Tác hại của ánh nắng mặt trời đối với sức khoẻ
Tuy nhiên, tia cực tím cũng gây tác hại trên sức khoẻ, nhất là trên da, cơ quan chịu tác động trực tiếp của ánh sáng. Tiếp xúc tia cực tím quá mức trong thời gian ngắn sẽ gây rám da, bỏng mắt, rát da; trường hợp nặng có thể bị phồng rộp. Tiếp xúc lâu dài với tia cực tím có thể làm thay đổi kết cấu và giảm độ đàn hồi da, dẫn đến các biểu hiện lão hoá sớm như nếp nhăn, chùng da, túi mỡ, xạm da… Tia cực tím ức chế hệ miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và làm giảm hiệu quả tiêm chủng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tia cực tím gây ra hoặc làm nặng thêm 20% các trường hợp đục thuỷ tinh thể, là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà ở người lớn. Tiếp xúc với tia cực tím nhiều (ánh nắng chói chang) trong thời thơ ấu được xem là có liên quan đến các ung thư da sau này như ung thư hắc tố, ung thư tế bào gai và ung thư tế bào đáy.
Trẻ em là đối tượng đặc biệt có nguy cơ cao vì da nhạy cảm hơn với những tổn thương do tia cực tím, vì tiếp xúc nhiều với ánh nắng khi đi học, sinh hoạt ngoài trời, giờ thể dục… ViệtNamở gần đường xích dạo, là một trong những quốc gia có chỉ số tia cực tím (UV index) cao quanh năm, UVI càng cao thì càng có khả năng gây tổn thương cho da và mắt, và thời gian xảy ra tác hại càng sớm. Vì vậy, chi đoàn thanh niên Bệnh viện Da liễu đã khảo sát “Kiến thức, thái độ, hành vi của học sinh Trung học phổ thông tại TP.HCM về tác hại của ánh nắng mặt trời đối với sức khoẻ”. Kết quả cho thấy tỉ lệ học sinh biết về tác hại của ánh nắng khá cao, tuy nhiên “gây lão hoá da sớm” ít được biết đến nhất. Tỉ lệ học sinh nữ biết về tác hại của ánh nắng cao hơn nam sinh. Đa số thông tin học sinh thu nhận được từ sách báo và truyền hình. Tỉ lệ học sinh sẵn sàng tuân theo các biện pháp phòng tránh tác hại của ánh nắng cao, trong đó tỉ lệ nữ sinh cao hơn nam sinh. Tỉ lệ khá cao học sinh cho răng khoảng không gian bóng mát trong khuôn viên trường là không đủ. Tỉ lệ học sinh có ý thức tự bảo vệ bằng các biện pháp tránh nắng thông thường (tìm chỗ mát, biện pháp che chắn) cao. Trong khi đó tỉ lệ sử dụng kính mát và kem chống nắng còn thấp. Tỉ lệ học sinh nữ có ý thức tự bảo vệ bằng các biện pháp tránh nắng cao hơn so với nam sinh.
Việc tránh nắng trong thời thơ ấu có hiệu quả giảm nguy cơ cao hơn so với khi đã trưởng thành. Trường học là môi trường trong giáo dục sức khoẻ bởi vì học sinh có nhiều thời gian hoạt động ngoài trời như ra chơi, ăn trưa, giờ thể dục và hoạt động dã ngoại. Do vậy, cần tích cực phòng chống tác hại của ánh nắng bằng các biện pháp như trồng cây trong sân trường để tạo bóng mát, nhắc nhở việc tự phòng ngừa (đội nón rộng vành, mang kính mát, mặc quần áo che chắn kín và dùng kem chống nắng). Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, ung thư da chiếm 1/3 các loại ung thư trên toàn thế giới. Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời đã được xác định là nguyên nhân chính gây tăng tỉ lệ ung thư da trên thế giới từ những năm 1970, và chỉ có thay đổi lối sống mới có thể ngăn được. Hiện tại, tỉ lệ ung thư da tại ViệtNamnói chung và TP. HCM nói riêng còn thấp, vì ung thư da thường gặp hơn ở người da trắng. Tổ chức Y tế thế giới cũng chỉ ra rằng: mặc dù ung thư da ít gặp ở người da màu nhưng tiên lượng xấu hơn vì được chẩn đoán trễ. Ngoài ra, da màu sậm không có tác dụng bảo vệ chống tác hại của bức xạ cực tím đối với mắt. Việc giáo dục cộng đồng là cần thiết, nhằm mục đích tăng cường kiến thức của người dân về những nguy cơ có hại cho sức khoẻ do tiếp xúc nhiều với ánh nắng. Ở những khu vực vui chơi, giải trí ngoài trời như bãi biển, sân vận động, hồ bơi, sở thú và công viên nên có những thông tin cảnh báo về bức xạ tia cực tím và cách phòng chống tác hại.