Quy trình sản xuất bí ngồi Star Ol
Giống bí ngồi Star Ol là giống mới của Công ty Asia Seed, do Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (RDA) giới thiệu. Thời gian sinh trưởng 65 - 70 ngày trong vụ xuân và 60 - 65 ngày trong vụ đông. Dạng thân đứng, lá xẻ, thùy sâu, cuống lá dài, góc lá hẹp. Dạng quả dài, màu vỏ quả xanh đậm. Chiều cao cây 60 - 65 cm. Kích thước quả 25 - 30 x 6 - 7 cm. Khối lượng quả 400 - 500 g. Năng suất đạt 45 - 55 tấn/ha. Chất lượng quả: vitamin C: 2,16 mg%; đường tổng số: 4,10%, hàm lượng chất khô: 1,23%. Chống chịu bệnh phấn trắng và sương mai khá.
1. Thời vụ
- Vụ xuân hè: Gieo hạt thích hợp nhất từ 25/1 - 15/2.
- Vụ đông: Gieo hạt thích hợp nhất từ 15/9- 15/10.
Tại các vùng có khí hậu mát mẻ như Mộc Châu, Sâp, bí ngồi trồng quanh năm trừ các tháng có nhiệt độ thấp, sương giá (từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau).
2. Làm đất
Chọn chân đất cao, giàu dinh dưỡng, có thành phần cơ giới nhẹ và thoát nước tốt.
Đất được cày bừa kỹ, làm đất nhỏ, sạch cỏ dại. Lên luống cao 25 - 30 cm (trong vụ xuân hè); 20 - 25 cm (trong vụ đông), rãnh rộng 30 - 40 cm, mặt luống rộng 80 cm.
3. Gieo hạt
Hạt có thể gieo trực tiếp (mỗi hốc gieo 2 hạt chọn để lại 1 cây khoẻ) nhưng tốn giống. Để tiết kiệm lượng hạt giống và chủ động về chất lượng cây con, áp dụng phương pháp gieo vào bầu. Hạt sau khi đã ngâm và ủ hạt cho nứt nanh đem gieo vào bầu. Khối lượng 100 hạt là 25 g. Lượng hạt giống cần gieo từ 70 - 80g cho 1 sào Bắc Bộ (360 m 2).
Áp dụng phương pháp gieo hạt vào bầu vừa tiết kiệm hạt giống, vừa đảm bảo chất lượng cây con
Qui trình ngâm ủ hạt giống: ngâm hạt trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh) 2- 3 giờ. Sau khi ngâm vớt hạt ra rửa sạch hết chất nhớt và cho vào khăn bông ẩm để ủ hạt (không dùng khăn nilon), gấp khăn lại và cho vào túi nilon hoặc hộp nhựa đậy nắp lại. Sau 24 giờ ủ hạt thì lại đem ra rửa sạch lớp nhớt bên ngoài hạt, giặt sạch khăn rồi lại ủ tiếp. Sau khi hạt nứt nanh thì đem gieo.
Hỗn hợp đất làm bầu: Tỷ lệ đất bột với phân chuồng hoai mục (hoặc mùn) là 1:1. Gieo hạt trên khay bầu, mỗi hốc gieo 1 hạt, đặt hạt theo hướng lá mầm lên trên, rễ quay xuống. Sau khi gieo xong, rắc hỗn hợp đất mùn hoặc trấu lên trên cho vừa kín hạt, tưới ẩm thưởng xuyên. Khi cây có từ 1 - 2 lá thật đem trồng.
4. Phân bón và cách bón
Lượng bón: Lượng phân nguyên chất cần bón cho 1 ha bí ngồi là:
Loại phân | Tổng lượng phân bón (kg/ha) | Bón lót (%) | Bón thúc (%) | ||
Lần 1 | Lần 2 | Lần 3 | |||
Phân chuồng hoai mục | 20.000 | 100 | - | - | - |
N | 150 | 20 | 20 | 30 | 30 |
P 2O 5 | 60 | 100 | - | - | - |
K 2O | 150 | 20 | 20 | 30 | 30 |
Chú ý: Đất chua mặn cần bón thêm vôi, lượng bón 600 - 800 kg/ha. Trong trường hợp không có phân chuồng có thể bón thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh với liều lượng tương đương 800 - 1.000 kg phân hữu cơ vi sinh cho 1 ha.
Có thể dùng các dạng phân hỗn hợp, phức hợp NPK để bón với liều nguyên chất tương ứng. Ngoài biện pháp bón vào đất, có thể phun qua lá các dung dịch dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng theo hướng dẫn sử dụng của hãng sản xuất.
Phương pháp bón:
- Bón lót: Bón toàn bộ phân chuồng, phân lân; 20% phân đạm và 20% phân kali.
- Bón thúc: Lượng phân còn lại chia bón thúc làm 3 lần:
+ Bón thúc lần 1: Sau khi cây bén rễ, hồi xanh: 20% đạm và 20% kali.
- Bón thúc lần 2: Khi cây bắt đầu ra hoa, kết hợp vun xới: 30% đạm và 30% kali.
- Bón thúc lần 3: Sau khi bón thúc lần hai 10 - 15 ngày: lượng phân đạm và kali còn lại.
Trộn đều các loại phân, xới xáo kết hợp làm cỏ rồi rải phân xung quanh gốc (rải cách gốc 15 cm) và lấp đất lại. Nếu dùng màng phủ nông nghiệp thì bón vào gốc qua lỗ đục cách hốc 15 cm hoặc hoà loãng phân trong nước để tưới.
5. Trồng cây và chăm sóc
Trồng 1 hàng cây giữa luống, cây cách cây 100 cm (trong vụ đông) và 80 cm (trong vụ xuân hè). Bổ hốc sâu, bón phân vào hốc, đảo đều rồi đặt bầu sau đó lấp kín bầu, tưới giữ ẩm thường xuyên.
Mật độ trung bình: 550 - 600 cây/sào Bắc bộ (360 m 2), tương đương 16.000 cây/ha.
Thường xuyên giữ độ ẩm 70 - 75% cho bí sinh trưởng, phát triển tốt, nhất là thời kỳ ra hoa, đậu quả và nuôi quả lớn bằng cách dẫn nước theo rãnh cho ngấm vào mặt luống sau 2 giờ thì rút hết nước đi.
Sau trồng khoảng 25 - 30 ngày cây bắt đầu ra có hoa nở thì nên thụ phấn bổ sung (thời gian từ 7 - 10 giờ sáng, tuỳ theo mùa) bằng cách ngắt hoa đực, bỏ hết cánh hoa, sau đó quét nhẹ phấn hoa lên nhụy hoa cái.
Ruộng sản xuất bí ngồi
6. Phòng trừ sâu bệnh
- Một số sâu hại chủ yếu trên bí ngồi như: Sâu khoang, sâu xám, rệp, bọ trĩ, dòi đục lá….
Biện pháp phòng trừ: Chăm sóc cây khỏe, bón phân cân đối, tưới nước hợp lí, thu dọn tàn dư của vụ trước, luân canh với cây khác họ bầu bí. Ngoài ra, có thể dùng thuốc Regent, Confidor, Bulldock, Baythroid, Actara, Karate… phun theo hướng dẫn trên bao bì.
- Một số bệnh hại chính trên bí ngồi: Bệnh phấn trắng, lở cổ rễ, khảm lá, sương mai….
Các biện pháp phòng trừ:
+ Biện pháp canh tác: Dùng giống chống bệnh, luân canh cây trồng, dọn sạch cỏ trong vườn, dùng màng phủ hoặc rơm rạ phủ đất để hạn chế cỏ dại.
+ Biện pháp hóa học:
Bệnh phấn trắng ( Erysiphe sp.): Phát hiện sớm, phun thuốc trừ bệnh bằng thuốc Anvil 5SC, Score 250EC, Bayfidan 25EC, Topan 70WP hoặc Zineb Bul 80WP.
Bệnh sương mai ( Pseudoperonospora cubensis): Phun thuốc trừ bệnh Folpan 50SC, Ridomil gold 68WP, Boóc-đô, Zineb 80WP, Ridomil MZ 72WP…
Bệnh lở cổ rễ ( Fusarium oxysporium f. sp.): Có thể hạn chế vùng bị bệnh bằng cách phun hoặc tưới đẫm vào gốc thuốc Captan với 2 g thuốc/lít nước hoặc Viben C, Tilt supper, Copper B, Rovral 50WP, Topsin-M 0,2 - 0,3%.
Bệnh khảm virus (Mosaic): Hạn chế bệnh thông qua trừ môi giới truyền bệnh: Trừ rệp bằng cách phun Actra 25EC, Mimic 20F, Sherpa 20EC, Admire, Sevin 85WP.
Liều lượng, nồng độ theo đúng chỉ dẫn nhãn ghi trên bao bì thuốc.
7. Thu hái
Thông thường nên thu hái khi quả dài 25 - 35 cm, đường kính 4 - 5 cm. Khối lượng 350 - 400 g. Không nên để quả to quá sẽ bị già, ăn không ngon. Mỗi cây cho thu hoạch trung bình 8 - 12 quả. Khi thấy quả đủ kích thước khoảng 5 - 7 ngày sau nở hoa sẽ cho thu hoạch. Dùng dao sắc cắt cuống quả dài 1 - 2 cm xếp vào sọt, rổ đem đi tiêu thụ.