Qúa trình hình thành Thị xã Tam Kỳ
Thông sử Việt Nam cho thấy vào năm 1400, đại thần nhà Trần là Hồ Quý Ly chiếm ngôi vua và thành lập nhà Hồ. Vào năm đó, Hồ Quý Ly quyết định chinh phạt Chămpa để lấy lòng dân và nhằm ổn định tình hình chính trị - xã hội của Hoá Châu và Thuận Châu. Bởi lẽ sau khi vua Chế Mân qua đời, các vua Chămpa kế tiếp đều hối tiếc việc dâng tiến hai châu đó cho Đại Việt nên từ 1370 đã đem quân cướp phá và đánh chiếm lại vùng đất đó, cho đến năm 1390 sau khi vua Chawmpa Chế Bồng Nga bị tử thương thì chiến tranh Việt-Chăm mới chấm dứt. Tuy nhiên ý đồ của Hồ Quý Ly đã không thực hiện được trong năm đó do nhà Hồ không kịp thời chuẩn bị đầy đủ lương thực cho quân đội Đại Việt.
Hồ Hán Thương lên ngôi vào năm 1401, sau khi cho làm xong con đường thiên lý nối liền Tây Đô (kinh đô nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá) với Hoá Châu và chuẩn bị đầy đủ về mặt hậu cần, vào tháng 7-1402 đã xuất quân tiến đánh Chămpa. Vua Chămpa Ba Đích Lại không chống cự nổi và quân Đại Việt đã chiếm được vùng đất Chiêm Động (tương ứng với phần đất phía Nam tỉnh Quảng Nam ngày nay, kể từ bờ Nam sông Thu Bồn) và Cổ Luỹ (tương ứng với phần đất phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi ngày nay).
Lo sợ quân Đại Việt đánh chiếm sâu vào lãnh thổ của mình, vua Chămpa xin dâng nộp Chiêm Động cho Đại Việt, nhưng Thái Thượng hoàng Hồ Quý Ly không chấp nhận đề nghị này mà buộc Chiêm Thành phải dâng nộp cả Cổ Luỹ mới chịu bãi binh thực thi đình chiến. Trước sức ép này, vua Chămpa phải thực hiện thoả ước (1).
Như vậy, sau chiến thắng năm 1402 của nhà Hồ, phần đất phía Nam tỉnh Quảng Nam ngày nay, trong đó có thị xã Tam Kỳ, đã thuộc lãnh thổ của Đại Việt. Tuy nhiên trong thực tế vào thời kỳ đó Nhà nước phong kiến Việt Nam chưa đủ khả năng quản lý vùng lãnh thổ mới này vì thiếu quan chức, nên đã sử dụng một số người Chămpa làm việc cho triều đình trong vấn đề này, do đó ngày xưa người ta gọi vùng đất thuộc chủ quyền nhưng chưa kiểm soát được là vùng đất ky mi.
Sau khi thu thêm được Chiêm Động, nhà Hồ đã thành lập hai châu là Châu Thăng (tương ứng với huyện Duy Xuyên, Thăng Bình ngày nay) và Châu Hoa (tương ứng với thị xã Tam Kỳ, huyện Núi Thành, Tân Phước… ngày nay); còn vùng Cổ Luỹ thì thành lập Châu Tư và Châu Nghĩa (1).
Dưới nhà Hồ từ 1402-1407, Châu Hoá chia thành ba huyện:
Huyện Vạn Yên (tương ứng vùng thấp Tam Kỳ-Núi Thành ngày nay);
Huyện Cu Hy (tương ứng với vùng nguồn Chiên Đàn);
Huyện Lễ Đề (tương ứng vùng nguồn Hữu Bang) (2, 3).
Như vậy, vào thời kỳ 1402-1407, vùng đất thị xã Tam Kỳ ngày nay thuộc huyện Vạn Yên của Châu Hoa.
Sau khi nhà Minh xâm lược nước ta từ 1406, nhà Hồ chống cự không nổi và bị suy vong, nước ta bị giặc Minh đô hộ từ 1407 đến 1427. Trong thời gian này Chiêm Thành đã nổi lên chiếm lại toàn bộ vùng đất của Chămpa đã dâng nộp cho Đại Việt, từ Quảng Bình cho đến Quảng Ngãi.
Cuộc khởi nghĩa chống quân Minh từ 1418-1427 của Lê Thái Tổ (Lê Lợi) thành công với sự ra đời của nhà Hậu Lê và sự thu hồi các vùng đất ở phía Nam trước đấy thuộc Đại Việt, tuy nhiên các châu Thăng, châu Hoa, châu Tư, châu Nghĩa vẫn còn là vùng đất ky mi.
Để củng cố vùng lãnh thổ phía Nam nước ta, năm 1470 vua Lê Thánh Tông bắt đầu tiến hành chinh phạt Chămpa và đến năm 1471 đã đánh chiếm đến núi Thạch bi và từ đó vùng đất Bình Định ngày nay thuộc lãnh thổ Đại Việt. Vua Lê đã thành lập thêm Đạo thừa tuyên thứ 13 kéo dài từ bờ Nam sông Thu Bồn cho đến đèo Cù Mông (10).
Dưới thời nhà Lê hai châu Thăng và châu Hoa được hợp nhất lại với nhau để hình thành Phủ Thăng Hoa vào năm 1471.
Theo Thiên Nam Dư Hạ tập, đến năm 1490, vua Lê Thánh Tông đã đổi tên Đạo thừa tuyên Quảng Nam thành xứ Quảng Nam và chia Phủ Thăng Hoa thành ba huyện:
Huyện Hà Đông (ứng với huyện Vạn Yên trước đây dưới thời nhà Hồ, trong đó thị xã Tam Kỳ ngày nay);
Huyện Lệ Giang (ứng với huyện Thăng Bình ngày nay);
Huyện Hy Giang (ứng với huyện Duy Xuyên ngày nay).
Đến thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, năm 1604, chúa tiên Nguyễn Hoàng đổi tên huyện Hy Giang thành huyệ Duy Xuyên.
Vào năm 1611, chúa tiên Nguyễn Hoàng sau khi đổi tên xứ Quảng Namthành dinh Quảng Nam , đã chia phủ Điện Bàn thành ba huyện:
Huyện Diên Khánh (ứng với huyện Điện Bàn ngày nay);
Huyện Hoà Vang (ứng với huyện Hoà Vang và huyện Đại Lộc ngày nay);
Huyện Duy Xuyên (tên mới của huyện Hy Giang, chuyển từ Phủ Thăng Hoa sang).
Phủ Thăng Hoa, lúc này chỉ còn hai huyện:
Huyện Lễ Dương (tên mới của huyện Lệ giang);
Huyện Hà Đông (2).
Cuối thời nhà Nguyễn, Lê Quý Đông đã ghi lại vào năm 1775, Phủ Điện Bàn lúc đó có 5 huyện (Hoà Vang, An Nông, Diên Khánh, Tân Phúc và Phú Châu) và Phủ Thăng Hoa lại có ba huyện như trước (Hà Đông, Lê Dương, và Duy Xuyên) (4).
Dưới triều Tây Sơn (1788-1802) theo sách Hoàng Việt Hưng Long Chídinh Quảng Namđược gọi là Đạo thừa tuyên Quảng Nam gồm hai phủ, năm huyện.
* Phủ Điện Bàn quản lãnh hai huyện:
Huyện Diên Phước (tên gọi mới của huyện Diên Khánh);
Huyện Hoà Vang.
* Phủ Thăng Hoa quản lãnh ba huyện:
Huyện Hà Đông;
Huyện Duy Xuyên;
Huyện Phong Dương (tên mới của huyện Lễ Dương) (5).
Sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, tên dinh Quảng Nam được phục hồi. Phủ Thăng Hoa quản lãnh ba huyện như dưới thời chúa Nguyễn (Hà Đông, Lễ Dương và Duy Xuyên).
Đến năm 1835, vua Minh Mạng đã ra chiếu chỉ thành lập huyện Quế Sơn từ bốn tổng phía Nam tách ra từ huyện Duy Xuyên và huyện mới này thuộc Phủ Thăng Hoa và chuyển huyện Duy Xuyên thuộc Phủ Điện Bàn.
Dưới thời vua Thiệu Trị năm 1841, nhà vua ra chỉ dụ đổi tên Phủ Thăng Hoa bằng Phủ Thăng Bình. Tiếp đó, dưới thời Pháp thuộc, vua Thành Thái năm 1907 đã ra chỉ dụ nâng huyện Hà Đông lên thành Phủ Hà Đông, rồi sau đó đổi tên gọi này thành Phủ Tam Kỳ, lúc đó bao gồm cả thị xã Tam Kỳ, huyện Núi Thành, huyện Tiên Phước, huyện Trà My và huyện Phước Sơn ngày nay (6, 2).
Theo tài liệu của Pháp về tổ chức hành chính tỉnh Quảng Nam dưới thời vua Khải Định (năm 1919), Phủ Tam Kỳ gồm 7 tổng với 157 xã, trong đó có tổng Chiên Đàn gồm 29 xã. Xã Tam Kỳ nằm trong tổng Chiên Đàn(7).
Sau Cách mạng Tháng 8-1945, các phủ hay huyện đều gọi chung là huyện, từ đó cũng ra đời thị trấn Tam Kỳ từ xã Tam Kỳ, huyện lỵ của huyện Tam Kỳ. Trong thời kỳ tháng chiến chống Pháp, sau khi thị xã Hội An và thành phố Đà Nẵng bị địch tạm chiếm đóng, thị trấn Tam Kỳ thuộc vùng tự do dần dần trở thành một trung tâm chính trị, quân sự, văn hoá-xã hội và kinh tế hàng đầu của tỉnh Quảng Nam kháng chiến. Bởi vậy, Thủ tướng nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà ngày 30-1-1951đã ra quyết định số 73-TTg thành lập thị xã Tam Kỳ, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam . Vào thời kỳ này, thị xã gồm năm xã (9): Hoà Hương, Phước Hoà, An Xuân, An Sơn, An Mỹ.
Do tầm quan trọng của địa danh này đối với cuộc kháng chiến chống Pháp, Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Trung bộ ngày 1-11-1951 đã ra Nghị định đổi tên thị xã Tam Kỳ thành xã đặc biệt Tam Kỳ, địa phận xã này là địa phận của thị xã Tam Kỳ trước đó, và trực thuộc tỉnh (9).
Sau Hiệp định Genève năm 1954, miền Nam nước ta từ vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc chính quyền Sài Gòn, huyện Tam Kỳ gồm 20 xã và 1 thị trấn là thị trấn Tam Kỳ.
Đến ngày 24-6-1958, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ Việt Nam Cộng hoà ra quyết định số 335-NC/P6 chia tỉnh Quảng Nam thành 12 quận (đơn vị hành chính tương đương cấp huyện), trong đó có quận Tam Kỳ. Quận Tam Kỳ có 24 xã, trong đó có xã Tam Kỳ là quận lỵ.
Trước cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta ngày càng quyết liệt, Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà ngày 31-7-1962 đã ra sắc lệnh số 162-NV chia tỉnh Quảng Nam thành hai đơn vị hành chính: tỉnh Quảng Nam ở phía Bắc sông Thu Bồn và tỉnh Quảng Tín ở phía Nam sông Thu Bồn. Tỉnh Quảng Tín gồm 6 quận và quận Tam Kỳ gồm 16 xã trong đó có xã Tam Kỳ là quận lỵ, về sau trở thành tỉnh lỵ tỉnh Quảng Tín.
Để lãnh đạo cuộc kháng chiến được phù hợp với tình hình mới, Uỷ ban kháng chiến tỉnh Quảng Namđến tháng 11-1962 tạm thời chia tỉnh làm hai đơn vị hành chính: tỉnh Quảng Đà ở phía Bắc và tỉnh Quảng Namở phía Nam .
Sau ngày miền Namđược giải phóng vào tháng 4-1975, Ủy ban nhân dân Cách mạng Khu Trung Trung bộ đã ra quyết định số 119-QĐ ngày 4-10-1975sáp nhập tỉnh Quảng Đà và tỉnh Quảng Nam thành một đơn vị hành chính duy nhất: tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.
Trong thời gian đầu sau giải phóng, huyện Tam Kỳ có huyện lỵ là thị trấn Tam Kỳ.
Do yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện Tam Kỳ và tầm quan trọng của thị trấn Tam Kỳ ở phía Nam tỉnh, ngày 3-12-1983, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Nghị định số 144-HĐBT phân chia huyện Tam Kỳ thành hai đơn vị hành chính: Thị xã Tam Kỳ và huyện Núi Thành.
Để thực hiện đường lối đổi mới phát triển, công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khoá X, kỳ họp thứ X từ ngày 12-10 đến ngày 12-11-1966 đã quyết định tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính: Tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, trực thuộc Trung ương.
Ngày 23-1-1977, Chính phủ nước ta đã ra Nghị định số 07-CP về việc thành lập các đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng gồm địa phận thành phố Đà Nẵng cũ và huyện Hoà Vang; các thị xã Hội An, Tam Kỳ và các huyện khác thuộc tỉnh Quảng Nam.
Theo quyết định của Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ X nói trên, thị xã Tam Kỳ trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam ngày nay.
Nói tóm lại, vùng đất thị xã Tam Kỳ ngày nay mà ngày xưa là vùng đất Chiêm Động của Chămpa đã trở thành lãnh thổ của Việt Nam vào năm 1402, cách đây 592 năm. Và địa danh Tam Kỳ đã xuất hiện lần đầu vào khoảng năm 1907, cách đây khoảng 90 năm.
Địa danh xã Tam Kỳ, thuộc tổng Chiêm Đàn, phủ Tam Kỳ lần đầu tiên được nêu tên vào năm 1919 dưới thời vua Thành Thái trên tạp chí Đô thành hiếu cổ(7).
Và sau đó ra đời đơn vị hành chính “Thị xã Tam Kỳ” lần thứ nhất vào đầu năm 1951 trong thời kỳ chống Pháp, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam kháng chiến, “Thị xã Tam Kỳ” lần thứ hai, tương đương cấp huyện, thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng vào cuối năm 1983 trong giai đoạn đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là “Thị xã Tam Kỳ” lần thứ ba, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam vào đầu năm 1997; tách ra từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, trong giai đoạn đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước, tiến vào ngưỡng cửa của thế kỷ 21 (3, 11).
Vùng đất thị xã Tam Kỳ đã gắn liền với những dấu ấn lịch sử của văn hoá Chămpa với tháp Chàm Chiên Bàn, cuộc đấu tranh kêu xâu chống thuế của phong trào Duy Tân tháng 3-1908 dưới thời Pháp thuộc, quê hương của thủ lĩnh phong trào Nghĩa hội Tiến sĩ Trần Văn Dư, đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp 1946-1954, phong trào đồng khởi 1964 dưới thời chống Mỹ với địa đạo Kỳ Anh và đình làng Thạch Tân nổi tiếng, công trình thuỷ lợi Phú Ninh có tầm cỡ cả nước trong giai đoạn khôi phục và phát triển nông nghiệp sau chiến tranh v.v… Và chắc chắn trong tương lai Tam Kỳ sẽ trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng nối liền Đà Nẵng với Vạn Tượng cùng tiến bước trên chặng đường công nghiệp hoá và hiện đại hoá của miền Trung đất nước.
__________
Tài liệu dẫn
1. Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong(1558-1777), 1966.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí.
3. Nguyễn Phước Tương, Sự ra đời của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trong lịch sử và cơ cấu đơn vị hành chính qua các thời kỳ(chuyên đề viết cho Địa chí Quảng Nam-Đà Nẵng sẽ xuất bản cuối năm 2002).
4. Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, Bản dịch 1977.
5. Ngô Giáp Đậu, Hoàng Việt Hưng Long Chí, Hồi thứ 30, Bản dịch 1993.
6. Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự lệ, Bản dịch 1993.
7. Bulletin des Amis du Vieux Hué(BAVH), 1919; No4, p. 65-67.
8. Nguyễn Tường Vân, Việt Nam những thay đổi địa danh và địa giới các đơn vị hành chính 1945-1997, 1997.
9. Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Lịch sử Việt Nam , 1971.
10. Trường hợp Tam Kỳ là thị xã của tỉnh Quảng Tín không được nêu lên là do tỉnh Quảng Nam thời kỳ đó bị chia cắt thành hai đơn vị hành chính.
Nguồn: Xưa & Nay, số 116, 5/2002, tr 19-21