Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 23/10/2007 15:42 (GMT+7)

Những vấn đề môi trường trong các khu vực khai thác sa khoáng titan ven biển miền trung Việt Nam

Theo thống kê chưa đầy đủ, có gần 2 triệu tấn quặng đã được khai thác, trong đó một phần đáng kể bán ra thị trường ở dạng thô, chưa qua chế biến. Nhà nước chỉ thu được một khoản thuế tài nguyên ít ỏi, trong khi đó đã có nhiều hecta đất cát ven biển bị đào xới và rừng phi lao (dương) phòng hộ chắn gió cát đã bị tàn phá, cảnh quan ven biển đã bị suy thoái nặng nề, nguồn nước ngọt dưới đất duy nhất trong cồn cát ven biển đã bị khai thác vô tội vạ dẫn đến cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn, đường giao thông nông thôn bị xuống cấp nghiêm trọng do vận chuyển quặng…

Bài viết này sẽ trình bày tổng hợp về hiện trạng khai thác và tận thu (KT&TT) sa khoáng titan và những hậu quả của nó đối với tài nguyên và môi trường vùng ven biển miền Trung.

1. Tiềm năng quặng titan ở Việt Nam

Trên lãnh thổ Việt Nam , đã phát hiện 3 loại hình mỏ titan là quặng gốc, sa khoáng lục địa và sa khoáng ven biển. Tổng trữ lượng địa chất đã được thăm dò là gần 16 triệu tấn, trong đó quặng gốc gần 4,9 triệu tấn, sa khoáng lục địa khoảng 0,4 triệu tấn và sa khoáng ven biển khoảng 10,7 triệu tấn. Có 4 vùng có trữ lượng sa khoáng titan ven biển lớn là: Hà Tĩnh, Quảng Bình – Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế, Bình Định – Khánh Hòa, Bình Thuận.

2. Hiện trạng khai thác, chế biến titan

Sa khoáng titan ven biển được tổ chức khai thác và chế biến từ năm 1985, từ năm 2000 đến 2005, quá trình KTTT titan bùng phát trên diện rộng. Theo tài liệu điều tra chưa đầy đủ, thời điểm này ở miền Trung có trên 40 đơn vị tổ chức khai thác ở 38 khu mỏ và có 18 xương tuyển tinh quặng.

- Công nghệ khai thác: Hầu hết các mỏ đều khai thác lộ thiên bằng công nghệ bán cơ giới kết hợp thủ công, không nổ mìn và tuyển thô trên vít đứng. Các công đoạn công nghệ khai thác phổ biến như sau: dùng máy gạt hoặc thủ công dồn lớp phủ ra khỏi khai trường; khấu quặng bằng các phương pháp sau: dùng máy gạt dồn quặng thành đống, sau đó dùng máy xúc (hoặc chở bằng ôtô) cấp cho hệ thống tuyển vít đứng; dùng súng bắn nước để phá quặng, sau đó dùng bơm cát cấp trực tiếp cho hệ thống tuyển vít đứng; dùng bơm đặt trên phao hút trực tiếp từ thân quặng cấp cho vít tuyển.

- Công nghệ tuyển: Tinh quặng tổng hợp nhận được sau quá trình tuyển vít đứng được vận chuyển ôtô về xưởng tuyển tinh. Tại đây, tinh quặng tổng hợp qua hệ thống lò sấy, tuyển từ, tuyển điện… để tách các sản phẩm llmenit, zircon, rutin…

- Sản lượng khai thác: Tính đến hết năm 2004, sản lượng tinh quặng tổng hợp đã khai thác gần 2 triệu tấn, trong đó ở một số địa phương có sản lượng lớn như: Hà Tĩnh đạt trên 900.000 tấn, Bình Định gần 440.000 tấn, Thừa Thiên – Huế trên 310.000 tấn, Bình Thuận trên 190.000 tấn…

3. Những vấn đề bức xúc về môi trường do tác động của quá trình khai thác titan

+ Tình hình quản lý hoạt động khoáng sản

Việc quản lý hoạt động khoáng sản được thực hiện thông qua các GPKT do 2 cấp quản lý cấp cho các doanh nghiệp, trong đó Bộ Công nghiệp (trước năm 2002) hoặc Bộ Tài nguyên & Môi trường (sau năm 2002) cấp GPKT cho các mỏ lớn, còn Sở Công nghiệp (trước năm 2002) hoặc Sở Tài nguyên & Môi trường (sau năm 2002) cấp GPTT các mỏ nhỏ. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến trước tháng 4/2005 đã có 44 giấy phép khai thác và tận thu sa khoáng titan được cấp cho 40 đơn vị trên diện tích > 3.000 ha đất cát ven biển.

Đánh giá về tình hình cấp phép và hoạt động khai thác, chế biến titan ở khu vực như sau:

- Trong số 44 giấy phép được cấp, có > 10 giấy phép chưa triển khai hoặc đã bị thu hồi. Một số địa phương cấp phép khai thác vào cả diện tích rừng phòng hộ, như ở tỉnh Quảng Bình đã cấp 9 GPTT với tổng diện tích trên 280 ha, trong đó diện tích có rừng và cây phòng hộ trên 240 ha.

- Một số doanh nghiệp đã khai thác ra cả diện tích không được cấp phép hoặc cấm khai thác, điển hình như ở mỏ Vĩnh Thái và một số điểm khai thác khác ở Quảng Trị.

- Tại Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, mặc dù GPTT đã hết hạn hoặc bị thu hồi, nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục khai thác, bất chấp sự can thiệp của các cấp chính quyền. Ngoài ra, ở nhiều địa phương hiện tượng khai thác titan tự do diễn ra trong thời gian dài, chưa có phương án hữu hiệu để chấm dứt.

- Trong số hơn 38 đơn vị khai thác titan, chỉ có 18 xưởng tuyển, điển hình như ở Quảng Bình có 1/9 đơn vị khai thác có xưởng tuyển, ở Khánh Hòa không có xưởng tuyển nào và ở Bình Thuận có 2/4 đơn vị khai thác có xưởng tuyển tinh.

Những bất cập nêu trên về công tác quản lý và hoạt động kháng sản là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng hỗn loạn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh khoáng sản trong thời gian dài, gây suy thoái môi trường vùng cát ven biển vốn rất nhạy cảm với những tác động của các hoạt động kinh tế của con người.

+ Những tác động môi trường của hoạt động khai thác, tận dụng sa khoáng

Quá trình KT&TT sa khoáng titan có những tác động chính tới điều kiện tự nhiên và môi trường vùng cát ven biển như sau:

- Chiếm dụng diện tích đất lớn để làm khai trường và xây dựng các công trình phụ trợ. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tổng diện tích đất cát được cấp cho KT&TT sa khoáng titan là trên 3.000 ha, trong đó diện tích rừng phòng hộ và trảng cây ước tính khoảng 1.000 ha. Quá trình KT&TT khoáng sản đã làm mất thảm cỏ, cây bụi là yếu tố giữ ổn định vùng cát, chặt hạ rừng dương phòng hộ, chắn cát, tạo ra sự lồi lõm mặt đất bởi các hố khai thác, đụn cát thải, làm giảm khả năng giữ nước mưa – Nguồn thành tạo chính nước ngầm trong cồn cát.

- Quá trình KT&TT sa khoáng sử dụng một khối lượng nước rất lớn để phục vụ cho các súng bắn nước, hệ tuyển vít đứng và xưởng tuyển cách. Nước sử dụng trong khai thác chế biến titan là nước ngọt khai thác tại chỗ trong tầng nước ngầm trong cồn cát, hậu quả là làm cạn kiệt trữ lượng nước nhạt, hạ thấp quá mức mực nước ngầm, kéo nước biển xâm nhập làm nhiễm mặn tầng chứa nước. Quá trình đào bới, xáo trộn đất cát làm tăng khả năng rửa lũa các khoáng vật nặng trong nước, dầu mỡ công nghiệp sử dụng cho các thiết bị khai thác ngập trong nước… là những yếu tố gây ô nhiễm tầng chứa nước (tăng các khoáng vật nặng, dầu mỡ hòa tan…).

- Quá trình vận chuyển vật tư thiết bị, quặng thô từ mỏ đển xướng tuyển và sản phẩm tinh quặng đến nơi tiêu thụ bằng ôtô 5 – 10 tấn làm xuống cấp hệ thống giao thông mỏ, cày nát hệ thống đường giao thông nông thôn.

- Hoạt động suốt ngày đêm của các loại máy nổ, máy bơm và phương tiện vận tải là nguyên nhân gây ra tiếng ồn, tác động trực tiếp đến các vùng dân cư sống xen kẽ hoặc men theo các cồn cát. Mức ồn đo được ở các vùng dân cư quanh khu mỏ thường xuyên đạt từ 75 – 85 dBA.

- Ngoài ra, việc khai thác titan ven biển tràn lan, thiếu kế hoạch và quy hoạch đã làm phá vỡ quy hoạch chung của Nhà nước về khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản vùng ven biển, quy hoạch sử dụng đất của các địa phương cho các mục đích khác như du lịch, nuôi trồng thủy hải sản…

+ Hiện trạng môi trường ở một số khu vực điển hình

Trong vùng nghiên cứu, có 9 tỉnh tổ chức KH&TT sa khoáng titan, trong số đó, ở Thừa Thiên – Huế chỉ khai thác theo GPKT, còn ở Phú Yên các mỏ đã đóng cửa từ trước năm 2003 sau khi nhân dân địa phương có ý kiến. Vì vậy việc khai thác sa khoáng ở vùng này ít gây những bức xúc về môi trường. Hiện trạng khai thác và tận thu sa khoáng titan và hiện trạng môi trường mỏ ở các khu vực điển hình như sau:

- Thanh Hóa

Trong các năm 2003 – 2004, tình trạng khai thác trái phép quặng titan ở Thanh Hóa diễn ra rất bừa bãi và phức tạp. Trước kia, khi lượng quặng trong các bãi cát còn nhiều, nên các đơn vị khai thác dễ dàng ở các bãi cát trống không có rừng cây ở ven biển, đến nay khi lượng quặng trong các bãi bồi không còn nhiều, khó khai thác, thì họ phải len lỏi vào rừng phòng hộ, chặt hạ cây cối lấy đất khai thác, đào các hố sâu hoắm để moi quặng, đổ cát thải thành các đụn cát nằm ngổn ngang trong rừng. Chỉ riêng tại xã Quảng Hải (Quảng Xương), trên chiều dài bờ biển chưa đầy 1 km đã có tới hàng chục điểm khai thác.

“Chủ mỏ” là tư nhân không có GPKT mỏ, lực lượng lao động là nông dân làm nghề đi biển và nuôi trồng thủy sản, nên họ sẵn sàng khai thác chỗ nào có nhiều quặng, thu được lợi nhuận cao và nhanh nhất, không hề quan tâm đến những vấn đề môi trường và trật tự trị an nảy sinh (ngày 27/7/2004 đã xảy ra vụ tranh chấp “lãnh địa khai thác quặng” giữa hai “chủ mỏ” hậu quả là ông Uông Ngọc Lợi đã bị đánh chết).

Trong năm 2005, tình hình khai thác quặng trái phép ở Thanh Hóa đã tạm thời lắng xuống, nhưng nguy cơ bùng phát trở lại thì vẫn còn tiềm ẩn và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

- Quảng Bình

Tại Quảng Bình, quá trình tận thu titan diễn ra rất phức tạp tại xã Quảng Đông (Quảng Trạch) và Ngư Thủy (Lệ Thủy) trong các năm 2002 – 2004. Ngay từ đầu chủ trương của tỉnh chỉ cấp GPTT titan đối với đất cát không có cây và rừng phòng hộ với điều kiện doanh nghiệp sau khi khai thác xong phải hoàn trả diện tích và trồng cây. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cơ quan chức năng đã cấp phép vào cả khu vực có cây và rừng phòng hộ, nhiều đơn vị được cấp phép đã tùy tiện chặt cây, phá rừng mở rộng diện tích khai thác, thậm chí khi đã có quyết định thu hồi GPTT của cơ quan chức năng.

Hậu quả là hàng chục hecta rừng phi lao phòng hộ chắn gió, cát có độ tuổi hàng chục năm ở xã Quảng Đông và xung quanh khu nghỉ mát Hòn La đã bị đào bới, sàng lọc, phá nát rừng phi lao già, làm tan hoang cả bãi tắm nên thơ của bãi biển Hòn La. Ở vùng biển Ngư Thủy, Ngư Hòa (Lệ Thủy) hàng chục hecta đất cát ven biển nham nhở các hố đào sâu hoắm, nham nhở nước ngọt trong tầng cát ven biển bị hạ thấp, bị mặn hóa gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của nhân dân trong vùng.

- Quảng Trị

Tại Quảng Trị có 5 đơn vị tham gia khai thác titan, nhưng chỉ có xưởng tuyển tinh của Công ty Cổ phần khoáng sản Quảng Trị là hoạt động liên tục để tuyển ra các sản phẩm cuối cùng riêng rẽ, còn lại ở các đơn vị khác tuy có lắp đặt xưởng tuyển tinh nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên các xưởng này chưa phát huy hết công suất; một lượng đáng kể quặng được xuất ở dạng thô. Nạn tận thu titan ở Quảng Trị đang gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường và tài nguyên. Tại các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Tú (Vĩnh Linh) lúc cao điểm (2003 – 2004) có hàng chục guồng máy hút cát công suất lớn len lỏi trong các cánh rừng dương phòng hộ để “tận thu” titan, trong đó nhiều diện tích không được cấp phép. Hậu quả là rừng phòng hộ ven biển hàng chục năm tuổi đã bị tàn phá nghiêm trọng, riêng biển từ thôn Tân Hòa đến Tân Thuận (dài > 2 km), chỗ nào cũng có hầm hố sâu hoắm không được san lấp chứa đầy rác thải, giẻ lau dính dầu mỡ do khai thác titan để lại. Tại nơi tuyển quặng tinh, sát bờ biển Vĩnh Thái, những dòng nước thải đen ngòm chảy thẳng ra biển, nguồn nước tại đó cũng bị ô nhiễm, môi trường sinh thái, cây trồng, đất đai… đều bị ảnh hưởng.

Mặc dù các đơn vị khai thác và tận thu titan ở Quảng Trị đều có giấy phép khai thác, tuy nhiên hoạt động khoáng sản của các đơn vị đã không theo đúng giấy phép được cấp cả về sản lượng và diện tích khai thác.

Số liệu điều tra cho thấy, riêng năm 2004, Công ty TNHH Thanh Tâm khai thác vượt sản lượng cho phép > 2 lần, Công ty Tín Đạt Thành – 1,31 lần; Công ty Đại Đồng Tiến khai thác ngoài khu được cấp phép 2 ha, phá hủy 1,3 ha đê cát phòng hộ xung yếu của thôn Mạch Nước, Công ty TNHH Thanh Tâm làm bãi thải trên diện tích 0,17 ha tại xã Vĩnh Tú khi chưa có phép, xử lý chất thải chưa đảm bảo yêu cầu, Công ty TNHH Hiếu Giang sử dụng đất tại xã Vĩnh Kim chưa được phép, để một số chất phóng xạ khuếch tán trong khu công nhân làm việc, còn tại Gio Linh, Công ty TNHH Tín Đạt Thành đã phá hủy 1,8 ha trên tổng số 6 ha rừng phòng hộ ven biển trồng từ năm 1990,…

- Quảng Nam

Tại Quảng Nam có 2 công ty (Công ty Kỳ Hà – Chu Lai và Công ty Cổ phần Lương thực Quảng Nam) được cấp phép tận thu titan ở mỏ Duy Hải (Duy Xuyên) và Núi Thành với diện tích được cấp > 70 ha, mặc dù Bộ Công nghiệp (trước đây) chưa bàn giao mỏ cho địa phương và GPTT đã hết hạn từ tháng 12/2004, nhưng đến tháng 11/2005, các công ty vẫn chưa chấm dứt hoạt động. Những tác động môi trường chính do khai thác titan ở Quảng Nam như sau: tại xã Duy Hải, nhân dân địa phương trồng rừng dương chắn cát được hơn 10 năm, nay biến thành trảng cát khô khốc, khi có gió lớn cát bay vào tận nhà dân, vùi lấp cả hoa màu, bãi cát dày đặc những hố sâu hàng chục mét làm hạ thấp mực nước ngầm, làm thiếu nước tưới cho cây màu xung quanh. Trên bờ, hàng ngày xe tải nặng chở quặng xé tan nát đường đất yếu đắp trên nền cát, ngoài bờ sông, nguy cơ sạt lở đất luôn rình rập, đe dọa; tại huyện Núi Thành, Công ty CP lương thực Quảng Nam được cấp phép tận thu đến 12/2004, nhưng đến nay vẫn đang khai thác trái phép suốt dọc bờ biển, Công ty không có xưởng tuyển tinh, nên quặng thô được bán trôi nổi trên thị trường tự do.

- Bình Định

Khu vực Bình Định có 2 khu mỏ đang khai thác là Đề Gi-Cát Khánh và Mỹ Thành.

Tại mỏ Đề Gi-Cát Khánh có 2 đơn vị hoạt động theo GPKT do Bộ Công nghiệp cấp trên diện tích 354 ha. Tại đây, việc khai thác titan và công tác hoàn phục môi trường được thực hiện khá tốt, đảm bảo các yêu cầu đề ra, nên không gây những bức xúc trong dân.

Ngược lại, ở khu mỏ Mỹ Thành, trên diện tích chưa đầy 5 km 2đất cát ven biển xen kẽ trong khu dân cư, đã có 7 đơn vị được cấp GPTT sa khoáng trên diện tích > 115 ha, trung bình mỗi đơn vị chỉ được cấp chưa đầy 20 ha, thậm chí có đơn vị được cấp chỉ 5 ha. Đây có thể được xem là điển hình của việc “xé mỏ to thành các mỏ nhỏ” để tận thu khoáng sản.

Hậu quả là rừng dương chắn cát khá vững chắc của biển Mỹ Thành được trồng từ hơn 20 năm nay bị tàn phá nặng nề. Nước ngầm trong cồn cát bị cạn kiệt dẫn đến đất trồng bị hoang hóa do không đủ nước tưới, dân thiếu nước sinh hoạt. Đường giao thông nông thôn – công trình do “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại làm ăn của người dân, nay bị cày nát do xe tải hạng nặng chở quặng. Ô nhiễm tiếng ồn do máy nổ, xe vận tải cũng là vấn đề hết sức bức xúc do các khu khai thác nằm xen kẽ trong khu dân cư.

Tại Bình Định là 6 xưởng tuyển tinh, trong đó ở Phù Mỹ có 2 xưởng, Mỹ Thành 2 xưởng, Bình Định và sân bay Phù Cát mỗi nơi có một xưởng.

- Khánh Hòa

Năm 2002 tỉnh Khánh Hòa đã cấp > 180 ha đất cát có rừng ở đảo Hòn Gốm cho 9 đơn vị tận thu titan. Phần lớn các đơn vị này đều từ các địa phương khác đến, nên chỉ có 5/9 đơn vị hoạt động đến năm 2004 thì ngừng và đến tháng 2/2005 tất cả các GPTT tài nguyên đã bị thu hồi. Tuy nhiên, đến tháng 8/2005, các đơn vị vẫn chưa chịu tháo dỡ máy móc thiết bị, nhà xưởng và cả công nhân (kể cả người nước ngoài) vẫn nằm chờ để lén lút khai thác quặng.

Quá trình khai thác quặng nơi đây đã phá vỡ quy hoạch du lịch của đảo Hòn Gốm, phá hủy rừng dương chắn cát, làm cạn kiệt nguồn nước ngọt của người dân trên đảo, tài nguyên bị bán ra thị trường tự do dưới dạng thô (cả khu vực không có xưởng chế biến nào) gây lãng phí và thất thoát tài nguyên.

- Bình Thuận

Tại Bình Thuận, quá trình KT&TT titan diễn ra ở 2 khu vực mỏ Bàu Dòi (Hàm Tân) và các mỏ Hồng Thắng, Bình Nhơn, Thiện Ái (Bắc Bình), ngoài ra ở bãi cát ven biển từ TP. Phan Thiết đến huyện Hàm Tân cũng có nhiều đơn vị tổ chức tận thu sa khoáng titan trên diện tích đất được cấp để phát triển du lịch.

Tại mỏ Bàu Dòi diện tích đất được cấp cho 2 đơn vị (Công ty Liên doanh khoáng sản quốc tế Hải Tinh và Công ty TNHH Tân Quang Cường) là 181 ha đến nay đã khai thác hết quặng. Toàn bộ khu mỏ trước đây là rừng phi lao chắn cát của huyện Hàm Tân, sau mấy chục năm khai thác quặng, rừng phi lao đã bị triệt phá hoàn toàn, diện tích trồng mới được khoảng 30% diện tích mỏ với lúp xúp phi lao cao chưa đầy 1m. Diện tích còn lại sẽ không được trồng cây do đã giao hết cho du lịch và theo ý kiến của người trong cuộc thì “đã giao cho du lịch thì không phải hoàn phục môi trường và trồng cây”. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy một dự án nào về du lịch được triển khai, còn mặt đất thì trơ trọi với những hố sâu hàng chục mét xen lẫn các đụn cát cao ngất, khi có gió cát bay mù mịt vào tận khu dân cư ở phía tây cách đó chỉ vài km.

Tại phía Bắc Bình Thuận có 2 đơn vị là Công ty Vật liệu xây dựng và khoáng sản (VLXD&KS) Bình Thuận khai thác ở các mỏ Hồng Thắng, Bình Nhơn và Công ty Cổ phần Thăm dò, Khai thác và Chế biến (CP TDKT&CB) Tài nguyên khai thác ở mỏ Thiện Ái theo GPTT tài nguyên do tỉnh cấp.

Mỏ Hồng Thắng nằm trong diện tích đất cấp cho trồng rừng, nhưng Công ty VLXD&KS Bình Thuận đã khai thác trong 3 năm (2002 – 2004) trên diện tích 48,1 ha. Đến nay đã ngừng hoạt động nhưng thiết bị máy móc chưa tháo dỡ và môi trường chưa được hoàn phục, không trồng cây phủ đất cát, mặc dù diện tích được cấp cho đơn vị này với lý do “tận thu hết quặng để trồng cây”. Ở mỏ Bình Nhơn khai thác dưới mực nước biển và hiện nay đã ngừng khai thác.

Công ty CP TDKT&CB Tài nguyên được cấp GPTT ở mỏ Thiện Ái diện tích 4,6 ha, nằm giữa đường từ Mũi Né đi Bắc Bình và biển, nên quá trình khai thác đến sát vành đai bảo vệ giao thông có thể gây sạt lở bờ biển và đường giao thông.

Ngoài ra, ở Bình Thuận còn có một số đơn vị tham gia tận thu titan ngay trên diện tích được cấp cho phát triển du lịch nằm trên đường ven biển Phan Thiết – Hàm Tân. Với lý do là tận thu khoáng sản để không làm ảnh hưởng đến du lịch, nên các đơn vị này thực chất là tận thu tài nguyên không có giấy phép. Đến nay ở khu vực này trơ trọi cát trắng bị đào bới lỗ chỗ, còn “cơ sở” du lịch thì chỉ là các nhà lá xây tạm để giữ đất.

Tình trạng khai thác titan tại Bình Thuận đã hủy hoại môi trường và gây xáo trộn an ninh vùng ven biển. Toàn bộ diện tích được cấp đều nằm trùng với diện tích đất cho phát triển du lịch hoặc nuôi trồng thủy sản.

4. Kết luận

Quá trình khai thác tận thu sa khoáng titan diễn ra phức tạp, trong thời gian dài đã gây ra tổn thất lớn nguồn tài nguyên khoáng sản, làm mất nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển và ảnh hưởng đến các thành phần môi trường khác, tác động tiêu cực đến trật tự an toàn xã hội đối với vùng cát ven biển miền Trung.

Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do những bất cấp trong quản lý tài nguyên khoáng sản, luật pháp còn nhiều kẽ hở, thiếu các chế tài đủ mạnh và trình độ khoa học công nghệ thấp kém.

Để khắc phục những vấn đề tồn tại và ngăn chặn sự bùng phát trở lại tình trạng lộn xộn trong khai thác sa khoáng titan, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo tình hình khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản titan của các doanh nghiệp gửi Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận. Tài liệu lưu trữ Sở TN &MT các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận.

2. Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”.

3. Các báo cáo địa chất tìm kiếm, thăm dò khoáng sản titan ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Tài liệu lưu trữ Viện Thông tin và Lưu trữ địa chất.

4. Tài liệu khảo sát điều tra về khoáng sản và môi trường các khu mỏ sa khoáng titan ven biển ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Tài liệu lưu trữ Viện Khoa học Vật liệu.

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.
Sơn La: Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước
Ngày 2/4, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước". Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và cơ quan truyền thông địa phương.

Tin mới

Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 05/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hội, các chuyên gia TVPB ở trung ương và tỉnh.
Thúc đẩy hoạt động đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN tại Việt Nam
Sáng ngày 29/4/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội thành phố Hải Phòng đồng chủ trì.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.