Ông Võ Văn Kiệt tôn trọng chủ kiến của trí thức
Nhân sắp đến ngày giỗ đầu cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ngày 8-5 Âm lịch, tức ngày 31-5-2009), www.vusta.vn xin giới thiệu bài viết của ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên Trợ lý của cố Thủ tướng trong các năm từ 1985 đến 1994, trên trang tuanvietnam.vn. |
Đưa trí thức vào cuộc
Điều nổi bật trong Ông Võ Văn Kiệt là Ông thực sự tôn trọng trí thức, không chỉ trong suy nghĩ, trên lời nói mà trong thực tế đã mạnh dạn sử dụng, phát huy tài năng, trí tuệ của trí thức trong các tổ chức tư vấn độc lập cho lãnh đạo để đưa trí thức vào cuộc, gắn bó trực tiếp với lãnh đạo và cuộc sống.
Trong thời gian Ông Võ Văn Kiệt giữ chức vụ lãnh đạo ở TP Hồ Chí Minh, Ông đã chủ động thành lập một số nhóm tư vấn theo hướng đó. Trước tiên là Câu lạc bộ Giám đốc được thành lập vào khoảng năm 1980 gồm nhiều giám đốc, bí thư Đảng ủy, thư ký công đoàn các xí nghiệp quốc doanh do Ông Võ Thành Công, thường vụ Thành ủy làm Chủ nhiệm.
Câu lạc bộ này đã đóng góp nhiều kiến nghị từ thực tiễn của các cơ sở cho việc hình thành các chủ trương về đổi mới quản lý trong xí nghiệp quốc doanh của Thành phố thời đó.
Tiếp đó là Văn phòng kinh tế của Bí thư Thành ủy được thành lập gồm nhiều chuyên gia kinh tế được đào tạo trong chế độ xã hội chủ nghĩa, một số chuyên gia đã từng làm việc trong chính quyền Sài Gòn cũ, đứng đầu là Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, người đã từng là Thống đốc Ngân hàng, Phó Thủ tướng và có thời gian là quyền Thủ tướng của chính quyền Sài Gòn cũ.
Văn phòng này đã có nhiều công trình nghiên cứu và nhiều kiến nghị có giá trị về chiến lược kinh tế, về công nghiệp, tài chính - tiền tệ của Thành phố trong những năm đầu mới giải phóng cũng như của cả nước trong những năm sau đó.
Cũng vào thời gian này, đã hình thành Nhóm Thứ Sáu, thành viên gồm Ông Phan Chánh Dưỡng, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn và nhiều chuyên gia kinh tế có tâm huyết, đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng về các chủ trương và giải pháp cải cách giá - lương - tiền trong thời gian cuối những năm 80 cả nước lâm vào tình trạng lạm phát phi mã, khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài nghiêm trọng.
Năm 1989, Nhóm này đã tham gia trực tiếp soạn thảo hai pháp lệnh về tổ chức ngân hàng hai cấp (Pháp lệnh về Ngân hàng Nhà nước tức Ngân hàng trung ương và Pháp lệnh về Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính), để phù hợp với việc xóa bỏ hệ thống chủi tiêu pháp lệnh, tự do hóa lưu thông tư liệu sản xuất, v.v… tách bạch chức năng điều tiết chính sách tiền tệ của cấp ngân hàng trung ương với chức năng kinh doanh của các ngân hàng thương mại.
Từ khi Ông Võ Văn Kiệt ra Trung ương (năm 1982) đảm trách những nhiệm vụ trọng đại của đất nước (từ Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Thủ tướng Chính phủ), có thể nói không có công trình, chính sách kinh tế nào mà Ông chủ trương thực hiện mà không có sự đóng góp đầy đủ, nhiệt tình đầy tâm huyết của nhiều trí thức trong những lĩnh vực liên quan.
Năm 1993, Ông đã thành lập Tổ Chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính. Tổ trưởng đầu tiên là Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Xuân Trinh. Tổ gồm nhiều chuyên gia có tư duy đổi mới, tâm huyết với công cuộc đổi mới và có kiến thức trong nhiều kĩnh vực, trong đó có thành viên là giáo su, tiến sĩ kinh tế người Việt đang sống và làm việc tại Mỹ, Đức, Nhật Bản.
Năm 1996, Tổ này được tổ chức lại, thành Tổ Nghiên cứu đổi mới về kinh tế, xã hội và hành chính; đến năm 1998 được Thủ tướng Phan Văn Khải nâng cấp thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ. Cuối tháng 7/2006, Ban này có quyết định giải thể.
Như vậy là từ Tổ đến Ban, tổ chức này đã tồn tại và hoạt động trong 14 năm, trực tiếp giúp Thủ tướng hoạch định chương trình và kiến nghị các chủ trương cải cách theo tinh thần đổi mới trong từng thời gian: đóng góp vào công việc biên tập nhiều văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng, các báo cáo của Thủ tướng hoặc Chính phủ trình cấp trên, tham gia soạn thảo hoặc phản biện các văn bản thể chế do các cơ quan nhà nước trình Thủ tướng, chủ động đề xuất chiính sách và trực tiếp soạn thảo một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng.
Điều cốt lõi nhất: Làm cho đất nước thêm giàu đẹp
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đam mê đọc sách, gắn bó với tri thức |
Bên cạnh những tổ chức tham mưu là cơ quan nhà nước mà Ông sử dụng và phát huy, Ông Võ Văn Kiệt còn thông qua các tổ chức tư vấn của riêng mình nhận những kiến nghị có giá trị, nhất là trong thời gian đầu của công cuộc Đổi mới, khi những khái niệm và công cụ của kinh tế thị trường đang còn mới lạ đối với nhiều nhà lãnh đạo và cán bộ cơ quan nhà nước.
Thông qua các tổ chức tư vấn nói trên, Ông cũng có dịp gặp gỡ nhiều trí thức miền Nam và nước ngoài, thông báo cho họ những yêu cầu của đất nước và lắng nghe họ hiến kế cho những quyết sách lớn đang trong tư duy của Ông.
Qua các phát biểu của Ông, có thể thấy trong Ông luôn xuyên suốt tư duy tin tưởng ở trí thực, tôn trọng trí thức, nhìn thấy ở họ lòng yêu nước nồng nàn sâu sắc và ý thức đóng góp cho sự nghiệp chung chấn hưng kinh tế đất nước.
Tư duy ấy của Ông bắt nguồn từ tư duy đại đoàn kết dân tộc. Ông cho rằng: đất nước Việt Nam, giang sơn Việt Nam là tài sản chung của mọi người Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam; mọi người Việt Nam đều có trách nhiệm và có quyền được đóng góp làm cho đất nước giàu thêm và đẹp thêm. Phải làm sao để cho mọi người Việt Nam đều được sống với giang sơn gấm vóc này, được hưởng mọi giá trị vật chất và tinh thần trong quá trình phát triển của đất nước.
Phải thực hiện đại đoàn kết, hòa hợp và hòa giải dân tộc, thu hút mọi người vào công cuộc phát triển đất nước, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, chính kiến, miễn là cùng điểm tương đồng vì phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Ông cho rằng có một thời gian, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc bị coi nhẹ, quan điểm giai cấp đã bị vận dụng một cách máy móc, giáo điều.
Những sai lầm trong các cuộc vận động cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư nhân mà Đảng ta đã công nhận, đã có những nhà công thương, nhân sĩ trí thức có công với cách mạng không được coi là bạn, đã gây tổn thất lớn về chính trị và kinh tế.
Ông cho rằng tài nguyên lớn nhất của mọi quốc gia là tài nguyên con người. Nếu quy tụ được sức người thì mọi nguồn tài nguyên khác cũng có thể được quy tụ; con người mà không được quy tụ thì mọi tài nguyên khác cũng sẽ rơi rụng.
Ông cho rằng, trong thế giới ngày nay, trí thức là nguồn lực hàng đầu, một điều kiện hàng đầu, không thể thiếu cho phát triển. Trong công cuộc phát triển đất nước ngày nay, không thể chỉ dựa vào nhiệt tình và ý chí, mà phải dựa vào kiến thức và học vấn. Trí thức là nguồn vốn quý của dân tộc.
Mỗi trí thức có cách hành động và thể hiện lòng yêu nước khác nhau, tùy theo hoàn cảnh; không thể và không nên đòi hỏi mỗi trí thức có hành động yêu nước giống nhau.
Trí thức có tận tụy hay không là tùy thuộc vào chúng ta có tin dùng trí thức hay không, có mạnh dạn giao cho họ những trọng trách mà họ xứng đáng được đảm nhiệm hay không (Ông đã từng đề xuất: có thể có Bộ trưởng không phải là đảng viên cộng sản - như thời Bác Hồ).
Điều này không tùy thuộc vào bản thân trí thức mà tùy thuộc vào lãnh đạo có khả năng thu phục nhân tâm và nhân tài hay không và thu hút được nhân tài cũng là tài năng của lãnh đạo.
Bằng tư duy minh triết đó, mạnh dạn sử dụng trí thức độc lập trên ý thức và khả nang hiện tại chứ không câu nệ vào quá khứ, với tác phong gần gũi, thân tình, Ông Võ Văn Kiệt đã có sức hút mạnh mẽ đối với trí thức, không chỉ với những trí thức trong bộ máy nhà nước mà cả với những trí thức đã có thời gian làm việc và giữ vị trí cao trong Chính quyền Sài Gòn cũ, cả với nhiều trí thức gốc Viêt đang sinh sống và làm việc ở các nước phát triển.
Ông nghe họ một cách chân thành, vấn đề nào Ông chưa biết thì Ông yêu cầu giải thích thêm, chỗ nào chưa rõ thì hỏi lại cho rõ, tranh luận thẳng thắn đối với những ý kiến mà Ông thấy rằng chưa thỏa đáng hoặc bổ sung thêm thực tế cho những người chưa đủ thông tin.
Ông rất thích làm việc với những người có chủ kiến, thích nghe những ý kiến "trái tai" mình. Chính vì thế, trí thức phát biểu với Ông những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, không ngần ngại nói ra cả những ý kiến trái với suy nghĩ của lãnh đạo - nhưng đó lại là những ý kiến mà Ông Võ Văn Kiệt rất muốn nghe.
Ông Võ Văn Kiệt là một tấm gương của nhà lãnh đạo cao cấp đã tôn trọng, tin tưởng, thực lòng lằng nghe và phát huy trí tuệ, tài năng của trí thức; ngược lại, chính do niềm tin đó, Ông đã được trí thức kính trọng, tin yêu và đóng góp những kiến nghị tâm huyết, xác đáng vào những quyết sách của Ông trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.