Nôn khan kiêm tiêu chảy nhiệt tính
“Nôn khan kiêm tiêu chảy, nếu như thuộc chứng thấp nhiệt, điều trị dùng phương pháp thanh nhiệt trừ thấp, cho uống hoàng cầm gia bán hạ, sinh khương thang”.
Điều này gần giống với điều 172 sách Thương hàn luận. Điều 172 nói: Thái dương, Thiếu dương hợp bệnh, thấy người bệnh tiêu chảy mà kiêm biểu chứng phát sốt sợ lạnh, vùng ngực sườn đầy trướng, có thể vận dụng bài Hoàng cầm thang (Hoàng cầm, Bạch thược, Chích cam thảo, Đại táo) điều trị. Nếu như còn thấy có cả triệu chứng nôn mửa, có thể dùng Hoàng cầm gia bán hạ sinh khương thang điều trị.
Về chứng bệnh và trị pháp nói trong điều 172, danh y Thành Vô Kỷ luận như sau:
Thái dương – Dương minh hợp bệnh, thấy tiêu chảy là chứng tại biểu, điều trị nên dùng Cát căn thang phát hãn. Nếu là Thái dương, Thiếu dương hợp bệnh, thấy tiêu chảy, là chứng tại bán biểu bán lý, dùng trị pháp phát hãn, hay công hạ đều không thích hợp, mà nên dùng trị pháp hoà giải bán biểu bán lý; cho uống Hoàng cầm thang. Nếu là Dương Minh, Thiếu dương hợp bệnh, thấy tiêu chảy là bệnh tại phần lý, nên dùng trị pháp công hạ; vận dụng Thừa khí thang theo thực tế lâm sàng. Nếu kiêm triệu chứng nôn là thuộc cơ chế vị khí nghịch lên, gia thêm Bán hạ, Sinh khương để tán nghịch khí.
Theo các nhà nghiên cứu hiện nay, chứng nôn mửa kiêm tiêu chảy là tương đương với bệnh viêm trường vị cấp mà có kiêm biểu chứng phát sốt, sợ lạnh, bán biểu bán lý chứng ngực sườn đầy tức, đầy miệng, hoa mắt. Điều 172 dùng dược nhằm vào điều trị nôn mửa, tiêu chảy, mà không nhằm vào điều trị Thái dương - Thiếu dương hợp bệnh. Phân tích cơ chế tác dụng của Hoàng cầm gia Bán hạ sinh khương thang, ta thấy đó là bài Sài hồ, Quế chi, Nhân sâm. Sài hồ gia bán hạ sinh khương thang gồm có Hoàng cầm, Bạch thược, Chích cam thảo, Đại táo, Bán hạ, Sinh khương.
Hoàng cầm thang gồm có: Hoàng cầm, Bạch thược, Chích cam thảo, Đại táo. Theo các nhà nghiên cứu hiện nay, Hoàng cầm thang là tổ phương, điều trị bệnh lỵ.
Chứng bệnh bàn trong điều 305 sách Kim quỹ yếu lược là thuộc cơ chế nhiệt tà xâm phạm vào trường vị tạo thành tà nhiệt hiệp với vị khí nghịch lên gây ra nôn khan. Nhiệt tà bức bách xuống dưới, hãm vào đường ruột, gây ra tiêu chảy. Điều trị nên dùng phương pháp thanh nhiệt trong đường ruột để cầm tiêu chảy. Gia Bán hạ, Sinh khương điều hoà vị khí để ngừng nôn khan.
Triệu chứng tiêu chảy nói trong điều 305 là bao gồm cả “tiết tả” và “lỵ tật”. Các dấu hiệu chủ yếu là: đau bụng, tiêu chảy mùi hôi nồng, nhiệt tính.
Hoàng cầm gia Bán hạ sinh khương thang chứng và Bán hạ tả tâm thang chứng đều thuộc cơ chế trường vị hàn nhiệt hỗn tạp, nhưng có những điểm phân biệt như sau:
Hoàng cầm gia bán hạ sinh khương thang chứng
- Vị khí mất điều hoà kiêm đường ruột nhiệt tính.
- Nôn khan kiêm tiêu chảy, mà đau bụng tiêu chảy là trọng tâm.
- Điều trị đường ruột là chính, kiêm điều trị phủ vị.
Bán hạ tả tâm thang chứng
- Phủ vị nhiệt tính, đường ruột hàn tính.
- Nôn và bĩ tức dưới tâm là chủ yếu. Kiêm thấy sôi bụng.
- Điều trị phủ vị là trọng tâm, kiêm điều trị đường ruột.
Theo sách Y tông kim giám, nôn khan là vị khí nghịch lên, tiêu chảy sống phân là đường ruột hàn tính. Trường hợp nói trong điều 305, tiêu chảy chất dính đục là đường ruột nhiệt tính. Cho nên dùng Hoàng cầm thang trị tiêu chảy, hợp Bán hạ sinh khương thang trị nôn khan.
Hoàng Cầm, Bạch thược trừ nhiệt phần lý. Bán hạ, Sinh khương tán khí nghịch.
Về trường hợp thuỷ ẩm gây nôn, điều 307 sách Kim quỹ yếu lược nói:
“Nôn mửa nếu như bệnh ở vùng cơ hoành trở lên, sau khi nôn mửa, người bệnh thấy miệng khô muốn uống nước. Đó là hiện tượng thuỷ khí (thuỷ ẩm) đã giải trừ. Nên gấp cho người bệnh uống nước.
Nôn mửa nếu như bệnh ở dưới tâm mà thấy miệng khát, người bệnh muốn uống nước. Đó là hiện tượng trong phủ vị còn tồn tại thuỷ ẩm; điều trị nên dùng phương pháp lợi thuỷ, cho uống Trư linh tán”.
Thuỷ khí (thuỷ ẩm) ở dưới tâm thì nặng, ở trên cơ hoành thì nhẹ. Nôn mửa mà bệnh ở trên cơ hoành, sau khi nôn mửa, thấy khát nước muốn uống là hiện tượng thuỷ khí đã tiêu trừ, bệnh sắp giải; nên gấp cho uống nước để làm nhuận táo khát. Ngoài hiện tượng đó ra không còn dư bệnh nào khác. Điều 307 về tính chất gần giống với điều 329 sách Thương hàn luận. Điều 329 nói:
Bệnh Quyết âm nếu như có hiện tượng người bệnh khát nước muốn uống, nên cho uống từ từ chút ít nước. Đó là cách xử lý không làm cho trường vị người bệnh thêm mệt mỏi, khát nước sẽ hết, bệnh khỏi.
Tham khảo thêm điều 71 sách Thương hàn luận cũng cùng một ý nghĩa.
Nếu thuỷ khí tại dưới tâm mà nôn mửa muốn uống nước, phương pháp điều trị nên làm thông hạ tiêu. Thuỷ khí ở trên sẽ đi xuống mà hiện tượng muốn uống nước sẽ hết. Tham khảo thêm thiên Thái dương thương hàn, khát nước, điều trị dùng Ngũ linh tán.
Do nguyên nhân trong phủ vị có thuỷ ẩm đình tụ, nghịch lên vùng hung cách mà gây ra nôn mửa. Sau khi nôn mửa, miệng khát muốn uống; đó là hiện tượng thuỷ ẩm rút lui, dương khí hồi phục, tình hình bệnh chuyển tốt.
Muốn uống nước và khát nước về nhận thức có sự phân biệt về trình độ nhiều hay ít. Muốn uống nước chỉ là biểu thị của tình hình bệnh bắt đầu chuyển tốt, mà không có ý nghĩa là nôn mửa đã bài trừ hết thuỷ ẩm đình tụ, bệnh đã khỏi hoàn toàn. Muốn uống nước mới là bước đầu của khát nước, là biểu hiện thuỷ ẩm chưa hết hoàn toàn, dương khí chưa bình phục hoàn toàn. Trong trường hợp đó, nên thừa cơ bệnh bắt đầu chuyển tốt mà gấp cho uống chút ít nước một cách từ từ, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn.
Ẩm tà đình tụ là do dương khí trung tiêu không vận hoá bình thường. Sau khi nôn mửa, vị khí tất nhiên là hư nhược. Khi đó, rất cần có cách xử lý thích đáng. Đề phòng dương khí phủ vị không phấn chấn, thuỷ ẩm đình tụ trở lại. Cho nên, cần làm cho cơ năng kiệm vận của trung tiêu chuyển hoá được dương khí. Do đó, trong điều văn chỉ ra cách điều trị thích đáng: Nếu người bệnh muốn uống nước, có thể dùng Trư linh tán tiêu trừ thuỷ ẩm.
Trư linh tán phương đồng dụng Bạch linh, Trư linh và Bạch truật, có công năng kiện vận trung tiêu, lợi thuỷ, hoá ẩm, làm cho công năng kiện vận của trung tiêu trở lại bình thường. Dương khí chuyển hoá, tân dịch lưu hành, thuỷ ẩm trừ hết, cảm giác muốn uống nước sẽ rút.
Trư linh tán
Trư linh, Bạch linh, Bạch truật.
Trư linh rút thuỷ là chủ được. Bạch linh, Bạch truật bồi bổ khí huyết.
Ngũ linh tán
Trạch tả, Trư linh, Bạch linh, Bạch truật, Quế chi.
Đây là bài Linh quế truật cam thang, bỏ cam thảo, gia Trạch tả, Trư linh. Bài Linh quế truật cam thang trọng dụng, ôn dược điều hoà vị khí. Bài Ngũ linh tán chú trọng gấp trừ thuỷ ẩm. Uống thuốc xong, nên uống nhiều nước nóng cho ra mồ hôi. Đó là phương pháp “Nội ngoại phân tiêu thuỷ ẩm”.