Vĩnh Phúc: Thúc đẩy ứng dụng KH&CN, chuyển đổi số, liên kết chuỗi trong phát triển các sản phẩm OCOP
Sáng ngày 21/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức Hội thảo Thực trạng và giải pháp thúc đẩy dứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, liên kết chuỗi trong phát triển các sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực VAC trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo Hội Làm vườn Việt Nam; các sở Nông nghiệp, Công thương, Khoa học công nghệ; Lãnh đạo các Hội thành viên, Trung tâm trực thuộc Liên hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp hội Mai Lâm Hạc và Chủ tịch Hội Làm vườn Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội thảo.

Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ thủ Hà Nội, gần sân bay quốc tế Nội bài, có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng và quốc gia. Trong cơ cấu GRDP của tỉnh, nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ, có xu hướng giảm dần qua các năm. Song thực tế, giá trị gia tăng của ngành Nông nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc triển khai đồng bộ các giải pháp, hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái. Trong những năm gần đây, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã có nhiều bước tiến quan trọng, đạt hiện quả cao như: áp dụng trồng hoa, rau trong nhà lưới bằng kỹ thuật thủy canh, canh tác trên giá thể không đất, sử dụng cây trồng theo công nghệ nuôi cấy mô, ứng dụng cà chua ghép trên gốc cà tím, dưa hấu ghép trên gốc bầu; áp dụng IPM, ICM, VietGap trên cây lúa, ngô, rau, cây ăn quả… Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 4.800ha vùng sản xuất rau an toàn ở hơn 70 xã, thị trấn; giai đoạn 2021 – 2023, tỉnh hỗ trợ 1 cơ sở áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt, 92 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGap, 95 cơ sở chăn nuôi bò, lợn, gà đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc…
Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, sạch, tuần hoàn theo chuỗi giá trị, toàn tỉnh có 30 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thu sản phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn. Trong đó có 18 chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, thanh long ruột đỏ; 4 chuỗi sản xuất tiêu thụ thịt lợn, gà an toàn; 2 chuỗi cung ứng các sản phẩm từ sữa bò, bò thịt, trứng gà; 1 chuỗi sản xuất cung ứng trà hoa vàng Tam Đảo…
Tại Hội thảo các đại biểu đã tham luận về các chủ đề: Hiện trạng, định hướng và giải pháp phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số xúc tiến thương mại trong tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh; Một số kết quả ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và liên kết chuỗi để phát triển các sản phẩm OCOP trong lĩnh vực VAC ở miền Bắc; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và liên kết chuỗi để phát triển các sản phảm OCOP Nấm Tam Đảo.
Các đại biểu cũng đã thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng để thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, liên kết chuỗi trong phát triển các sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực VAC như: Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình Nông thôn mới, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn; sửa đổi một số chính sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; ứng dụng đồng bộ các loại máy móc, thiết bị có tính tự động cao, công nghệ số, AI; Tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ mới, thiết bị, vốn, giống để phát triển sản xuất./.