Phân biệt bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá với các triệu chứng bệnh khác
Triệu chứng bệnh vàng lùn: Bệnh xuất hiện rất sớm, khi lúa 15 - 17 ngày tuổi, nhiễm bệnh cây lúa lùn hẳn lại, lá lúa nhạt màu, chuyển sang vàng cam rồi khô dần, gốc lá xòe ra. Trên cùng một lá, sự chuyển màu của lá xảy ra từ chóp lá và hai bên mép lá dần vào bên trong. Lá nhạt màu xảy ra ở các lá bên dưới và phát triển dần lên. Mới xuất hiện bệnh, bộ rễ vẫn phát triển bình thường, kém dần và ít rễ mới. Triệu chứng bệnh có thể xuất hiện ở một số chồi, hoặc nhiều chồi trên bụi lúa. Nhiễm nặng chết chồi hay cả bụi lúa.
Triệu chứng bệnh lùn xoắn lá: Cây lúa bị lùn lại, lá vẫn còn màu xanh, có nhiều chồi và rễ vẫn bình thường. Lá lúa bị rách, chỗ bị rách có màu vàng nâu và triệu chứng điển hình là lá bị xoắn lại. Xoắn lá sớm làm lúa không trổ được, ít hạt chắc. Trong cùng bụi lúa, có thể xuất hiện cả vàng lùn và lùn xoắn lá.
Bệnh lúa cỏ: Cây lúa rất lùn, có rất nhiều chồi nhưng ốm yếu, lá nhỏ và ngắn, nhạt màu, có đốm rỉ. Cây lúa bệnh có thể sống đến trưởng thành nhưng không trổ bông hoặc có ít hạt chắc. Khi nhiễm bệnh trễ, triệu chứng này xuất hiện trên lúa chét. Ngoài ra, các triệu chứng bệnh khác có thể gây nhầm lẫn với vàng lùn, lùn xoắn lá như tuyến trùng bướu rễ, ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn, bệnh cháy lá, sâu phao đục bẹ. Bà con nông dân cần lưu ý dấu hiệu nhận biết như sau:
Tuyến trùng bướu rễ: Khi ruộng lúa khô nước, tuyến trùng xâm nhập vào rễ lúa tạo những bướu có kích thước khác nhau, sau đó đưa nước vào ruộng, bón phân mà lúa vẫn còi cọc, không phát triển. Hiện tuyến trùng bướu rễ xuất hiện trên diện rộng mà nguyên nhân do nông dân tháo khô nước thời gian dài. Khắc phục bằng cách đưa nước vào ruộng và rải thuốc sát trùng.
Ngộ độc hữu cơ: Cây lúa không phát triển, cây lùn, ít đẻ nhánh, trên lá có vết bệnh đốm nâu hoặc lá có màu vàng. Triệu chứng đặc trưng là rễ lúa bị đen và có mùi thối. Nguyên nhân do đất ngập nước quanh năm, rơm rạ bị cày vùi không phân hủy được, tạo chất hữu cơ tích lũy ngày càng nhiều. Khắc phục bằng cách tháo nước ra cho rễ hồi phục, sau đó cho nước vào và bón phân lân, calci, vi lượng để lúa phát triển lại.
Ngộ độc phèn: Lúa kém phát triển, rễ có màu vàng, quăn queo, không có rễ mới. Trên lá có những đốm nâu đỏ, nhiễm nặng lá sẽ bị rụi. Nguyên nhân do vùng có tầng phèn gần mặt đất, xa kênh rạch hoặc nằm trong khu đê bao khép kín bị thiếu nước. Do đó không để ruộng thiếu nước, bị ngộ độc phèn cần bơm nước rửa phèn và bón lân, calci.
Bệnh cháy lá: Xuất hiện trên ruộng sạ dày, dư đạm, khô nước, gặp điều kiện thuận lợi ruộng lúa bị cháy lá rất nhanh. Vết bệnh trên lá có hình thoi, sáng sớm có màu xanh ướt, có tơ nấm màu trắng. Không để ruộng khô nước, khi thấy vết bệnh xuất hiện thì phun thuốc.
Sâu phao đục bẹ: Gây hại cây lúa 20 - 25 ngày tuổi, ấu trùng tấn công phiến lá, đục nhiều chỗ vào thân lúa làm lúa kém phát triển, lá bị héo vàng và cây lúa chết nhanh sau đó. Sâu hại thường xuất hiện ở ruộng nước bị ngập sâu.
Nguồn: Báo Khoa học Phổ thông, 18/08/2006