Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 15/10/2013 00:26 (GMT+7)

Thầy dạy Sử làm nên lịch sử

Vị thống soái của mọi thời đại

Với những chiến công của hai cuộc kháng chiến cứu nước, Võ Nguyên Giáp được ngưỡng mộ như “một trong những thống soái lớn nhất của mọi thời đại” (nhà sử học người Anh Peter Mac Donald), “một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại” (nhà sử học người Mỹ Cecil Curry). Các bộ sách lớn của nhiều nước xếp Ông vào hàng các danh tướng tài ba của thế giới, từ thời cổ đại tới hiện đại ngày nay. 

Nhưng có lẽ, đứng về tính chất của cuộc chiến tranh nhân dân chống lại một cường quốc đầy tham vọng đã từng chinh phục một phần thế giới, thì có thể thấy ở Ông những phẩm chất và tài năng của một Lão tướng Kutuzov nước Nga cách nay vừa tròn hai thế kỷ. Đạo quân hùng hậu của Napoléon đã từng buộc các vương triều châu Âu đầu thế kỷ XIX phải rạp mình khuất phục nhưng chỉ khi đến nước Nga mới phải dừng chân, quay đầu tháo chạy.

Nguyên soái Kutuzov đã động viên nhân dân Nga bước vào cuộc Chiến tranh Vệ quốc, chặn đứng đạo quân xâm lược đầy kiêu hãnh ở trận địa Borodino để từ đó, đảo ngược thế cờ, lần lượt giải phóng quê hương. Rồi ở nước Nga hiện đại giữa thế kỷ XX, tài cầm quân của vị tướng nổi danh Zukov đã đẩy lùi hàng quân đoàn phát xít ra khỏi bờ cõi, giải phóng quê hương Xô Viết và một số nước Đông Âu. 

Cuộc Thế chiến thứ hai kết thúc lại là lúc bắt đầu một cuộc chiến tranh không cân sức của dân tộc Việt Nam chống hai đế quốc là Pháp và Mỹ. Với đường lối chiến tranh nhân dân, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp cùng các nhà lãnh đạo khác đã thức tỉnh cả một dân tộc đứng lên giành Độc lập – Thống nhất và quyết chiến đấu để bảo vệ nền Độc lập – Thống nhất ấy. Hòa trong tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Võ Nguyên Giáp được tôn vinh là nhà quân sự thao lược, đức trọng tài cao và giản dị hơn, được kính yêu như người Anh Cả của quân đội, người con trung hiếu của nhân dân.

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã từng ghi những trang oanh liệt với chiến công của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn trong thế kỷ XIII ba lần đánh thắng quân Nguyên. Và đến nay, trong ba mươi năm, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp cùng đội quân Nhân dân đã lập nên chiến công rực rỡ bảo vệ non sông, tô đậm truyền thống đấu tranh vì Độc lập – Thống nhất, vì Hạnh phúc – Tự do.

Những nhắc nhở về việc dạy – học Lịch sử trong nhà trường

Có lẽ chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ không đầy đủ nếu không thấy rằng cả trước và sau khi đảm lãnh trách nhiệm của vị Tổng tư lệnh quân đội, Ông đã là một nhà báo, nhà giáo, nhà sử học và nhà lãnh đạo khoa học. Ông tham gia viết báo Tiếng Dân và trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, ông trở thành cây bút chủ lực trong các tờ Hồn trẻ, Lao động, Tập hợp, Tiếng nói của chúng tôi …, tờ nọ tiếp tờ kia.

Người thầy dạy Sử ở trường Thăng Long năm xưa đã truyền thụ cho nhiều thế hệ học sinh tinh thần yêu chuộng Tự do của Cách mạng Pháp, tôn trọng Công lý của Cách mạng Mỹ và nhất là tinh thần yêu nước, bất khuất trong đấu tranh giành độc lập của các thế hệ cha ông.

 Từ những giờ giảng Sử, Ông đi vào thực tế cuộc sống để nghiên cứu thực trạng của đất nước. Năm 1937 Ông cho xuất bản cuốn Vấn đề Dân cày (viết chung với Trường Chinh), và năm 1939, ra mắt cuốn Vấn đề Dân tộc ở Đông Dương. Những cuốn sách đó trình bày rõ quan điểm tiên tiến về vấn đề nông dân và vấn đề dân tộc ở nước ta dưới thời thuộc địa và phong kiến, từ đó nhìn nhận nguồn gốc sức mạnh của nhân dân. 

Ở đây, sự gắn kết giữa sử học và lý luận đã góp phần soi rọi con đường đi của cách mạng Việt Nam. Ông luôn được giới sử học kính trọng và tin cậy, mời làm đồng Chủ tịch danh dự của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (cùng Giáo sư, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu).

Trong những buổi gặp mặt và làm việc với Hội, Ông thường nhắc nhở nhiệm vụ giảng dạy và học tập lịch sử trong nhà trường, hỏi han cặn kẽ từng chi tiết về việc dạy và việc học môn Lịch sử, gợi mở nhiều điều cần khắc phục và làm ngay. Ông rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các di sản lịch sử - văn hóa, đặc biệt di tích Cố đô Cổ Loa và Hoàng thành Thăng Long, góp ý về việc gìn giữ “ngôi mộ Tổ nghìn năm Thăng Long Hà Nội, kết tinh lịch sử văn hóa của cả dân tộc”.

Từ những năm 80, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyên tâm nghiên cứu các vấn đề khoa học kỹ thuật và giáo dục. Tập hợp một lực lượng đông đảo cán bộ khoa học và phát huy tài năng trí tuệ của anh chị em, năm 1985 đã hoàn thành bản Đề cương kiến nghị về chiến lược khoa học và kỹ thuật đến năm 2000, năm 1986 đã xuất bản cuốn Mấy vấn đề về Khoa học và Giáo dục. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt nhấn mạnh nhân tố con người là quan trọng nhất, cần làm tốt chiến lược đào tạo thế hệ trẻ, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, xây dựng một môi trường thật sự dân chủ đối với tư duy khoa học, tôn trọng trí thức, khuyến khích sáng tạo, vận dụng vào cuộc sống.

Các công trình trên đặt ra nhiều vấn đề cơ bản về mối quan hệ giữa khoa học và kinh tế, giữa khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, giữa giảng dạy và nghiên cứu nhằm đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ công nghiệp hóa đất nước. Ông chỉ ra sự cần thiết phải liên kết, tiến tới nhất thể hóa giáo dục – khoa học – sản xuất, nhất thể hóa khoa học với kinh tế, kinh tế với khoa học. 

Ông lưu ý trong khi tiếp nhận kinh nghiệm của các nước tiên tiến, vẫn phải quan tâm đặc biệt việc định hướng nghiên cứu cơ bản vào con người và xã hội Việt Nam, tài nguyên và điều kiện thiên nhiên nhiệt đới của nước nhà. 

Viết rằng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng, một nhà báo, nhà giáo, nhà sử học và người lãnh đạo khoa học để thấy tài năng toàn diện và tầm nhìn chiến lược của Ông về các vấn đề trọng yếu của đất nước. Song tất cả những điều đó chỉ là một, được tôi luyện trong một con người suốt đời Trung với Nước, Hiếu với Dân, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con trung thành của Dân tộc. Nhà sử học người Mỹ Stanley Karrnov viết rằng “Võ Nguyên Giáp xứng đáng ở trong ngôi đền thiêng dành cho những nhà cầm quân tài ba nhất”. 

Song đối với người Việt Nam, ngôi đền thiêng tưởng nhớ và thờ phụng Ông chính là trái tim của mỗi người dân Việt mãi mãi ghi nhớ đức độ, tài ba và nhân cách của vị tướng lỗi lạc Võ Nguyên Giáp. Ông đi vào lịch sử dân tộc và sống mãi cùng đời đời con cháu.

(Ghi chú: Bài viết tham khảo cuốn Võ Nguyên Giáp – Hào khí trăm năm của Trần Thái Bình. Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh 2011 và một số tài liệu khác)


Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.