Phú Yên: Nghiên cứu, đánh giá các di sản địa chất
Viện Nghiên cứu Quy hoạch Nông nghiệp, Nông thôn và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tỉnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học khởi đầu nghiên cứu, đánh giá giá trị của các di sản địa chất và các di sản khác làm cơ sở khoa học hướng tới thành lập công viên địa chất toàn cầu UNESCO tỉnh Phú Yên.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên - Bộ Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc địa phương liên quan trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh Hội thảo tại Phú Yên
Hội thảo được nghe Viện Nghiên cứu Quy hoạch Nông nghiệp, Nông thôn đã giới thiệu một số thông tin chính của Đề tài nghiên cứu, đánh giá giá trị của các di sản địa chất và các di sản khác làm cơ sở khoa học hướng tới thành lập công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO của tỉnh; khái quát một số di sản địa chất, địa mạo có tầm quốc gia và quốc tế và một số di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng vùng dự kiến thành lập công viên địa chất toàn cầu ở tỉnh Phú Yên.
Báo cáo thuyết minh Đề tài cho biết, tính đến tháng 12 năm 2019, trên thế giới đã có 147 CVĐC toàn cầu được công nhận thuộc 41 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các CVĐC này phân bố ở các châu lục khác nhau bao gồm: châu Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Á, chủ yếu ở các quốc gia thuộc khu vực châu Á, châu Âu. Các CVĐC được công nhận đã góp phần tích cực vào sự bảo tồn và phát triển du lịch tại những địa phương này.
Tại Việt Nam, hiện có 3 Công viên địa chất được công nhận đó là: Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang; CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; CVĐC Đắk Nông. Ngoài các CVĐC này, nước ta có tiềm năng lớn để thành lập CVĐC như Phú Yên, nơi có 21 di sản đã được công nhận cấp quốc gia, 48 di tích danh lam thắng cảnh cấp địa phương.
Năm 2019, đoàn công tác của Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã khảo sát, đánh giá Phú Yên là khu vực tiềm năng để thành lập CVĐC với các biểu hiện di sản như: Gành Đá Đĩa, Hòn Yến, Mũi Điện, Bãi Xép, Tháp Nhạn, chùa Đá Trắng, di chỉ khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh Gò Óc, Vịnh...Những tiềm năng CVĐC trở thành hiện thực sẽ góp phần vào việc bảo tồn và khai thác, sử dụng hợp lý, đem lại những lợi ích bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Phú Yên có nhiều địa điểm được đánh giá là có tiềm năng tiến hành thực hiện công viên địa chất như: Gành Đá Đĩa, Hòn Yến, Mũi Điện, Bãi Xép, Tháp Nhạn, chùa Đá Trắng, di chỉ khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh Gò Ốc, Vịnh Vũng Rô,…
Làm rõ một số địa điểm như: Tháp Nhạn nằm trên núi Nhạn bên bờ sông Ba là một công trình kiến trúc của người Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ X đến XIII. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 16/11/1988.Cuối năm 2018, Tháp Nhạn được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Gành Đá Đĩa: Gành Đá Đĩa nổi bật với cấu trúc địa chất đặc biệt nhờ vào hoạt động của núi lửa tạo nên từ trên 100 triệu năm trước đây, bao gồm những khối đá hình lục giác xếp chồng lên nhau như tổ ong tạo nên hiệu ứng thị giác tuyệt đẹp.
Mũi Điện: còn có tên gọi là Mũi Đại Lãnh, nổi bật với ngọn hải đăng Mũi Đại Lãnh, dưới chân Mũi Đại Lãnh là Bãi Môn, tạo thành một quần thể danh thắng tuyệt mỹ đã được giới thiệu trên nhiều tạp chí du lịch trong nước và thế giới. Với vai trò vị trí và cảnh sắc của quần thể danh thắng này, năm 2008, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã công nhận Bãi Môn - Mũi Điện là di tích danh thắng cấp quốc gia.
Vịnh Vũng Rô: Vũng Rô nằm tiếp giáp với biển Đại Lãnh thuộc vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, được 3 dãy núi cao che chắn là Đèo Cả, Đá Bia và Hòn Bà từ 3 phía Bắc, Đông và Tây. Phía Nam vịnh là đảo Hòn Nưa cao 105 m như 1 pháo đảo canh gác, trên đảo có ngọn đèn biển lớn. Ven bờ biển Vũng Rô có nhiều bãi cát vừa và nhỏ. Một số bãi đẹp như Bãi Chùa, Bãi Bàng, Bãi Lau. Trong lòng vịnh có nhiều loại tôm cá trú ngụ. Dưới đáy biển còn có nhiều loại san hô rất đẹp và độc đáo.
Có thể nói, công tác nghiên cứu DSĐC (giai đoạn 1) được các nhà địa chất Việt Nam thực hiện khá tốt, cách tiếp cận vấn đề và giải quyết vấn đề nghiên cứu DSĐC có cơ sở khoa học, phù hợp với thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập Quốc tế. Tuy nhiên, việc triển khai nghiên cứu DSĐC, thành lập các KBTĐC mới chỉ đạt được mục tiêu bảo tồn và quản lý DSĐC; việc xây dựng CVĐC mới đạt được toàn vẹn mục tiêu bảo vệ bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững di sản - Điều mà các nhà địa chất đang phối hợp chặt chẽ với các tỉnh để xúc tiến mạnh mẽ công tác này. Hiện nay, một số tỉnh cũng đang xây dựng hồ sơ đề nghị một số CVĐC toàn cầu như: Quảng Ngãi, Tuyên Quang, Gia Lai, ...
Theo TS.Nguyễn Văn Toàn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch Nông nghiệp, Nông thôn, Chủ nhiệm thực hiện Đề tài, mục tiêu Đề tài này nhằm xác định rõ và đánh giá được giá trị di sản địa chất và các di sản khác ở Phú Yên, đồng thời xây dựng được luận cứ khoa học cho hồ sơ thành lập Công viên địa chất toàn cầu UNESCO của tỉnh.
Tác giả bài viết: Thùy Trang (LHH Phú Yên)