Phòng, trị bệnh xoăn lá và thối trái ớt
Bệnh đã xảy ra thì không thể trị. Bệnh chỉ phòng bằng cách diệt bọ trĩ, bọ phấn. Sử dụng thuốc Sago – Super 20EC pha liều lượng 20ml kết hợp với SK EnSPray 99EC liều lượng 25 ml cho bình 8 lít, hoặc sử dụng Dragon 385EC liều lượng 10 ml kết hợp SK EnSpray 99EC liều lượng 25 ml cho bình 8 lít.
Nên luân phiên phun 2 nhóm thuốc trên khi phát hiện bọ trĩ có trong rẫy ớt.
Bệnh thối trái, còn gọi là bệnh thán thư, do nấm Colletotrichum sp. gây ra.
Phòng trị bệnh đòi hỏi áp dụng nhiều biện pháp, trong đó biện pháp canh tác rất quan trọng. Nên sử dụng bạt nylon phủ trên mặt ruộng để hạn chế bệnh gây hại. Vệ sinh đồng ruộng. Chọn hạt giống sạch bệnh vì nấm bệnh thán thư có khả năng lan truyền qua hạt giống. Trồng với mật độ thích hợp, không trồng dày. Sử dụng phân bón hợp lý, tránh bón thừa đạm, nên sử dụng phân canxi nitrat hoặc Poly feed 15-15-30 để tăng khả năng chống chịu bệnh. Cắt bỏ những nhánh ở thấp, ngắt bỏ lá chân vì nó sẽ tạo điều kiện cho bào tử nấm bệnh lây lan từ mặt đất lên cây. Nên sử dụng biện pháp tưới thấm. Nấm bệnh thán thư cũng xâm nhiễm qua vết thương cây do côn trùng gây ra, vì vậy, cần phun thuốc trừ sâu để tránh sự gây hại của sâu ăn tạp bằng thuốc Dragon 585 EC hoặc Pyrinex 20 EC. Phun thuốc trừ nấm bệnh thán thư trước khi cây bắt đầu ra hoa. Lần đầu, sử dụng thuốc tiếp xúc như Dipomate 80WP hoặc Cadillac 80WP với liều lượng 25-30g/bình 8 lít nước, phun đẫm lên tán lá. Phun lần 2 khi cây hình thành trái non, sử dụng thuốc Bendazol 50WP liều lượng 10-15g/bình 8 lít nước, phun đẫm lên tán lá và trái ớt. Lần phun thứ 3 sau lần phun thứ hai 7-10 ngày, nên phun thuốc Carbenzim 500FL liều lượng 20 ml pha với Dipomate 80WP liều lượng 25g cho bình 8 lít nước. Lần phun thứ tư cách lần phun thứ ba 7-10 ngày, sử dụng thuốc Hạt vàng 250 SC với liều lượng 10-15cc/bình 8 lít.
Lưu ý: Khi phát hiện vết bệnh thán thư gây hại trên trái, bà con phải ngắt bỏ và thu gom để mầm bệnh không lây lan trong ruộng ớt. Mặt khác, sau cơn mưa đêm, nên tưới xả nước cho ruộng ớt vào sáng hôm sau và phun thuốc.
Nguồn: Kinh tế V.A.C, số 2, 25/10/2006