Phát triển công nghệ cao là điều cần thiết
Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có, ông Mai Hà – Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho biết.
Ông Mai Hà – Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (người thứ hai từ trái sang)
Theo ông Mai Hà cho biết, công nghệ cao có tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Trước hết, công nghệ cao làm tăng năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng kinh tế. Ở các nước công nghiệp phát triển, sự đóng góp của khoa học và công nghệ (KH&CN), trong đó có công nghệ cao, vào sự tăng trưởng GDP là 60-80%. Các ngành công nghiệp công nghệ cao có năng suất lao động cao hơn hẳn so với các ngành công nghiệp khác. Việc ứng dụng công nghệ cao đã tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng về lực lượng sản xuất. Công nghệ cao có tác động điều chỉnh cơ cấu kinh tế. Các ngành công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao đã và đang trở thành ngành sản xuất, dịch vụ mới, công nghệ hiện đại, hiệu quả cao, có ảnh hưởng sâu sắc đối với việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế. Việc hình thành và phát triển với tốc độ cao của các ngành nghề mới nhờ ứng dụng công nghệ cao đã góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao (ở những nước phát triển, dịch vụ chiếm tỷ trọng trên 70% GDP; khu vực dịch vụ dựa trên CNTT của thế giới tăng trưởng trung bình 6%/năm). Công nghệ cao cũng góp phần tạo ra các ngành nghề, các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh và tiềm năng thị trường lớn; hiện đại hóa và có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các ngành nghề truyền thống.
Công nghệ cao có tác động to lớn tới củng cố an ninh, quốc phòng. Phần lớn các nước phát triển đầu tư rất lớn cho nghiên cứu và phát triển công nghệ cao phục vụ mục tiêu quân sự. Trong cuộc chạy đua quân sự, công nghệ cao luôn là một trong những yếu tố quyết định của sự thành công. Các chương trình sản xuất bom nguyên tử, chinh phục vũ trụ trong đó có vệ tinh tình báo, chế tạo tên lửa, máy bay và trang thiết bị vũ khí tối tân đều được các nước phát triển quan tâm và dành những khoản kinh phí khổng lồ. Gần đây, cùng với chương trình chạy đua vũ trang của các nước là các chương trình chống khủng bố với những công nghệ cao liên quan đến chiến tranh hóa học, tin học, sinh học và sử dụng các loại robot tình báo, robot tác chiến. công nghệ cao hỗ trợ quá trình hiện đại hóa vũ khí, trang thiết bị quân sự phục vụ chiến lược phòng thủ, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.
Việt Nam đã cam kết hội nhập quốc tế. Điều đó đã đặt ra những nhiệm vụ hết sức to lớn đối với lãnh đạo các bộ ngành, chính quyền các cấp. Nét đặc trưng cơ bản của thời kỳ hội nhập quốc tế là nâng cao hiệu quả quản lý trên cơ sở Chính phủ quản lý minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận nội dung xây dựng Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 là đáp ứng nhu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động phát triển công nghệ cao, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Trong những năm gần đây, hoạt động phát triển công nghệ cao đã thu được nhiều kết quả tốt, tạo đà cho những phát triển sâu rộng sau này. Tuy nhiên, xét từ góc độ tổng thể và lâu dài, nếu không có nhận thức đổi mới cơ bản, không có nhân lực, không đầu tư đúng hướng và tới hạn cho phát triển công nghệ cao thì Việt Nam khó tránh khỏi hiện trạng tụt hậu về phát triển công nghệ cao và các doanh nghiệp Việt Nam thua ngay thị trường Việt Nam, thị trường khu vực và quốc tế.
Ông Hà cho biết thêm, hiện nay Chương trình Quốc gia Phát triển Công nghệ cao đến 2030 là một trong những công cụ rất cơ bản, hỗ trợ đắc lực cho lãnh đạo các cấp trong nâng cao nhận thức hoạt động quản lý và tăng cường năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này chứng tỏ Chương trình 2030 đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thực tiễn.
Tuy nhiên, theo ông Hà thì mục tiêu tổng quan của dự thảo Chương trình 2030 gần như giống với Chương trình 2020. Có chăng là mở rộng thêm cho lĩnh vực bảo vệ môi trường, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, lại bỏ qua yếu tố rất quan trọng là phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.
Vẫn theo TS Mai Hà, những mục tiêu của Chương trình 2030 thể hiện sự không vượt trội và không hề có đột phá so với Chương trình 2020. Như vậy, cần phải xem xét lại toàn bộ phần nội dung của Chương trình 2030. Hơn nữa, mọi chỉ tiêu cần đạt để nằm ở các mục của Mục tiêu chứ không xuất hiện ở các phần Nội dung và Giải pháp.
Chương trình 2030 rất cần được bổ sung các nội dung: Cần nêu rõ tính đột phá, hay tính khác biệt/tiến bộ cơ bản so với Chương trình 2020; Để đảm bảo tính khả thi cao, Ban soạn thảo cần đề xuất Danh mục các Đề án kèm theo để thực hiện Chương trình 2030, mỗi Đề án cần nêu Mục tiêu, các nội dung đi kèm thêm chỉ tiêu thực hiện và đương nhiên nên tính luôn nguồn kinh phí Nhà nước và nguồn kinh phí huy động từ Doanh nghiệp ra sao.
Để phát triển công nghệ cao với mong muốn đảm bảo chất lượng của dự thảo Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, theo ông Hà cần ứng dụng và phát triển công nghệ cao là xu thế tất yếu hiện nay vì vậy phải được đặt trong chiến lược phát triển quốc gia với quyết tâm chính trị cao để thực hiện.
Tiếp cận, chuyển giao, làm chủ nhanh chóng các công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ nguồn thông qua con đường hợp tác và hội nhập quốc tế là con đường hiệu quả và rút ngắn.
Công nghệ nguồn trong các lĩnh vực công nghệ cao chỉ được tạo ra tại một số rất ít quốc gia phát triển, chủ yếu là Hoa Kỳ, EU, Nga, Israel và Nhật Bản vì nó đòi hỏi phải có tiềm lực KH&CN và kinh tế mạnh. Là nước đi sau, để có và làm chủ được công nghệ cao, chúng ta phải có chiến lược hợp tác với các quốc gia phát triển, đặc biệt là các quốc gia có công nghệ nguồn để tạo điều kiện cho các tổ chức khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp của ta hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mà trong trước chưa tạo ra được. Tranh thủ các kênh song phương và đa phương, huy động nhiều nguồn lực, vận dụng nhiều biện pháp khác nhau, kể cả những biện pháp đặc biệt.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có yếu tố chuyển giao công nghệ cao là một kênh hết sức quan trọng để tiếp cận, nắm bắt và làm chủ công nghệ cao trong một số lĩnh vực ưu tiên của đất nước. Cần có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, chủ động bố trí cán bộ KH&CN có năng lực làm việc tại những khâu trọng yếu liên quan đến nắm bắt, làm chủ và phát triển công nghệ cao trong các liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Tăng cường trao đổi chuyên gia, cử nhiều cán bộ KH&CN trẻ, có năng lực theo học các ngành công nghệ cao ở các nước phát triển, làm việc dài hạn trong các phòng thí nghiệm tiên tiến của thế giới. Có chính sách hiệu quả trong thu hút các nhà KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và các nhà KH&CN nước ngoài tới làm việc tại các phòng thí nghiệm trọng điểm, các viện nghiên cứu của Việt Nam.
Tăng cường và chủ động trong công tác thu thập, xử lý và phổ biến thông tin công nghệ cao của thế giới về những lĩnh vực chiến lược của đất nước. Đẩy mạnh công tác cảnh báo công nghệ kết hợp với việc triển khai mạng lưới các tham tán, tùy viên KH&CN tại các địa bàn trọng yếu.
Xác định các lĩnh vực ưu tiên trong ứng dụng và phát triển công nghệ cao để xác định các yếu tố đột phá trong Chương trình 2030. Nước ta còn nghèo, do vậy đầu tư cho ứng dụng và phát triển công nghệ cao ở Việt Nam phải tập trung, xuất phát từ nhu cầu phát triển bền vững, lợi thế của đất nước trong khu vực và phù hợp với xu thế phát triển và chuyển giao công nghệ cao của thế giới trong bối cảnh nước ta đã trở thành thành viên Tổ chức thương mại thế giới, hội nhập quốc tế rộng mở. Trong từng giai đoạn, Nhà nước tập trung đầu tư ứng dụng và phát triển một cách chọn lọc một số công nghệ cao có ý nghĩa chiến lược, có sức lan tỏa và có khả năng áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội.
Ngoài ra, ông Hà cho rằng, việc huy động các nguồn lực xã hội, tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao. Phát triển công nghệ cao, các nước đều phải đầu tư rất lớn cho công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ ngân sách nhà nước và từ các doanh nghiệp. Các chương trình phát triển Ngoài ra, ông Hà cho rằng quốc gia thường được các nước sử dụng để huy động, điều phối và phát huy các nguồn lực cần thiết một cách hiệu quả nhất. Quỹ đầu tư mạo hiểm là một kênh huy động vốn quan trọng cho việc ươm tạo và phát triển công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao
Bài, ảnh: HT