PGS.TS Nguyễn Chu Hồi và bài ca biển đảo
Giờ đây bận rộn với những công việc dành cho giáo dục, ông tiếp tục là chuyên gia biển đảo hàng đầu của đất nước - là Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển VN và Ủy viên thường vụ Hội nghề cá VN.
Khá ngạc nhiên khi đã rời nhiệm sở từ đầu năm 2012 và không còn tham gia những hoạt động điều hành chính thức quản lý nhà nước về biển đảo, Ban tổ chức nhiều hội nghị hội thảo lớn về biển đảo vẫn mời vị PGS uy tín này tham vấn, tham gia những chuyến đi thực nghiệm dự án quan trọng. Công việc về biển đảo dường như chưa bao giờ rời xa ông.
"Tôi không giàu tiền, nhưng chưa bao giờ nghèo việc, thật hạnh phúc” - ông Hồi nói. Ông luôn đi vào hướng nghiên cứu mới, giải quyết vấn đề mới, trước cũng như nay, bám sát tiếp cận chính sách để có được những đột phá trong quản lý nhà nước về biển đảo.
Hỏi ông vì sao rời Tổng cục Biển và Hải đảo VN lại chọn ĐH Quốc gia Hà Nội là nơi "chở” tiếp niềm đam mê biển đảo, ông cho biết mình từ nghề mà thành nghiệp, giờ hết nghiệp lại về với nghề. Cũng đang tham gia nhiều vị trí quốc tế, khu vực và ASEAN về đại dương và vùng bờ biển, nên biển cả tiếp tục thôi thúc. Quyết định về trường để vừa nghiên cứu, tư vấn, vừa giảng dạy, truyền cảm hứng biển đảo tới nhiều thế hệ.
"Thực ra, tuổi đã 60 nghỉ là vừa, có thời gian cho gia đình, giúp đỡ con cháu nhiều hơn. Nhưng "trộm vía” sức khỏe còn tốt, vị mặn của biển đã ngấm vào máu thịt rồi, duyên nợ không dứt ra được”- ông nói.
Hiện ông là giảng viên trường ĐH Khoa học tự nhiên, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu biển và hải đảo, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ông bảo công việc rất thú vị và hiệu quả bởi đây là nơi ông đã giảng dạy kiêm nhiệm liên tục từ năm 1993. Đây cũng chính là ngôi trường ĐH xưa của ông - Đại học Tổng hợp HN – để từ đó bước vào đời kiến tạo sự nghiệp biển đảo.
Trở lại trường ông được đồng nghiệp giang tay đón, bạn bè trong nước và quốc tế hỗ trợ. "PGS Hồi còn làm nhà nước thì lá cờ Việt Nam còn hiện diện trên các diễn đàn biển đảo quan trọng”, GS.TS. Biliana Cicin-Sain - Chủ tịch Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF) nhật xét. Lãnh đạo khoa, trường như thầy Hải, thầy Huy, thầy Cam và đặc biệt thầy Nhuận (nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội) đã cho vị chuyên gia này một cơ chế "mở” thuận lợi nhất để tả xung hữu đột nơi "chiến hào” đào tạo nhân lực biển đảo. "Tôi đã được tiếp thêm nguồn cảm hứng mới”, PGS.TS Chu Hồi chia sẻ.
Tham gia truyền thông và đào tạo, PGS.TS Chu Hồi đã dùng những sở trường, kinh nghiệm ngoại giao, các mối quan hệ có từ thời là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo VN, dành tặng nó cho những năm tháng giáo dục mà ông đã chờ đợi và kỳ vọng.
Để chiến lược quy hoạch không gian biển sớm được áp dụng ở Việt Nam, ông hỗ trợ IUCN Việt Nam, Bộ Tài nguyên & Môi trường và UNND Hải Phòng Hội thảo quốc gia về Quy hoạch không gian biển có 5 tổ chức quốc tế tham gia. Ông cùng Bộ Giáo dục & Đào Tạo tập trung định hướng tuyên truyền biển đảo trong học đường, viết sách, soạn giáo trình và giảng dạy về biển đảo cho các trường, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia…
"Càng làm càng thấy "phổ công việc” biển đảo còn lớn, cần nguồn nhân lực chất lượng cao cho biển đảo hơn bao giờ hết. Thế mới thấy Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 chỉ đạo việc này rõ quá mà thực thi thì thiếu kiên quyết. Nếu lại lơ là mắc căn bệnh mở ra đào tạo biển đảo một cách hình thức, còn gay go nữa”, ông nói
Định vị rất rõ công việc mình sẽ làm khi tham gia vào môi trường nghiên cứu đào tạo, ông nhận thấy khoa học, công nghệ biển, quản lý biển gồm các ngành nghề khá hấp dẫn, ẩn chứa nhiều bí mật cho khoa học và thực tiễn. Đó là mảnh đất thật sự cho những ai có cảm hứng sáng tạo.
Ông đã truyền cảm hứng và kinh nghiệm cho sinh viên - những "đồng nghiệp trẻ” và tạo luồng tư tưởng mới trong xu hướng tiếp cận quản lý mới về biển đảo ra sao? Trả lời câu hỏi này, ông nói: “Cái gì mình đã có thì không bao giờ mất, vẫn còn mãi, sở trường cá nhân cũng vậy. Tôi vẫn lăn xả vào việc với niềm đam mê vốn có. Để có luồng tư tưởng mới trong đào tạo nhân lực chuyên biển đảo, tôi đề xuất ưu tiên xây dựng khung chương trình giảng dạy chuyên ngành chuyên Quản lý môi trường và tài nguyên biển, hướng vào xây dựng một nền kinh tế biển xanh cho VN.
Mừng là Ban giám hiệu ĐH khoa học tự nhiên đã đồng ý đề xuất này và 2014 bắt đầu giảng. Tôi đã "mang” về khoa cùng trường 3 cuộc giảng giao lưu của chuyên gia quốc tế, giúp sinh viên hiểu về thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý lưu vực sông và biển đảo. Xin được hơn 1.200 cuốn sách, tài liệu về tài nguyên và môi trường của các tổ chức để tăng cường cho thư viện một vài khoa trong trường…”.
“Khá lạ là biển hấp dẫn là vậy, lớp trẻ đau đáu tâm thức biển là vậy, nhưng số các em đăng ký vào học các ngành nghề liên quan tới biển lại đang ít. Biển, đảo hình như mới là "món ăn tinh thần” của giới trẻ. Điều này càng thôi thúc tôi truyền cảm hứng biển đảo tới các em nhiều hơn, chất lượng hơn, cả khi lên lớp và khi đưa các em thực tập, rồi nói chuyện chuyên đề thời sự...”, ông cho biết.
Gần đây nước ta tham gia sáng kiến "Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF)” khu vực Nam Á - Đông Nam Á. PGS.TS Chu Hồi là Trưởng Ban điều hành quốc gia MFF của Việt Nam. Tham gia tập huấn cho các nhà báo về vấn đề này ở miền Trung dịp năm ngoái, "thầy trò” ông đã tới ven đầm Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế) rộng 6000 hecta, một trong những nơi rừng ngập mặn ven biển đang bị hủy hoại để làm sân gôn.
Nhìn cánh rừng ngập mặn vốn xanh ngời ngợi giờ cằn cỗi còn lại trong đầm không bao nhiêu, khi đã bị công cuộc nuôi tôm"ăn thịt” về cơ bản, ông chỉ cho nhóm phóng viên quan sát cho kỹ rồi nói, "Đây là Trái tim của đầm Lăng Cô. Một khi nó bị ám sát nốt thì đầm không chỉ cạn tôm cá mà người dân ven đầm phá sẽ khánh kiệt. Gia tài tự nhiên không còn, chỗ dựa sinh kế cũng mất…”.
Nhóm phóng viên đầy hứng thú ấy đã tìm gặp người dân, chính quyền xã, đại diện Chi hội nghề cá địa phương, nghe nỗi lo của họ về mất rừng ngập mặn, mất thủy sản khi dự án sân gôn đang rập rình "cướp đầm”. Họ đồng loạt có những bài báo thuyết phục phải "Giữ lấy trái tim đầm Lăng Cô”. Chỉ một tháng sau, mọi người vui mừng vì Chính phủ đã sáng suốt dừng dự án sân gôn để cứu rừng ngập mặn. Đương nhiên chính rừng lại sẽ cứu dân.
Nhớ về khóa tập huấn báo chí đáng nhớ ấy, PGS.TS Chu Hồi cho rằng đó là một chỉ dấu tốt đẹp bởi nó chứng tỏ "báo chí tham vấn phản biện ngày càng hiệu quả” và "họ đã góp phần đáng kể định hướng dư luận đi đúng, hiểu đúng, hành động đúng, sao cho ích nước, lợi nhà”.
Tuy vậy, truyền thông về biển đảo nước ta mới mạnh lên thực sự từ 2007, khi có Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020. Là chuyên gia tư vấn chính sách từ giác độ khoa học tự nhiên, PGS Chu Hồi nhận xét tuyên truyền hiện còn mắc không ít "lỗi” do kiến thức, nhận thức chưa đầy đủ bản chất và giá trị thực thụ của biển đảo. Chưa nắm chắc quyền hưởng lợi đại dương (biển công, biển quốc tế) của quốc gia, nguyên cớ khiến các nước đòi hỏi chủ quyền, trong đó có tham vọng về tài nguyên mà dựa vào cái "cớ” môi trường…
Từ hồi rời ghế ĐH Tổng hợp, ông về thành phố biển Hải Phòng sống và làm việc, chấp nhận xa quê, "bám biển mà nghiên cứu” gần 25 năm tại Viện Tài nguyên và Môi trường biển; Ngót 12 năm đứng đầu cơ quan đó, hết ra biển đảo nghiên cứu lại "mài lốp xe đường 5” về Hà Nội họp hành liên miên, có khi một năm mới về quê hương khói một lần dịp Tết Nguyên Đán, trong khi ông là người "giữ từ đường” trong gia đình. Người anh là liệt sỹ đã hy sinh thời đánh Pháp.
Rồi ông về Hà Nội làm Viện phó, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Bộ Thủy sản. Năm 2007 ông về Bộ Tài nguyên & Môi trường làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo VN.
Tháng 8 này khi nói về "đường dài đã qua” ông đã miêu tả mình "trước là bốn nhà - khoa học, quản lý, nhà báo, nhà giáo; giờ vẫn ba nhà. Ngày nào cũng có điện thoại "rủ rê” công việc, loanh quanh vẫn câu chuyện về biển đảo thôi”. Nghiệp giảng dạy, lại hướng dẫn sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp, học viên làm luận văn cao học và luận án tiến sỹ. Ngồi hội đồng thẩm định, nghiệm thu, tranh thủ làm tư vấn cho các dự án quốc tế ở Việt Nam…
Hiện ông đang tư vấn cho IUCN-MFF tổ chức cuộc thi tìm hiểu "Giải pháp bảo vệ, bảo tồn các HST vùng bờ biển Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu” dành cho sinh viên cả nước. Cuối tháng 9 này chấm điểm, xét giải. Thế mới biết biển đảo đang nóng và hấp dẫn, thu hút mối quan tâm của xã hội nhường nào.
Vì sao đào tạo nhân lực biển đảo được ông đặc biệt quan tâm gần đây? Ông trả lời: “Muốn trở thành quốc gia mạnh về biển và giàu từ biển thì dứt khoát phải đầu tư cho khoa học và công nghệ biển/đại dương, cùng với tăng cường năng lực cho Giáo dục & Đào Tạo nguồn nhân lưc và tuyên truyền về biển đảo. Đó cũng là các tiêu chí để nhận dạng một cường quốc biển/đại dương trên thế giới.
Nói đến giáo dục đào tạo ở đây là nói đến nguồn nhân lực biển đảo chất lượng cao, có kiến thức tiên tiến và kỹ năng thực tế chuyên ngành, có sức khỏe và bản lĩnh nghề biển. Quốc sách về Giáo dục & Đào Tạo phải hướng vào giải quyết các vấn đề chiến lược của đất nước, trong đó có chiến lược biển. Tôi hy vọng hiện tượng "học phổ thông như học đại học, học đại học lại như học phổ thông” ở nước ta sớm đảo chiều. Nguồn nhân lực trình độ "nguyên khí quốc gia” được tạo ra bằng một quy trình xét tuyển đầu vào chặt chẽ tương xứng”.
Ông chia sẻ, "biển đảo quan trọng là thế, nhạy cảm là thế, chiến lược là thế, có được một Phó Thủ tướng chuyên theo dõi, chỉ đạo như ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thì tốt biết bao”.
Ông kể tháng trước, có đưa một giáo sư người Mỹ đi thăm Văn Miếu. Vị này ngưỡng mộ thông điệp quá hay "Hiền tài là nguyên khí quốc gia” mà các tiền nhân Việt đã răn dạy con cháu. "Thấy khách vui tôi vui lây, nhưng vẫn có cái gì đó lại khiến tôi man mác buồn”...
Theo ông: “Trong tình hình hiện nay phải đa dạng hóa hoạt động giáo dục, tuyên truyền về biển và hải đảo, làm bài bản và thường xuyên, có kế hoạch, có mục tiêu và sản phẩm thiết thực, rõ ràng. Đích chung và cuối cùng là phục vụ sự nghiệp bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước”.