Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 02/04/2013 22:13 (GMT+7)

Tài nguyên khoáng sản và tên gọi của “Biển Đông”

1. Tài nguyên khoáng sản - Vị thế của “Biển Đông”

“Biển Đông” là biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km 2, trải rộng từ vĩ độ 3 0B đến 26 0B, từ 100 0Đ đến 121 0Đ. Ngoài Việt Nam, “Biển Đông” được bao bọc bởi tám nước: Trung Quốc, Philippin, Indonesia, Bruney, Malaixia, Singapore, Thái Lan và Campuchia.

Tại đây, dầu khí là tài nguyên khoáng sản có vị thế quan trọng hàng đầu. Trữ lượng dầu mỏ của “Biển Đông” đã được xác định bằng khoảng 7,7 tỷ barrel (ước tính tổng khối lượng bằng 28 tỷ barrel), trữ lượng khí gas tự nhiên được ước tính bằng khoảng 266 nghìn tỷ feet khối. Số liệu thống kê của Cục Tình báo năng lượng Bộ Năng lượng Hoa Kì (EIA) cho thấy: trữ lượng dầu thô ở khu vực “Biển Đông” khoảng 7 tỷ thùng; sản lượng khai thác hàng ngày khả dĩ khoảng 2,5 triệu thùng. Điều tra của Cục thăm dò địa chất Hoa Kì (USGS) cũng cho thấy: ở khu vực “Biển Đông” trữ lượng khí thiên nhiên gấp đôi trữ lượng dầu thô. [1]

Căn cứ chủ trương chủ quyền của Trung Quốc đối với “Biển Đông” như Trung Quốc tuyên bố thì phần lớn dầu khí ở khu vực này thuộc vè Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của các cơ quan công quyền Trung Quốc, trên vùng “Biển Đông” có hơn 200 cấu tạo dầu khí, khoảng 180 mỏ dầu khí. Chỉ tính tại các bồn địa Tăng Mẫu, Sabah, Vạn An (Tư Chính) đã có trữ lượng gần 20 tỷ tấn dầu thô, là một trong những khu vực có trữ lượng dầu khí lớn nhất trên thế giới chưa được khai thác. Riêng đối với Việt Nam, sản lượng khai thác dầu mỏ hàng năm lên tới 17,1 triệu tấn [1].

Tài nguyên dầu khí của nước ta rất phong phú, hầu hết diện tích chứa dầu khí đều nằm trên vùng thềm lục địa với độ sâu không lớn, trên toàn bộ diện tích nghiên cứu đã xác định được 20 vùng với những mức độ triển vọng dầu khí khác nhau, nhưng do điều kiện khai thác và thăm dò khó khăn, mới có 4 vùng có triển vọng cao, trong đó có 2 vùng đang được khai thác có hiệu quả là bể dầu khí Cửu Long và bể khí Nam Côn Sơn. Kết quả tìm kiếm thăm dò trong thời gian qua đã xác định ở vùng biển Việt Nam có 8 bể trầm tích Đệ Tam: Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn Thổ Chu- Mã lai, Sông Hồng [2].

Theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên băng cháy ( methane hydrate), đây là nguồn năng lượng sạch còn quý hơn dầu mỏ và thay thế dầu khí trong tương lai gần. Theo các công trình nghiên cứu thì vùng được đánh giá triển vọng nhất bao gồm các khu địa luỹ Tri Tôn – Tây của quần đảo Hoàng Sa, Bắc và Đông bắc bể Nam Côn Sơn và vùng Tư Chính [2].

Như vậy, chính tiềm năng dầu khí chưa được khai thác được coi là một nhân tố quan trọng làm tăng thêm các yêu sách chủ quyền của một số nước trongkhu vực đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

“Biển Đông” nằm gọn trong phần phía Tây của vành đai quặng thiếc Thái Bình Dương. Nơi đây tập trung các sa khoáng biển kim loại hiếm, chủ yếu là thiếc, titan, ziricon, vonfram, brom, sắt, đồng. Đồng thời, tại đây còn có một số khoáng sản hoà tan khác với nồng độ thấp hơn: bạc, uran và ito.

Khoáng sản phi kim loại cũng rất phong phú trong vùng “Biển Đông” thuộc Việt Nam, trong phạm vi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Trên “Biển Đông” thuộc lãnh hải Việt Nam còn có các tài nguyên khoáng sản quan trọng sau [4]:

* Cát thủy tinh: Cát thủy tinh ở nước ta có hàm lượng SiO 2, độ tinh khiết, độ trắng cao, đủ điều kiện để sản xuất các mặt hàng thủy tinh dân dụng và các mặt hàng thủy tinh cao cấp. Cát thủy tinh phân bố ở nhiều nơi, tuy nhiên những nơi tập trung thành mỏ không nhiều. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, các mỏ cát thủy tinh ở nước ta đều thuộc cỡ nhỏ đến cỡ trung bình và phân bố ở: Vân Hải (Quảng Ninh), Nam Ô (Đà Nẵng), Quảng Ngãi, Nha Trang. Cát trắng là một trong những khoáng sản chính ven biển Việt Nam, phân bố rải rác dọc bờ biển từ Bắc đến Nam. Hiện nay có khoảng 20 mỏ đã được tìm kiếm, thăm dò với tổng trữ lượng khoảng 584 triệu tấn.

* Titan: các điểm và mỏ quặng titan phân bố dọc theo đường bờ biển từ Móng Cái (Quảng Ninh) tới Nam Trung bộ. Trữ lượng titan dự báo đạt 22 triệu tấn. Trữ lượng đã thăm dò đánh giá là 16 triệu tấn. Thành phần quặng là inmenit, rutin, có kích thước hạt từ 0,5mm đến 2,3mm nằm trong cát ven biển. Hiện nay một số địa phương đã tiến hành khai thác inmenit và rutin để xuất khẩu như ở Hà Tĩnh, Quảng Trị…

* Đất hiếm: thành phần quặng là khoáng vật xenotin và monazit, có mầu hồng xám hoặc lục với kích thước hạt từ 0,5mm đến vài milimet, nằm trong cát ven biển. Những diện tích chứa quặng phân bố dọc bờ biển từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Vũng Tàu. Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng monazit, xenotin, đạt từ 90% đến 95% không thua kém chất lượng khoáng vật cùng loại của một số nước trên thế giới. Hiện nay đất hiếm đã được khai thác để phục vụ cho các ngành công nghiệp: sản xuất thủy tinh cao cấp, thực phẩm, sản xuất phân vi lượng, thuốc trừ sâu, thuộc da… Trữ lượng của đất hiếm nằm trong sa khoáng ven biển nước ta khoảng 300.879 tấn.

* Tài nguyên muối: muối biển là tài nguyên lớn của nước ta. Việt Nam có đường bờ biển dài 3260km. Độ muối trong nước biển trung bình 3,2%, xấp xỉ độ muối bình quân ở đại dương. Do hình thể kéo dài theo chiều kinh tuyến và nằm trong vùng khí hậu nội chí tuyến gió mùa ẩm nên có sự phân hoá thành hai kiểu: kiểu chí tuyến ở miền Bắc và kiểu xích đạo ở miền Nam. Vì vậy, mặc dù có số giờ nắng cao song do độ ẩm lớn, mưa nhiều nên ảnh hưởng không nhỏ tới thời vụ sản xuất cũng như năng suất muối ở khu vực.

Như vậy tài nguyên khoáng sản biển Việt Nam phong phú và đa dạng, Nhà nước cần có sự đầu tư thích đáng cho vấn đề khai thác tài nguyên khoáng sản biển, nhằm tạo ra nguồn động lực cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

2. Mối quan hệ giữa vấn đề tài nguyên khoáng sản và tên gọi của “Biển Đông”

Những kết quả nghiên cứu bước đầu như trên về tiềm năng tài nguyên khoáng sản của “Biển Đông” cho thấy: tiềm năng tài nguyên khoáng sản tại đây rất phong phú, đa dạng về chủng loại và có trữ lượng lớn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng để nhiều nước trong khu vực muốn có chủ quyền từng phần, một phần lớn hoặc có tham vọng giành lại toàn bộ “Biển Đông” cho riêng mình. Điều này có liên quan trực tiếp đến sự không thống nhất của các nước trong khu vực về tên gọi của “Biển Đông”.

2.1. Lịch sử tên gọi “Biển Đông”

Cho đến nay “Biển Đông” là vùng biển có khá nhiều tên gọi khác nhau. “Biển Đông” là tên gọi chính thức của vùng biển này đối với Việt Nam. Tên gọi của vùng biển này thường khác nhau và được đặt tên căn cứ vào vị trí của “Biển Đông” so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc… Đây là một biển rìa lục địa (marginal sea), một phần của Thái Bình Dương, bao phủ một vùng lãnh hải từ Singapore tới eo biển Đài Loan với diện tích ước lượng khoảng 3.500.000 km 2. Trên thế giới, đây là một hình thể biển lớn thứ nhì sau năm đại dương và biển Ả Rập [4].

Trên thực tế các nước xung quanh “Biển Đông” thường gọi nó bằng nhiều tên khác nhau. Những tên gọi về “Biển Đông” này thường phản ánh chủ quyền lịch sử hoặc tham vọng chủ quyền của mỗi quốc gia đối với quyền bá chủ vùng “Biển Đông”.

Tên gọi quốc tế của “Biển Đông” ra đời từ nhiều thế kỷ trước. Đầu tiên, vùng biển này mang tên “Biển Nam Trung Hoa” vì thời bấy giờ Trung Quốc là nước rộng lớn nhất, phát triển nhất, nổi tiếng nhất trong khu vực và đã có giao thương với phương tây qua con đường tơ lụa. Sau đó, theo sự biến động của lịch sử và thời gian, tên gọi của vùng biển này cũng có những sự thay đổi và vùng biển này đã mang nhiều tên gọi khác nhau.

Đối với Trung Quốc, vùng biển này nằm ở phía Nam đại lục Trung Hoa, cho nên các tài liệu chính thức của Trung Hoa gọi vùng biển này là “Biển Nam Trung Hoa”, thường hay gọi tắt vùng biển này là “Nam Hải”. Trong ngành xuất bản hiện nay của Trung Quốc, nó thường được gọi là “Nam Trung Quốc Hải” và cái tên này cũng thường được dùng trong các bản đồ bằng tiếng Anh do Trung Quốc ấn hành [4]. Như vậy, đối với người Trung Quốc, tên gọi “Biển Nam Trung Hoa” chỉ rõ đây là vùng biển nằm ở phía Nam của Trung Quốc.

Đối với Philippin, trong các tài liệu chính thức vùng biển này được gọi là “Biển Luzón (theo tên hòn đảo lớn Luzon của Philippines) hoặc “Biển Tây Philippin” (West Philippines Sea) [4]. Như vậy, đối với người Philippines, tên gọi “Biển Tây Philippin” chỉ rõ đây là vùng biển nằm ở phía Tây của Philippin.

Đối với Việt Nam, trong tất cả các tài liệu chính thức của chúng ta, vùng biển này có tên gọi là “Biển Đông” [4]. Tại Việt Nam, hầu hết lãnh thổ hướng chính ra biển là hướng Đông, do đó tên tiếng Việt của biển này có hàm nghĩa là “Vùng biển phía Đông của Việt Nam”. Như vậy, đối với người Việt Nam, tên gọi “Biển Đông” chỉ rõ đây là vùng biển nằm ở phía Đông của Việt Nam.

Đối với nhiều nước trên thế giới, “South Sea” (“Biển Đông”) là thuật ngữ phổ biến nhất trong tiếng Anh để chỉ vùng biển này. Trong đa số các ngôn ngữ Châu Âu khác, tên của vùng biển này cũng tương tự như vậy [4].

Ngoài ra, tên quốc tế hiện nay của “Biển Đông” còn được một số tài liệu của một số nước gọi là “Southeast China Sea” (“Biển Nam Trung Hoa”). Rõ ràng, tên gọi “Biển Nam Trung Hoa” của vùng biển này hoàn toàn không chính xác. Tên gọi này chỉ đúng với một phần lãnh hải của vùng biển này thuộc Trung Quốc và không mang tính đại diện cho tất cả các nước trong khu vực liên quan tới vùng biển. Rõ ràng, địa danh biển như thế này không có ý nghĩa về mặt chủ quyền như một số người ngộ nhận. Vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mỗi quốc gia trên biển phải được xác định và giải quyết theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1892.

Lịch sử cho thấy, tên gọi của nhiều biển, nhiều đại dương trên thế giới thường được đưa ra trên cơ sở căn cứ vào vị trí của chúng so với các vùng đất gần đó cho dễ tra cứu. Các tên gọi cho vùng biển, cho đại dương không có ý nói về chủ quyền của vùng biển đó gắn với địa danh tên gọi của biển. Ví dụ, tên gọi “Biển Nam Trung Hoa” không có nghĩa đây là vùng biển của Trung Quốc. Tại đây, chúng ta có thể đưa ra một số ví dụ cụ thể như sau: “Ấn Độ Dương”, là đại dương ở phía Nam Ấn Độ, giáp nhiều nước ở châu Á và châu Phi, không phải là của riêng nước Ấn Độ; “Biển Nhật Bản” được bao quanh bởi Nga, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản…

Thông thường, tên của các biển rìa lục địa có thể được đặt dựa vào một số đặc điểm sau đây:

- Địa danh của lục địa lớn nằm gần nhất;

- Tên của nhà khoa học hoặc người tìm ra chúng;

- Tính chất đặc thù của biển;

- Màu sắc của biển…

Việc đặt tên cho vùng biển này theo tên nhà khoa học hoặc người tìm ra chúng là điều không thể thực hiện được vì không có căn cứ lịch sử.

Ngoài ra, việc đặt tên cho vùng biển này theo tính chất đặc thù của biển (“Biển Chết”…), màu sắc của biển (“Hắc Hải”, “Bạch Hải”, “Hoàng Hải”, “Hồng Hải”…) [5] cũng không thể thực hiện được vì vùng biển này không có những màu sắc, tính chất khác biệt, đặc thù.

Vì vậy, việc đặt tên cho vùng biển này chỉ có thể tiến hành theo nguyên tắc “dựa vào địa danh của lục địa lớn gần nhất”. Tên gọi “Biển Đông” hiện nay cũng chưa thể đặc tính “dựa vào địa danh của lục địa lớn gần nhất” là Châu Á. Tên gọi “Biển Đông” này còn mang tính chất rất chung về đặc tính vị trí địa lý của nó theo hướng so với lục địa châu Á. Tên gọi này có thể được đặt cho các vùng biển tương tự khác thuộc châu Á và các châu lục khác trên thế giới nếu chúng nằm ở phía Đông của châu lục tương ứng.

2.2. Một số vấn đề về tên gọi của “Biển Đông”

Để giải quyết hợp lý tên gọi của vùng “Biển Đông” hiện nay, theo chúng tôi nên chú ý tới một số vấn đề chính như sau:

* Tên gọi của vùng biển này phải phản ánh đúng vị trí địa lý của chúng so với tất cả các nước trong khu vực liên quan;

* Việc một số quốc gia đặt tên vùng biển này theo góc độ vị trí địa lý của chúng so với đất nước mình đã gây ra những hiểu nhầm cố tình hoặc vô tình đối với chủ quyền vùng biển đối với các nước trong khu vực trực tiếp liên quan;

* Tên gọi của vùng biển này phải có tính đại diện với tất cả các nước trong khu vực bao bọc trực tiếp chúng;

* Tên gọi của vùng biển này bao gồm không chỉ các vùng lãnh hải có chủ quyền riêng cho từng nước theo Luật Biển quốc tế năm 1982 mà còn liên quan tới một khu vực rộng lớn vùng biển quốc tế chung thuộc chủ quyền của toàn thể nhân loại.

Các tên gọi riêng như “Biển Đông” (Việt Nam), “Biển Nam Trung Hoa” (Trung Quốc), “Biển Tây Philippin” (Philippines).. theo chúng tôi chỉ đúng với vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của từng nước tương ứng. Các khu vực biển sát đất liền này đối với mỗi nước trong khu vực chỉ là những bộ phận riêng biệt, nhỏ bé về diện tích trong toàn bộ vùng biển chung.

Như vậy, nếu theo cách đặt tên vùng biển này so với vị trí địa lý cụ thể với từng khu vực đất liền, với từng quốc gia cụ thể trong khu vực thì có thể còn có nhiều tên gọi khác cho vùng biển này: người Inđônexia, người Brunây có thể gọi vùng biển này là “Biển Bắc Indonesia” hoặc “Biển Bắc Bruney” (hoặc gọi chung là “Biển Bắc”); người Malaixia, người Singapore có thể gọi vùng biển này bằng các tên gọi “Biển Đông Malayxia” hoặc “Biển Singapore” (hoặc gọi chung là “Biển Đông” như người Việt Nam).

Trên quan điểm vị trí không gian của “Biển Đông” như các quốc gia vẫn thường gọi so với vị trí địal ý cụ thể của mỗi nước, thì đối với riêng Việt Nam, tên “Biển Đông” theo chúng tôi phải được gọi chính xác hơn là “Biển Đông Việt Nam” (hay “Biển Đông” như trước đây vẫn thường gọi) không đúng với các nước khác và như vậy nó sẽ gây ra sự hiểu lầm về chủ quyền của “Biển Đông” (theo tên gọi) đối với các nước khác.

Ngoài ra, tên gọi “Biển Đông” (biển nằm phía ở phía Đông của các nước Việt Nam, Malaixia và Singapore) còn không hợp lý ở chỗ: người Trung Quốc có “Đông Hải” - Biển nằm phía Đông đất nước Trung Hoa. Khi dịch ra tiếng Anh, cả hai vùng biển khác nhau nầy đều cho cùng một tên giống nhau. Trong khi đó, “biển Đông” (như tên gọi hiện nay) chỉ được “bao bọc” chung quanh bằng lãnh thổ của các quốc gia Đông Nam Á. Người Trung Quốc cho đến nay vẫn gọi vùng “Biển Đông” tên mà người Việt Nam thường gọi) là “Biển Nam Trung Hoa”. điều này đã và sẽ gây nhiều nhầm lẫn đáng tiếc.

Tất nhiên, trong thực tế, chuyện các nước khác nhau dùng các tên khác nhau cho một vùng đất, vùng biển, vùng hải đảo… (đặc biệt là những vùng chống lấn) vẫn thường xảy ra vì nó thể hiện quan điểm riêng về chủ quyền của từng nước. Ngay trong một quốc gia, có những thực thể địa lý vẫn được dùng với nhiều tên gọi khác nhau (trong giao tiếp, trong nghiên cứu, trong văn bản hành chính, trong công tác ngoại giao…) cũng là chuyện không hiếm. Tuy nhiên, đây lại là các vấn đề khác, có ý nghĩa khác.

Vì vậy, trong quá trình đặt tên cho các vùng biển, khu vực biển.. chúng ta phải hiểu đúng tên gọi và đặt tên cho vùng biển, khu vực biển này theo quan điểm luật pháp quốc tế, đảm bảo tính chính xác không gian, tên gọi có ý nghĩa quốc tế và khu vực; đảm bảo tính quốc tế, tính chính xác về mặt vị trí không gian; không mang tính áp đặt chủ quyền của mỗi quốc gia bất kỳ trong khu vực liên quan; không có sự hiểu lầm trong tranh chấp không gian biển…

Từ những phân tích bước đầu trên đây, theo chúng tôi có thể đặt tên cho các bộ phận vùng biển và toàn bộ vùng biển này như sau:

* Các bộ phận lãnh hải tiếp giáp đất liền thuộc về chủ quyền của từng quốc gia theo Luật Biển năm 1982 nên có tên riêng như sau: “ Biển Đông Việt Nam”(thuộc chủ quyền của Việt Nam); “Biển Đông Singapore” (thuộc chủ quyền của Singapore); “ Biển Đông Malaixia”(thuộc chủ quyền của Malaixia); “ Biển Nam Trung Hoa” (thuộc chủ quyền của Trung Quốc), “ Biển Tây Philippin” (thuộc chủ quyền của Philippines); “ Biển Bắc Indonesia”(thuộc chủ quyền của Inđônexia); “Biển Bắc Bruney” (thuộc chủ quyền của Brunây);

* Đối với toàn bộ vùng biển chung tiếp giáp với tất cả các nước trong khu vực bao gồm cả các vùng biển riêng thuộc chủ quyền của từng nước (như trên đã nói) và vùng lãnh hải quốc tế, theo chúng tôi nên đặt tên là: “Biển Đông Nam Á” (“Southeast Asia Sea”).

3. Kết luận:

Tài nguyên khoáng sản “Biển Đông Nam Á” có tiềm năng rất lớn. Trong đó, những dự báo về tài nguyên khoáng sản của khu vực “Biển Đông Việt Nam” (thuộc chủ quyền của Việt Nam) rất đáng kể. Việc khảo sát chuẩn xác tài nguyên khoáng sản và giải quyết các vấn đề liên quan khác trong khu vực “Biển Đông Nam Á” sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam và các nước trong khu vực có thể ổn định, hợp lý phát triển các hoạt động kinh tế, khai thác nguồn lợi nhiều mặt của vùng biển quan trọng thuộc khu vực Đông Nam Châu Á. Tuy nhiên, để có thể thực hiện tốt các vấn đề nêu trên, các nước trong khu vực phải cùng nhau giải quyết nhiều vấn đề chưa thống nhất, còn tranh chấp. Trong đó, một trong những vấn đề quan trọng là việc thống nhất tên gọi chung cho vùng “Biển Đông Nam Á” này.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thị Hồng. Biển Đông: Những vấn đề cần cập nhật trong nghiên cứu và giảng dậy về địa lý tự nhiên Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Công nghệ. Tập 87. số 11. 2011.


Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

VUSTA tham dự Đối thoại Tri thức Toàn cầu Muscat và Hội nghị lần thứ ba của Đại Hội đồng Khoa học Thế giới
Diễn đàn Đối thoại Tri thức Toàn cầu Muscat và Hội nghị lần thứ ba của Đại Hội đồng Khoa học Thế giới được tổ chức từ ngày 26-31/01/2025 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc tế Oman. Đại diện VUSTA có Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh tham dự.
VUSTA làm việc với tổ chức Korea CEO Summit
Hà Nội, ngày 3 tháng 2 năm 2025 – Tại trụ sở của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh đã có buổi làm việc với ông Park Bong Kyu, Tổng giám đốc của tổ chức Korea CEO Summit. Hai bên đã chia sẻ thông tin và trao đổi về khả năng hợp tác để tổ chức Diễn đàn Đô thị Văn hóa Công nghiệp Hội tụ 2025 (CICON 2025).
Vĩnh Phúc: Sáp nhập Hội Kiến trúc sư vào LHH tỉnh
Sáng ngày 07/02/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc (LHH) tổ chức Hội nghị thông qua đề án sáp nhập Hội Kiến trúc sư vào LHH tỉnh. Phó Chủ tịch phụ trách LHH Đỗ Trung Hiếu và Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Nguyễn Đạm đồng chủ trì hội nghị.