Quá trình xây dựng trường Đại học Đông Dương (1906 - 1945)
Ở Hà Nội, cơ sở vật chất còn lại gây ấn tượng mạnh của trường Đại học Đông Dương chính là công trình được xây dựng ở đường Bobillot (19 Lê Thánh Tông hiện nay). Công trình này nằm ở điểm giao nhau giữa đường Lê Thánh Tông với điểm kết thúc của trục đường Lý Thường Kiệt với một hình ảnh rất tiêu biểu. Đó chính là bộ cửa lớn ở tiền sảnh rất trang nhã và bay bướm cùng với khối tháp chính giữa có bộ mái ngói nhiều lớp, phảng phất dấu hiệu của sự tìm tòi một hình ảnh của kiến trúc phương Đông. Có thể nói rằng, tuy quy mô vóc dáng của công trình này còn có những hạn chế nhất định so với một trường đại học lớn nhất Đông Dương thời đó, nhưng những đường nét kiến trúc, vị trí toạ lạc của nó đã ghi được dấu ấn trang trọng và có vị trí xứng đáng với Thủ đô Hà Nội.
Những tài liệu còn được lưu trữ lại (1) cho chúng ta thấy công trình này chính thức được khởi công xây dựng từ năm 1913 song thực ra, nó bắt nguồn từ trước đó hàng chục năm.
Năm 1902, chính quyền thuộc địa có dự kiến chuẩn bị cơ sở vật chất cho trường Y khoa Hà Nội ( Ecole de Médecine de Hanoi), xây ký túc xá phục vụ sinh viên. Năm 1907, kế hoạch này đã được Toàn quyền Paul Beau phê duyệt. Địa điểm lúc đầu định xây dựng ở góc đường Careau (phố Lý Thường Kiệt) và đường Jauréguiberry (phố Quang Trung) nhưng sau phải chuyển về đường Bobillot lúc đó đang còn là đất hoang thuận lợi cho việc phát triển sau này và lại gần bệnh viện De Lanesan (Quân y viện 108 ngày nay) rất tiện cho việc giảng dạy.
Năm 1913 công trình trường Đại học Đông Dương được chính thức khởi công xây dựng trên một khu đất rộng 21.451 mét vuông và hoàn thành vào cuối năm 1928. Toàn bộ công trình là các khu nhà hai tầng được xây dựng theo kiến trúc hiện đại của Pháp nhưng có cải biên một số chi tiết về trang trí kiến trúc theo phong cách Á Đông.
Công trình trường Đại học Đông Dương được thiết kế và xây dựng theo 2 giai đoạn chủ yếu. Giai đoạn 1 khởi công xây dựng trường Y tức là nhà cánh trái gồm các hạng mục phía đông-bắc khuôn viên hiện do trường Đại học Dược quản lý và sử dụng. Giai đoạn 2 được khởi công vào năm 1924 và cơ bản hoàn thànhvào năm 1928, gồm các hạng mục ở phía đông và phía đông-nam là nhà cánh phải và Toà nhà chính, hệ thống nhà ăn, nhà ngủ cho sinh viên và các công trình phụ thuộc khác.
Sẽ là thiếu sót khi viết về công trình trường Đại học Đông Dương mà không nhắc đến E.Hébrard, một kiến trúc sư lỗi lạc, người đã tham gia thiết kế nên công trình nổi tiếng này. Với quan niệm quy hoạch đô thị hiện đại được thể hiện trong đồ án “Thành phố thế giới” ( Ville mondiale) công bố ở Rôma năm 1909, ở Anh năm 1912 và ở Pháp năm 1913 và với những kinh nghiệm làm việc ở Paris, Nice, Bruxel, Athènes… E. Hébrard đã được bổ nhiệm là người đầu tiên ở vị trí phụ trách quy hoạch đô thị Đông Dương năm 1921. Toà nhà chính với Giảng đường lớn của trường Đại học Đông Dương đã được xây dựng theo thiết kế của E. Hébrard năm 1922.
Trong toàn bộ công trình ở đường Bobillot. Toà nhà chính của trường Đại học Đông Dương với Giảng đường lớn là những hạng mục công trình đặc biệt nhờ sự hiện diện của bức tranh tường mang tên La France appelant les Indochinois aux bienfaits de la civilisation (có nghĩa là nước Pháp làm cho người Đông Dương biết đến lợi ích của văn minh) do Victor Tardieu thực hiện trong một thời gian dài cùng một số cộng sự người Việt Nam.
Từ năm 1930 đến năm 1942, do có nhiều biến đổi về tổ chức và có thêm nhiều trường mới được mở ( Ecole de Droit. Ecole de Pédagogie. Facultédes Sciencé…) nên chính quyền thuộc địa dự kiến di chuyển trường Y về một địa điểm mới ở góc đường Gambetta và Bobillot (gần Quân y viện 108 ngày nay) nhưng kế hoạch này không thực hiện được. Vì thế, công trình ở đường Bobillot đã có nhiều thay đổi, luôn luôn được sửa đổi, nhất là thay đổi các hệ thống nhà ăn, nhà ngủ thành những phòng thí nghiệm khoa học… Thời kỳ đó, chính quyền thuộc địa tự hào vì đã trang bị cho trường Y nhiều phòng thí nghiệm hiện đại như phòng thí nghiệm của các bộ môn ký sinh, dược, hoá dược, sinh lý học, mô học và giải phẫu bệnh… Ngoài ra, tại đây còn có một thư viện tốt nhất với các ấn phẩm định kỳ về y học của toàn thế giới và các luận án bảo vệ tại các trường Y ở chính quốc và ở Angiêri.
Vật liệu dùng để xây dựng công trình này chủ yếu là gạch nung, gỗ và sắt. Bê tông cốt thép tuy đã có nhưng chưa dùng rộng rãi. Các sàn gác và trần nhà đã được dùng gạch rỗng cỡ lớn, kết hợp với rầm sắt IPN và ximăng. Các vật liệu dùng cho việc trang trí mỹ thuật kiến trúc đều được sản xuất riêng theo tiêu chuẩn mẫu và màu sắc của kiến trúc sư phụ trách thiết kế công trình đưa ra. Có thể nói rằng, công trình Trường Đại học Đông Dương được coi là một công trình có giá trị lớn cả về mặt kỹ thuật và mỹ thuật. Nó đã trở thành một di tích văn hoá có giá trị kiến trúc trường học thuộc loại quý hiếm trong kho tàng kiến trúc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trải qua 100 năm với những tác động của nhiều yếu tố, hiện nay công trình này đã có phần hư hỏng và xuống cấp. Hai giảng đường lớn trong toà nhà chính đã được sửa chữa nhiều lần, không còn giữ được kiến trúc nội thất nguyên gốc vốn có của nó. Tháp đại sảnh, chi tiết kiến trúc mặt tiền toà nhà chính, điểm nhấn kiến trúc của toàn bộ công trình cũng bị hư hỏng, do vậy người ta khó nhận biết hết những giá trị ban đầu của công trình kiến trúc nổi tiếng này. Và điều đáng tiếc hơn cả là bức tranh tường nổi tiếng của Victor Tardieu, hoạ sĩ tài hoa của nước Pháp đã không tồn tại được cho tới ngày nay do tác động của khí hậu ẩm ướt của xứ nhiệt đới (2).
Từ năm 1939 đến 1942 là thời ký mà tình hình trên thế giới và ở Đông Dương có những biến đổi sâu sắc. Ở châu Âu, nước Pháp bị lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng. Ở châu Á, Nhật Bản tăng cường hoạt động quân sự, ráo riết chuẩn bị đổ bộ vào Đông Dương. Ở Việt Nam, phong trào cách mạnh ngày càng phát triển mạnh mẽ ở cả thành thị đến nông thôn. Trước tình hình đó, thực dân Pháp phải tìm mọi cách để củng cố địa vị của mình cả ở chính quốc và ở thuộc địa. Trên lĩnh vực giáo dục, chính quyền thuộc địa Đông Dương đã có nhiều quan tâm, đặc biệt là việc hoàn thiện hệ thống giáo dục đại học, trong đó có cả hoàn thiện về cơ sở vật chất.
Thời kỳ này, trường Đại học Đông Dương đã thực sự trở thành một trung tâm đào tạo bậc đại học không phải chỉ dành riêng cho sinh viên các nước Đông Dương mà còn đón nhận sinh viên từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan… Số lượng sinh viên gia tăng không ngừng khiến chính quyền thuộc địa Pháp phải nghĩ tới việc xây dựng một khu học xá không những cho sinh viên các nước Đông Dương mà cho cả sinh viên châu Á nữa. Vì thế, Toàn quyền Decoux đã quyết định cho xây dựng một khu đại học trên một khoảng đất rộng 55 héc-ta ở làng Bạch Mai, trong đó dành 17 héc-ta để xây dựng Đông Dương Học xá, có khu nội trú, nhà ăn cho sinh viên Việt, Miên, Lào, Pháp và sinh viên các nước khác với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt theo kiểu các tầng lớp trên của xã hội lúc đó. Ngoài nhà ở, nhà ăn của sinh viên ra, chính quyền thuộc địa còn định xây dựng sân vận động, các bãi chơi thể thao, khu hành chính, quản trị, nhà ở cho Giám đốc, Tổng Thư ký, nhân viên, nhà thờ, chùa… Trên khoảng đất 38 héc-ta còn lại dự định để xây trường Y, nhà bảo tàng, vườn thảo mộc…(3).
Để có nguồn kinh phí cho xây dựng công trình này, một cuộc quyên góp với sự tham gia của tất cả các nước trong Liên bang Đông Dương đã được phát động và đã thu được 12 triệu đồng Đông Dương (4). Công trình xây dựng khu Học xá được khởi động bắt đấu từ cuối năm 1941, bằng cuộc thi ý tưởng tổ chức giữa các nhà kiến trúc sư Pháp và Việt Nam về xây dựng khu học xá cho trường Đại học Đông Dương. Cuộc thi này được Toàn quyền Jean-Decoux chính thức tuyên bố ngày 2/11/1941 trên đài phát thanh Sài Gòn và kết quả của nó đã được công bố đồng loạt vào ngày 28/3/1942 trên các báo chí ở Đông Dương (5).
Có 14 dự án tham gia cuộc thi được trình lên Ban Giám khảo do phu nhân Toàn quyền Jean-Decoux làm Chủ tịch. Vì mục đích của cuộc thi nhằm “ tạo ra một cuộc vận động về ý tưởng” nên các nhà kiến trúc sư tham dự không trình bày một dự án cố định nào mà chỉ diễn đạt quan niệm của họ về khu Học xá trong tương lai, theo những điều kiện và nhu cầu đính kèm theo chương trình chi tiết đã công bố trên báo chí đương thời. Tiếp đó là công việc của các Sở Nhà đất thuộc cơ quan Công chính: phát triển các ý tưởng được chấp nhận, về cả mặt bằng tổng thể lẫn các khu nhà khác nhau, sau đó lập nên một kế hoạch chính thức về phân phối các khu nhà trên các khoảng đất và cuối cùng là gửi bản vẽ thiết kế khu nhà đầu tiên để xây dựng trước.
Trong số 14 dự án tham gia cuộc thi, có 3 dự án được Ban Giám khảo xếp hạng. Dự án mang tên “Vườn biểu tượng” ( Jardin symbolique) của ba kiến trúc sư người Sài Gòn (Chauchon, Masson và Gelles) được xếp thứ nhất; thứ nhì là dự án của Tạ Mỹ Duật, kiến trúc sư tốt nghiệp trường Mỹ thuật ở Hà Nội và cuối cùng là dự án của Bruel, kiến trúc sư của Sở Nhà đất thành phố Sài Gòn. Người được giao trách nhiệm nghiên cứu và rút ra những gì tinh tuý nhất của cả ba dự án đã được xếp hạng ở trên, nhằm xây dựng một dự án cố định cho khu nhà ở đầu tiên cho sinh viên, khởi đầu cho công trình xây dựng khu Học xá Đông Dương chính là kiến trúc sư Jacques Lagisquet, người của Sở Nhà đất Thành phố Hà Nội.