chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong một thời gian dài gắn liền với cách tư duy và thẩm mĩ của từng cộng đồng dân tộc. Trong ca dao người Việt, những sự vật gần gũi trong đời sống được dùng để nói về hình dáng, tâm trạng, phẩm chất con người. Người ta thường dùng cây, hoa, sông, nước, trăng, thuyền, bến, cây đa, mái đình, ao, hồ, vườn hồng, chim xanh, hạt mưa, giếng nước... để xây dựng hình tượng nghệ thuật. Như vậy, tác giả dân gian có thể lấy bất cứ sự vật hiện tượng nào trong thực tại khách quan để biểu hiện hình dáng, tâm trạng, tình cảm, tính cách của con người nếu phát hiện có một nét tương đồng mỏng manh giữa các vật đó với con người. Chẳng hạn, nếu trong ca dao người Việt, hoa là biểu tượng chỉ người con gái đương thì, người con gái đẹp thì ca dao Nghệ Tĩnh cũng dùng hoa để nói về người con gái đẹp đang tuổi xuân thì. Trong ca dao Nghệ Tĩnh, tác giả dân gian có khi dùng một loài hoa cụ thể như hoa lí, hoa lăng, hoa lài trong : Búp hoa lí là nụ hoa lăng/ ở nhà thầy mẹ dăn mần răng( làm sao) em mồ( nào)/ Búp hoa lí là nụ hoa lài/ ở nhà thầy mẹ dặn kết một ngài( người) như anh.Trong bài ca dao trên, hoa lí, hoa lài, hoa lăng là những loại hoa bình dị nhưng đáng yêu tượng trưng cho một người con gái duyên dáng, xinh tươi. Cũng có khi không chỉ một loài hoa cụ thể mà dùng hoa để nói về một người con gái đẹp và vì sắc đẹp mà chàng trai phải say đắm, ngẩn ngơ và thiếu tự tin trong: Hoa hỡi hoa hời/ Hoa thơm cho lắm cho ta miệt mài. Có khi, ca dao Nghệ Tĩnh dùng các đồ vật quen thuộc trong gia đình để tượng trưng cho phẩm chất của con người, khẳng định giá trị của mình: Đó vàng đây cũng kim ngân/ Đó được mười phần đây cũng chín tư. Nếu như ca dao người Việt có vườn đào, vườn hồng tượng trưng cho tình yêu nam nữ thì ca dao Nghệ Tĩnh cũng có biểu tượng vườn xuân. Đó là một vườn xuân được nói đến với một vẻ đầy nuối tiếc, xót xa: Đi qua ướm hỏi vườn đào/ Vườn xuân đã có ai vào hay chưa/ Trách tình những kẻ đi trưa/ Vườn xuân đã chật lưa( còn) đâu mà ngồi.

2.1.3. Ẩn dụ ngụ ngôn

Ẩn dụ ngụ ngôn, theo Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hoà[5], Cù Đình Tú[8] là phúng dụ, còn Hữu Đạt[3] cho rằng ẩn dụ ngụ ngôn là sự phát triển của ẩn dụ nhân hoá. Đặc điểm của phép tu từ này là dùng cách nói bóng gió để nêu ra những giá trị về đạo đức, những cách ứng xử giữa con người với con người, những bài học về đạo đức, thể hiện những triết lí nhân sinh. Trong ca dao Nghệ Tĩnh, kiểu ẩn dụ ngụ ngôn được tổ chức trong văn bản ca dao khá hóm hỉnh và độc đáo. Hầu hết các ẩn dụ thuộc kiểu này đều tập trung phê phán những thói hư tật xấu của con người trong cuộc sống hàng ngày. Đó là thái độ tham lam, ích kỉ trong tình yêu của chàng trai và kết cục bi đát: Một bầy cá lội sông sâu/ Anh cười híp mắt buông câu ngồi chờ/ Anh câu con diếc, anh tiếc con rô/ Anh câu con cá gáy( cá chép), anh dò con trê/ Quá trưa mặt ủ mày ê/ Vì chưng tham quá nên về oi( giỏ) không. Có khi là bài học dại dột của con người: Vạc sao vạc chẳng biết lo/ Bán ruộng cho cò vạc phải ăn đêm. Có khi là thân phận thấp cổ bé họng của những người lao động đành phải chấp nhận sống an phận: Cha rô mà lấy mẹ rô/ Đẻ ra con diếc, con rô, con tràu( cá quả).

Có thể nói ẩn dụ là nhu cầu tự thân của ca dao. Tác giả dân gian Nghệ Tĩnh đã sử dụng những sự vật, hiện tượng, những con vật gần gũi quen thuộc trong đời sống hàng ngày để bộc lộ những suy nghĩ, tâm trạng, thân phận, những quan niệm về lẽ đời, con người và cả những vấn đề xã hội.

2.2. Phương thức triển khai hình tượng ẩn dụ trong ca dao xứ Nghệ

Trong ca dao, ẩn dụ là một phương thức quan trọng để xây dựng hình tượng, một yếu tố nghệ thuật qua đó thể hiện nhận thức của con người về thế giới hiện thực. Ẩẩn dụ không đơn giản là sự sao chép hiện thực mà thông qua hiện thực để diễn tả những cung bậc khác nhau trong tâm hồn con người. Nghiên cứu ẩn dụ trong chức năng xây dựng hình tượng nhằm chỉ ra phương thức triển khai hình tượng độc đáo của ca dao Nghệ Tĩnh qua đó thấy rõ đặc điểm tâm hồn nghệ sĩ dân gian qua nhiều thời đại. Cách xây dựng hình tượng của ẩn dụ tu từ trong ca dao Nghệ Tĩnh là lấy gần nói xa, lấy vòng nói thẳng, lấy cực này để biểu hiện cực kia khiến cho hình tượng tưởng như cụ thể nhưng lại rất sâu xa, tưởng như hiện thực mà lại mờ ảo, thực hư biến hoá vô cùng, làm cho trí tưởng tượng của người đọc như được chắp cánh. Có thể kể ra một số phương thức triển khai hình tượng ẩn dụ tu từ nổi bật trong ca dao Nghệ Tĩnh như sau.

2.2.1. Phương thức lấy cái cụ thể để biểu thị cái cụ thể

Trong ca dao Nghệ Tĩnh, phương thức ẩn dụ lấy cái cụ thể của phạm trù này để biểu thị đối tượng cụ thể thuộc phạm trù khác chiếm một số lượng rất lớn. Dùng đối tượng cụ thể này để biểu thị đối tượng cụ thể kia khi giữa chúng có một sự tương đồng nào đó, nghĩa là chúng giống nhau về màu sắc, hình dáng, chức năng, thuộc tính, tính chất, hoạt động.... Tác giả dân gian Nghệ Tĩnh đã lấy các sự vật sau đây để chỉ người con trai: trúc, mận, thuyền, phượng, kiềng sắt, sen, bướm, kim vàng, trăng, đào, con tằm, sao hôm, cam, kim, ngư.... Tương ứng với những ẩn dụ chỉ người con trai là những ẩn dụ lấy những cụ thể để chỉ người con gái: mai, đào, bến, loan, than lim, hồ, hoa, lụa đào, sao, mận, nhện, sao mai, quýt, chỉ, thuỷ... và ta có từng cặp hình ảnh sóng đôi trúc- mai, mận- đào, thuyền- bến, phượng- loan, kiềng sắt- than lim, sen- hồ, bướm- hoa, kim vàng- lụa đào, trăng- sao, đào- mận, con tằm- nhện, sao hôm- sao mai, cam- quýt, kim- chỉ, ngư- thuỷ... Sở dĩ tất cả các ẩn dụ kể trên đều biểu thị người con trai hoặc người con gái và chúng đều tồn tại là vì chúng nằm trong những văn cảnh khác nhau tạo nên các giá trị khác nhau trong các ẩn dụ. Cái làm nên giá trị của mỗi ẩn dụ chính là hình tượng mà ẩn dụ đó tạo nên. Mỗi ẩn dụ là một phát hiện mới mẻ về đối tượng, phù hợp với tập quán tư duy và thói quen thẩm mĩ của một cộng đồng mà ở đây là cộng đồng Nghệ Tĩnh. Bằng cách lấy cái cụ thể để biểu đạt một đối tượng cụ thể khác, tác giả dân gian Nghệ Tĩnh đã xây dựng được nhiều hình tượng đẹp, có sức lay động lòng người. Chẳng hạn, ca dao Nghệ Tĩnh ví những người con gái xinh tươi và duyên dáng là hoa thơm, hoa lài, hoa lí, hoa lăng, cây quế hoa hồng, cam ngon quýt ngọt, còn dùng hoa khoai, hoa chiêng chiếng, khế rụng... để chỉ những người con gái tầm thường, xấu xí. Chẳng hạn, Camngon quýt ngọt thì chê/ Đòi ăn khế rụng mới ghê cho người, hay Thiếu gì hoa lí hoa lài/ Mà anh đi chọn hoa khoai trái mùa. Nhưng để chỉ người con trai, người con gái xứng đôi vừa lứa thì người con trai được ví là trầu quế, đồng đen, kim ngân, sen giữa hồ..., còn người con gái được gọi là cau liên phòng, vàng, hoa thiên lí.... Chẳng hạn: Đó vàng đây cũng đồng đen/ Đó hoa thiên lí đây sen giữa hồ. Nếu cần chỉ người con trai và người con gái không xứng đôi vừa lứa, có sự chênh lệch ở một mặt nào đó thì người Nghệ Tĩnh thể hiện bằng những hình tượng sau: Nỏ thà ấp mạ giường không/ Đừng cho cóc cợi( cưỡi) lên rồng khó coi, hay: Cú đâu dám sánh phượng hoàng/ Trùn( giun) đâu lại dám nằm trên lưng rồng.Những con vật như cóc, cú, trùn( giun)... là những loài vật xấu xí, nhỏ bé, thấp kém, còn những con vật như rồng, phượng hoàng... là những loài cao sang, đẹp đẽ. Như vậy, mỗi ẩn dụ tạo thành một hình tượng nghệ thuật thể hiện một cách sinh động những khía cạch của đối tượng được nói đến. Các ẩn dụ không có sự lặp lại mà luôn luôn mới mẻ, gợi những liên tưởng sâu xa, tạo nên những giá trị thẩm mĩ độc đáo. Bằng cách lấy đối tượng cụ thể này để biểu thị đối tượng cụ thể kia với các hình thức như khi thì các sự vật hiện tượng tạo thành các cặp đối xứng, khi thì triển khai thành những cặp đối lập tạo nên một thế giới hình tượng hết sức phong phú, đa dạng và giàu ý nghĩa.

2.2.2. Phương thức lấy cái cụ thể để biểu thị cái trừu tượng

Để triển khai hình tượng, tác giả dân gian Nghệ Tĩnh còn thực hiện bằng cách lấy đối tượng cụ thể để biểu thị đối tượng trừu tượng, tức là lấy sự vật, hiện tượng cụ thể để biểu hiện tâm trạng, tư tưởng, tình cảm, triết lí nhân sinh hoặc một vấn đề nào đấy trong đời sống. Ở đây, tác giả dân gian không tìm nét tương đồng giữa một đối tượng cụ thể với một đối tượng cụ thể khác mà lấy đối tượng cụ thể để biểu thị một đối tượng mà ta không nhận biết được bằng giác quan. Đó là cây quế hoa hồng trồng nơi đất gặng để nói đến cảnh ngộ éo le, bất hạnh của người con gái đẹp gặp cảnh không xứng đôi vừa lứa để phí một đời thanh xuân trong bài ca dao: Tiếc thay cây quế hoa hồng/ trồng nơi đất gặng chỉ ra được chồi.Lại có những ẩn dụ nói về con tằm con nhện quay tơ: Con tằm kia cũng quay tơ/ Con nhện kia cũng quay tơ/ Con tằm kia vô ý bỏ con nhện bơ vơ một mình.Con tằm con nhện quay tơ là nói tình yêu nam nữ, là nói trai gái đang yêu nhau nhưng cái tình thế con nhện bơ vơ một mình là nói tâm trạng cô đơn, là nỗi đau đớn trong lòng khi bị tình yêu phụ bạc. Cũng bằng cách ấy, có thể dẫn thêm các ẩn dụ khác: Bánh gai ruột mất vỏ còn/ Tiếc công anh khai phá để đàng( đường) mòn ai đi, hay: Khen cho con bướm khôn ngoan/ Hoa thơm bướm độ( đậu) hoa tàn bướm bay.... Còn đây là một sự trách móc, trách móc để mà tiếc nuối, một lời khuyên chàng trai phải chấp nhận tình thế mình đã có chồng qua hình tượng cưởi bá ngành dâu: Thương em sao anh không nói khi đầu/ Bây giờ cưởi( tầm gửi) bá( bám) ngành( cành) dâu đi rồi.Như vậy, ẩn dụ tu từ trong ca dao Nghệ Tĩnh đã triển khai hình tượng bằng cách lấy đối tượng cụ thể để biểu thị đối tượng trừu tượng. Đây là phương thức xây dựng hình tượng khá độc đáo, có nhiều lợi thế cho phép tác giả dân gian diễn đạt một cách cụ thể và có tính hình tượng những vấn đề trừu tượng, những cung bậc tình cảm, những sắc thái tâm hồn của con người và cả những vấn đề xã hội. Những ẩn dụ như vậy dễ đi vào lòng người, có sức gợi những liên tưởng sâu xa và có ý nghĩa sâu sắc. Ca dao Nghệ Tĩnh vì thế trở thành cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, tính cách người Nghệ Tĩnh qua nhiều thế hệ.

2.3. Sắc thái Nghệ Tĩnh qua các ẩn dụ trong ca dao xứ Nghệ

Có thể nói, so với ca dao Bắc, ca dao Nghệ Tĩnh không thật sự mượt mà, bay bổng và trau chuốt. Nhìn chung là như vậy. Cuộc vật lộn thường xuyên với một thiên nhiên mưa nắng thất thường, cuộc khai phá nhọc nhằn để sinh tồn trên một vùng đất khô cằn, cay nghiệt nhưng rồi cái đói nghèo lam lũ vẫn đeo bám dai dẳng. Cuộc sống ấy đã khúc xạ trong ca dao, tạo nên một giọng điệu riêng, một sắc thái riêng mà người các địa phương khác quen gọi là sắc thái Nghệ. Sắc thái Nghệ trước hết được thể hiện qua cách nghĩ, cách nói của người Nghệ Tĩnh. Cuộc sống của người Nghệ Tĩnh luôn luôn đối phó với những khó khăn bất trắc làm cho cách nghĩ, cách nói năng của họ thường bộc trực, thẳng thắn, nhiều khi cục cằn, bốp chát, sống sượng: Duyên kia đương trúc trắc/ Phận kia đương trục trặc/ Bởi vì tại cành mai/ Sương sa giọt ngắn giọt dài/ Hai đứa ta kháp( gặp) mặt nhau hoài mà nỏ( chẳng) cảm thương.Người con trai trong bài ca dao đã nói thẳng ruột ngựa tâm sự đau đớn của mình qua ẩn dụ cành mai sương sa giọt ngắn, giọt dài. Mỗi chữ trong bài ca dao chắc nịch, nói như dao chém đá, rạ chém đất, bộc lộ cách suy nghĩ thẳng thắn, bộc trực của người Nghệ Tĩnh.

Đọc ca dao Nghệ Tĩnh tác giả dân gian dùng ngôn ngữ địa phương để tổ chức văn bản ca dao, tổ chức ẩn dụ tu từ hết sức tự nhiên và có hiệu quả. Trong khu vực địa phương, họ giao tiếp với nhau trong cuộc sống hàng ngày và sáng tạo nghệ thuật bằng từ ngữ và cách diễn đạt của phương ngữ Nghệ Tĩnh. Dĩ nhiên, bên cạnh cách dùng phương ngữ mà đặc trưng là trọ trẹ, trầm nặng, ngôn ngữ trong ca dao Nghệ Tĩnh cũng giàu chất trí tuệ, chữ nghĩa, dùng nhiều cách nói uyên bác, thâm thuý để tạo nên những ẩn dụ đặc sắc. Điều này cũng dễ hiểu vì Nghệ Tĩnh là đất học, đất của những người đỗ đạt. Trong kho tàng ca dao Nghệ Tĩnh ta bắt gặp nhiều câu, nhiều bài sử dụng ẩn dụ tu từ rất tinh tế, độc đáo, thể hiện tính trí tuệ uyên bác của người nông dân Nghệ Tĩnh. Chẳng hạn: Bao giờ cá gáy( cá chép) hoá rồng/ Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa, hay: Yêu nhau chẳng quản đói nghèo/ Chiếu rơm chăn rạ cũng theo anh về.Có nhiều bài ca dao sử dụng ngôn ngữ hết sức tinh tế tạo nên những ẩn dụ tu từ rất đặc sắc. Chẳng hạn: Con chim phượng hoàng dại lắm không khôn/ Núi Tam Sơn không đậu lại đậu cồn cỏ may.

Tính cách Nghệ còn biểu hiện ở tính trạng hóm hỉnh. Ca dao Nghệ Tĩnh thể hiện sự thông minh nhanh trí nhưng lại nghịch ngợm, dí dỏm của người Nghệ Tĩnh.Tác giả dân gian dùng lối ẩn dụ để nói đủ thứ chuyện kể cả chuyện phồn thực một cách tinh tế, ý nhị. Chẳng hạn: Anh đây chẳng học kinh thi/ Cá nằm dưới cỏ có khi cá tràu( cá quả).

Tóm lại, ẩn dụ trong ca dao Nghệ Tĩnh thể hiện khá rõ tính cách của người Nghệ Tĩnh. Người Nghệ qua ca dao địa phương thẳng thắn, bộc trực nhưng cũng rất thông minh hóm hỉnh và tinh tế.

3. Kết luận

3.1. Ca dao Nghệ Tĩnh là nỗi lòng, là tâm sự của người Nghệ Tĩnh thuộc nhiều thế hệ. Trong ca dao Nghệ Tĩnh có xao xuyến băn khoăn, có yêu thương da diết, có nhớ nhung khắc khoải nhưng cũng có giận hờn căm uất, mỉa mai chê trách, thương thân tủi phận của bao lớp người trước đây làm nên một bản sắc Nghệ Tĩnh. Tất cả những điều đó được thể hiện qua các ẩn dụ tu từ mà tác giả dân gian đã tạo nên thành kho tàng ca dao làm nên một diện mạo ca dao xứ Nghệ.

3.2. Ẩn dụ tu từ không phải là một phương tiện có sẵn trong ngôn ngữ, cũng không phải là phương tiện để định danh. Nó được sáng tạo trong hoạt động giao tiếp có tính nghệ thuật. Từ những chất liệu bình thường trong đời sống dân dã, bằng ngôn ngữ địa phương( phương ngữ Nghệ Tĩnh), tác giả dân gian Nghệ Tĩnh đã tạo nên những kiểu ẩn dụ bao gồm ẩn dụ nhân hoá, ẩn dụ tượng trưng và ẩn dụ ngụ ngôn để xây dựng những hình tượng xúc động, tạo thành những giá trị thẩm mĩ độc đáo có sức truyền cảm mạnh mẽ, ẩn chứa tâm hồn và tính cách con người xứ Nghệ.

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao (ch? biờn), Võ Văn Trực, Kho tàng ca dao xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 1996.

Mai Ngọc Chừ, Ngôn ngữ ca dao Việt Nam, Tạp chí Văn hoá, 1991, số 2.

Hữu Đạt, Phong cách học và phong cách chức năng tiếng Việt, Nxb Văn hoá thông tin, H. 2000.

Đinh Trọng Lạc, Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H. 1998.

Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hoà, Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H. 2002.

Bùi Dương Lịch, Nghệ An kí, Nxb Khoa học xã hội, H. 2001.

Đặng Văn Lung, Về một vùng ca dao Nghệ Tĩnh, T/chí Văn học, 1980, số 6.

Cù Đình Tú, Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H. 2001

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.