Tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm là cần thiết
Hiện nay, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở nước ta có sự khác biệt lớn giữa các vùng, miền. Do đó, tháng 1/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 09/2016/NĐ-CP về bắt buộc tăng cường vi chất vào thực phẩm nhằm giải quyết tình trạng thiếu các vi chất phổ biến nhất ở người Việt Nam. Người Việt thường thiếu hụt vitamin A, vitamin D, kẽm, sắt, thiếu đa vi chất, khẩu phần canxi thấp. Việc thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản, cũng như năng suất lao động của người lớn.
ThS. Nguyễn Mẫn Hà Anh, Phó phòng pháp chế, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế
Nghị định số 09/2016/NĐ-CP được ban hành ngày 28/01/2016, quy định về việc muối dùng để ăn trực tiếp và dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt, bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm và dầu thực vật phải được tăng cường vitamin A (trừ dầu dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp). Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện Nghị định này, Chính phủ đã quy định lộ trình bắt buộc áp dụng là 01 năm (15/3/2017) đối với muối I-ốt và 02 năm (15/3/2018) đối với bột mỳ sắt, kẽm và dầu ăn vitamin A. Đó là khoảng thời gian cần thiết và đủ để các tổ chức, cá nhân chịu sự điều chỉnh của Nghị định này thực hiện các công tác chuẩn bị về kỹ thuật cũng như sắp xếp về sản xuất, kinh doanh, ThS. Nguyễn Mẫn Hà Anh, Phó phòng pháp chế, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết tại Tọa đàm Thúc đẩy thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ vì sức khỏe và tầm vóc Việt do Trung tâm Thông tin Tổ chức phi Chính phủ tổ chức.
Ths Hà Anh cho biết thêm, sau gần một năm khi ban hành, Bộ Y tế đã nhận được các kiến nghị của một số hiệp hội và doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các vấn đề sau:
Về muối I-ốt sử dụng trong chế biến thực phẩm: Một số doanh nghiệp cho rằng I-ốt gây ra thay đổi các đặc tính cảm quan của sản phẩm (biến màu, biến mùi, biến đổi chất lượng...) và không còn tồn tại trong sản phẩm thực phẩm cuối sau quá trình chế biến; Rất nhiều thực phẩm đã có sẵn I-ốt trong thành phần do nguyên liệu tự nhiên đã có sẵn I-ốt, do đó, không cần sử dụng muối có I-ốt để tránh tạo ra hàm lượng I-ốt cao trong thành phẩm và gia tăng thêm chi phí sản xuất; Các nước nhập khẩu không yêu cầu sử dụng muối I-ốt nên gây khó khăn trong quá trình sản xuất để xuất khẩu.
Về bột mỳ sắt, kẽm sử dụng trong chế biến thực phẩm: Nếu doanh nghiệp có sản xuất thực phẩm để xuất khẩu thì không thể sử dụng chung một nguyên liệu bột mì có tăng cường sắt và kẽm để vừa sản xuất sản phẩm nội địa và sản phẩm xuất khẩu vì vậy sẽ phát sinh thêm chi phí vệ sinh, quản lý việc xuất nhập, tăng chi phí sản xuất.
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, ngày 13/3/2017, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp chủ trì đối thoại tại Văn phòng Chính phủ và đã chỉ đạo: Nếu có những phát sinh về biến đổi mùi vị, màu sắc của sản phẩm liên quan đến việc sử dụng muối I-ốt thì doanh nghiệp cần báo cáo ngay với Bộ Y tế để Bộ Y tế phối hợp cùng các bộ liên quan nghiên cứu và đưa ra hướng giải quyết.
Kết quả cho thấy, tất cả các cơ sở sản xuất muối, bột mỳ và dầu ăn (11/11 cơ sở) đều thực hiện sản xuất thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng. Các cơ sở sản xuất thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng có thể thực hiện lâu dài do không gặp khó khăn trong đầu tư máy móc cơ bản, mua vi chất dinh dưỡng và bố trí nhân công triển khai.
Theo kết quả khảo sát, sản phẩm xuất khẩu chiếm tỷ lệ nhỏ so với thị trường nội địa. Trong đó, có một cơ sở sản xuất thực phẩm có tỷ lệ xuất khẩu cao nhất cũng chỉ chiếm 10% tổng sản lượng và tỉ lệ sản phẩm phải sử dụng muối và bột mỳ (chủ yếu là mỳ ăn liền) cũng chỉ chiếm khoảng 20% trong số 10% xuất khẩu này. Ngoài ra, nhiều quốc gia hiện nay đã bắt buộc sử dụng các loại vi chất dinh dưỡng khác nhau tăng cường vào thực phẩm (trong khối ASEAN có Indonesia, Philippines) nên việc xuất khẩu sang các quốc gia này không khó khăn. Có một số nước không cho tăng cường vi chất vào thực phẩm (ví dụ như I-ốt tại Nhật) thì khi sản xuất cho thị trường này mới phải vệ sinh dây chuyền, Ths Hà Anh cho hay.
Ths Hà Anh cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 14/3/2019 tại trụ sở Chính phủ về việc chỉnh sửa Báo cáo số 1495 theo hướng mở rộng hơn phạm vi cần báo cáo liên quan đến việc thực thi Nghị định số 09. Ngày 02/5/2019, Bộ Y tế đã thực hiện tổng kết lại hoàn thành Báo cáo số 439/BC-BYT về tổng thể tình hình thực hiện Nghị định số 09 (Báo cáo số 439) với nội dung bao trùm đầy đủ các khía cạnh liên quan đến Nghị định số 09 từ lúc bắt đầu xây dựng dự thảo cho tới quá trình thực hiện và đánh giá việc thực thi sau hơn 02 năm Nghị định này chính thức có hiệu lực. Tại Báo cáo này, Bộ Y tế đã tổng hợp lại các thông tin về sự cần thiết và chính sách trong tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, đồng thời nêu rõ hai luồng ý kiến trái chiều về Nghị định số 09: Thứ nhất là luồng ý kiến ủng hộ của các tổ chức quốc tế (Tuyên bố chung của WHO và UNICEF) và của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng (có thư gửi Thủ tướng Chính phủ); Thứ hai là luồng ý kiến không ủng hộ của các doanh nghiệp, các hiệp hội từ khi xây dựng và sau khi ban hành Nghị định số 09.
Tuy nhiên, ngày 31/5/2019, thực hiện công văn số 4228/VPCP-KGVX ngày 17/5/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc tổ chức trao đổi với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về nội dung Báo cáo số 439, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đã tổ chức một cuộc họp với thành phần là đại diện Văn phòng Chính phủ (Vụ Pháp luật), các Vụ, Cục liên quan thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, các hội, hiệp hội: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hội Lương thực Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Thực phẩm chức năng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Cần tăng cường vi chất dinh dưỡng vào trong thực phẩm
Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là một chính sách nhân văn, mang lại nhiều lợi ích nổi trội cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì sự sống khỏe mạnh của cộng đồng. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức về tăng cường vi chất cho các nhóm đối tượng, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đối thoại, giải quyết thỏa đáng những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Hiện nay, việc công tác truyền thông làm sao phải đi được vào đời sống của người dân, phù hợp với người dân, phù hợp với phong tục tập quán từng địa phương, ngôn ngữ cũng phải phù hợp, dễ hiểu. Truyền thông cũng phải đa phương tiện, vì với những vùng sâu, vùng xa việc tiếp cận báo giấy hay internet là rất khó khăn. Vai trò của các hộ rất quan trọng, trong một gia đình, người phụ nữ, người nội trợ chính là nhóm đối tượng chính để tuyên truyền vì họ là người trực tiếp sử dụng các sản phẩm như muối, dầu ăn để thực hiện các bữa ăn cho gia đình.
Bài, ảnh: HT