Sứ giả Văn Lang
Không chỉ khi có giặc sứ giả mới xuất hiện. Sứ giả là gạch nối giữa Hùng Vương và nhân dân. Sứ giả thường mang thông tin đến cho mọi nhà, truyền rao những yêu cầu, những huấn dụ của nhà vua đến cho mọi người. Sứ giả là nhân vật quen thân và không thể thiếu được trong những ngày hội lễ. Sứ giả không chỉ đến trong truyền thuyết, sứ giả còn xuất hiện rất nhiều trên trống đồng Đông Sơn.
Sách Những trống đồng Đông Sơnđã phát hiện tại Việt Nam (Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, xuất bản 1975): “Quê hương của những trống đồng cổ nhất là miền Bắc bộ và phía Bắc Trung bộ nước ta, ở đây, có thể vào sáu, bảy thế kỷ trước Công nguyên, đã là vùng trung tâm sản xuất trống đồng”.
Các trống đồng đẹp nhất, lớn nhất, xưa nhất của nền văn hóa Đông Sơn là Ngọc Lũ I, Hoàng Hạ, Sông Đà đều có khắc rõ hình ảnh các vị sứ giả Văn Lang.
Trong ba trống chỉ có trống Sông Đà vễ hình sứ giả rõ nhất.
Hình mà tôi gọi là sứ giả thì các tác giả sách đã dẫn gọi là vũ sĩ và họ mô tả như sau: “Phần giữa thân trống có những băng hoa văn hình học, gồm 6 vành: vành 1 và 6 là những đường chấm nhỏ, vành 2 và 5 là những đường gạch chéo song song, hai vành 3 và 4 là vòng tròn chấm giữa và có tiếp tuyến. Những băng hoa văn này bố trí theo chiều thẳng đứng, chia phần giữa thân trống thành những ô không đều nhau, trong mỗi ô có một hình vũ sĩ thể hiện theo tư thế bước đi. Tất cả 8 vũ sĩ này đều đội mũ có gắn hình đầu chim, tay trái cầm mộc dơ ra phía trước, phía trên mộc có trang sức lông chim. Tayphải có hai cách xử lý: 4 người cầm dao găm (hoặc mũi nhọn), còn 4 người kia xòe bàn tay ra làm động tác múa, giống với bàn tay người múa trên mặt trống Ngọc Lũ I.
Phía dưới những hình người múa này là một băng hoa văn hình học gồm 6 vành tương tự như băng hoa văn ở phần trên của tang trống.
Nói về tư thế thì những sứ giả đều có chung một tư thế, họ đứng song song với cái được gọi là mộc, mắt chăm chăm nhìn vào mộc, miệng ở tư thế như muốn phát âm, rõ ràng là họ đang đọc chứ không phải là múa. Cái gọi là mộc cũng không phải là mộc vì không thẳng cứng như gỗ, cũng không phải là vải lụa vì nó đứng thẳng không cần giá đỡ, nếu là vải thì đã rũ xuống, đây chỉ có thể là giấy vì vừa thẳng lại vừa uyển chuyển không rũ. Những sứ giả này đang đọc thông báo, đọc lời tuyên cáo hay phủ dụ của vua.
Ba cái sọc trên đầu được gọi là lông chim, thật ra không phải là lông chim mà là quẻ Càn (ba hào liền ). Đây là sứ giả của vua nên họ mang biểu tượng chỉ họ là người của vua. Trên đầu họ có gắn liền một biểu tượng đầu chim, đây không phải là đầu chim thông thường dùng để trang sức mà là dấu chỉ họ đang vận dụng ngôn ngữ của Diệc (tức Kinh Dịch). Chú ý đi theo con mắt chim thường có 4 vạch ngắn, một vòng tròn có chấm ở giữa và 4 vạch ở dưới rất gần với chữa Dịch, trong hình tượng con Tích Dịch người Trung Hoa gọi là Dịch để chỉ Kinh Dịch, tất nhiên đây không phải là chữ Dịch mà nó chỉ gần giống với chữ Dịch nhưng vì nó là biểu tượng của (Kinh) Diệc nên giúp cho người Trung Hoa mau chóng đồng hóa Diệc thành Dịch một cách hợp lý và không sai nguyên gốc.
Những khối hình hoa văn hình học mà các tác giả cho là chỉ thuần hoa văn trang trí thì đó lại chính là ngôn ngữ của Dịch, các tác giả chỉ đếm được mỗi khối có 6 vành hoa văn, vì họ tưởng những vạch trắng, những rãnh đi kèm hoa văn chỉ có giá trị phân cách các vành hoa văn, thật ra nó cũng có giá trị ngang vành hoa văn vì đó đều là các hào của quẻ Dịch, như vậy là có tất cả 11 vành, đúng ra là 12 vành nhưng vì hai vành đó nằm chính giữa khối mà lại giống nhau (cùng một hào âm) nên được nhập làm một để tạo thành cái trục bản lề cho những vành còn lại đối xứng với nhau qua trục. Khối hoa văn đó chính là hình trang trí cách điệu của hai quẻ Lôi Thủy Giải và Thủy Sơn Kiển có nghĩa là “cầu giả ách kiển nạn”. Khối hoa văn dưới chân sứ giả tuy trang trí có khác nhưng cũng cùng nội dung là hình trang trí của quẻ Lôi Thủy Giải và Thủy Sơn Kiển.
Đến đây tôi xin mở ngoặc để nói thêm một điều, theo cách trình bày này ta thấy người Văn Lang rất uyển chuyển trong cách thiết kế quẻ Dịch. Không như người Trung Hoa suốt hai ngàn năm giữ mãi hình thái quẻ Dịch theo chiều ngang, còn Văn Lang đầy tinh thần Dịch lý, với họ quẻ có thể có nhiều phong cách, nhiều hình thái, có thể nằm ngang có thể đứng theo chiều dọc, có thể mang trong lòng hào của nó nhiều họa tiết khác biệt. Vậy thì các sứ giả Văn Lang đã đọc gì trong các bảng cáo thị đó?
Trong bài Chiếc gậy thần – Dạng nguyên thủycủa hào âm hào dương, tôi đã chỉ ra hào âm nguyên thủy của Văn Lang là hào có nhiều chấm (nhiều lỗ), người Trung Hoa đã nối các chấm đó lại chỉ chừa ở giữa một lỗ thành hào âm có vạch đứt, hào dương thì giữ nguyên. Theo đó trên đầu chim hay đầu bảng cáo thị ta có thể tìm thấy hai quẻ: Trạch Hỏa Cách và Trạch Thiên Quải ( hình 2, tr. 190; hình 2, tr. 191).
Trạch Thiên Quải gồm có ở trên là một hào âm nhiều chấm và dưới là 5 hào dương vạch liền. Đây là thời mà các quân tử (5 hào dương) quyết tiêu diệt kể tiểu nhân (hào âm) có thể diễn dịch như sau: “Hỡi những người chân chính (những người quân tử), thời cơ đã đến (bọn tiểu nhân chỉ còn một hào âm ở hào thượng lực) hãy cùng nhau quyết tâm tiêu diệt cái xấu cái ác, tiêu diệt kẻ hại nước hại dân”.
Trạch Hỏa Cách ( hình 3, tr. 190, hình 1 và 4, tr. 191), hào 6, hào 2 hào âm nhiều chấm, hào 5, 4, 3, 1 là hào dương. Lửa dưới đầm làm nước sôi, thời của sự thay đổi biến cách. Nghĩa là “phải thay đổi cái xấu cái ác, phải biến cách để thay đổi cục diện hầu đem lại đời sống tốt đẹp, hạnh phúc cho mọi người”.
Trên bảng cáo thị ta tìm được:
1. Quẻ Thiên Trạch Lý và Hỏa Thiên Đại Hữu ( h.1, tr. 190).
2. Quẻ Thuần Càn ( h.1 và 4, tr. 190), ( h.2, tr. 191).
3. Quẻ Càn (đơn), quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhân ( h.1, tr. 191).
4. Quẻ Thuần Càn, quẻ Hỏa Thiên Đại Hữu ( h.3. tr. 191).
5. Quẻ Hỏa Thiên Đại Hữu và quẻ Thuần Càn ( h.4, tr. 191).
Quẻ Lý Trời ở trên, đầm ở dưới là biểu tượng cho sự phân minh, vật gì ra vật nấy. Đây là cách thế ở đời những người muốn phụng sự quốc gia dân tộc phải có sự rạch ròi trong cách nghĩ cách làm, không thể hành xử trắng đen lẫn lộn. Quẻ này cũng cùng một ý với quẻ Thủy Hỏa Ký Tế thể hiện trong hình tượng mặt trời khắc giữa trống đồng, làm việc gì cũng phải giữ hai chữ trung chính, vua ra vua, quan ra quan, dân ra dân, ai nấy đều phải chu toàn trách nhiệm đúng theo cương vị của mình. Điều này cũng phù hợp với lời di huấn của tổ tiên Văn Lang ghi lại trong ngày húy kỵ (xem Ý nghĩa ngày giỗ Tổ- cùng tác giả). Nói gọn lại quẻ Lý là đạo lý trị quốc. Quẻ Càn, Thuần Càn là phương pháp hành xử, khi chưa đủ kinh nghiệm thì phải ẩn tàng (Tiềm Long vật dụng) ra sức học tập, khổ luyện (chung nhật càn càn), đợi khi thời cơ đến thì thi thố tài năng (phi long tại thiên). Nói chung Lý – Càn là phương cách thi hành đạo trị quốc theo một tiến trình 6 bước: khiêm tốn tu dưỡng (binh giáp tàng hung trung) chon đúng chủ (chủ thuyết, minh chủ) (lợi kiến hầu), tự cường bất tức (chung nhật càn càn), chọn đúng thời cơ (hoặc dược), thực hiện (phi long), cảnh giác, biết hạn chế không đi quá đà (kháng long hữu hối).
Thiên Hỏa Đồng Nhân: thực hiện lý tưởng Đại đồng, hòa hợp giữa người với người, giữa người với vũ trụ (hợp quy luật).
Hỏa Thiên Đại Hữu: Mục tiêu giàu có (giàu về vật chất và cả về tinh thần). Lý – Đại Hữu: Đạo lý trị quốc là đem lại sự giàu có, đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần.
Nói cho cùng những hình khắc trên trống đồng Đông Sơn lâu nay được mệnh danh là hình các vũ sĩ đang múa phục vụ cho lễ hội chính là hình các sứ giả Văn Lang đang truyền rao những huấn dụ của các vua Hùng, họ sử dụng hình tượng quẻ Dịch (Diệc thư Văn Lang) để giao tiếp, đó là một trong những loại ngữ hiệu thời đại Hùng Vương. Điều này chứng tỏ Kinh Dịch đã có ở thời đại Hùng Vương, chậm nhất cũng từ thế kỷ thứ VI, VII TCN nhưng thế vẫn sớm hơn Trung Quốc mà tư liệu lịch sử chỉ có sớm nhất vào thế kỷ thứ V, VI, TCN, thời Khổng Tử. (Chưa kể quẻ Dịch xuất hiện trên đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên từ 1.000 năm TCN).
![]() |
1. Lý tưởng của nhà nước Văn Lang: Tiến tới xã hội đại đồng ( H.1, tr. 191).
2. Đạo lý trị quốc của nhà nước Văn Lang: Mục tiêu giàu có, đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần ( H.1, tr. 190).
3. Phương cách xử lý theo 6 bước:
- Khiêm tốn tu dưỡng (tiềm long vật dụng).
- Chọn đúng kế sách, đúng người lãnh đạo (lợi kiến hầu).
- Tự cường bất tức (chung nhật càn càn).
- Tính đúng thời cơ (hoặc dược).
- Thực thi hiệu quả (phi long tại thiên).
- Luôn cảnh giác không được thái quá (kháng long hữu hối), ( h.2, 3, tr. 190, h.2, tr 191).
4. Phải quyết tâm diệt trừ cái xấu cái hại để đem lại hạnh phúc cho mọi người. Quẻ Quải ( h.2, tr. 190, và h.2, tr 191).
5. Phải tự đổi mới (quẻ Cách), ( h.1, tr. 191).