Hà Tĩnh: Hiệu quả từ mô hình trồng và chiết xuất tinh dầu tràm Trà và tràm Năm gân
Tháng 2/2023, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Tĩnh đã triển khai dự án xây dựng mô hình thử nghiệm trồng và chiết xuất tinh dầu cây Tràm trà (Melaleuca alternifolia) và Tràm năm gân (Melaleuca quinquenervia) tại Thôn Tùng Lâm, xã Nam Điền huyện Thạch Hà.
Đây là loại cây mới được đưa vào địa phương nhưng bước đầu đã cho kết quả khả quan, mở ra hưởng mới phát triển vùng nguyên liệu cho vùng bán sơn địa tại Hà Tĩnh.

Mô hình trồng cây tràm được triển khai trên hai năm tuổi
Sau hơn hai năm triển khai đến nay dự án đã xây dựng thành công mô hình trồng và chiết xuất tinh dầu, góp phần đa dạng hóa cây trồng dược liệu tại Hà Tĩnh. Từ nguồn giống của Viện Cải thiện giống và Phát triển lâm sản, Liên hiệp hội đã tập huấn, chuyển giao quy trình công nghệ về, kỹ thuật trồng cây các hộ dân. Đến nay dự án đã trồng thành công với tổng diện tích 6 héc ta, trong đó có 3 héc ta cây tràm trà và 3 héc ta cây tràm năm gân cho sinh trưởng tốt. Theo đánh giá tỉ lệ thích ứng và sống khỏe của toàn diện tích cây trồng dự án đạt 94%, năng suất từ 35 đến 40 tấn trên một ha. Quá trình theo dõi, kiểm tra cho thấy ngoài khả năng thích ứng tốt với thời tiết, khí hậu, địa chất cây tràm còn cho năng suất và hàm lượng tinh dầu cao gấp hai đến ba lần so với tràm gió địa phương. Theo tính toán nếu chăm sóc tốt, mỗi năm mô hình cho thu hoạch từ 8 đến 10 tấn lá nguyên liệu trên một héc ta, chưng cất được 100 lít tinh dầu thu về khoảng 200 triệu đồng.
Từ nguồn nguyên liệu trồng, Dự án tiếp tục triển khai mô hình chiết xuất tinh dầu tại Hợp tác xã tinh Dầu dược liệu Hoa Đà tại xã Nam Điền. Hợp tác xã đã đầu tư lò, quy trình công nghệ chiết xuất với quy mô hiện đại giá trị trên 1 tỷ đồng, công suất đạt hơn 500kg mẻ, đảm bảo theo tiêu chuẩn ISO 4730 2017 và Dược điển Việt Nam 5. Từ tháng 4/2025, cơ sở chế xuất tinh dầu đã cơ bản đi vào hoạt động, cho ra sản phẩm tinh dầu của dự án. Tinh dầu tràm từ dự án đã được gửi đi phân tích kiểm nghiệm tại các viện chuyên ngành để làm căn cứ khoa học cho việc chiết xuất và cơ sở dữ liệu cho phát triển mở rộng diện tích về sau.
Ông Lê Tiến Sơn, hộ dân triển khai thực hiện dự án cho rằng việc triển khai trồng tràm trà trên vùng bán sơn địa Hà Tĩnh là khá hiệu quả, với kinh nghiệm đã có trong sản xuất vườn đồi khi phối hợp với dự án hợp tác xã đã chủ động và triển khai mở rộng diện tích cũng như cơ sở sản xuất. Cũng theo ông Sơn, hiện nay cùng với dự án ông đã đầu tư hệ thống chiết xuất công suất lớn theo tiêu chuẩn hiện đại, sản phẩm tinh dầu tràm của đơn vị đã ra thị trường, trong thời gian tới HTX sẽ kết hợp xây dựng mô hình chiết xuất gắn với trải nghiệm sinh thái để quảng bá sản phẩm.

Hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình
Để đánh giá hiệu quả mô hình, ngày 28/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hội thảo về xây dựng mô hình thử nghiệm trồng và chiết xuất tinh dầu tràm Trà và tràm Năm gân tại Hà Tĩnh. Tại hội thảo các cơ quan quản lý tại địa phương, chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp đều ghi nhận kết quả của mô hình, đặc biệt là hiệu quả về kinh tế và xã hội. Với tuổi thọ từ 20-30 năm, phù hợp với địa chất, khí hậu, it sâu bệnh và khả năng cho hiệu quả về trữ lượng và tinh chất dầu so với tràm gió địa phương. Bên cạnh đó với các chính sách hiện có của Hà Tĩnh cây tràm có thể vận dụng để phát triển trên diện rộng, dễ thu hồi vốn và có tiềm năng để xuất khẩu. Cũng tại hội thảo nhiều địa biểu cho răng cần nghiên cứu thêm về mô hình để có thể chủ động trong khâu nhân giống, bao tiêu sản phầm, áp dụng chứng nhận hữu cơ và đăng ký sản phẩm OCOP khi đưa ra thị trường nhất là đối với thị trường xuất khẩu.
Mặc dù đây là loại cây mới được đưa vào Hà Tĩnh nhưng từ kết quả bước đầu có thể tin tưởng rằng mô hình trồng và chiết xuất tinh dầu tràm tại Hà Tĩnh có thể thành công và nhân rộng, mang lại giá trị kinh tế cho các hộ dân và doanh nghiệp trong tương lai, mở ra mô hình kinh tế cho các địa phương gắn với phát triển cây dược liệu.