Thế giới có đủ quặng phốtphat trong tương lai?
Gần đây, một số chuyên gia trong ngành cho rằng sản lượng quặng phốtphat sẽ lại đạt đỉnh cao vào thời gian 2033/ 2034 nhưng sau đó chắc chắn sẽ suy giảm do các nguồn quặng đang trở nên cạn kiệt. Năm 1971, Viện Sinh thái học Mỹ đã dự báo tài nguyên quặng phốtphat trên thế giới sẽ cạn kiệt trong vòng 90 - 130 năm. Mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Sydney (Ôxtrâylia) cũng cho rằng thời kỳ sau “đỉnh sản lượng phốtphat” sẽ kéo theo những hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực toàn cầu.
Nhưng theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFDC), không có dấu hiệu nào cho thấy sản lượng phốtphat sẽ đạt đỉnh điểm trong 25 - 30 năm tới hoặc thậm chí trong thế kỷ tới. Theo IFDC, nếu tốc độ khai thác và sử dụng giữ nguyên như hiện nay, tài nguyên và trữ lượng quặng phốtphat trên thế giới sẽ có đủ cho tương lai, trong những thời gian có thể dự đoán trước.
Năm 2008, hơn 160 triệu tấn tinh quặng phốtphat đã được sản xuất trên toàn cầu, đây là mức cao nhất kể từ năm 1989. Các ước tính trước đó về tài nguyên quặng phốtphat trên thế giới nằm trong phạm vi từ 15 tỷ đến 1 nghìn tỷ tấn. Các nhà khoa học tại IFDC ước tính trữ lượng quặng phốtphat toàn cầu hiện tương ứng khoảng 60 tỷ tấn tinh quặng. Ngoài ra, IFDC cũng ước tính tài nguyên quặng phốtphat toàn cầu đạt khoảng 290 tỷ tấn.
Ước tính trữ lượng và tài nguyên quặng phốtphat của một số nước trên thế giới (triệu tấn)
Nước | Trữ lượng | Tài nguyên |
Marốc | 51.000 | 170.000 |
Trung Quốc | 3.700 | 16.800 |
Mỹ | 1.800 | 49.000 |
Gioocđani | 900 | 1.800 |
Nga | 500 | 4.300 |
Braxin | 400 | 2.800 |
Xyri | 250 | 2.000 |
Nam Phi | 230 | 7.700 |
Ixraen | 220 | 1.600 |
Các nước khác | 1.000 | 34.000 |
Tổng cộng toàn thế giới | 60.000 | 290.000 |
Khi giá quặng phốtphat tăng (do cân bằng cung cầu hoặc khi các mỏ quặng phốtphat giá rẻ đã cạn kiệt), các nhà sản xuất sẽ phải chế biến các loại quặng chất lượng thấp hoặc mở các mỏ mới, áp dụng những công nghệ khai thác ngày càng đắt đỏ, sử dụng thêm nhiều nguyên liệu và phương tiện phụ trợ để sản xuất tinh quặng. Nhưng khi giá tinh quặng tăng, hiệu quả kinh tế của các mỏ chất lượng thấp cũng sẽ tăng. Sự tăng giá của quặng đã chế biến cũng sẽ khuyến khích các công ty khai thác phát triển các mỏ mới (tuy xung đột với những yêu cầu về bảo vệ môi trường) và/ hoặc áp dụng các phương pháp khai thác mới, chẳng hạn khai thác hầm lò, nếu giá thị trường của quặng phốtphat đủ cao.
Hai nguồn phốtpho chính trên Trái Đất hiện nay là quặng phốtphat dạng macma và quặng trầm tích. Quặng trầm tích bao gồm apatit dạng cacbonat, trong khi đó quặng macma bao gồm các loại apatit dạng flo-clo-hydroxit. Khoảng 72% quặng phốtphat được chế biến sẽ được chuyển hóa thành axit phốt-phoric, 12% được chế biến thành supephốt-phat đơn (SSP) và 2% thành supephốtphat kép (TSP) thông qua các quy trình không sử dụng axit, khoảng 14% được sử dụng cho các mục đích khác. Trong tổng lượng P 2O 5thu được nhờ chuyển hóa axit phốtphoric tại các nhà máy sản xuất cuối dòng, phân bón chiếm 82% và các ứng dụng công nghệ chiếm 18% còn lại.
Một trong những yếu tố cản trở việc thăm dò khai thác tài nguyên quặng phốtphat trên quy mô lớn hơn là: So với các nguyên liệu khoáng chất khác thì quặng phốtphat là hàng hóa có giá trị tương đối thấp. Trong suốt thập niên 1990 và trong phần lớn nửa đầu của thập niên 2000, quặng phốtphat Bắc Phi chỉ được giao dịch với giá dưới 50 USD/ tấn FOB. Trong thời gian đó, các công ty trên thế giới chỉ đầu tư ở mức tối thiểu vào lĩnh vực này. Trong thời kỳ 2007/2008, khi giá hàng hóa nhìn chung tăng mạnh trên toàn cầu, giá quặng phốtphat Bắc Phi đã tăng vọt lên 500 USD/ tấn FOB. Trong thời gian sụt giảm giá sau đó, giá quặng phốtphat đã giữ ổn định ở mức 100 USD/ tấn.
Sự tăng mạnh của giá quặng phốtphat trong thời gian 2007/2008 đã là yếu tố khởi phát nhiều dự án khai thác quặng phốtphat mới trên thế giới. Ngày nay, các dự án này vẫn tiếp tục được theo đuổi một cách tích cực, nhất là ở Ôxtrâylia và Braxin. Dự kiến chúng sẽ có những đóng góp đáng kể để bổ sung vào nguồn cung quặng phốtphat nhìn chung trên toàn cầu.