Tầm vóc của con người làm nên lịch sử
Nói như vậy không chỉ để nhắc lại một thời trai trẻ Võ Nguyên Giáp đã từng là một giáo sư (theo cách gọi đương thời) dạy sử tại Trường Thăng Long ở Hà Nội mà khi đã trở thành một nhà hoạt động chính trị, một nhà quân sự lớn, ông vẫn luôn mang tư duy của một nhà sử học và là người có những đóng góp to lớn trong những tổng kết lịch sử về cách mạng và đặc biệt là chiến tranh cách mạng.
Chỉ cần nhìn vào khối lượng đồ sộ và chất lượng sâu sắc những công trình ông đã viết, kể cả một pho hồi ức nhiều tập gắn cuộc đời của ông với lịch sử của thế kỷ XX mà ông có mặt gần trọn vẹn, lại cũng là thế kỷ có nhiều biến động nhất trong lịch sử dân tộc ta, cũng có thể coi ông là nhà sử học hàng đầu xứng đáng với những giải thưởng cao quý nhất về trí tuệ.
Từ một phần tư thế kỷ đến nay (1988-2013) Đại tướng nhận lời làm Chủ tịch Danh dự của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và ông đã đảm nhận danh vị ấy với một tinh thần trách nhiệm mẫu mực.
Chúng tôi không bao giờ quên lần Đại tướng tham gia chủ trì hội thảo khoa học về hai nhân vật lịch sử quê ở Quảng Nam là Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng, tại thành phố Đà Nẵng (1996).
Từ trên bục chủ toạ, ông xách ghế đi xuống đặt sát cạnh cụ Nguyễn Văn Xuân để lắng nghe lời phát biểu của nhà giáo có giọng nói đặc xứ Quảng. Sau hội thảo, ông còn lưu lại tiếp xúc với nhiều cơ quan có trách nhiệm để đánh giá hiệu quả của hội thảo đồng thời cũng để điều chỉnh những ý kiến chưa thật đúng về một cuộc hội thảo khoa học vào thời điểm mà nhận thức chưa cởi mở trong một số vấn đề lịch sử như bây giờ.
Ông có mặt và đọc những tham luận sâu sắc trong nhiều sinh hoạt sử học tưởng niệm các danh nhân, đặc biệt là các tướng lĩnh từng dưới quyền Ông. Những bài phát biểu của ông về Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi...về Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng cũng như về những người đồng chí như Tô Hiệu, Phan Thanh, Trần Huy Liệu... các tướng lĩnh như Nguyễn Sơn, Nguyễn Bình, Nguyễn Chánh, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Vương Thừa Vũ, Hoàng Đạo Thuý ...nếu tập hợp lại sẽ là một pho nhân vật có giá trị...
Võ Nguyên Giáp có một đời sống đầy thử thách. Trưởng thành từ lớp trí thức được đào tạo quy củ của nhà trường trong chế độ cũ, ông được trang bị những tri thức và phương pháp tư duy theo kịp những tư tưởng hiện đại. Và cũng vì thế ông có được sự giác ngộ sâu sắc từ trong những điều học được từ nhà trường thực dân mà nhận biết sự cần thiết phải đánh đổ chủ nghĩa thực dân và hướng đến những tư tưởng nhân văn của thời đại.
Lòng yêu nước của ông, do vậy, không chỉ có được từ những tình cảm sâu xa của một dân tộc đang chịu ách nô lệ muốn thay đổi thân phận của mình mà còn nhận biết con đường để phấn đấu đạt được mục tiêu ấy từ những tri thức xã hội mà cốt lõi là những bài học rút ra từ lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại.
Sau một tuổi trẻ sôi nổi làm báo tại miền Trung được dẫn dắt bởi những vị chí sĩ nổi tiếng của phong trào Duy Tân như: Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Nguyên Giáp trở thành một nhà giáo dạy sử mẫu mực của trường Thăng Long tại trung tâm Hà Nội.
Đó cũng là thời kỳ Đảng Cộng sản đang hoạt động sôi nổi trên chính trường và báo chí công khai. Ông trở thành một cây bút xuất sắc của báo chí thời Mặt trận Bình dân cũng như những hoạt động xã hội khác như phong trào Đông Dương Đại hội, Hội nghị báo giới và Hội Truyền bá Quốc ngữ do Đảng làm hạt nhân. Đó cũng là thời kỳ xác lập những mối liên hệ đầu tiên với lãnh tụ Nguyên Ái Quốc đang từ nước ngoài tiếp cận và chỉ đạo phong trào ở trong nước.
Người phát hiện ra năng lực và giao phó trách nhiệm để Võ Nguyên Giáp trở thành một nhà quân sự lỗi lạc lại chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặt tên cho người đồng chí trẻ tuổi họ Võ một bí danh là “Văn”, vị lãnh đạo tối cao của cách mạng đã nêu lên một nguyên lý tạo nên sức mạnh vô địch của lực lượng vũ trang cách mạng. Đó là phải lấy chính trị và sức mạnh của nhân dân làm gốc. Chỉ thị thành lập ra một đạo quân với tên gọi “Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” của Bác Hồ khi giao nhiệm vụ cho Võ Nguyên Giáp đã toát lên tư tưởng chỉ đạo đó.
Đi dọc cuộc trường chinh “đánh thắng 2 đế quốc to”, Võ Nguyên Giáp với cương vị là Tổng tư lệnh, cùng các đồng chí của mình đã tuân thủ tư tưởng đó của Hồ Chí Minh và đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa tạo nên truyền thống biết đánh và biết thắng của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam trước mọi kẻ thù. Nhưng cũng như cái tên của Bác Hồ đặt cho Võ Nguyên Giáp, ở vị tướng cầm quân này, tư tưởng nhân văn bắt nguồn từ truyền thống của tổ tiên “lấy nhân nghĩa thắng cường bạo” luôn soi sáng các hoạt động quân sự của ông.
Hai lần ông gặp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mc Nammara tại Hà Nội (1995 & 1997), tôi may mắn đều được chứng kiến. Cả 2 lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều trả lời câu hỏi “Liệu có cơ hội nào bị bỏ lỡ khiến hai nước chúng ta không tránh được chiến tranh hay không ?”
Bằng một lập luận nhất quán và đầy tính thuyết phục: “Việt Nam là nước nhỏ, nước nghèo nên không khi nào muốn đụng đầu với một ai, nhất là với một nước lớn, nước giàu như Hoa Kỳ. Mọi cơ hội có thể tranh thủ hoà bình Việt Nam đều tranh thủ triệt để. Chỉ có điều, đó phải là nền hoà bình danh dự của một quốc gia độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng khi đã buộc phải tiến hành chiến tranh thì dân tộc Việt Nam đã hành động như Ngài đã biết”.
Lần gặp con trai của cố Tổng thống Hoa kỳ JF Kennedy tại Hà Nội cách đây đã 15 năm (23-8-1988), vị Đại tướng 88 tuổi đã nói với một tổng biên tập một tờ báo ở thủ đô Hoa Kỳ (Washington Chronicle) kém mình đúng 50 tuổi một lời nhắn nhủ: “Số đông những người Mỹ trẻ tuổi như anh chỉ biết đến lịch sử của cuộc chiến tranh khốc liệt mà không biết rằng giữa 2 quốc gia chúng ta đã từng là đồng minh với nhau trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít”.
Rồi vị lão tướng của chúng ta chỉ lên tấm hình chụp Đại tướng cùng Bác Hồ chụp chung với đơn vị biệt kích có bí danh là “Con Nai” của Mỹ tại sân Bắc Bộ phủ những ngày cách mạng mới thành công mà nói rằng các thế hệ trẻ của hai nước và của cả thế giới phải cùng nhau viết tiếp những trang sử hoà bình và hợp tác.
Tôi không quên được nét mặt của vị con trai của cố Tổng thống Mỹ hoàn toàn bị chinh phục bởi một bài giảng lịch sử ngắn gọn và sâu sắc của một vị tướng vốn là một thầy dạy sử. Dường như chính những tri thức lịch sử đã giúp vị giáo sư sử học trở thành một vị Đại tướng đã cùng dân tộc mình làm nên lịch sử.
Khi đã ngót tuổi trăm vào thời điểm cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, vị Lão Tướng vẫn nung nấu với những suy nghĩ về lịch sử : ông vẫn cùng giới sử học bàn bạc về việc làm sao bảo vệ những di sản của lịch sử, để khu Di chỉ quý giá của Hoàng thành Thăng Long sớm được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá nhân loại, không thôi băn khoăn vì sao học sinh vẫn chưa say mê học sử... Đại tướng còn gửi thư cho Hội Khoa học Lịch sử đặt vấn đề nên thảo luận thật thấu đáo việc có nên lấy lại tên “Thăng Long” vào dịp Hà Nội kỷ niệm nghìn tuổi hay không (?!)...
Sức sống của lịch sử vẫn nung nấu trong con người đã góp phần làm nên lịch sử oai hùng của dân tộc trong thế kỷ XX và mong muốn trao truyền cho các thế hệ tiếp theo cái nhiệt huyết đã từng giúp ông thầy dạy sử trở thành một vị Đại tướng lừng lẫy trong lịch sử dân tộc và thế giới.