Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 16/02/2006 01:03 (GMT+7)

Quan hệ giữa Phan Bội Châu với gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phan Bội Châu sinh năm Đinh Mão (1867), hồi nhỏ có tên là Phan Văn San. Phan Bội Châu sớm nổi tiếng là “thần đồng”, đến mức nhân dân trong vùng cho rằng “Thánh Nam Đàn” đã xuất hiện.

Cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh năm Nhâm Tuất (1863) hơn cụ Phan Bội Châu 4 tuổi.

Xuất thân trong một gia đình nông dân, cha mẹ mất sớm, phải ở với người anh cùng cha khác mẹ, lao động vất vả, ít được học hành, mãi đến năm 15 tuổi (Mậu Dần – 1878) mới được nhà Nho Hoàng Đường ở làng Hoàng Trù đưa về nhà nuôi cho ăn học.

Được đi học, Nguyễn Sinh Sắc học rất chăm nên chẳng bao lâu tiếng tăm học giỏi đã được đồn đại, được nhân dân vùng Chung Cự mệnh danh là “thần đồng” (1).

Nhân dân Nam Đàn, một địa phương nổi tiếng có truyền thống hiếu học và học giỏi hồi đó đã cảm phục và liệt tên hai người vào danh sách “tứ hổ Nam Đàn”.

Uyên bác bất như San

Thông minh bất như sắc

Tài hoa bất như Quý

Cường ký bất như Lương.

Thế nhưng bao nhiêu năm miệt mài đèn sách mà hai cụ vẫn lận đận ở chốn trường thi. Mãi tới khoa Hương năm Canh Tý (1900), sau hai mươi sáu năm học tập và thi cử, Phan Bội Châu mới giật được cái Giải nguyên ở trường Nghệ và đến năm Tân Sửu (1901), sau hai mươi năm rèn luyện văn chương, cụ Nguyễn Sinh Sắc mới đậu được Phó bảng.

Và mẫi đến khi Nguyễn Sinh Sắc làm quan ở triều đình Huế, mới ngán ngẩm với nhân tình thế thái, chua chát rút ra kết luận: “Quan trường thị nô lệ trung, chỉ nô lệ hữu nô lệ” (Quan trường là nô lệ trong những người nô lệ lại càng nô lệ hơn).

Hai cụ đều là học trò của thầy Đông Khê Nguyễn Thúc Tự. Lớn lên, cả hai đều có lòng yêu nước và hoạt động cứu nước, tuy mức độ và phương pháp hoạt động có khác nhau.

Phan Văn San đi học sớm và rất sớm hiểu biết, nhất là sớm có lòng yêu nước nồng nàn và chí căm thù giặc sâu sắc. Phan nói: “Tôi được trời phú cho bầu máu nóng cũng không đến nỗi ít. Lúc còn bé, đọc sách của cha tôi, mỗi khi nói đến chỗ người xưa chịu chết để thành đại nhân, nước mắt lại nhỏ xuống ướt đầm đìa cả giấy (2).

Mười bảy tuổi, nghe tin giặc chiếm Bắc Kỳ, nửa đêm Phan Văn San đã thắp đèn viết hịch “Bình Tây thu Bắc” và lập đội “Thiếu sinh quân”, rồi thi đậu giải nguyên trường Nghệ, lập đội Duy Tân, khởi xướng phong trào Đông Du, hô hào hoạt động cứu nước v.v… Bằng những việc làm yêu nước ấy, tiếng tăm của cụ Phan ngày một lừng lẫy khắp nơi. Uy tín của cụ được mọi người ngưỡng mộ.

Tuy Nguyễn Sinh Sắc hơn Phan Bội Châu 4 tuổi nhưng hồi còn nhỏ đã quen biết nhau, có quan hệ mật thiết với nhau. Theo giai thoại về hát phường vải ở vùng Nam Đàn thì hồi trước Nguyễn Sinh Sắc và Phan Bội Châu đã từng cùng nhau đi hát phường vải. Do đó mới có câu chuyện một hôm bốn chàng trang “tứ hổ Nam Đàn” đi hát ở một phường nọ, mở đầu buổi sinh hoạt bằng những câu hát chào, hát mừng, hát hỏi, bên phường con gái đã mạnh dạn hát:

Nam Đàn tứ hổ là ai?

Nói cho em biết để mai em chào?

Phan Bội Châu đã nhanh nhẹn và hóm hỉnh hát đáp lại rằng:

Nam Đàn tứ hổ là đây

Sắc, San, Lương, Quý một bầy bốn anh.

Khoa Mậu Tuất (1898), cụ Nguyễn Sinh Sắc đi thi Hội lần thứ hai cũng bị trượt, rồi về làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang mở lớp dạy học, còn bà Hoàng Thị Loan vẫn ở lại trong ngôi nhà ở đường Mai Thúc Loan sau của Đông Ba Huế.

Cũng trong thời gian này, sau khi mang cái oán oan nghiệt “Hoài hiệp văn tự” trong khoa thi Hương “Đinh Dậu” (1897) ở trường Nghệ, Phan Văn San đã rời quê hương Nghệ Tĩnh vào kinh đô Huế rồi dạy học tại nhà ông Võ Bá Hạp ở An Hoà, thành phố Huế.

Hai con người trong “Tứ hổ Nam Đàn” cứ lận đận mãi ở chốn trường thì, nay lại gặp lại nhau ở đất đế đô, chắc rằng trong thực tế hai người đã có cuộc gặp gỡ trao đổi về cảnh ngộ, về thời cuộc, về tư tưởng, về con đường đang và sẽ đi tới của cuộc đời.

Đầu năm Canh Tý (1900), Phan Văn San được giải oan án “Hoài hiệp văn tự”, rồi tháng 5 về trường Nghệ thi Hương và đậu giải nguyên với cái tên mới Phan Bội Châu.

Đầu năm 1905, cụ Phan Bội Châu rời quê hương Nghệ Tĩnh, bí mật sang Nhật Bản, khởi xướng phong trào cứu nước sôi nổi khắp cả nước.

Tháng 5 – 1906, không thể từ chối được lệnh của triều đình, cụ Nguyễn Sinh Sắc đành phải vào Huế nhậm chức Thừa biện bộ lễ. Ngày 1 – 9 – 1909 làm tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, đến ngày 17 – 1 – 1910 bị triều đình Huế bắt giam vì tội “lạm quyền”. Ngày 27 – 8 – 1910 cụ được ra khỏi nhà tù của triều đình Huế với cái án “giáng bốn cấp và bị triệt hồi”. Nhưng cụ đã từ bỏ quan trường đi vào các tỉnh phía Nam tiếp tục cuộc sống tự do.

Năm 1925, cụ Phan Bội Châu đang hoạt động ở Trung Quốc, bị thực dân Pháp bắt cóc ở ga Bắc Thượng Hải, cuối cùng chúng đưa cụ về giam lỏng ở dốc Bến Ngự, Huế. Thực dân Pháp và triều đình Huế đưa bả vinh hoa ra mua chuộc, nhưng cụ đã thẳng thắn từ chối, cam chịu một cuộc sống vô cùng thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Đồng bào cả nước hết sức bảo vệ, thương mến và giúp đỡ cụ. Trong thực tế, cụ Phan Bội Châu đã nhiều làn nhận được thư và tiền của cụ Nguyễn Sinh Sắc, lúc đó đang làm nghề bốc thuốc cứu dân ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long gửi ra giúp đỡ.

Vào tháng 10 năm Kỷ Tỵ (1929), cụ Phan Bội Châu ở Huế vô cùng đau đớn nhận được tin người bạn ở quê hương và là đồng chí của mình đã từ trần, cụ Phan đã làm câu đối viếng, một vế như sau:

Trùng tuyền hạ, đối án hàn huyên,

cầm sắt hữu thanh giai quốc tháo.

(Nghĩa là: Dưới suối vàng cùng nhau trò chuyện tình bạn sắt son đều vì việc nước).

Sau khi cụ Nguyễn Sinh Sắc vào Huế làm quan, thì ở quê nhà Kim Liên, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, anh và chị của Nguyễn Sinh Cung đã lần lượt hăng hái đi theo tiếng gọi cứu nước của Phan Bội Châu, tham gia tổ chức đánh Pháp của Đội Quyên - Đội Phấn.

Đội Quyên - Đội Phấn là hai người cầm đầu phái đấu tranh võ trang dưới ngọn cờ yêu nước của Phan Bội Châu, đã xây dựng căn cứ chống Pháp ở vùng Bồ Lư thuộc huyện Thanh Chương và vùng Đông Hồ thuộc vùng Tân Kỳ, miền Tây Nghệ Tĩnh.

Cuối năm 1910, cô Nguyễn Thị Thanh trong một chuyến đi liên lạc bí mật với nghĩa quân Đội Quyên - Đội Phấn bị bọn thực dân Pháp đón bắt ngay giữa đường. Cô Thanh đã thông minh nhanh chóng thủ tiêu các tài liệu bí mật mang theo người, tuy vậy, thực dân Pháp vẫn bắt cô nhốt vào nhà tù và dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man để khai thác tài liệu về hoạt động của nghĩa quân. Nhưng cô vẫn giữ lòng trung kiên, không hề khai báo nữa lời. Cuối cùng, không có tang chứng cụ thể, chúng buộc phải thả cô ra khỏi nhà tù vào đầu năm 1911.

Tối ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Ngọ (tối ngày 5 – 2 rạng 6 – 2 – 1918), cô Thanh phối hợp với Nguyễn Kiên, một sĩ quan lính khố xanh đã giải ngũ, bí mật trèo vào thành Vinh lấy trộm 3 khẩu súng trong doanh trại Lữ đoàn lính khố xanh để giao cho Phan Khắc Tiêu, một cộng tác viên tích cực của cô Thanh chuyển cho nghĩa quân của Đội Quyên - Đội Phấn ở căn cứ Bồ Lư, Thanh Chương. Nhưng công việc đang tiến hành thì cô Thanh bị bắt. Ngày 17 – 2 – 1918, bọn Pháp đến đào hầm bí mật trong nhà cô Thanh ở tại cửa tả thành phố Vinh lấy được 3 khoá nòng súng. Chúng dùng mọi thủ đoạn tra tấn, nhưng cô Thanh không hề khai báo về tổ chức cách mạng mà cô đang tham gia hoạt động.

Tuy vậy, trong phiên toà số 80 ngày 4 – 6 – 1918 tại Vinh, chúng đã tuyên án xử phạt cô Thanh đánh 100 trượng, tù khổ sai 9 năm, đày cách quê hương Nghệ Tĩnh 300 dặm.

Ngày 2 – 12 – 1918, chúng đưa cô Thanh vào giam tại nhà lao Quảng Ngãi. Năm 1922, chúng chuyển cô Thanh ra Huế và giam lỏng ở đây cho đến tháng 9 – 1940.

Năm 1926 ở Huế, khi được tin cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp đưa từ Hoả Lò Hà Nội về giam lỏng tại ngôi nhà tranh ở dốc Bến Ngự, cô đã đến thăm. Cuộc gặp gỡ sau hai mươi năm xa cách, thấy Phan Bội Châu già yếu đi, cô xót xa ứng khẩu đọc hai câu thơ:

Tây phong nhất dạ linh nhân lão

Điều tận châu nhan, bạch tận đầu.

(Nghĩa là: Ngọn gió tây thổi một đêm làm người ta già đi, tàn cả dung nhan, bạc cả đầu).

Cậu Nguyễn Sinh Khiêm, anh ruột của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chịu ảnh hưởng của cụ Phan Bội Châu và tham gia phong trào cứu nước của cụ Phan bằng cách hoạt động tài chính, ủng hộ nghĩa quân của Đội Quyên - Đội Phấn và Ấm Võ.

Năm 1913, tuy cậu Nguyễn Sinh Khiêm mới 25 tuổi, nhưng là người có lòng thương dân, có nhiều hiểu biết, có chí khí nên dân làng đã bầu cậu làm hương hào, phụ trách công việc hương bản. Bề ngoài tuy là hương hào, nhưng bên trong cậu đã bí mật tham gia hoạt động chống Pháp trong tổ chức nghĩa quân của Đội Quyên - Đội Phấn bằng công việc vận động tài chính để tiếp tế cho nghĩa quân đang đóng ở căn cứ Bồ Lư (Thanh Chương) và Đồng Hồ (Tân Kỳ).

Đầu năm 1914, thực dân Pháp và phong kiến Nam triều ở Nghệ Tĩnh cho rằng cậu có biết tung tích và mối quan hệ của tổ chức nghĩa quân, nên chúng mời cậu xuống Vinh vừa hăm doạ, vừa mua chuộc bằng cách đưa trước cho cậu một số tiền và hứa nếu bắt được Đội Quyên - Đội Phấn thì sẽ thưởng lớn. Cậu vui vẻ nhận số tiền đó và đã tiếp tế cho nghĩa quân. Mấy tháng sau, sự việc bại lộ, ngày 1 – 4 – 1914, cậu bị chúng bắt giam tại nhà lao Vinh.

Sau một thời gian tra tấn, truy tìm, ngày 25 – 9 – 1914, chúng mở phiên toà xét xử, kết án cậu 3 năm tù khổ sai (3).

Ngày 31 – 7 – 1915, chúng đẩy cậu vào làm khổ sai đắp đường tại huyện Ba Ngòi, tỉnh Nha Trang. Cậu phải lao động cực nhọc ở đây gần 5 năm, đến ngày 17 – 3 – 1920, chúng chuyển cậu về giam lỏng ở Huế. Và mãi đến ngày 16 – 8 – 1941, cậu mới được chính thức ra khỏi nhà tù về sống với bà con họ hàng ở Kim Liên.

Người con trai thứ ba Nguyễn Sinh Cung khi lên 11 tuổi, theo cụ Sắc về sống ở quê nội Kim Liên, trong một đêm cụ Phan Bội Châu đang ngồi đàm đạo thời cuộc với cụ Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Sinh Cung đứng bên cạnh để giúp cha tiếp khách. Cụ Phan thấy Nguyễn Sinh Cung là một chú bé thông minh, đĩnh ngộ. Nhân thấy trăng lên sáng đẹp, cụ Phan liền ra cho cậu một đôi câu đối:

Nguyệt thượng bạch(nghĩa là mặt trăng lên sáng trong).

Cậu Cung ứng khẩu đối ngay:

Nhật xuất hồng(nghĩa là mặt trời mọc đỏ chói).

Cụ Phan tấm tắc khen ngợi, cho cậu là một chú bé có khẩu khí anh hùng, nếu biết rèn luyện thì sau này sẽ làm nên đại sự cho đất nước.

Nội dung đàm đạo việc nước giữa cụ Phan Bội Châu và các sĩ phu yêu nước trong vùng đã có tác động bồi dưỡng, gợi mở một đường hướng mới cho cậu Nguyễn Sinh Cung trong suy nghĩ và hành động.

Thượng tuần tháng 7 năm Ất Tỵ (1905), cụ Phan Bội Châu từ Nhật Bản bí mật trở về nước, rồi về Nghệ Tĩnh họp các đảng viên bàn kế hoạch đưa học sinh xuất dương du học, trong số những thiếu niên ưu tú, cụ Phan Bội Châu dự định đưa sang Nhật chắc chắn có tên Nguyễn Sinh Cung.

Trần Dân Tiên kể lại trong tác phẩm Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, cụ Phan muốn đưa cậu sang Nhật, nhưng câu không đi. Cậu đã từ chối con đường Đông du.

Nguyễn Sinh Cung lớn lên với sự mẫn cảm đặc biệt đối với thời cuộc, với thiên tài, trí tuệ, đã vượt ra ngoài những hạn chế của dân tộc, của thời đại. Người không đi theo con đường cứu nước của cụ Phan Bội Châu, mà quyết tâm đi sang các nước Tây Âu, tiếp thu được tư tưởng tiên tiến, lý luận tiên tiến của thời đại.

Năm 1924, Người từ Liên Xô trở về Trung Quốc mở lớp học đào tạo cán bộ cốt cán chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Lúc này, cụ Phan Bội Châu được tiếp xúc với Người một cách gián tiếp qua trung gian là cụ Hồ Tùng Mậu tại Quảng Châu. Cụ Phan rất ngưỡng mộ Người, đồng thời tiếp thụ sự góp ý của Người để chuẩn bị cải tổ Quốc Dân Đảng theo hướng mới.

Điều đó làm cho Người hết sức vui mừng. Khi gửi thư cho Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Người đã nói rõ: “Trong cuộc thảo luận, tôi (Nguyễn Ái Quốc) đã giải thích cho ông ta (Phan Bội Châu) hiểu sự cần thiết của tổ chức và sự vô ích của những hành động không cơ sở. Ông ta đã đồng ý”.(4).

Năm 1929, nằm trong ngôi nhà tranh ở Huế, giữa sự bao vây của bọn thực dân Pháp, cụ Phan Bội Châu thấy cần phải tổng kết kinh nghiệm cuộc đời hoạt động cách mạng của mình để làm bài học cho thế hệ sau bằng tập hồi ký Phan Bội Châu niên biểu, trong đó nhiều lần cụ đã trân trọng nhắc đến tên Nguyễn Ái Quốc.

Trong ngôi nhà ở dốc Bến Ngự có người đã hỏi cụ: “Thánh Nam Đàn là ai? Thì cụ đã nói ngay là Thánh Nam Đàn là ông Nguyễn Ái Quốc”.

Cụ đã khuyên một số thanh niên có tâm huyết với vận mệnh đất nước lúc ấy là không nên theo cụ nữa mà nên theo ông Nguyễn Ái Quốc để hoạt động cứu nước (5).

Năm 1934, cụ Trần Lê Hữu có ghé thăm cụ Phan trên một chiếc thuyền trên sông Hương. Qua câu chuyện về đất nước, cụ Trần Lê Hữu than thở: “Thưa cụ, chúng tôi không hiểu rồi nước ta có độc lập được không. Thấy từ trước đến nay, hễ lớp anh hùng chí sĩ nào nổi lên là bị bắt, bị tù, bị giết cho đến cụ là niềm hy vọng trong mấy chục năm nay rồi cũng bị bắt về giam lỏng ở đây, như thế thì còn mong gì nữa!”.

Cụ Phan khoát tay giải thích: “Ông không nên nghĩ thế. Đời hoạt động cách mạng của tôi rốt cuộc là một thất bại lớn. Đó là bởi tuy tôi có lòng mà thực bất tài. Nhưng dân tộc ta thế nào rồi cũng độc lập. Nhất định phải thế. Hiện nay đã có người khác lớn hơn lớp chúng tôi nhiều đứng ra đảm đương công việc để làm tròn cái việc mà chúng tôi không làm xong. Ông có nghe tiếng ông Nguyễn Ái Quốc không?”.

Lúc ấy cụ Trần Lê Hữu nói với cái giọng buồn rầu, thương tiếc: “Các báo đăng tin Nguyễn Ái Quốc đã bị bắt và chết ở Hương Cảng cách đây mấy năm rồi”.

Cụ Phan Bội Châu phủ nhận cái tin đó: “Không, tôi chắc ông Nguyễn vẫn còn, mà ông ấy còn thì nước ta sẽ được độc lập. Họ bắt tôi dễ, chứ họ làm sao mà bắt được ông Quốc, mà có bắt đi nữa thì họ cũng phải thả thôi, vì ông ấy giỏi chứ có như tôi đâu. Ông ta lại có nhiều vây cánh và bạn bè khắp thế giới nữa” (6).

Quan hệ qua lại giữa cụ Phan Bội Châu và những người trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh là mối quan hệ giữa thế hệ con cháu với các bậc cha, chú, với một niềm tin “hậu sinh khả uý” được xuyên suốt bởi sợi chỉ đỏ: Yêu nước, thương dân.

_________________________

1. Hồi đó ở làng Kim Liên có ông Nguyễn Đậu Tài học giỏi, nhân dân mệnh danh là “thần đồng”. Nhân dân Chung Cự thường truyền nhau câu ca “Sắc Tài ai kém ai đâu, nổi danh tài sắc một thì” để so sánh sự học giỏi giữa Nguyễn Sinh Sắc với Nguyễn Đậu Tài.

2. Ngục trung thư.

3. Theo hồ sơ A 3781 J toà Khâm sứ Trung Kỳ có ghi rõ tội trạng xét xử tóm tắt: “Nguyễn Tất Đạt từ lâu đã có liên lạc với Đội Quyên, mới đây các quân tỉnh đưa tiền cho y để bố trí bắt Đội Quyên được dễ dàng. Nhưng y đã đưa số tiền ấy cho Đội Quyên để có thêm điều kiện hoạt động nổi dậy ở địa phương. Các quan tỉnh kết tội đồng mưa phản bội”.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1980, tr. 314.

5. Theo hồi ký của Tôn Quang Phiệt và Nguyễn Đức Vân.

6. Đào Duy Anh: Một số hồi ức chưa được công bố về Phan Bội Châu. Ông già Bến Ngự, NXB Thuận Hoá (Huế) 1982.

Nguồn: Xưa và Nay, số 80, tháng 10 – 2000

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...