Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 16/08/2012 22:23 (GMT+7)

Tấm gương lao động trong khoa học và dũng cảm chiến đấu với bệnh tật

Cũng như các bạn bè cùng thời, anh trải qua cuộc sống lam lũ nơi đồng đất nghèo khó, vừa đi học vừa chăn trâu, cắt cỏ. Sau tết Ất Tỵ (1965), giặc Mỹ ném bom ác liệt vào thị trấn Hố Xá và trường cấp 3 Vĩnh Linh. Vì vậy khoá học cấp 3 đầu tiên của anh phải học trong hầm đất, nửa chìm nửa nổi ở phân hiệu 2 - Vĩnh Lâm - Vĩnh Linh. Tháng 8 năm 1967 trường phải sơ tán ra Tân Kỳ - Nghệ An (theo chiến dịch K8). Năm 1968 anh được cử đi học tại trường đại học tổng hợp Minsk của Belarus. Đằng đẵng hơn 10 năm sau, khi về chịu tang mẹ, anh mới có dịp về lại quê hương yêu dấu. Dẫu vậy, tấm lòng nhà khoa học trẻ Trần Đức Vân luôn đau đáu về quê hương Quảng Trị.

Sự nghiệp học tập và nghiên cứu toán học đã lôi cuốn anh, với một ý chí phải học thật giỏi để sau này trở về xây dựng quê hương đất nước. Ở trường Đại học danh tiếng Minsk, anh luôn đứng hàng sinh viên xuất sắc nhất. Luận văn tốt nghiệp đại học của anh đã được Bộ Đại học Liên Xô (lúc bấy giờ) tặng huy chương vàng vì “Công trình khoa học sinh viên tốt nhất”. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh.

Sau một năm rưỡi, anh đã hoàn thành luận án Phó tiến sĩ, sau đó anh lại được đề nghị tiếp tục ở lại Liên Xô làm luận án Tiến sĩ khoa học. Anh chuyển từ đại học Tổng hợp Minsk lên Matxcơva. Tại đây, anh gặp gỡ và làm việc trực tiếp với nhiều nhà toán học hàng đầu của Liên Xô. Chỉ sau 4 năm anh lại lập kỷ lục mới. Năm 1980 bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học tại Viện Toán học Nôvôsibirsk nổi tiếng thế giới thuộc viện hàn lâm khoa học Liên Xô. Anh trở thành một trong những người trẻ nhất bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học ở tuổi 29. Luận án của anh được in thành sách, mở ra một trường phái toán học mới: Hệ phương trình vi phân cấp vô hạn.

Từ năm 1981, Trần Đức Vân về nhận công tác ở viện Toán học, giáo sư Hoàng Tuỵ giao cho anh xây dựng phòng nghiên cứu mới - Phòng phương trình đạo hàm riêng. Từ đó, phương trình đạo hàm riêng đã trở thành một hướng nghiên cứu mạnh trong Viện Toán học và trong cả nước. Nhờ thành công trong việc xây dựng phòng phương trình đạo hàm riêng và với uy tín khoa học, từ năm 1990 đến năm 1995 anh được cử làm Phó Viện trưởng Viện Toán. Trong giai đoạn này anh đã cùng Giáo sư - Tiến sĩ Đoàn Trọng Thi tham dự hội nghị quốc tế các nhà toán học trẻ tổ chức ở Mỹ. Cuối tháng 8 năm 1993 anh đã cùng lãnh đạo Viện tổ chức thành công Hội nghị Toán học quốc tế về “Toán học - giải tích ứng dụng” tại Hà Nội.

Năm 1996 đến năm 2000 anh giữ cương vị Viện trưởng Viện Toán học. “Nhờ công lao của anh, Viện Toán học vượt qua được khó khăn của thời kỳ đầu của nền kinh tế thị trường trở thành một trong những cơ quan nghiên cứu hàng đầu của cả nước” Viện Hàn lâm thế giới thứ 3 (có trụ sở tại Trieste, Italia) cũng đánh giá Viện Toán Việt Nam là một trong 10 trung tâm khoa học xuất sắc của các nước đang phát triển.Giữa lúc tài năng đang nở rộ, vào cuối những năm 90 anh gặp phải một cơn bệnh quái ác - “nhược cơ”. Vậy là vừa làm công tác quản lý, vừa nghiên cứu khoa học, anh lại phải chống chọi với cơn bệnh hiểm nghèo. Đầu năm 2001, do điều kiện sức khoẻ anh không tiếp tục làm Viện trưởng mà chỉ tập trung cho việc nghiên cứu, viết sách và hướng dẫn nghiên cứu sinh.Mặc dù phải chiến đấu dai dẳng với căn bệnh hiểm nghèo, thành quả khoa học mà anh để lại thật đồ sộ. Anh đã hướng dẫn thành công 10 tiến sĩ, công bố hơn 80 bài báo quốc tế, viết và in 6 quyển sách chuyên khảo (trong đó có 3 quyển bằng tiếng nước ngoài). Anh được phong hàm giáo sư năm 1991 khi mới 40 tuổi, được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2003.

Trần Đức Vân không chỉ nêu tấm gương lao động nghiêm túc và sáng tạo trong khoa học, dũng cảm chống chọi với bệnh tật, anh còn là người con luôn nặng lòng với quê hương Quảng Trị, nơi chôn rau cắt rốn của anh.

Ngay việc đặt tên cho các con của anh cũng đã nói lên điều đó. Con gái đầu: Hiền Lương, con trai: Vĩnh Linh, hai địa danh của quê anh. Vợ anh - người bạn đời của anh, chị Nguyễn Thị Bích Lài (quê ở Diễn Châu – Nghệ An) chắc cũng vì chiều anh hay bị “lây” tội “yêu quê chồng” mà bằng lòng với tên gọi của hai con?

Sẽ thật là khiếm khuyết nếu khi nhắc đến những cống hiến, những thành công trong sự nghiệp của Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đức Vân mà không nhắc đến chị Nguyễn Thị Bích Lài. Câu nói “đằng sau sự thành đạt của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ” thật chí lý khi nói về chị.

Anh chị gặp nhau vào những năm cuối khi học đại học ở Liên Xô. Về nước, anh chị làm lễ cưới, chị ở lại nhận công tác ở Viện Hoá - Viện Khoa học Việt Nam, còn anh trở sang nước bạn làm tiếp luận án Tiến sĩ. Những ngày anh làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, một mình chị xoay xở nuôi con. Với bản tính cần cù, tảo tần của người con gái xứ Nghệ, chị đảm đang mọi việc cho anh yên tâm làm khoa học và hoàn thành trọng trách nhà quản lý một viện khoa học lớn của đất nước.

Nhưng điều đáng trân trọng và kính nể hơn cả là sự tận tuỵ và hi sinh đến mức khó tin, đến mức quá sức chịu đựng ở một người vợ. Đằng đẵng 15 năm chăm sóc chồng, khi anh lâm bạo bệnh không thể tự chăm sóc cho mình. Từ việc đi lại, ăn uống, bài tiết, ... tất cả một mình chị lo toan. Khoảng 5 năm cuối đời, anh Vân luôn trong tình trạng hôn mê, chị phải học làm hộ lý, làm y tá để tự điều trị cho anh tại nhà. Mười lăm năm, không có một đêm đầy giấc, không có một ngày rời anh bên giường bệnh. Chị đã chăm sóc tận tuỵ chu đáo, mặc dù phải nằm liệt mấy năm trời, chị vẫn luôn cận kề, lắng nghe từng nhịp tim, từng hơi thở của anh, bón cho anh từng giọt sữa, theo dõi các thiết bị trợ tim, bình chuyền, để không bao giờ ngắt nhịp, cho đến khi anh “trốn” chị ra đi sáng ngày 16 tháng 7 năm 2011.

Cũng vì nặng lòng với quê hương, chị Nguyễn Thị Bích Lài đã thay anh giành tình cảm yêu thương đầy đặn, trọn vẹn ấy với quê hương Quảng Trị.

Tháng 9 năm 2009 trường cấp 3 Vĩnh Linh tổ chức kỷ niệm 50 năm truyền thống nhà trường (15/9/1959 - 15/9/2009). Khi biết tin này, mặc dù đang chăm sóc chồng ở bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, chị Lài vẫn viết thư gửi về trường với những tình cảm hết sức chân tình và xúc động: “Khi đã trở thành nhà Toán học của đất nước, nhà tôi (tức Vân) vẫn luôn nhắc đến ngôi trường cấp 3 Vĩnh Linh và thời kỳ sơ tán ở Tân Kỳ (Nghệ An), vẫn nhớ đến tấm áo mà thầy Lai nhường cho nhà tôi mặc trong những đêm đông giá rét. Ngày còn ở Liên Xô và cả khi về làm việc ở Hà Nội, lúc nào nhà tôi vẫn mang trong mình nỗi nhớ quê hương, vẫn nặng nợ và chịu ơn với ngôi trường của mình đã theo học. Những năm 1990, khi nhà tôi còn khoẻ, năm nào anh cũng vào thăm lại trường cũ, tổ chức trao quỹ học bổng cho trường cấp 3 Vĩnh Linh và trường cấp 2 Vĩnh Sơn - quê anh.Năm nay, anh lo sẽ còn rất ít cơ hội để gặp lại thầy, cô, bạn bè vì vậy anh nhắc tôi viết thư này gửi về trường.Tôi viết thư này thay anh, xin được tri ân tới các thầy, các cô đã dạy dỗ anh khi còn ở trường, tri ân các bạn đồng môn, các anh chị quen biết đã luôn sẻ chia, động viên vợ chồng tôi và hai cháu khi anh lâm bệnh...”.Chị Lài đã có những ngày hạnh phúc bên người chồng - người bạn đời Trần Đức Vân, anh chị đã có các con học giỏi và thành đạt, có đủ cháu nội, cháu ngoại, đó là niềm an ủi lớn nhất còn lại đối với chị. Trần Đức Vân vẫn còn in đậm trong tâm trí mọi người về tấm gương lao động trong khoa học và sự dũng cảm chiến đấu trong bệnh tật, về tình thủy chung vợ chồng, về tình thương của người cha với các con, về tình thầy trò tận tụy, về tình bạn bền chặt keo sơn…

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.