Sử dụng phân bón cho cây lạc
Phân chuồng: Lượng phân chuồng bón cho lạc từ 8-12 tấn/ha. Phân chuồng (phân gia súc và chất độn chuồng) cần được ủ thật hoai mục, tốt nhất là chuẩn bị trước khi gieo 1 tháng.
Bón lót toàn bộ phân chuồng theo hàng trước khi gieo hạt. Nếu phân chuồng thật hoai mục, có thể bón trực tiếp vào hạt.
Đạm: Dùng phân đạm bón lót vào 2 thời điểm: sau gieo 15 ngày (khi lạc có 2-3 lá kép) và khi lạc ra hoa. Chỉ bón đạm cho những trường hợp sau:
- Lượng phân chuồng bón lót không đủ, đất xấu, thiếu dinh dưỡng.
- Cây sinh trưởng kém, có biểu hiện thiếu đạm. Bộ rễ tạo nốt sần kém, lượng đạm cố định do vi khuẩn cung cấp cho cây ít.
- Bón đạm trên cơ sở bón lân, kali, vôi đầy đủ, tạo sự cân đối trong dinh dưỡng khoáng. Lượng phân đạm vô cơ có thể bón tối đa 40kg/ha.
Lân: Lượng lân (P 2O 5) bón cho lạc khoảng 40-60kg/ha. Các loại lân khó tiêu như apatit, tecmophophat cần nên ủ với phân chuồng để tăng lượng dễ tiêu và chỉ dùng bón lót; còn super lân có thể bón trực tiếp (bón thúc) cho lạc.
Thời kỳ bón thúc lân cũng trùng với thời kỳ bón đạm (khi cây 2-3 lá và thời kỳ ra hoa). Lượng lân nên dùng 50% để bón lót và 50% bón thúc (bằng super lân).
Kali: Bón Kali (K 2O) giúp lạc phát triển tốt trên các loại đất bạc màu, đất nghèo dinh dưỡng. Bón 40-60kg K 2O/ha. Nên ủ kali cùng phân chuồng để bón cho lạc. Có thể thay kali bằng cách dùng tro bếp.
Vôi: Bón vôi cho lạc vừa nâng pH đất, cải tạo đất chua, đồng thời cung cấp canxi cho cây. Bón vôi giúp tăng năng suất lạc trên tất cả các loại đất. Bón 600-800kg vôi/ha, chia làm 2 lần, bón lót 50k%, còn lại bón thúc vào thời kỳ ra hoa rộ.
Phân vi lượng: Lạc rất cần những nguyên tố vi lượng như Mo, Bo, Cu, Mg. Không nên bón riêng rẽ từng nguyên tố vi lượng mà dùng phân vi lượng hỗn hợp.
Phân vi lượng thường dùng dưới dạng phun lên lá, sử dụng lúc cây có 5-6 lá, thời kỳ ra hoa rộ và phát triển quả.
Phân vi sinh: Phân vi sinh có tác dụng tốt trên các loại đất mới khai phá chưa trồng lạc, đất chua, đất bạc màu.
Hiện nay việc sử dụng phân vi sinh cho lạc chưa nhiều vì bà con chưa quen dùng. Việc dùng phân vi sinh không những có tác dụng làm tăng hiệu quả sử dụng các loại phân vô cơ, tăng năng suất lạc mà còn làm tăng cấu tượng đất, tăng hàm lượng các chất dễ tiêu, tạo điều kiện dinh dưỡng tốt cho cây trồng ở vụ kế tiếp.
Nguồn: Kinh tế nông thôn, số 52 (486), 26/12/2005