Phồn thực, nữ thần tình dục… những quan niệm dân gian trong ngư dân Nam Trung bộ
Bà Ngứ được mô tả là người đàn bà về mặt nhan sắc không đẹp, thô thiển là đằng khác, bà có vú dài, âm hộ to và đặc biệt là có năng lực tình dục siêu phàm. Tục thờ Bà Ngứ đã từng phổ biến ở Ninh Thuận cũng như vùng ven biển Nam Trung bộ liên quan đến tín niệm phồn thực, tục thờ dâm thần… là loại tín niệm có nguồn gốc rất bác tạp, biểu trưng chính để thờ phục là Yoni (âm hộ) và Linga (dương vật).
Có thể nói, yoni (âm hộ) và linga (dương vật) chính là một phương thức thờ cúng của người Chàm và người Khmer theo đạo Bà la môn. Tín đồ đạo này thờ thần CIVA bằng cách tạo Linga cắm vào bệ Yoni. Tục này phổ biến ở tất cả mọi nơi có tín đồ theo đạo Bà la môn. Nhưng trong dân gian tục thờ cúng này cũng rất phổ biến. Ông Lâm Thanh Tịnh một bậc già làng người Chàm đáng kính ở Ninh Thuận cho chúng tôi biết rằng, trong tín niệm của người Chàm có một vị nữ dâm thần tiếng Chàm gọi là Yang Tàrỉ thường sống lang thang ở những nơi hang sâu cùng cốc, những người đàn ông đi rừng hay bị vị này chòng ghẹo. Vị thần này hay nương mình trong các hòn đá, ngày nay nếu chúng ta có dịp đi vào rừng sâu thấy những hòn đá trên đó được đánh 3 vạch vôi theo hình tam giác (hai mắt một mũi) thì đấy là biểu tượng của vị thần này. Muốn cho bà không trêu ghẹo thì phải mang rượu, trứng đến cúng bà, nhỡ lúc đường sa dặm ngái chưa có lễ vật thì có thể nhặt một số hòn sỏi (tương trưng cho lễ vật) đặt lên trước biểu tượng của bà (hòn đá có 3 vạch vôi) mà khấn vái. Lần khác nếu còn quay trở lại đây, muốn được yên thân thì phải nhớ mang rượu trứng đến cúng bà. Trong kỳ lễ hội vào dịp tháng 2 âm lịch để cúng tai Danok Pô Pia Chhuôi (miếu bà Chhuôi mà dân gian Chăm cho là vợ của Chế Bồng Nga) người kinh trong vùng gọi là miếu bà Đỏ, nằm trên đảo Hòn Đỏ và tại Pô Klăn Pô Bin Nưthuor (dân gian Chăm cho rằng đây là lăng của Chế Bồng Nga) ở dưới chân núi Thuẩn (thuộc Nhơn Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận), người Chăm vẫn tổ chức múa Ta mia kayâu thiam likei. Một số người đàn ông, mỗi người kẹp một chiếc linga (trước đây làm bằng gỗ trầm hương, nay làm bằng gỗ thường giống như dương vật sơn đỏ) múa nhảy, làm động tác chọc linga vào những người phụ nữ tham dự lễ (thông thường đàn ông tham dự lễ ngồi về một phía, phụ nữ ngồi về một phía).
Thực ra mà nói, thờ phồn thực là một dạng sinh hoạt tín ngưỡng của dân gian phổ biến ở khắp nơi có nguồn gốc rất phức tạp. Trong cộng đồng người Kinh chẳng hạn tập quán này còn được bảo lưu cho tới nay trong lễ hội ở nhiều làng xã. Thí dụ trong lễ hội ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) vào dịp đầu xuân, trong phần hội có múa Nỏ Nường. Khi các “nam thanh” kẹp những cái “nỏ” giống như linga (dương vật) “chọc” thì các “nữ tú” tung cái “nường” làm bằng mo cau tượng trưng cho yoni (âm hộ) lên hứng. Còn ở Tứ Xã (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), trong lễ hội đầu xuân, cũng có điệu múa “ Linh tinh tình phộc” được thực hành còn “rầm rộ” và gợi cảm hơn nhiều… Tại các tộc người ở miền núi phía Bắc dạng sinh hoạt tín ngưỡng này cũng khá phổ biến.