Phâu Châu Trinh - Huỳnh Thúc Kháng đôi bạn chân tình
Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng là hai nhân vật kiệt xuất của Quảng Nam, là linh hồn của phong trào Duy Tân và phong trào kháng thuế vào đầu thế kỷ XX.
Trước hết hai ông là đồng lứa, đồng hương. Phan Châu Trinh sinh năm Nhâm Thân (1872), Huỳnh Thúc Kháng sinh năm Bính Tý (1876), Phan Châu Trinh lớn hơn Huỳnh Thúc Kháng chỉ có 4 tuổi. Phan Châu Trinh sinh ở làng Tây Lộc, huyện Tam Kỳ, phủ Hà Đông; Huỳnh Thúc Kháng sinh tại làng Thạnh Bình, huyện Tiên Phước, phủ Hà Đông, tỉnh Quảng Nam.
Lúc nhỏ cả hai ông đều được thân phụ dẫn vào núi để học võ, tham gia phong trào “Nghĩa hội” do Trần Văn Dư rồi Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo. Nghĩa Hội tan rã, hai ông mới trở lại làng cũ tiếp tục cắp sách đến trường.
Hai ông từng là đồng môn và đồng khoa với nhau. Khi nhỏ cả hai cùng học trường làng Đại Đồng lúc Phan Châu Trinh 19 tuổi và Huỳnh Thúc Kháng 15 tuổi. Sau đó hai ông đều trở thành học sinh trường tỉnh do Tiến sĩ Trần Đình Phong giảng dạy (Trần Đình Phong là tiến sĩ người Nghệ An nổi tiếng hay chữ và sư phạm mẫu mực, người từng đem về cho Quảng Nam danh hiệu “Ngũ phụng tề phi” trong kỳ thi năm 1898 với 3 tiến sĩ và 2 Phó bảng). Lúc học ở trường tỉnh, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quí Cáp và Nguyễn Đình Hiến là bốn học trò xuất sắc nhất nên được gọi là “Tứ kiệt”. Năm 1900, trong kỳ thi Hương tại hội đồng thi Thừa Thiên, Huỳnh Thúc Kháng đỗ đầu Cử Nhân, Phan Châu Trinh đỗ thứ 3.
Năm 1901, Phan Châu Trinh đỗ Phó bảng, Huỳnh Thúc Kháng thi rớt, nhưng chỉ ba năm sau trong khoa thi năm Giáp Thìn (1904) Huỳnh Thúc Kháng đỗ đầu tiến sĩ.
Là bạn học hai ông đã rất thân thiết với nhau, nhưng sau khi hoàn tất mộng khoa cử, hai ông mới thực sự trở thành “đồng chí”. Phan Châu Trinh từ quan, Huỳnh Thúc Kháng không chịu ra làm quan. Cả hai cùng hết lòng cho phong trào Duy Tân.
Năm 1905, hai ông cùng thực hiện chuyến Nam du vào “quậy” ở trường thi Bình Định. Phan Châu Trinh làm bài thơ Chí thành thông thánh,Huỳnh Thúc Kháng viết bài phú Lương ngọc danh sơnđả kích chế độ khoa cử, làm rung động cả trường thi lúc bấy giờ.
![]() |
Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947) |
Năm 1908, phong trào chống thuế ở Quảng Nam sôi sục, sau đó lan ra cả miền Trung. Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng đều bị thực dân Pháp và Nam triều bắt. Phan Châu Trinh bị bắt ở Hà Nội đưa về giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế), kêu án “trảm giam hậu, lưu tam thiên lí, ngộ xá bất nguyên” (chém nhưng hoãn lại, đày xa ba ngàn dặm, gặp đợt ân xá cũng không cho về), đày ra Côn Đảo, còn Huỳnh Thúc Kháng bị bắt ở quê nhà, giam ở nhà lao Hội An, kết án khổ sai chung thân, đày xa ba ngàn dặm, dù có đợt ân xá cũng không cho về và đày ra Côn Đảo.
Phan Châu Trinh ra Côn Đảo trước, vào tháng 4 - 1908. Ba tháng sau, Huỳnh Thúc Kháng và các chí sĩ cách mạng khác của phong trào Duy Tân mới ra.
Khi bước chân ra khỏi nhà lao Thừa Phủ đi đày Côn Lôn, Phan Châu Trinh khảng khái ngâm 4 câu thơ:
Luy luy thiết toả xuất đô môn
Khảng khái bi ca thiệt thượng tồn
Tổ quốc trầm luân dân tộc tuỵ
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn
(Xuất đô môn)
Xiềng gông cà kệ biệt Đô môn
Khẳng khái ngâm nga lưỡi vẫn còn
Đất nước đắm chìm nòi giống mỏn
Thân trai nào sợ cái Côn Lôn
(Huỳnh Thúc Kháng dịch)
Khi nghe tin Huỳnh Thúc Kháng và các chí sĩ khác của phong trào Duy Tân ra Côn Đảo, ông viết bài thơ Đảo Côn Lônđể “động viên”.
Bài 1.
Bơ vơ nước cũ biển ra cồn,
Ai ngỡ còn đây chút núi non.
Gành lố rạch hai vùng Quế hải,
Chó gà riêng một cụm Đào nguyên.
Bốn mùa hoa quả quên sưu thuế,
Một nắm giang sơn đủ dại khôn.
Cả thảy anh em đừng bực bội,
Chẳng gan chưa dễ đến Côn Lôn.
Bài 2.
Tang thương dời đổi mấy thu đông,
Cụm núi Côn Lôn đứng vững trồng.
Bốn mặt dày vò oai sóng gió,
Một mình che chở tội non sông.
Cỏ hoa đất ấy cây trăm thức,
Rồng cá trời riêng biển một vùng.
Nước thẳm non xanh thiêng chẵng nhẽ?
Gian nan xin hộ bước anh hùng.
Khi bị giam ở nhà lao Hội An chờ đi đày Côn Lôn và trên đường đi đày ra Côn Đảo, Huỳnh Thúc Kháng ung dung làm thơ động viên đồng bào, lời thơ khẳng khái, lạc quan, như hai câu cuối của bài thơ Bài ca lưu biệt:
Tấm lòng vàng tạc đá vẫn chưa mòn
Trăng kia khuyết đó lại tròn
![]() |
Mộ Phan Châu Trinh tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh |
Bởi có nhiều cái “đồng” nên hai ông dễ trở thành tri ân, tri kỷ của nhau. Sau bao nhiêu ngày xa cách, sóng gió, cuối đời hai ông già gặp lại nhau:
Khả liên cụ thị đáo Côn Lôn
Bỉ thử sâm thương kỉ hiểu hôn.
Ngã phát thương thương quân xỉ lạc
Tương phùng nhất tiếu lưỡng vô ngôn
(Kiếp tù chung một cõi ven trời
Hai ngả sâm thương cách mỗi nơi
Tóc tớ bạc phơ răng bác rụng
Gặp nhau không nói ngó nhau cười).
(Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại, Tiếng dân,1939).
Hiểu nhau quá rồi, còn nói gì nữa. Cười một tiếng, thế thôi! Khi Phan Châu Trinh chết, Huỳnh Thúc Kháng đã khóc bạn:
Trấp niên cách diện, trùng ngộ tài sổ thập điểm chung, khả liên bệnh cốt chỉ sàng, đắc cố nhân lai do nhất tiếu:
Cử quốc giai cừu, đáo để võ nhị tam chính kiến, tối thị di chương mãn cập, đối hàn đăng tụng độc tam than.
Dịch:
![]() |
Mộ Huỳnh Thúc Kháng tại núi Thiên Ấn, Quảng Ngãi. |
Cách mặt hai mươi năm được gặp ông mấy giờ, than ôi bệnh đã liệt giường, người cũ trông nhau còn cười tủm tỉm:
Mối thù chung cả nước, cho đến chết không hề thay chính kiến, ngán nỗi thơ lưu đầy tráp, đèn khuya ôn lại biết cùng ai.
Hai năm sau ngày mất của Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng còn khóc:
Nắm xương vùi đất hãy còn tươi,
Thoạt đã hai mươi bốn tháng rồi.
Mấy kiếp anh hùng hồn chả chết,
Từ bề sông núi gọi không ơi.
Dân hai lăm triệu bơ sờ đất,
Nước bốn nghìn năm quạnh quẽ trời.
Chín suối thử kêu người khuất mặt,
Nhớ nhau còn có bấy nhiêu người.
Còn nhớ năm xưa ngày bữa nay,
Trời Nam bát ngát bóng sao bay.
Một đoàn con đỏ rầu không mẹ,
Mấy kẻ đầu xanh khóc mất thầy.
Giọt lệ cảm tình mưa chửa tạnh,
Hòn bia kỉ niệm đá vừa xây.
Anh hùng dẫu mất hồn chưa mất,
Nối gót kìa ai kẻ thứ hai.
Phan Châu Trinh mất ngày 24 - 3 - 1926 chôn tại Sài Gòn, Huỳnh Thúc Kháng chết ngày 21 - 4 - 1947 chôn trên núi Thiên Ấn, Quảng Ngãi. Cả hai đều không được yên nghỉ ở quê nhà. Hai ông đều lấy “Đất nước” làm “Quê hương”.
Sống đã tri kỷ, chết cũng tri kỷ. Trên đời khó tìm được một đội bạn nào mà cuộc đời và số phận lại gắn bó với nhau như vậy.