Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 18/10/2010 19:23 (GMT+7)

Sự gặp gỡ giữa Phan Châu Trinh và Hồ Chí Minh về chủ trương bồi dưỡng dân khí nước nhà

Cái “việc khác” mà ông chưa tiện nói ra – vì đang hoạt động công khai – là độc lập cho dân tộc, dân chủ, hạnh phúc cho dân nhân dân. Ông đưa dân trí và dân khí lên hàng đầu. Dân trí là mở mang trí tuệ cho dân, còn dân khí là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, nhuệ khí đấu tranh, ý thức trách nhiệm công dân, và cả những vấn đề về sửa đổi phong tục như lối sống, nếp sống của nhân dân theo hướng văn minh, tiến bộ. Như vậy, dân khí là một nội dung chủ yếu, cơ bản trong tư tưởng duy tân của Phan Châu Trinh. Thực hiện dân trí cũng nhằm để nâng cao dân khí và nêu cao dân khí là để hướng đến dân chủ, dân quyền. Một khi “Dân đã biết có quyền, thì việc khác có thể tính làm được” (1).

Phan Châu Trinh cho rằng, sở dĩ tình trạng dân khí, dân trí nước nhà đáng buồn như vậy, trước hết là do nền giáo dục “nặng óc khoa cử” bấy giờ. Chấn chỉnh lại dân khí nước nhà, với Phan Châu Trinh đấy là một nhiệm vụ cấp thiết. Trước hết là chấn chỉnh về mặt luân lý.

- Một là, kích thích tinh thần tự tôn dân tộc, vì một dân tộc không có được tinh thần tự tôn dân tộc thì dân tộc đó không xứng đáng tồn tại với tư cách là một dân tộc, và cũng không đủ sức tồn tại với tư cách là một dân tộc. Có tinh thần tự tôn dân tộc mới có thể nói đến yêu nước thương nòi, dám xả thân vì đại nghĩa:

Gặp việc nghĩa trăm thân không tiếc,

Làm việc gì chỉ quyết cho nên

Lòng son dạ đá giữ bền

Chẳng nề ai ghét, chẳng phiền ai thương.

Bắt đầu đề xướng chủ thuyết duy tân, Phan Châu Trinh đã đặt mạnh vấn đề luân lý, cho đến lúc cuối đời ông cũng tiếp tục khuyên đồng bào phải trau dồi “luân lý quốc gia”, mà cốt lõi của luân lý quốc gia chính là lòng yêu nước, nhất là một khi đất nước đã mất thì càng phải ra sức bồi dưỡng lòng yêu nước đó thành sức mạnh đánh đổ ngoại bang. Chúng ta nhận thấy nhiều bài thơ do Phan Chân Trinh viết, cũng như các sĩ phu phong trào Duy tân luôn tập trung thức tỉnh tinh thần yêu nước của người Việt Nam. Nội dung các cuộc diễn thuyết của các nhà nho Duy tân đều xoay quanh tôn chỉ “lấy thương yêu đồng bào làm gốc”. Các bài giảng trong các trường tân học cũng toát lên tinh thần này. Bởi vậy nên, trong một mật báo với cấp trên, viên Công sứ Quảng Nam Charler nhấn mạnh rằng, trong các bài học những nhà nho Duy tân đã kích thích tinh thần dân tộc và y xem đó là điều đáng sợ đối với chế độ cai trị của người Pháp: “Họ nắm các trường học và điều hành việc dạy học. Họ trao cho học sinh những tài liệu kích thích tinh thần yêu nước, hận thù quân xâm lược, xem thường cái chết. Mỗi người phải sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc. Thật là những bài học tuyệt vời về chí khí, chỉ tiếc là chúng ta một ngày kia phải trả giá cho sự giáo dục ấy mà thôi” (2).

Người xưa từng nói: đất nước không có nhân tài thì như đi vào chỗ không người. Phan Châu Trinh cũng cho rằng kẻ sĩ phải gánh vai trò trọng yếu trong việc hướng đạo cho quốc dân, phải thật sự là những “hiền nhơn quân tử”, “cả chí kinh luân”, là nơi đáng tin cậy của quốc dân. Muốn thế, kẻ sĩ có chí không thôi chưa đủ, điều quan trọng là phải có đại chí. Theo ông, người có đại chí là người biết vì quốc dân đồng bào, hơn thế nữa, phải là người biết nhìn xa trông rộng, biết xem xét kỹ càng mọi việc lợi hại mới hành động: “kẻ sĩ có đại chí thì đứng trên địa vị lập thân an mạng mà không vì cuộc đời thay đổi chí hướng mới gọi là thượng chí. Và kẻ sĩ quý đại chí phải lấy việc lợi hại trong nước làm lợi của mình, lấy an nguy trong nước làm an nguy của mình, thấy nghĩa thì làm, trăm lần bỏ cũng không sờn, dù thân bị giết chớ chí mình không ai cướp được” (3).

- Hai là, chấn chỉnh về tâm lý: Phan Châu Trinh đặt ra hàng loạt vấn đề như bồi bổ cho quốc dân ý chí tự tập, tự cường, tinh thần cộng đồng, đoàn kết giúp nhau, xoá bỏ tâm lý tự ti và cả tâm lý tự cao tự đại, tâm lý buông xuôi, ỷ lại.

Phê phán lối làm ăn manh mún, nhỏ lẻ với mảnh vườn thửa ruộng, phần ai nấy biết, ông kêu gọi người dân phải biết thay đổi cách nghĩ cách làm, phải biết chung nhau bỏ vốn làm ăn, đặc biệt là phải biết hợp tác tương trợ lẫn nhau để cùng tiến bộ và làm việc nghĩa: canh tân tự cường cho cả dân tộc để cạnh tranh với các nhà tư bản Pháp và các lái buôn Hoa kiều, Chà Và (Indonesia). Với ông, sự giàu có phải là cho cả xã hội và trên cơ sở một nền sản xuất của xã hội chứ không phải chỉ cho mỗi một hai người. Chủ trương “dĩ nông hợp quần”, “dĩ thương hợp quần” của ông và các nhà nho Duy tân thật là đặc sắc:

Bỏ bạc tiền ra đó để buôn chung,

Người có của, kẻ có công,

Chung nhau lại mà đem lòng thân ái,

Hợp bể Bắc gây nên non Thái,

Cùng đồng lòng gây cái biển Đông.

Hưởng ứng chủ trương của ông, các nhà nho Duy tân rủ nhau góp cổ phần lập thương hội. Nhiều nông đoàn, hợp tác xã được thành lập trên cơ sở vỡ ruộng đất hoang và ruộng đất của những người giàu có hiến cho phong trào để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao bán lấy tiền trang trải cho các hoạt động Duy tân như mở trường học, lo cơm và tiền lộ phí cho thầy dạy… cả việc ủng hộ phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Khuyến khích cho sự phát triển sản xuất trong nước, cạnh tranh với hàng hoá nước ngoài, một mặt các ông cổ động nhân dân dùng hàng hoá, mặt khác, các ông cũng khuyên những người sản xuất trong nước phải nâng dần chất lượng hoá, phải giữ chữ tín trong kinh doanh, phải vì lợi lớn của cả dân tộc, vì nghĩa “đồng bào”. Hai tiếng “đồng bào” bắt đầu xuất hiện từ phong trào Duy tân là một lời hiệu triệu thiết tha về tình cảm tự nhiên của cả dân tộc nên đã khích lệ được tinh thần cộng đồng, tương ái của tất cả mọi người.

- Ba là, chấn chỉnh về lối sống và nếp sốngcủa quốc dân theo hướng văn minh tiến bộ, tức là phải sửa đổi tất cả những việc phổ thông trong đời sống hằng ngày của mọi người từ cách ăn, cách mặc, cách ở, cách làm việc sao cho giản tiện, thích hợp và trong mối quan hệ với nhau sao cho có tình có nghĩa, có tín.

Với khẩu hiệu “Khai trí, trị sinh, tịnh xa, sùng kiệm”, một phong trào cắt tóc ngắn, mặc đồ ngắn, để răng trắng, ăn ở hợp vệ sinh, kiệm ước trong chi tiêu, bài trừ hủ tục, mê tín được thực hiện sôi nổi ở khắp các làng quê có phong trào Duy tân, tạo nên một phong khí mới, một sự chuyển biến rõ rệt về lối sống và nếp sống của nhân dân lúc bấy giờ, khiến cho cả những nơi xa xôi hẻo lánh, rừng che núi cách bốn bề cũng trở thành nơi “khai thông vui vẻ”. Nó cho thấy, chủ thuyết Duy tân của Phan Châu Trinh đã có tác động vào tư tưởng, tâm lý quốc dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Lại có một thực tế là bấy giờ có những làng quê Duy tân được triều đình ban sắc khen ngợi “Mỹ tục khả phong” (bản dập văn bia làng Lỗ Giáng, huyện Hoà Vang lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết điều này).

Làm thế nào để bồi dưỡng dân khí nước nhà, theo Phan Châu Trinh, giải pháp tốt nhất là phải khai thông dân trí. Muốn vậy, phải đổi mới nền giáo dục, bởi chỉ có một nền giáo dục tiến bộ mới là chiếc chìa khoá “mở trí khôn” cho dân. Phan Châu Trinh tuyên ngôn với quốc dân: “Những sự giải thoát của chúng ta là nhằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ” (4). Với sự cổ suý của ông, chỉ trong năm 1906 ở Quảng Nam đã có hơn 40 trường tân học được xây dựng. Nội dung giáo dục trong các trường này rất mới mẻ. Học sinh được học những môn học mới như ngoại ngữ (chữ Pháp, có nơi học chữ Nhật) và học các kiến thức khoa học, kiến thức quân sự học đường… Cùng với giáo dục ông chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân qua những buổi diễn thuyết, qua thơ ca (các nhà nho Duy tân đã sáng tác một khối lượng lớn thơ ca để cổ suý chủ thuyết của mình, tiêu đề là các bài Gióng trống duy tân, Khuyến học, Quảng học vấn, Khuyến nông ca, Khuyến thương ca.

Công cuộc cải cách của Phan Châu Trinh và các nhà nho Duy tân đang bước khởi đầu đã bị thực dân Pháp đàn áp, thất bại, vì muốn thực hiện được tư tưởng dân chủ, muốn chấn hưng dân khí nước nhà đòi hỏi phải có điều kiện tiên quyết là giành cho được độc lập, tự do.

Cũng như Phan Châu Trinh, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng tâm lý và lý luận cho quốc dân. Từ năm 1943 trong nhà tù Quảng Tây (Trung Quốc), Hồ Chí Minh đã phác thảo trước 5 điểm lớn về xây dựng nền văn hoá mới, trong đó có các điểm:

- Xây dựng về tâm lý: Tính cách, tinh thần độc lập, tự cường.

- Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.

- Xây dựng chính trị: Dân quyền

Trong 6 nhiệm vụ cấp bách ngay sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập (3 – 9 – 1945), Người nêu lên nhiệm vụ thứ hai là chống giặc dốt, vì “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và chủ trương “mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. Với nhiệm vụ thứ tư, Người nói: Chế độ thực dân đã “dùng mọi thủ đoạn hủ hoá dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng dáng với nước Việt Nam độc lập”. Để làm được điều này, Hồ Chí Minh, trước hết phải “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân cách bằng cách thực hiện: Cần, Kiệm, Liêm, Chính” (5). Những năm sau, Hồ Chí Minh nhiều lần lưu ý rằng, thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là một trở lực trên bước đường xây dựng nước nhà nên “muốn xây dựng một xã hội mới, một xã hội tự do, bình đẳng, một xã hội cần, kiệm, liêm, chính… phải tẩy sạch cho những thói xấu của xã hội cũ” (6). Với chủ trương xây dựng “Đời sống mới”, Hồ Chí Minh đặt ra 3 phương tiện: xây dựng đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới cho nhân dân.

Sinh thời, Phan Châu Trinh đề xướng tư tưởng dân chủ, dân quyền nhưng không thể trở thành hiện thực vì ở trong chế độ thực dân – phong kiến là một chế độ mà Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo, đó chỉ là “sự ngự trị của bạo chính”, là “một chế độ hoàn toàn khoá miệng và bưng bít sự thật”. Chỉ với cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản lãnh đạo thắng lợi, cái kết quả bình sinh Phan Châu Trinh mong ước mới thành sự thật. Đó là sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Hồ Chí Minh tuyên bố: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích là vì dân, bao nhiêu quyền hạm đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (7). Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, trên thực tế giữa tư cách, địa vị “dân là chủ” với trạng thái “Dân làm chủ” hãy còn một khoảng cách, nhiều khi rất lớn nên Hồ Chí Minh mới nói: “Nước ta phải đi đến dân chủ thực sự” (8), phải thực hiện “dân chủ thực sự” (9). Muốn có dân chủ thực sự, trước hết phải có cơ chế để dân làm chủ và phải chăm lo dân sinh bằng cách “ra sức thực hiện những cải cách xã hội, để nâng cao đời sống của nhân dân” (10). Mặt khác, Hồ Chí Minh cũng nói rõ: “Muốn làm chủ được tốt, phải có năng lực làm chủ, có đủ năng lực tổ chức cuộc sống mới” (11). Như vậy, vấn đề đặt ra là, bên cạnh việc thực hiện tốt cơ chế dân chủ, còn phải chăm lo bồi dưỡng sức dân, bồi dưỡng năng lực làm chủ cho nhân dân để kết nối quyền làm chủ và năng lực làm chủ cho dân, mà muốn làm được điều này, phải nâng cao dân trí để dân có năng lực làm chủ, đồng thời phải bồi dưỡng dân khí để dân “biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm” (12), và có như thế mới “làm cho mọi công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc nhà nước” như Hồ Chí Minh từng căn dặn (13).

Như thế, chúng ta thấy có sự gặp gỡ giữa Phan Châu Trinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ trương nâng cao dân trí, bồi dưỡng dân khí, chăm lo dân sinh.

Chú thích:

1/ Dẫn theo: Phan Bội Châu toàn tập, T6(Chương Thâu sưu tầm, biên soạn), Nxb Thuận Hoá, Huế, tr 116.

2/ Lê Thị Kinh: Phan Châu Trinh qua những tài liệu mớiNxb Đà Nẵng, 2001, Q1T1, tr 50 – 51.

3/ Sđd. Tr 280.

4/ Dẫn theo: Lê Thị Kinh: Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới,Nxb Đà Nẵng, T1, tr 155.

5/ Hồ Chí Minh: Toàn tậpT4, Nxb CTQG, H, 1995, tr 8 – 9.

6/ Hồ Chí Minh: Toàn tậpT6, Nxb CTQG, H, 1996, tr 494.

7/ Hồ Chí Minh: Toàn tậpT5, Nxb CTQG, H, 1995, tr 698.

8/ Hồ Chí Minh: Toàn tậpT7, Nxb CTQG, H, 1995, tr 25.

9/ Hồ Chí Minh: Toàn tậpT7, Nxb CTQG, H, 1995, tr 323.

10/ Hồ Chí Minh: Toàn tậpT7, Nxb CTQG, H, 1995, tr 323.

11/ Hồ Chí Minh: Toàn tậpT10, Nxb CTQG, H, 1995, tr 103.

12/ Hồ Chí Minh: Toàn tậpT12, Nxb CTQG, H, 1995, tr 223.

13/ Hồ Chí Minh: Toàn tậpT9, Nxb CTQG, H, 1995, tr 590.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Liên hiệp Hội Việt Nam là điểm tựa tin cậy của đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ
Trong chặng đường 42 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam trong nước và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia..
Báo Nhân dân chúc mừng Vusta nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chiều ngày 15/5, Đoàn cán bộ Báo Nhân dân do Trưởng Ban Khoa học - Môi trường Đinh Song Linh dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Liên hiệp Hội Việt Nam nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam đã thân mật tiếp đoàn.