Phát triển điện gió – hướng đi tiềm năng
Đứng trước nguy cơ các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang khai thác ngày càng cạn kiệt, thâm hụt, Chính phủ Việt Nam đã quyết định sử dụng và thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhiều hơn nữa, trong đó, phải kể đến năng lượng gió. Với nhiều chính sách ưu đãi, nhưng đến nay, năng lượng gió vẫn phát triển một cách khiêm tốn.
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km, vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam vô cùng lớn.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năm gió lớn nhất trong bốn nước của khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65 m, tương đương công suất 512 GW.
Đề án “Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (quy hoạch điện VIII), công suất điện gió ngoài khơi chỉ từ 2 đến 3GW đến năm 2030, chiếm từ 1,45% đến 2% trong tổng công suất điện đến năm 2030.
Lần đầu tiên ở Việt Nam, việc xác định khái niệm dự án điện gió ngoài khơi (là khu vực có độ sâu đáy biển lớn hơn 20m), công suất nguồn điện từ điện gió ngoài khơi tách biệt với điện gió trên bờ và gần bờ đã được nêu trong dự thảo quy hoạch điện VIII.
Theo dự thảo này, mặc dù tỷ trọng năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) chiếm gần 30% trong tổng nguồn điện đến năm 2030, quy mô công suất nguồn điện gió tăng gấp 3 lần và nguồn điện mặt trời gần gấp 2 lần so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhưng chủ yếu là điện gió trên bờ và gần bờ tăng 9GW, điện mặt trời thêm 7GW.
Đối với điện gió ngoài khơi, kịch bản phụ tải cơ sở thì đến năm 2030, công suất đặt là 2GW trong tổng số 137,662GW, chiếm tỷ lệ 1,45%; còn theo kịch bản phụ tải cao thì đến năm 2030, công suất đặt là 3GW trong tổng số 147,552GW, chiếm tỷ lệ 2%.
Điện gió ngoài khơi là một công nghệ đã được chứng minh và giúp giảm chi phí đáng kể ở châu Âu, nơi các dự án điện gió ngoài khơi được thực hiện trên quy mô lớn. Mô hình này cũng cung cấp một nguồn năng lượng với chi phí xây dựng rẻ hơn so với các dạng năng lượng khác như than đá, hạt nhân và khí đốt.
Điện gió ngoài khơi đang được triển khai tại các thị trường gần Việt Nam như Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều này sẽ dẫn đến một chuỗi cung ứng hoàn thiện và giảm chi phí trong khu vực châu Á, mà Việt Nam có thể đạt được lợi ích từ đó.
Sự kết hợp giữa các yếu tố luồng gió mạnh, vùng nước nông, các thành phố gần bờ biển, bến cảng hiện có và công nhân lành nghề của Việt Nam là điều kiện lý tưởng cho điện gió ngoài khơi. Việt Nam nắm giữ vị trí độc nhất vô nhị để theo đuổi điện gió ngoài khơi như một nguồn năng lượng an toàn và là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Hiện tại, chưa có trang trại điện gió ngoài khơi nào thực sự được hình thành ở Việt Nam. Phát triển điện gió của Việt Nam tập trung vào các khu vực ven bờ và bãi triều/gần bờ. Đây là những điển hình thường thấy ở một thị trường mới đang trong giai đoạn đầu áp dụng năng lượng gió tái tạo làm nguồn điện, vì các trang trại điện gió trên bờ và bãi triều/gần bờ có quy mô nhỏ, dễ tài trợ hơn và có thời gian phát triển ngắn hơn. Ví dụ, Đan Mạch và Trung Quốc lần đầu tiên bắt đầu phát triển điện gió ở khu vực thủy triều và gần bờ trước khi chuyển sang điện gió ngoài khơi.
Tài nguyên năng lượng gió ngoài khơi là nguồn năng lượng mới và đang được đầu tư phát triển mạnh nhất trên thế giới trong thời đại ngày nay.
Năng lượng gió trên biển được chuyển đổi thành điện năng nhờ các tuốcbin gió và được chế tạo với tuổi thọ cao hơn phù hợp với điều kiện khắc nghiệt trên biển.
Mặt khác, các trang trại năng lượng gió ngoài khơi sẽ là những điểm tham quan, du lịch học tập, là “mắt thần” giúp tăng cường bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển của Tổ quốc.
Với các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã ban hành về phát triển năng lượng tái tạo biển, điện gió ngoài khơi, năng lượng sóng, thủy triều và hải lưu, các nguồn vốn lớn và công nghệ điện gió ngoài khơi từ Liên minh châu Âu dễ dàng tham gia phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Đây là cơ hội cho Việt Nam có tiềm năng, đột phá đi đầu ASEAN, trở thành một trung tâm điện gió ngoài khơi lớn của thế giới và thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ biển hỗ trợ và tương lai xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang khu vực ASEAN và lân cận.
Để thực hiện được điều này, các nhà khoa học về năng lượng tái tạo biển đều cho rằng, Việt Nam cần có các chính sách quốc gia về điện gió ngoài khơi như: sớm xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển điện gió ngoài khơi; sớm có quy hoạch không gian biển cho phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam đi kèm với Kế hoạch hành động quốc gia về lộ trình các bước phát triển năng lượng gió biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng, bổ sung, hoàn thiện được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và các năng lượng biển khác.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chính sách giá mua điện, đấu nối lưới điện quốc gia, chính sách thuê mặt biển, chính sách thuế các bon của quốc gia; thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học về điện gió ngoài khơi, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ; nghiên cứu đề án tích hợp phát triển kinh tế biển dựa vào điện gió ngoài khơi; đề án chuỗi cung ứng dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ và nhân lực phục vụ năng lượng gió biển; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án điện gió ngoài khơi xa bờ có công suất lớn hơn 500MW.
HT.