Tác động của toàn cầu hóa đến vấn đề độc lập dân tộc của các nước đang phát triển
Hiện nay việc đưa ra quan niệm về toàn cầu hóa vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, đa số đều cho rằng, toàn cầu hóa là một tiến trình lịch sử có quá trình phát triển lâu dài với nhiều giai đoạn khác nhau. Quá trình này hiện đang phát triển mạnh mẽ với cường độ lớn và phạm vi sâu rộng. Sự thống nhất đó cũng được thể hiện khi đưa ra nhận định toàn cầu hóa là một quá trình phức tạp, luôn đem đến những tác động hai mặt trái ngược nhau trong các mối quan hệ ở mọi lĩnh vực. Hiện nay, nội dung chủ yếu là toàn cầu hóa kinh tế, xu thế này đem lại nhiều cơ hội cho các quốc gia dân tộc trong phát triển kinh tế, tạo tiền đề cho ổn định chính trị, xã hội và phát triển đất nước nói chung. Tuy nhiên, toàn cầu hóa không đơn giản chỉ là toàn cầu hóa kinh tế và luôn mang tính hai mặt trong sự tác động. Quá trình này đã và đang có những tác động theo hướng tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đến môi trường... Các nước đang phát triển với một xuất phát điểm thấp, nhất là về kinh tế nên tham gia quá trình này đã gặp rất nhiều khó khăn. Một trong nhiều vấn đề mà các nước đang phát triển phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay là vấn đề độc lập dân tộc. Tác động của toàn cầu hóa đến độc lập dân tộc của các nước đang phát triển diễn ra trên mọi lĩnh vực.
Thứ nhất, tác động trên lĩnh vực chính trị
Những biến động lớn trên bàn cờ chính trị thế giới trong những thập niên 80 và 90 của thế kỷ XX cho thấy, sau gần nửa thế kỷ tồn tại, một trật tự thế giới với biểu hiện nổi bật của cuộc đối đầu Đông - Tây diễn ra khốc liệt đã đi đến điểm kết, mở ra một cục diện thế giới mới với sự thay đổi hết sức phức tạp. Kết thúc chiến tranh lạnh cũng là một nhân tố đưa thế giới hướng tới "toàn cầu hóa" theo nghĩa là một tiến trình phát triển mới về chất của nhân loại... Tuy sự kết thúc này không mở ra kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng như nhân loại tiến bộ mong đợi vì những xung đột sắc tộc, mâu thuẫn tôn giáo và cuộc chiến tranh khu vực vẫn diễn ra triền miên. Song, đã tạo nên những điều kiện cho xu thế hòa dịu, hòa hoãn trở nên chiếm ưu thế trong các mối quan hệ quốc tế, tạo điều kiện cho việc xây dựng một trật tự mới theo hướng đa cực hóa các mối quan hệ. Sự chấm dứt của cuộc "chiến tranh lạnh", cũng làm cho cơ cấu địa chính trị và sự phân bố quyền lực toàn cầu có sự đảo lộn lớn, CNXH lâm vào thoái trào đẩy phong trào cộng sản quốc tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng; tương quan lực lượng trên thế giới có những thay đổi có lợi cho Mỹ và các nước phương Tây. Với những thực lực kinh tế, chính trị và quân sự của mình, Mỹ ngày càng thể hiện mục đích muốn làm bá chủ thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển không ngừng của Nhật Bản, Tây Âu; sự vươn lên của Trung Quốc... đã tạo ra những tương quan lực lượng không chỉ đối với Mỹ. Bên cạnh đó, cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền của khu vực các nước đang phát triển mạnh mẽ, dưới nhiều hình thức, biện pháp khác nhau nhằm mục tiêu chống lại sự can thiệp và ảnh hưởng của các nước lớn.
Quá trình vận động của cục diện thế giới sau chiến tranh lạnh, đặc biệt là xu thế hòa dịu trong các mối quan hệ quốc tế đã tạo ra những cơ hội tốt cho việc củng cố và bảo vệ độc lập dân tộc của các nước đang phát triển. Trước hết, xu thế này đã tạo lập môi trường quốc tế thuận lợi, hình thành nên những mối quan hệ hợp tác, liên kết mới trên nhiều lĩnh vực, theo xu hướng chú trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, sự kiếm tìm, xác lập và xây dựng những mối quan hệ mới theo hình thức "đối tác chiến lược" của các nước lớn đã làm cho các nước đang phát triển ít nhiều tránh được sự lôi cuốn, tranh giành và ở một mức độ nhất định được độc lập hơn trong việc đề ra đường lối, chính sách phát triển của quốc gia. Xu thế hòa dịu còn tạo điều kiện cho việc giải quyết các xung đột sắc tộc, dân tộc trong lòng các nước đang phát triển theo hướng hòa bình, hòa hợp dân tộc và xích lại gần nhau, xích lại gần các nước phát triển để cùng xây dựng những định chế quốc tế có lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển chung trên toàn thế giới. Đây chính là những thuận lợi cơ bản cho công cuộc đấu tranh bảo vệ và củng cố độc lập dân tộc của các nước đang phát triển mà xu thế hòa dịu, hòa hoãn quốc tế tạo ra trong những năm đầu sau khi cuộc "chiến tranh lạnh" kết thúc.
Bên cạnh đó, cục diện chính trị thế giới sau năm 1991 với sự nhạy cảm và thiếu tính ổn định của môi trường an ninh quốc tế đã tạo ra những thách thức lớn cho các nước đang phát triển trong công cuộc xây dựng và đấu tranh cho một nền độc lập tự chủ đích thực. Việc kết thúc cuộc chiến tranh lạnh dường như đã tạo ra một cơ hội tốt cho những tham vọng bá chủ toàn cầu của Mỹ được thực hiện. Dựa trên những thực lực về kinh tế, chính trị, quân sự và khoa học công nghệ của mình, tư tưởng "Mỹ phải là người lãnh đạo thế giới" được các Tổng thống Mỹ nối tiếp nhau thực hiện. Tính thực dụng cùng những chính sách đơn phương, sùng bái sức mạnh quân sự và cường quyền trong mọi hoạt động quốc tế của Mỹ thời gian qua đã phủ một bóng đen lên mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc kiến tạo hòa bình sau chiến tranh lạnh. Độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia của các nước trên thế giới nói chung, các nước đang phát triển nói riêng đang bị tham vọng này đe dọa.
Hiện tại, thực trạng chính trị của các nước đang phát triển đang diễn ra hết sức phức tạp. Sau chiến tranh, về cơ bản, vai trò chính trị của các nước đang phát triển được nâng cao trên trường quốc tế, thông qua cuộc đấu tranh củng cố độc lập dân tộc của mỗi nước, bảo vệ hòa bình và thúc đẩy quá trình xây dựng trật tự thế giới mới theo hướng bình đẳng tự do. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, các nước đang phát triển thường rơi vào thế bị động và chịu nhiều thua thiệt trong quan hệ quốc tế, ảnh hưởng đến chất lượng đấu tranh của các nước này trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu chung là bảo vệ và củng cố độc lập dân tộc.
Thứ hai, tác động trên lĩnh vực kinh tế
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ (KH - CN) phát triển tốc độ cao, với những thành công quan trọng về công nghệ điện tử, sinh học, vật liệu mới... đã và đang tác động to lớn ở tầm vĩ mô, tạo sự phát triển vượt bậc cho kinh tế thế giới, đồng thời cũng đưa lại những thách thức không nhỏ cho độc lập dân tộc của các nước đang phát triển.
Thành tựu của cách mạng KH - CN đưa đến những biến đổi theo chiều sâu của các lĩnh vực đời sống xã hội: tăng năng suất lao động, tri thức hóa người lao động, thay đổi cơ cấu ngành nghề của nền kinh tế, biến đổi sâu sắc cơ cấu giai cấp - xã hội... Cách mạng KH - CN cho sự phát triển của kinh tế ngày càng phụ thuộc nhiều vào nhân tố tri thức, tạo ra những biến đổi mang tính cách mạng trong phương thức sản xuất, kinh doanh và các mối quan hệ xã hội. Quá trình giao lưu và thâm nhập kinh tế qua lại diễn ra sôi động và chặt chẽ, đưa đến sự phụ thuộc và cạnh tranh ngày càng sâu sắc giữa các quốc gia dân tộc trên thế giới. Trong bối cảnh đó, tất cả các nước đều có những ưu tiên cho việc điều chỉnh chính sách theo hướng mở cửa, hội nhập, nhằm thích nghi với yêu cầu của sự cạnh tranh toàn cầu. Tại các nước đang phát triển, cách đặt vấn đề về độc lập dân tộc, an ninh, quốc phòng, kinh tế... về cơ bản đã khác trước. Theo đó, sức mạnh tổng hợp của quốc gia không còn tùy thuộc chủ yếu vào sức mạnh chính trị, quân sự mà sức mạnh kinh tế đã trở nên chiếm vai trò nổi bật.
Tuy nhiên, thách thức từ cuộc cách mạng KH - CN đối với độc lập dân tộc của các nước đang phát triển cũng không nhỏ. Những tiến bộ mà cuộc cách mạng này đem lại cho nhân loại lại có những tác động trái chiều đối với nền kinh tế - xã hội các nước đang phát triển. Nổi bật là ở sự phân phối thành quả lao động không cân đối, đưa đến sự phân hóa giàu - nghèo giữa các quốc gia, các tầng lớp dân cư trong xã hội; là sự không thích ứng của hệ thống tài chính còn nhiều yếu kém của các nước đang phát triển khi hội nhập vào nên kinh tế toàn cầu... Đứng trước những thách thức này, nếu các nước đang phát triển không có những đối sách hợp lý thì "vòng kim cô" lệ thuộc vào nước ngoài về kinh tế sẽ ngày càng bị xiết chặt hơn nữa. Thách thức này làm cho các nước đang phát triển phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc giải quyết mối quan hệ giữa độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia với tăng trưởng và phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội.
Xu thế toàn cầu hóa, đặc biệt là toàn cầu hóa kinh tế đang là xu thế phát triển chủ yếu của quan hệ quốc tế đương đại. Giống như cách mạng KH - CN, xu thế này cũng mang đến những thuận lợi và khó khăn cho các nước đang phát triển, nhất là trong vấn đề củng cố độc lập dân tộc. Về thuận lợi, toàn cầu hóa tạo ra những cơ hội lớn cho các nước đang phát triển bảo vệ và củng cố độc lập dân tộc, thông qua việc tạo ra những tiền đề kinh tế để các nước này có khả năng theo kịp các nước phát triển; Tạo điều kiện cho việc củng cố tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước đang phát triển và các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới vì mục tiêu hòa bình, bình đẳng và phát triển; Đặc biệt, toàn cầu hóa góp phần nâng cao vai trò của các nước đang phát triển, giúp các nước cùng hợp tác đấu tranh có hiệu quả hơn trong việc bảo vệ và củng cố độc lập dân tộc. Bên cạnh đó, quan niệm về chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa đang có sự thay đổi. Các chính phủ không còn quyền độc lập tuyệt đối trong việc hoạch định chính sách kinh tế, vì hầu như các nước tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ bị phụ thuộc vào ngoại thương và đầu tư nước ngoài rất lớn. Việc toàn cầu hóa kinh tế hiện nay lấy mậu dịch thế giới làm điều kiện, coi thị trường thế giới là cơ sở, tiền tệ quốc tế là hạt nhân đã cho thấy vai trò của ngoại thương và đầu tư nước ngoài chiếm vị trí rất lớn trong sự phát triển của mỗi quốc gia dân tộc. Trong xu thế toàn cầu hóa, an ninh kinh tế của các nước đang phát triển cũng không được đảm bảo. Việc nới rộng thị trường tài chính của các quốc gia làm cho việc đầu cơ và lũng đoạn của các thế lực quốc tế có cơ hội hoành hành, đe doạ nghiêm trọng sự phát triển kinh tế của các nước đang phát triển.
Trong khi đó, thực trạng kinh tế của các nước đang phát triển tuy có những bước tiến so với thời kỳ chiến tranh Lạnh, song về cơ bản đại bộ phận các nước khu vực này vẫn đang phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức trên con đường phát triển. Sự phát triển không đồng đều, không bền vững, khoảng cách chênh lệch về phát triển kinh tế Nam - Bắc ngày càng xa nhau... đang là những vấn đề rất khó giải quyết của nền kinh tế các nước đang phát triển.
Thứ ba, tác động trên lĩnh vực văn hóa - xã hội
Các nước đang phát triển có một nền văn hóa đa dạng, phong phú, mang nhiều màu sắc của những tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Sự hòa trộn đó đã tạo nên những khác biệt, nét đặc thù và niềm tự hào riêng của mỗi dân tộc. Trong khi đó, vì các nước đang phát triển đều từng là những nước thuộc địa, phụ thuộc của thực dân đế quốc, nên văn hóa của nhiều nước đã phát triển theo hướng bị "đồng hóa" vào nền văn hóa phương Tây. Vì lẽ đó, khi các nước đang phát triển này giành được độc lập dân tộc, họ đã thể hiện quyết tâm khôi phục nền văn hóa của họ... Tất cả các nhân tố trên đã tạo cho nền văn hóa các nước đang phát triển những nét riêng biệt, và chính thực trạng đó là một nhân tố quan trọng tác động đến ý thức củng cố độc lập dân tộc của các nước này.
Thuận lợi cơ bản đầu tiên mà nhân tố văn hóa - xã hội tạo nên cho các nước đang phát triển trong việc nâng cao ý thức củng cố độc lập dân tộc là sự bền vững của tính dân tộc trong các nền văn hóa. Nó vừa là nền tảng của tình cảm dân tộc và ý thức dân tộc trong quá khứ, vừa là kết tinh của tinh thần thời đại và định hướng giá trị hiện tại của dân tộc đó. Bên cạnh đó, trong xu thế toàn cầu hóa, văn hóa chính là động lực của sự phát triển cũng như củng cố độc lập dân tộc cảu các nước đang phát triển, đây chính là một trong những chân trụ của sự phát triển bền vững. Các nước đang phát triển ý thức rất rõ điều đó và đều cố gắng đề ra một chính sách phát triển hợp lý, coi văn hóa là một động lực để giữ vững độc lập, chủ quyền dân tộc. Có thể thấy rõ ràng, các giá trị văn hóa truyền thống đã tạo ra sức đề kháng chống lại sự xâm nhập của văn hóa lai căng, đồng thời nó chính là động lực cho quá trình bảo vệ và giữ gìn độc lập dân tộc, phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay của các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, lợi dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật, lợi dụng sự đa dạng và pha trộn của nền văn hóa các nước đang phát triển, các nước phát triển đã tìm cách truyền bá những tư tưởng của nền văn hóa phương Tây, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chủ quyền dân tộc của các nước này. Các nước tư bản đế quốc còn tìm cách khoét sâu những mâu thẫu nội bộ của các dân tộc, kích động các thế lực theo chủ nghĩa ly khai dân tộc, nhấn mạnh các luận điệu "nhân quyền cao hơn chủ quyền"... Đây thực sự là những thách thức lớn đối với độc lập dân tộc của các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là các nước đa dân tộc trong bối cảnh hiện nay.
Như vậy, trên đây là những nội dung cơ bản đang có những tác động lớn đến cuộc đấu tranh nhằm củng cố độc lập dân tộc của các nước đang phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nếu như lĩnh vực chính trị có những nhân tố tác động trực tiếp và mang tính thời sự, thì lĩnh vực kinh tế lại mang ý nghĩa của những tác động lâu dài, sâu xa; bên cạnh đó, những biểu hiện trong lĩnh vực văn hóa - xã hội là tiền đề quan trọng không thể bỏ qua. Tất cả tạo nên những thời cơ và thuận lợi đan xen cho các nước đang phát triển trong quá trình củng cố độc lập dân tộc. Nhiệm vụ của các nước đang phát triển hiện nay là phải tìm cách để phát huy nội lực cũng như ngoại lực nhằm chớp lấy thời cơ phát triển, khắc phục khó khăn; đồng thời phát triển kinh tế đi liền với hoàn thiện hệ thống chính trị - xã hội. Đây chính là cơ sở vững chắc để các dân tộc một mặt tăng cường hội nhập có hiệu quả vào xu thế toàn cầu hóa, mặt khác vẫn giữ được độc lập tự chủ dân tộc một cách đích thực.