Tết của người Dao Áo dài ở Vị Xuyên - Hà Giang
Giống như nhiều dân tộc khác ở Việt Nam , người Dao Áo Dài ăn tết theo âm lịch. Tết không chỉ thực sự đến vào ngày mồng 1 tháng giêng mà không khí đó đã đến với người Dao Áo Dài từ trước đó vài ngày. Trong mỗi gia đình, dù giàu hay nghèo, đều chuẩn bị củi, nước, thực phẩm, dọn dẹp nhà cửa… và quan trọng nhất là gói bánh chưng chuẩn bị cho 3 ngày tết.
Bánh chưng của người Dao Áo Dài là thứ bánh chưng đen, làm từ gạo nếp ngon trộn với tro rơm nếp đã tán mịn, nhân đường hoặc thịt, đáy hình chữ nhật nhưng lưng gù hình tam giác, được gói bằng lá dong. Có sự tích kể rằng: Xưa kia, người Dao Áo Dài cũng gói bánh chưng bằng gạo nếp trắng, hình vuông. Nhưng vào một ngày áp tết, họ bị giặc tấn công, đốt làng, phải ly tán khỏi nơi cư trú. Khi chạy loạn, họ buộc theo cả bánh chưng kéo đi. Đến nơi cư trú mới, những chiếc bánh hầu hết bị biến dạng, cong queo. Để giáo dục con cháu ghi nhớ biến cố lịch sử này, vào mỗi dịp tết, người Dao Áo Dài lại gói bánh chưng đen, lưng gù.
Cũng có sự tích kể rằng, chiếc bánh chưng đen, lưng gù chính là hình dáng đầu gối của người đi chạy loạn bị lấm bẩn.
Ngày 30 tết, người Dao cũng có tục cúng tất niên. Ngày này trong các làng Dao thật nhộn nhịp và vui. Mặc dù trong mỗi gia đình đều làm cơm, mời thầy về cúng ma nhà, ma bếp, ma rừng… nhưng không chỉ bó hẹp trong mỗi gia đình. Gia đình nào cũng mời bạn bè, người thân và cả những người là láng giềng trong chòm xóm đến ăn cơm, uống rượu nói chuyện năm cũ, bàn chuyện năm mới với gia đình mình. Cúng và ăn cơm, uống rượu ở gia đình này xong, họ lại kéo nhau đến gia đình kia và cứ thế cho đến tận khuya.
Tối 30 tết, đã thành lệ, mỗi gia đình trong làng đều cử một người đàn ông đại diện cho gia đình mình mang theo rượu, trứng, thịt, bánh hay bất cứ một thứ gì miễn là thực phẩm, đến nhà “Chủ miếu” cũ của làng góp vào để sinh hoạt chung rồi bầu Chủ miếu mới. Trong mỗi làng Dao Áo Dài đều có một miếu thờ các loại ma được coi là các thần hộ mệnh của dân làng. Và mỗi năm, làng phải bầu lấy một người am hiểu tập quán dân tộc, có tư cách đạo đức tốt, vợ chồng song toàn, hoàn cảnh kinh tế khá giả để làm Chủ miếu. Ông này là người thay mặt dân làng trông nom miếu, làm Chủ tế mỗi khi cúng ma miếu vào dịp tết đầu năm, rằm tháng giêng, tháng bảy…, và tổ chức sinh hoạt cộng đồng vào mỗi dịp đó tại nhà mình.
Trước tiên người ta bàn bạc, đề cử vài người giữ chức Chủ miếu mới, sau đó thử xem ma miếu có chấp nhận người này không bằng cách cử ông thầy “cấp sắc” của người đó thắp một que hương lầm rầm khấn ván giao ước với ma miếu rồi bẻ gập que hương, nếu hương cháy qua chỗ gập nghĩa là ma chấp nhận. Khi đó, người làm Chủ miếu mới sẽ được mời lên ngôi trên (vị trí giữa nhà, gần vách sau), còn những người có mặt đồng loạt quỳ lạy, hô vang, tôn xưng Chủ miếu là “Bố làng”.
Từ phút giao thừa trở đi, người Dao Áo Dài kiêng người lạ vào làng và đến các gia đình vì sọ họ làm phật ý các ma. Cũng thời điểm này, các gia đình mời thầy về làm lễ cảm tạ ma nhà và các ma ruộng, ma rừng… đã bảo hộ cho sức khoẻ, mùa mang tốt tươi, gia súc, gia cầm phát triển…, và tiễn ma cũ ra khỏi nhà. Họ dùng chổi đuôi rồng quét tất cả những uế tạp, không sạch sẽ ra khỏi nhà, sau đó đặt một chảo lửa ở cửa mời ma vào nhà cai quản năm mới (bước qua lửa cho sạch sẽ). Xong nghi lễ này, thầy cúng ra ngoài, đến chỗ máng nước thắp hương, đốt giấy, xin thần máng nước một ít vào bát rồi mang vào nhà, rót vào cái chén và cân thử xem. Nếu lần cân thứ nhất nặng hơn lần cân thứ hai người ta cho rằng năm đó trời sẽ mưa nhiều hơn năm cũ và ngược lại. Trên cơ sở đó, họ tính toán mùa vụ nông nghiệp năm mới cho thích hợp.
Sáng mồng 1 tết, dân làng tập trung quanh miếu làng dự lễ cúng mà Chủ miếu đứng ra thay mặt toàn dân cầu ma miếu phù hộ cho cả làng. Sau đó, người ta mới tản đi đến các gia đình thăm thú, chúc tụng nhau. Nam giới đại diện cho mỗi gia đình lại đến nhà chủ miếu góp hương, rượu, thịt, bánh trưng… để Chủ miếu thắp hương cho ma miếu và cùng sinh hoạt cộng đồng. Tại nhà Chủ miếu, người ta còn liên tục bắn súng lên trời, Chủ miếu cử mỗi họ một người, lập ra một nhóm vác súng kíp đi săn.
Người Dao Áo Dài quan niệm: nếu nổ phát súng đầu tiên mà trúng chim hay thú thì năm đó làng sẽ rất may, khi ấy bất kể chim hay thú to, nhỏ bắn được cũng phải dùng đòn khiêng về để Chủ miếu làm lễ vật cúng ma rừng, cầu cho cả làng đi rừng may mắn. Còn nếu không bắn được chim, thú thì bắn rụng một vài cái lá to khiêng về để Chủ miếu phù phép biến thành lễ vật cúng ma.
Người Dao Áo Dài rất tôn trọng người biết làm thầy cúng hay thầy bói nên vào tối mồng 1 tết, đàn ông trong làng, không phân biệt già, trẻ (từ 6-7 tuổi trở lên) tập trung đến nhà một số thầy bói tập nhảy bói, phụ nữ thì đến xem. Không khí ở đây thật sôi động, náo nhiệt. Người ta vừa cầm hương vừa làm những động tác như cưỡi ngựa, nhảy rầm rập trên sàn nhà theo chiều kim đồng hồ, thỉnh thoảng lại hú lên. Khi có dấu hiệu thấm mệt, được thầy cho uống nước gạo rang, uống rượu trên bàn thờ sư tổ.
Những người nhảy giỏi sau này có thể sẽ trở thành một thầy bói, còn những người khác nếu không có khả năng đó thì xem đây là một cuộc vui. Việc nhảy bói có sức lôi cuốn đến nỗi có cụ già đang ốm, nghe tiếng nhảy cũng bật dậy tìm đến và dường như quên hẳn đi bệnh tật.
Trong dịp tết của người Dao Áo Dài còn có nhiều tục lệ khác như đánh trống để ma nhà nghe cho vui; chọn ngày Sửu, ngày Dậu, ngày Hợi để đi cày vài đường lấy may; kiêng quét nhà, kiêng quát mắng con trẻ, kiêng vứt lá lung tung… Tết cũng là dịp để trẻ em chơi trò ném còn, thanh niên thi hát đối đáp giao duyên v.v… Tết chỉ thực sự hết khi các gia đình đã làm lễ tiễn ma về nơi trú ngụ của hồn ma và cả bản bước vào một mùa vụ sản xuất mới.
Có thể nói, đôi với người Dao Áo Dài, tết không chỉ có ý nghĩa đánh dấu bước chuyển từ năm cũ sang năm mới - mà còn là dịp để họ thể hiện những quan niệm, những tâm tư, tình cảm, những ước vọng và cả những nét đẹp trong phong tục tập quán của dân tộc.
Nguồn: Dân tộc & Thời đại, số 86 1/2006, tr 13, 14