Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 21/08/2006 14:35 (GMT+7)

Phùng Chí Kiên một Đảng viên trọn vẹn trung dũng

Phùng Chí Kiên là một cán bộ chỉ huy quân sự hiếm hoi của cách mạng Việt Nam trước đại chiến thế giới lần thứ hai được huấn luyện quân sự có bài bản ở cả hai nước Trung Quốc và Liên Xô. Ông sinh năm Tân Sửu 1901, tên thật là Nguyễn Vĩ, quê ở làng Mỹ Quang Thượng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Cha mẹ chỉ là nông dân bình thường, quanh năm cày cuốc một vụ lúa một vụ màu, gọi là đủ ăn. Số phận may mắn, chú bé nhà quê này đến học một thầy giáo nghèo, cả mấy xã mới có một trường, trường chỉ có một thầy, thầy dạy luôn cả ba lớp đồng ấu, dự bị và sơ đẳng (tức lớp 1, lớp 2, lớp 3 của hệ sơ học yếu lược ngày xưa) và kiêm luôn hiệu trưởng của tổng cộng hơn hai chục học trò của ba lớp cộng lại.

1915, chú bé bỏ nhà đi xuống Vinh, xin vào làm “cu-ly” hót rác và dọn dẹp trong nhà máy xe lửa Trường Thi. Để kiếm sống ư? Cũng đúng thôi, nhưng cũng còn ngầm một toan tính tìm bạn kết thân đi đường lâu dài cứu dân, cứu nước.

Từ Bến Thuỷ, chàng trai nhảy xuống thuyền gỗ của mấy người “khách trú” buôn bát đĩa ngoài Móng Cái, vờ làm chân sào để vượt biển ra tạm ẩn ở mấy hòn đảo nhỏ bên ngoài vịnh Bái Tử Long, từ đó, lại nhảy sang thuyền chài Lôi Châu tìm đường đi dần đến Quảng Châu. Dưới bí danh Mạnh Văn Liễu anh thanh niên xứ Nghệ bắt liên lạc ngay được với bạn đồng hương lúc này khá đông ở Hương Cảng và Quảng Châu, mà hai người thân thiết là Lê Huy Doãn (sau này lấy bí danh là Lê Hồng Phong) quê làng Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên, và Phạm Thành Tích, còn trai cụ huấn đạo Phạm Thành Mỹ (lấy bí danh là Phạm Hồng Thái). Tất cả những chàng trai mang bầu máu nóng đều là những thành viên của Tâm Tâm Xã, do Hồ Tùng Mậu cầm đầu. Được biết Tích (tức Phạm Hồng Thái) chế tạo bom để mưu sát bọn thực dân đầu sỏ, ông không tán thành, nhưng không có lời can ngăn vì sợ bạn hiểu lầm là mình làm nguội lạnh lòng căm giận mà bạn nung nấu bao năm. Vụ ném bom vào bữa tiệc nghênh đón toàn quyền Merlin đã gây dư luận rất sôi nổi trong nước, trong vùng Hoa Nam và có tiếng vang sang tận Pháp.

Rất may mắn là năm 1926, ông được dự vào lớp huấn luyện chính trị đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc mở tại Thành phố Quảng Châu cho các đoàn viên ưu tú nhất của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Các lớp này được Chính phủ cách mạng Trung Hoa, đứng đầu là tổng thống Tôn Dật Tiên, coi như là một phân hiệu của trường Quân chính Hoàng Phố. Tốt nghiệp xong, ông tham gia vào cuộc khởi nghĩa ngày 12-12-1927 của công nông và thành lập Công xã Quảng Châu, do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Công xã thất bại, ông rút lui cùng lực lượng vũ trang cách mạng về lập chiến khu Hải Phòng và tham gia thành lập Khu Xô-Viết Lục Phong, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bành Bái, lãnh tụ kiệt xuất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trên cương vị là cán bộ chỉ huy, trong Hồng quân Công Nông Trung Hoa. Mạnh Văn Liễu đã nổi tiếng là một người chỉ huy quân sự tài giỏi, thương xuyên nêu một tấm gương sáng về chịu đựng gian khổ, kiên trì bảo vệ chân lý và thành quả cách mạng, nhiều lần được ban lãnh đạo Khu Xô-Viết biểu dương trong toàn quân và trong mấy chục triệu nhân dân Khu Xô-Viết Lục Phong…

Khi Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, phân bộ hải ngoại lập tức coi ông như đảng viên thực thụ của đảng và bắt đầu giao công tác liên lạc với những người Việt Nam chiến đấu trên mặt trận ở Trung Hoa. Năm 1931, ông được cử sang Liên Xô để học tập, nhưng trên đường đi Liên Xô, ông bị Nhật bắt giam. Ông tập hợp nhiều người cùng bị giam giữ, tổ chức trốn khỏi trại giam. Và sau đó, ông lại tiếp tục lên đường sang Liên Xô học Trường đại học Phương Đông và Trường sĩ quan lục quân, cho đến năm 1935 quay về Hương Cảng (tức Hồng Công), cùng với Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập…tham gia việc triệu tập Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại đại hội này, họp tại Ma Cao, ông được bầu vào Ban Chấp hành trung ương và được phân công phụ trách công tác Đảng ở nước ngoài. Năm 1936, ông bị địch bắt ở Hồng Công, rồi bị thực dân Anh trục xuất khỏi thuộc địa này. Ông chuyển sang hoạt động ở địa bàn tỉnh Vân Nam, trở thành người lãnh đạo chủ chốt ở đây, củng cố phong trào Việt kiều yêu nước, tăng cường vai trò và sự lãnh đạo của Đảng bộ, ông cũng tham gia thành lập Việt Nam Cách mạng Đông minh Hội, hướng tổ chức này đi vào con đường chân chính, cản phá âm mưu của Quốc dân đảng Trung Hoa định dùng tổ chức này làm công cụ thực hiện “Hoa quân nhập Việt” (đưa quân Quốc dân đảng Trung Hoa vào Việt Nam, biến Đông Dương từ thuộc địa Pháp và Nhật, thành xứ lệ thuộc vào họ).

Tháng 2-1941, ông cùng các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, Cao Hồng Lĩnh…đi theo Già Thu (Bác Hồ) từ Trung Quốc trở về nước, vào tỉnh Cao Bằng lập căn cứ ở Pắc Bó. Đầu tháng 5-1941, ông tham gia Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành trung ương, một cuộc họp có ý nghĩa lịch sử lớn lao đối với cao trào đi tới Cách mạng tháng Tám. Hội nghị có 14 người dự, nhưng phải mất bao công sức để triệu tập đủ đại biểu trong ngoài nước, Bắc Trung Nam . Hội nghị họp dưới sự chủ toạ của Hồ Chí Minh, và nhất trí thành lập Mặt trận Việt Minh, thông qua chủ trương chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, Hội nghị tiến cử lại Ban Chấp hành trung ương gồm 9 đồng chí, trong đó Phùng Chí Kiên là một trong các uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Sau hội nghị, ông cùng một số đồng chí khác được cử về củng cố và mở rộng khu căn cứ Bắc Sơn-Vũ Nhai, và ông đảm nhiệm việc chỉ huy trực tiếp lực lượng vũ trang cách mạng ở đây lúc đó mang tên là Cứu quốc quân.

Tháng 7-1941, địch tập trung lực lượng tiến công dồn dập vào khu căn cứ Bắc Sơn. Thực hiện chủ trương chung, ông lãnh đạo đoàn du kích xuyên rừng băng về Cao Bằng. Dọc đường, không may, ông sa vào ổ phục kích và giặc Pháp bắt tại châu Ngân Sơn thuộc tỉnh Bắc Cạn. Biết không thể khai thác mua chuộc gì, ngày 21-8-1941, giặc Pháp đưa ông ra chặt đầu và bêu đầu ông ở cầu Ngân Sơn hòng khủng bố tinh thần cách mạng của nhân dân ta ở vùng này.

Ông hy sinh năm 40 tuổi, đang độ chín của đời hoạt động cách mạng. Gần sáu mươi năm đã qua đi, rừng núi Việt Bắc vẫn nhớ tiếc người chỉ huy dũng cảm, người đảng viên dày dạn ý chí chiến đấu và anh dũng hy sinh thân mình trong thầm lặng.

Nguồn Xưa và Nay, số 83, tháng 1-2001.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.