Quê hương Khổng Tử
Khổng Miếu:
Sau khi Khổng Tử qua đời, hơn 2.400 năm sau để tôn thờ vị thánh văn hoá phương Đông các nơi khắp đất nước Trung Quốc đã xây dựng hàng nghìn đền thờ Khổng Tử. Khổng Miếu ở Khúc Phụ được xây dựng sớm nhất (tức năm 478 TCN). Toà Khổng Miếu này chiếm diện tích 200 mẫu (mẫu TQ), phía trước đến phía sau có 9 khu, từ phía Nam đến phía Bắc dài 1km, tạo thành một quần thể kiến trúc cổ xưa, gồm 5 điện, 1 gác, 1 đài, 2 nhà nhỏ, 2 nhà từ đường và 17 toà nhà bia, tổng cộng có 466 gian uy nghiêm, thoáng đãng. Chuvi bốn phía có tường cao bao bọc, cửa, mái lầu sắp xếp hợp lý. Bên trong khu vực Khổng Miếu cỏ cây xanh tốt, mát mẻ quanh năm. Đại thành điện ở giữa là chủ thể kiến trúc chính của toà miếu. Toàn bộ đỉnh của đại điện đều dùng thuỷ tinh màu vàng, 4 phía là 28 trụ đá. Chính giữa đại điện là bức tượng Khổng Tử bề thế to cao 3,35m. Hai phía Đông, Tây là những bức tượng học trò Khổng Tử như: Nhan Hồi, Khổng Cấp, Tăng Sâm, Mạnh Kha và tượng của “mười hai bậc hiền triết” (Thập nhị triết). Cách phía trước đại thành điện không xa có một ngôi đình cổ hình vuông, trong đình dựng một tấm bia đá, trên bia hai chữ Hán là “Hạnh đàn”. Tương truyền rằng nơi đây thời trước Khổng Tử dạy học, xung quanh đều trồng cây hạnh nên có tên như vậy. Thánh Tích điện là một điện bảo quản lại những ghi chép cuộc đời của Khổng Tử. Trên tường là những bức tranh liên hoàn ghi chép lại những sự tích của Khổng Tử, đầu tiên là dùng một miếng gỗ khắc phù điêu treo trên tường, đến năm thứ 20 thời Vạn Lịch (năm 1529) nhà Minh mới dùng đá khắc thành tranh liên hoàn, tất cả có 120 bức. Đây là những bức “Thánh Tích đồ” về cuộc đời Đức Khổng Tử. Bên ngoài có treo bức thủ bút của vua Khang Hi, nhà Thanh gồm 4 chữ “Vạn thế sư biểu” (tấm gương bậc thầy muôn đời). Đình Ngự Bi (còn gọi là đình 13 bia - Thập tam bi đình) là nơi lưu giữ những ngự chế vua chúa các đời được khắc bằng đá tất cả có 55 bức khác với những tấm bia dựng ở 13 nơi khác. Nội dung những bài văn bia này là ghi chép lại những lời sùng kính của các vị hoàng đế khi phong tặng Khổng Tử hay những sắc phong, cảm tưởng của họ khi đến thăm viếng Khổng Miếu. Ngoài ra, ở Khuê Văn Các chuyên cất giữ sách vở hay giếng nước sinh thời Khổng Tử dùng, Vạn nhẫn cung tường (bức tường Cung Vạn nhẫn), Linh Tinh môn (cửa Linh Tinh), Kim Thanh Ngọc chấn phường… Tất cả đều có nội dung sùng bái và ngợi ca Khổng Tử.
Khổng Lâm(còn gọi là Chí Thánh Lâm):
Khu rừng này ở ngoại ô phía Bắc thành phố Khúc Phụ. Đây là vùng đất của Khổng Tử và gia tộc họ Khổng. Từ năm 479 TCN sau khi Khổng Tử chết thì chôn ở đây. Đến nay đã hơn 2.400 năm hậu duệ của gia tộc chết đều chôn ở đây, còn hiện nay thì không được mai táng ở khu rừng mang tính di sản văn hoá thế giới này. Diện tích của khu nghĩa trang rộng hơn 3000 mẫu (mẫu TQ). Các loại cây như tùng, bách, hoàng liên và nhiều cây khác, số lượng hơn 10 vạn cây to cao, um tùỡnganh tốt với lăng mộ, người đá, ngựa đá, bia đá và muông thú bằng đá bố trí hài hoà, sinh động có thể coi là khu lăng mộ của gia tộc lớn nhất trên thế giới. Nếu đi theo hướng Bắc thành phố Khúc Phụ mọi người kinh ngạc khi đi giữa hai hàng cây tùng, cây bách to cao che mát và đi thẳng là đến mộ của Khổng Tử. Đây là con đường chính (gọi là Thần đạo) của khu rừng Khổng Tử. Giữa Thần đạo có một đoạn gọi là Vạn Cổ Xuân phường, gồm 6 trụ đá vững chãi, hai mặt khắc 12 con sư tử đá đang quỳ, phía trên khắc các con vật rồng, phượng, ngựa và mây. Cả một phường đá này tạo hình sinh động, khí thế hùng vĩ, hai bên là vô số những bia đá dựng. Đầu Thần đạo là cửa lớn của Khổng Lâm, trước cửa dựng một loạt bia làm bằng gỗ, hai bên dựng một số bia đá. Đi vào cửa của Khổng Lâm, phải đi xuyên qua một đường thông đạo có những cây tùng cổ xa xưa che mát là đến mộ của Khổng Tử. Mộ của Khổng Tử nằm ở trung tâm của Khổng Lâm, vây quanh mộ là bức tường màu đỏ bao bọc. Trước mộ dựng một tấm bia đá lớn, khắc 8 chữ đại tự “Đại thành chí thánh văn Tuyên mộ” (mộ tuyên Vương chí thánh Đại Thành) theo thể chữ triện. Ở mé phía Đông của mộ Khổng Tử là mộ của con trưởng Khổng Lý (còn gọi là Bá Ngưu) phía Nam là mộ cháu Khổng Cấp. Theo giới thiệu thì bố trí mộ chôn loại này thời cổ đại có ý nghĩa là “Dắt cháu bồng con” (Huề tử bảo tôn). Ba gian nhà nhỏ ở phía Tây mộ Khổng Tử là “mộ ngôi lều của Tử Cống” (Tử Cống lư mộ xứ). Tương truyền sau khi Khổng Tử chết, môn đệ ở lại giữ gìn mộ thầy 3 năm mới đi nơi khác, chỉ có một mình Tử Cống ở lại hơn 3 năm, người đời sau vì kỷ niệm sự việc ấy nên mới làm ba gian nhà và lập bia tưởng nhớ người học trò lễ nghĩa.
Trong khu Khổng Lâm mênh mông rộng lớn còn có nhiều di tích lịch sử khác như: Hạnh Điện, cầu Chu Tuỷ, phường Vu Thị… Khổng Lâm có thể coi là khu nghĩa trang gia tộc quy mô to lớn, hơn 2.400 năm đã trôi qua khu rừng và nghĩa trang được bảo tồn nguyên vẹn.
Khổng Phủ:
Khổng Phủ ở trong thành phố Khúc Phụ, gần với Khổng Miếu, là phủ đệ cư trú của Khổng Tử. Bắt đầu từ thời Tây Hán (206 TCN - 25 CN) các hoàng đế phong kiến đối với Khổng Tử mỗi lần sắc phong đều tuyên đọc tại đây. Hoàng đế nhà Đường (618 - 907) truy phong cho Khổng Tử là Văn Tuyên Vương; Hoàng đế thời nhà Tống phong cho trưởng tôn đời thứ 46 của Khổng Tử là “Diễn Thánh Công”. Đến năm 1935 chính quyền Quốc dân Đảng cải phong cho cháu đời thứ 77 của Khổng Tử là Khổng Đức Thành làm “đại Thành chí thánh tiên sư phụng tự quan” (Quan cúng tế bậc thầy Chí Thánh Đại Thành) (ông này nguyên là Viện trưởng Viện khảo thí Đài Loan sau này). Do không ngừng trùng tu và mở rộng nên Khổng Phủ đã chiếm diện tích đến 180 mẫu (TQ) gồm có các loại nhà, phòng, lầu và đại sảnh, tổng cộng là 500 gian, bố cục thành 3 con đường trong phủ. Kiến trúc chủ yếu là trung lộ, phân chia phía trước và phía sau thành 2 nơi. Phía trước là khu vực bảo vệ, phía sau làm nơi ở và cuối cùng là khu vườn hoa quanh năm tươi tốt. Khổng Tử cả đời tuy nghèo khổ nhưng hậu duệ đời sau của ông lại vinh hoa phú quý. Vẻ vang may mắn nhất có đích tôn đời sau của Khổng Tử được phong “Diễn Thánh Công” trở thành quý tộc đặc quyền lớn nhất của xã hội phong kiến Trung Quốc, hơn nữa không có ảnh hưởng khi triều đại đổi thay, là thế gia quý tộc địa vị cao nhất vượt qua mọi thời gian. Hồ sơ của Khổng Phủ cũng là hồ sơ thị tộc hoàn chỉnh và lâu đời nhất hiện còn ở Trung Quốc. Tổng số hồ sơ này gồm 9000 quyển, bao gồm nhiều nội dung phân chia thành các phần: Sắc phong, tông tộc, thuộc viên, hình pháp, văn thư, tài vụ, tế điển v.v… những hồ sơ này, đối với việc nghiên cứu các mặt chính trị, kinh tế và xã hội cổ đại Trung Quốc đều là nguồn tư liệu nguyên thuỷ vô cùng quí giá có giá trị lịch sử lớn.
Theo thống kê chưa đầy đủ thì dân số ở Khúc Phụ hiện nay là gần 70 vạn người và cứ trong 5 người thì có một người là hậu duệ gia tộc họ Khổng. Mọi người ở đây thường nói: “Không có họ Khổng thì không thành thôn” (vô Khổng bất thành thôn). Tổng số người họ Khổng ước chừng 10 vạn. Bắt đầu từ Khổng Tử mỗi đời đều có văn tự, ghi chép rõ ràng và mỗi đời đều chiếu theo danh tự phân biệt mà sắp xếp không bị gián đoạn. Hiện nay ông Khổng Đức Thành ở Đài Loan (giáo sư trường Đại học Đài Loan) và chị ruột của ông ở Bắc Kinh, là bà Khổng Đức Mậu là cháu đích tôn thứ 77 đời Khổng Tử. Trải qua 2556 năm, thị tộc này vẫn phát triển sinh sôi nẩy nở và được gọi là “Thiên hạ đệ nhất gia” (gia tộc thứ nhất trong thiên hạ).