Phát huy hơn nữa tiềm năng của cây mít
Trong chương trình phát triển nông lâm, ông đề ra nhiệm vụ trồng một gốc cây, trong đó có cây Mít. Dân ta có câu “Nhà ngói cây Mít”, “Nhà tranh gốc Mít”, giàu nghèo đều trồng Mít. Theo tính toán của nông dân thì 3 cây Mít nuôi sống 1 người nông dân trong một năm. Từ lâu, một người Pháp đã nói: “Mỗi gia đình Việt Nam chỉ cần mươi cây Dừa và một cây Mít là đủ sống…”. Khắp trong Nam , ngoài Bắc, miền xuôi, miền ngược đều trồng Mít. Ít là vài ba cây, nhiều là hàng chục, trăm hécta. Có Mít dai, Mít mật ở khắp Việt nam, còn Mít tố nữ là đặc sản của miền Nam . Cây Mít dễ trồng, ít kén đất, chịu được hạn, ít phải chăm sóc. Ở miền Nam Mít được thu hoạch quanh năm. Quả Mít là “quả khổng lồ” vì không có quả nào to nặng như quả Mít. Đó là một tập đoàn quả đơn nhỏ tụ lại trên một cuống. Mỗi quả đơn có một múi một hạt. Tất cả các bộ phận của cây Mít đều quí. Quả, hạt, lá là những món ăn giàu dinh dưỡng, làm tăng tiết sữa. Có tác dụng phòng chữa bệnh.
Cây Mít là một cây lưu niên có tiềm năng to lớn về mặt cung cấp chất bột và các chất dinh dưỡng cho dân ta. Từ 1994, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long đã nhập nội giống Mít công nghiệp có quả hình trụ dài 55 – 60cm, đường kính 20 – 25cm (tương đối đồng đều dễ chế biến bằng máy), tỷ lệ múi trên 30%, múi màu vàng đẹp, cùi dày. ăn giòn và ngọt phù hợp yêu cầu công nghệ đông lạnh hoặc phơi sấy khô đóng hộp. Sau vài chục năm cho lượng gỗ đáng kể, cây gỗ thẳng và to. Cây Mít trở thành mặt hàng xuất khẩu.
Năm 1979, Charterjee đã tách chiết từ hạt Mít một loại lectin (jacalin) có khả năng ngưng kết IgA và IgD. Đến 1985, Rogue và Compos Nete thấy jacalin chỉ kết tủa IgA và không kết tủa Ig khác. Các nghiên cứu sau cho thấy tuỳ thuộc vào vị trí địa lý nơi sinh trưởng của cây Mít sẽ cho jacalin có khả năng kết tủa đặc hiệu với từng loại Ig khác nhau.
Tạp chí Dược học 9.2006 đã đăng tải công trình nghiên cứu của một tập thể tác giả “So sánh khả năng bắt giữ kháng thể IgA, từ huyết thanh của lectin từ 3 loài Mít Việt Nam : Mít tố nữ, Mít dai và Mít chay”. Họ cho biết: “Hoàn toàn có thể sử dụng lectin của cả 3 loài trên trong việc điều chế bộ sinh phẩm xét nghiệm kháng thể IgA, trong kỹ thuật ELISA”.
Về tác dụng của trái Mít với HIV/AIDS: Nhóm nhà khoa học thuộc INSERM ở Montpellier (Pháp) cho biết jacalin từ trái Mít, một dạng lectin vốn là một loại protein có khả năng kết hợp với chất đường nằm trên bề mặt của màng tế bào. Lectin liên kết với glycoprotein tạo thành vỏ bọc ngoài tế bào T4. Điểm đặc biệt của jacalin là bám sát với glycoprotein tạo CD4, nằm ngoài màng tế bào lymphocyte T4 khiến cho virus HIV không có chỗ bám nữa. Các nhà khoa học đã tổng hợp được một chuỗi protein nhỏ (protid) gồm 14 axit amin tạo khả năng cho jacalin hoạt động. Họ đang hợp tác với phòng thí nghiệm Pierre Fabre để sản xuất ra phân tử này bằng kỹ thuật chuyển gen.
Do gần đây các nhà khoa học đã tìm thấy những chất quý có khả năng chữa các bệnh hiểm nghèo như HIV/AIDS nên trái mít trở thành “cứu tinh của loài người”. Các nhà khoa học đã khẩn thiết báo động hãy bảo vệ cây Mít, để chúng khỏi bị diệt chủng… .
Thành phần hoá học: Trong phần ăn của Mít: nước 72,3%; protein 1,7%; lipid 0,3%; đường tổng số 23,7%. Trong 100g ăn được có calci 27g; phospho 38g; sắt 0,6mg; natri 2mg; kali 407mg; caroten 235UI; B1: 0,09mg; B2: 0,11; P: 0,7mg; C: 9mg cho 94 calo.
Hạt có 5,2% đạm; 0,62% chất béo; 70% tinh bột. Dung ghế cơm. Có nơi dùng bột hạt Mít pha bột Đậu tương để làm đậu phụ.
So sánh hạt Mít khô với gạo và sắn khô thấy như sau (xem bảng):
Hạt mít | Gạo | Sắn | |
Protein | 9,36 | 8,84 | 2,75 |
Lipid | 1,25 | 1,16 | 9,3 |
Glucid | 75,42 | 83,6 | 91,00 |
Múi mít vị ngọt, mùi thơm nức, có tác dụng bổ tỳ, ích khí, khỏi phiền, giải khát, giải rượu, làm đẹp da. Ăn nhiều một lúc có thể bị say đỏ mặt.
Hạt Mít ngọt bùi, có tác dụng bổ trung ích khí, hạ khí, thông trung tiện, nhẹ mình, chống đói, giảm ho.
Quả Mít non, dái Mít (cụm hoa đực), lá Mít vị chát, có tác dụng tăng tiết sữa cho phụ nữ sau sinh bị ít sữa nuôi con. Công dụng tăng tiết sữa của lá Mít được áp dụng cả trong chăn nuôi gia súc. Hươu., nai đặc biệt rất thích ăn lá mít. Dái Mít còn dùng chữa sa dạ con.
Gỗ mít, nhựa mít có tác dụng tiêu sưng, giải độc. Chữa sưng tấy mụn nhọt (gỗ, lá uống trong, nhựa lá bôi đắp ngoài). Gỗ mít mài uống hạ huyết áp an thần.
Xơ mít dùng làm dưa muối (nhút) “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn” ngon nổi tiếng. Cùi vỏ cũng là những thức ăn được gia súc rất thích ăn. Nghĩa là cây Mít được sử dụng gần hết để làm thức ăn và thuốc, đặc biệt với công dụng làm tăng tiết sữa.
Một số cách dùng Mít đơn giản
* Mít chín ăn tươi, làm nước Mít giải khát, rượu Mít, mứt Mít tươi, Mít khô (đã sản xuất công nghiệp): còn có tác dụng bổ dưỡng vì chứa nhiều đường bột, khoáng, vitamin. Nếu ăn cùng hạt Mít luộc vừa ngon lại khắc phục được nhược điểm của nhau khỏi đầy bụng khó tiêu.
* Món ăn cho sản phụ thiếu sữa:
- Cháo móng giò lợn: móng giò lợn 1 cái, bì lợn 100g, gạo nếp 100g, ngô non 100g, trái Mít non 1 quả 50g, đu đủ non 1 quả 50g, gia vị, nước 400ml. Nấu cháo chân giò với bì cho nhừ mới cho số còn lại.Ăn nóng ngày 2 - 3 bữa trong vài ngày.
- Cháo thịt lợn nạc: Quả Mít non 1 quả 50g, thịt lợn nạc băm nhỏ 200g, hạt sen 100g, gạo nếp 100g, nước 400ml. Nấu cháo Mít hạt sen cho nhừ rồi cho thịt lợn băm vào quấy đều đến khi sôi. Cách dùng như trên.
- Canh lá Mít: lá Mít non 100g, đu đủ non 200g, thịt lợn nạc 100g. Tất cả đều thái nhỏ, gia vị. Xào thịt chín rồi cho 200ml nước. Nấu sôi cho lá Mít, đu đủ canh sôi lại là được. Ăn suông hoặc ăn với cơm. Ngày 2 lần.
- Quả Mít non xào: quả Mít non bỏ vỏ thái nhỏ 200g, thịt lợn nạc 100g, gia vị. Thịt xào chín tới thì cho Mít đã thái nhỏ vào. Ăn nóng với cơm trong vài ngày.
- Nhân hạt Mít với thịt nạc: nhân hạt Mít 120g luộc chín bóc vỏ, nấu với thịt nạc (hoặc ninh với móng giò lợn) thật chín nêm gia vị. Ăn suông hoặc ăn với cơm.
- Cháo cá quả (cá lóc): cá quả 1 con 200g, gạo nếp 100g, lá mít non 50g, gừng tươi 3 lát, gia vị. Cá quả lấy phần đuôi từ hậu môn trở xuống ướp cá với gừng và gia vị. Lá Mít thái chỉ, nước 400ml. Nấu cháo cá nhừ rồi cho các thứ còn lại. Cách dùng như bài trên.
Lá Mít tươi 40g, sắc uống. Có thể thêm hạt cây gạo (sao vàng) 15g sắc uống.
* Chùm gửi cây Mít: dùng chữa tê thấp, đau lưng, tê mỏi chân tay. Dùng tươi hoặc khô dưới các dạng cao, đơn, hoàn, tán, thang, trà, rượu. Cũng dùng để lợi sữa.
* Gỗ Mít là loại gỗ quý(không bị sâu mọt để tạc tượng): trong dân gian có kinh nghiệm dùng 20g vỏ thân cho 2 lần dùng làm thuốc an thần, giãn cơ, hạ huyết áp bằng cách sắc hoặc mài hoà uống nước (kỵ thai).
* Lá Mít mật già(30g) dùng chữa đái đục (cặn trắng) của trẻ em bằng cách sao vàng hạ thổ lấy nước uống.
* Để chữa tưa lưỡi, lá vàng khô tán bột trộn mật ong để bôi. Để đắp nhọt cho vỡ mủ lấy lá Mít non giã với ít giấm để đắp.