Thấp chân chữa trị bằng đông y
NGUYÊN NHÂN PHÁT SINH BỆNH
Thấp chẩn do hai nguyên nhân gây ra: Nội sinh (bên trong cơ thể) và ngoại sinh (bên ngoài). Nguyên nhân bên ngoài chủ yếu là do ngoại phong, thấp, nhiệt; kết hợp cùng các yếu tố biến hóa của khí hậu như thời tiết, ánh nắng mặt trời và ngay cả phong sa, thủy thổ đều có liên quan đến hình thành bệnh. Cụ thể chủ yếu là hay ngồi, nằm nơi ẩm ướt kéo dài, nhà cửa luôn bị ẩm thấp… Còn do nguyên nhân nội sinh thì chủ yếu là công năng của tỳ, tâm, can, tạng phủ mất cân bằng sẽ sản sinh nội thấp, nội nhiệt, nội phong mà sinh bệnh. Nguyên nhân sinh ra nội thấp là do ăn uống không điều độ, ăn nhiều thức ăn sống lạnh, hay ăn quả cây, thức ăn thủy sản, ham thích uống trà, rượu. Nguyên nhân tạo thành nội nhiệt thường là trong lòng buồn phiền, tinh thần căng thẳng dẫn đến huyết nhiệt. Do vậy mà thấp nhiệt tương kết, bên ngoài lại bị phong xâm vào, làm cho thấp nhiệt chạy khắp hết tứ chi gây xuất tiết ngoài da mà sinh bệnh.
Người ta phân thấp chẩn ra làm hai loại là thấp nhiệt và tỳ thấp. Biểu hiện bệnh cảnh chung thường là đỏ, ẩm, ngứa, ban đầu nơi bị bệnh da đỏ nóng, có nổi mẩn đỏ, nổi những bọng nước, gãi thì ngứa, bọng nước vỡ sẽ đau và bị đi bị lại, không lành.
Với loại thấp nhiệt phát bệnh nhanh, quá trình phát bệnh ngắn. Da nơi bị đau đỏ nóng, dạng như mảng mây, trên nổi mẩn đỏ, có bọng nước, ngứa, gãi chảy nước, đại tiện phân khô rắn, tiểu nước vàng, rêu lưỡi vàng mỏng. Như vậy ta thấy rằng thấp chẩn biểu hiện thấp thịnh thì nổi bọng nước, da đỏ mỏng, nổi mẩn đỏ là huyết nhiệt, thấp, nhiệt đều thịnh thì phân khô, nước tiểu đỏ. Nhưng loại tỳ thấp lại phát bệnh chậm, thời gian mắc bệnh dài, da dẻ nơi bị bệnh màu sắc ảm đạm, không đỏ, không sưng, ngứa gãi chảy nước, rêu lưỡi trắng, sắc mặt vàng.
Trước bệnh cảnh của hai loại như vậy, việc trị liệu cũng phải dựa vào đó để kết hợp vừa nội trị và ngoại trị thì mới có hiệu quả. Trong nội trị cần lương huyết, lợi thấp, thành nhiệt, cụ thể dùng phương thuốc “long đảm tả can thang gia gia giảm”. Cách ngoại trị có thể dùng: “ngải sắc” dạng cao, hoặc dùng: “phấn thấp chẩn” để chữa trị.
Trị liệu chứng thấp chẩn cần lưu ý không nên dùng nước nóng rửa hoặc lăn nơi bị đau, tuy có giảm ngứa nhất thời, cũng không nên dùng xà phòng và những dược liệu có tính kích thích mạnh, mùa đông nên ít tắm gội. Kiêng ăn các thức ăn như thủy, hải sản, trứng gà, thịt gà, rượu, hành lá, tỏi, hẹ, rau cải. Có thể ăn thịt lợn, cải ngọt, cải trắng, quả hồng. Sau đây là cách hướng dẫn trị liệu cụ thể.
THUỐC DÙNG NGOÀI BẰNG ĐÔNGNAMDƯỢC
Dùng: Cây bông tai 100g, rửa sạch, giã ép lấy nước cốt bôi lên nơi đau, ngày 2-3 lần, bôi nhiều ngày.
Dùng: Hoa bươm bướm 50g, lá đào 60g, vôi củ (vôi chưa tôi) 10g, giã nhỏ cả 3 thứ bôi vào chỗ đau, ngày 1 lần.
Dùng: Thân lá cây hoa mười giờ 100g, lá đào tươi 100g, vôi tôi 10g, giã nhỏ bôi 2-3 lần một ngày, dùng trong nhiều ngày.
Dùng: Ngải chiên cao. Đây cũng là phương được lưu chép trong: “Ngự dược viên phương”.Theo như trong “Bản thảo cương mục”thì lá ngải cứu có tác dụng ôn trung, trục lạnh, trừ thấp, chữa được nhiều loại bệnh ngoài da như: Lá ngải cứu có thể chữa được vết nám trên da, mụn trên mặt phụ nữ, nhọt ghẻ, nhọt loét ở trẻ em, đinh nhọt sưng độc, nhọt không liền miệng… Còn giấm có tác dụng tiêu độc, tiêu ung thũng, tán thủy khí… Cách dùng như sau: Ngải cứu 75g, giấm 600g, cho lá ngải cứu và giấm vào nồi men sứ nấu thật sôi, vớt bỏ bã thuốc, hạ lửa nhỏ nấu tiếp đến khi đặc sệt như dạng cao là được. Mỗi lần lấy ít cao này phết trên giấy bản, hoặc giấy mỏng và dán vào nơi đau, ngày thay thuốc hai lần, sáng, chiều, tối.
THUỐC DÙNG TRONG
Dùng phương: “Long đởm tả can thang”, cũng lưu chép trong “Y tông kim giám”.
Gồm các vị:Long đởm thảo 6g, trạch tả 12g, xa tiền tử 9g, mộc thông 9g, sinh địa 9g, đương quy vĩ 9g, chi tử 9g, hoàng cầm 9g, cam thảo 6g.
Cách bào chế:Lấy long đởm thảo sao rượu. Còn sinh địa, hoàng cầm đem sao rượu, trộn nước. Chi tử sao khét. Làm xong cho vào nồi tất cả các vị có trong thang sắc cô đặc lấy nước thuốc uống chia 3 lần trong ngày. Cần dùng 3-5 thang.
Phương thuốc này lấy dược liệu sơ can thanh nhiệt trừ thấp làm chủ. Gồm có vị long đởm thảo vị đắng, tính hàn, nhập can, có thể lui can, tả nhiệt, trừ chứng sưng thấp nhiệt hạ tiêu, tả hỏa bàng quang, rất hiệu quả về thanh tả hỏa nhiệt can… đảm trừ thấp nhiệt hạ tiêu. Hoàng cầm, chi tử đều thanh nhiệt, táo thấp, tả can hỏa. Trạch tả, xa tiền tử, mộc thông đều lợi thủy, thông lâm, trợ giúp long đởm thảo thanh nhiệt lợi thấp, dẫn hỏa theo tiểu tiện ra ngoài…
Nguồn: suckhoedoisong.saigonnet.vn