Những từ ghép có từ tố chỉ bộ phận cơ thể trong tiếng Việt
1. Trong tiếng Việt, phương thức ghép các từ tố để tạo ra từ ghép là một trong những phương thức quan trọng để tăng vốn từ tiếng Việt.
Từ ghép trong tiếng Việt có hai kiểu: từ ghép song song (chẳng hạn: anh em, bố mẹ, đi đứng, ăn nói, xinh đẹp, tươi trẻ…) và từ ghép chính phụ ( chẳng hạn: bóng đá, cà chua, dễ tính, khó nói, làm duyên, xe máy…).
2 Bài viết này đi sâu tìm hiểu những từ ghép có một hoặc cả hai từ tố chỉ bộ phận cơ thể (BPCT) như: chân, tay, mắt, mặt, tim, gan, đầu, óc, da, thịt, máu, xương….
2.1 Ở kiểu từ ghép song song có sự kết hợp của hai từ tố vốn là các từ chỉ BPCT như : bụng + dạ = bụng dạ, chân + tay = chân tay, đầu + óc = đầu óc, đầu + tóc = đầu tóc, da + thịt = da thịt, mặt + mũi = mặt múi, máu + xương = máu xương, máu + thịt = máu thịt…
Đó là xét về phương diện cấu trúc.
Sau đây là ý nghĩa của một số từ ghép kiểu này trong tiếng Việt.
Từ bụng dạcó hai nghĩa: 1. Bộ máy tiêu hoá gồm có dạ dày, ruột… (nói khái quát); 2. Bụng và dạ của con người, coi là biểu tượng của ý nghĩa sâu kín, không bộc lộ ra, đối với người, với việc nói chung.
Từ đầu óccó các nghĩa như sau: 1. Đầu của con người, coi là biểu tượng của khả năng nhận thức, suy nghĩ. Ý thức, tư tưởng chủ đạo ở mỗi người.
Từ mặt mũicũng có hai nghĩa: 1. Mặt của con người nhìn một cách tổng quát; 2. (khẩu ngữ, dùng trong câu có ý phủ định) Thể diện.
Qua một số ví dụ trên có thể thấy trong hai nghĩa của các từ bụng dạ, đầu óc, mặt mũi thì nghĩa 1 luôn là nghĩa đen, tức là nghĩa nói đến các BPCT. Đó là nghĩa gốc, nghĩa cơ bản của các từ ghép trên, mặc dù ở một mức độ nào đó, ý nghĩa của các từ này đã có tính khái quát hơn.
Ngoài nghĩa đen (ý nghĩa định danh biểu vật) là chỉ các BPCT, các từ ghép trên còn có nghĩa bóng (ý nghĩa biểu tượng) là nghĩa được trừu tượng hoá các nghĩa đen của BPCT như: “ý thức, tư tưởng”, “ý nghĩ sâu kín”, “thể diện”… của con người. Trong từ điển, nghĩa bóng thường là nghĩa thứ 2 của các từ ghép nói trên.
Tuy nhiên, những từ ghép song song như trên có số lượng không nhiều (chỉ khoảng ba chục từ). Và vì các từ chỉ BPCT đều là danh từ nên các từ ghép song song đều là danh từ.
2.2 Trái với các từ ghép song song, các từ ghép chính phụ có một từ tố là từ chỉ BPCT lại có số lượng khá lớn và cũng khá phong phú về đặc điểm của cấu trúc cũng như về nội dung ý nghĩa.
2.2.1 Về đặc điểm cấu trúc
a) Từ ghép chính phụ là danh từ
Đây là những từ ghép có sự kết hơn của một số từ tố là chỉ BPCT với một từ tố khác. Những từ tố kết hợp với từ tố chỉ BPCT vốn là một từ đơn thuộc từ loại danh từ, động từ hoặc tính từ.
- Từ ghép chính phụ có một từ tố vốn là danh từ: bị + thịt = bị thịt, bia + miệng = bia miệng, mặt + mẹt = mặt mẹt, mặt + mo = mặt mo, chân + gỗ = chân gỗ….
- Từ ghép chính phụ có một từ tố vốn là động từ: máu + ghen = máu ghen, máu + tham = máu tham….
- Từ ghép chính phụ có một từ tố vốn là tính từ: đầu + xanh = đầu xanh, mặt + xanh = mặt xanh, mặt + dày = mặt dày, máu + nóng = máu nóng, tay + trắng = tay trắng….
Trong tiếng Việt, những từ ghép kiểu này cũng có số lượng không nhiều lắm. Về vị trí của từ tố là từ chỉ BPCT: có thể là từ tố thứ nhất trong từ ghép chính phụ ( chân gỗ, đầu xanh, mắt xanh, mặt dày…) hoặc cũng có thể là từ tố thứ hai trong từ ghép chính phụ ( bị thịt, bia miệng…)
b) Từ ghép chính phụ là động từ
Đây là kiểu từ ghép chính phụ mà mô hình cấu trúc luôn có trật tự thống nhất: từ tố chính chỉ động tác đứng trước (là từ tố thứ nhất), từ tố phụ là danh từ chỉ BPCT đứng sau (là từ tố thứ hai).
Ví dụ : bạt + tai = bạt tai, bắt + mắt = bắt mắt, biết + thân = kết thân, cáu + sườn = cáu sườn, cắm + sừng = cắm sừng, để + bụng = để bụng, ngứa + mắt = ngứa mắt, mửa + mật = mửa mật, rửng + mỡ = rửng mỡ, sôi + gan = sôi gan, phóng + tay = phóng tay…
Một đặc điểm đáng chú ý là có nhiều từ tố chỉ động tác có thể kết hợp với nhiều từ tố là từ chỉ BPCT khác nhau.
Chẳng hạn: bóp bụng, bóp cổ, bóp họng, bóp miệng, bóp mồng, bóp mũi, bóp óc, bóp trán.
- Ngứa gan, ngứa mắt, ngứa miệng, ngứa mồm, ngứa tai, ngứa tay, ngứa tiết.
c) Từ ghép chính phụ là tính từ
Ở kiểu từ ghép chính phụ này, trật tự của các từ tố trong mô hình cấu tạo cũng luôn cố định: từ tố chính vốn là tính từ đứng trước (là từ tố thứ nhất) từ tố phụ chỉ BPCT đứng sau (là từ tố thứ hai).
Ví dụ: ấm + đầu = ấm đầu, bạo + gan = bạo gan, cao + tay = cao tay, dẻo + mồm = dẻo mồm, đẹp + mắt = đẹp mắt, già + họng = già họng, khát + máu = khát máu, mỏng + môi = mỏng môi, nặng + tai = nặng tai, tốt + bụng = tốt bụng…
Trong số các từ tố chỉ tính chất tiếng Việt kết hợp với các từ chỉ BPCT cũng có một số từ có thể kết hợp với nhiều từ chỉ BPCT khác nhau:
Chẳng hạn : - mát dạ, mát lòng, mát mắt, mát mặt, mát ruột, mát tay.
- nóng gáy, nóng lòng, nóng mắt, nóng mặt, nóng ruột, nóng tiết.
2.2.2 Về đặc điểm ngữ nghĩa
Như đã biết, các từ ghép song song có từ tố chỉ BPCT, ở nghĩa 1, dù là nghĩa khái quát nhưng vẫn đề cập đến các BPCT.
Chẳng hạn: đầu não: đầu óc con người.
đầu óc: đầu của con người.
mặt mày: mặt của con người, nhìn một cách tổng quát…
Còn ở các từ ghép chính phụ, dấu ấn của các từ tố là chỉ BPCT khá mờ nhạt.Có thể nói các từ chỉ BPCT đã bị tan biến, chuyển hoá theo nghĩa của các từ tố chỉ động tác hoặc tính chất đứng trước (là từ tố chính), để chỉ các động tác hoặc đặc điểm, tính chất…
a) Ngữ nghĩa của các động từ có từ tố chính chỉ BPCT
Để hiểu ngữ nghĩa của các động từ ghép có các từ tố là từ chỉ BPCT, ta hãy xét nhóm động từ ghép bóp bụng, bóp cổ, bóp họng, bóp miệng, bóp mồm, bóp mũi, bóp óc, bóp trán…
Ở các từ ghép trên, có một số từ tố chung là bóp. Trong tiếng Việt, động từ bópcó các nghĩa như sau: Nắm và siết mạnh trong lòng bàn tay hoặc giữa các ngón tay; 2. Làm phát ra tiếng kêu bằng động tác bóphoặc ấn, kéo; 3. Thắt co lại, thắt lại.
Tuy nhiên, khi bóp kết hợp với các từ chỉ BPCT để tạo ra các từ ghép thì hầu như các nét nghĩa cụ thể như trên của động từ bópkhông còn nữa. Dưới đây là nghĩa của các từ ghép khi bópkết hợp với các từ tố chỉ BPCT:
- Bóp bụng: 1. Hết sức dè xẻn trong việc ăn tiêu; 2. Hết sức nhịn nhục, dằn lòng.
- Bóp cổ(như bóp họng): Hà hiếp tàn nhẫn; bóc lột thậm tệ.
- Bóp miệng(như bóp mồm): Hết sức dè xẻn trong việc ăn uống, bóp bụng.
- Bóp mũi: Bắt nạt một cách dễ dàng.
- Bóp óc(như bóp trán): Cố sức suy nghĩ một cách vất vả.
Đặc điểm ngữ nghĩa trừu tượng như trên của các động từ ghép có một từ tố chỉ BPCT còn tìm thấy ở nhiều nhóm động từ ghép khác. Chẳng hạn: nhóm động từ ghép: biết tay, biết thân, biết thóp;nhóm động từ ghép: ngứa gan, ngứa mắt, ngứa miệng, ngứa mồm, ngứa tai, ngứa tiết…
Tóm lại, khi ghép một từ tố chỉ động tác với một từ chỉ BPCT thì ý nghĩa của các từ ghép đã trở nên trừu tượng hơn. Các từ chỉ BPCT khi tham gia cấu tạo từ ghép cũng không còn nghĩa là BPCT. Cả hai từ tố (một chỉ động tác, một chỉ BPCT) như hoà quyện vào nhau để rồi tái sinh trong một nghĩa mới trừu tượng hơn, khái quát hơn.
b) Ngữ nghĩa của các tính từ có từ tố chỉ BPCT
Muốn tìm hiểu đặc điểm ngữ nghĩa của các tính từ ghép có từ tố chỉ BPCT, hãy xét nhóm tính từ ghép mát dạ, mát mắt, mát mặt, mát lòng, mát ruột, mát tay.
Trước hết hãy tìm hiểu nghĩa của tính từ mát.
Trong tiếng Việt, từ mátcó nghĩa như sau: 1. Có nhiệt độ vừa phải, không nóng nhưng cũng không lạnh, gây cảm giác dễ chịu; 2. Có cảm giác khoan khoái dễ chịu, không nóng bức; 3. Có tác dụng làm cho cơ thể không bị nhiệt, không bị rôm sảy, mụn nhọt; 4. (thường dùng phụ sau động từ, trong một số tổ hợp) có vẻ như dịu nhẹ, nhưng thật ra là mỉa mai, chê trách, hờn dỗi.
Nhưng khi kết hợp mátvới các từ chỉ BPCT thì ý nghĩa của các tính từ ghép hầu như thoát khỏi các nét nghĩa của tính từ mát. Và mối liên hệ về nghĩa giữa tính từ mátvới các từ chỉ BPCT cũng không trực tiếp và cụ thể nữa. Sau đây là nghĩa của một số tính từ ghép có một từ tố là mátvà một từ tố là từ chỉ BPCT.
- Mát dạ(như mát lòng): Hả hê, vui thích trong lòng do được thoả ý.
- Mát êăjt: Có cảm giác dễ chịu, ưa thích khi nhìn đến, do tác động của ánh sáng và sắc mầu êm dịu.
- Mát mắt: 1. Cảm thấy có phần dễ chịu về mặt đời sống vật chất; 2. Cảm thấy có sự hài lòng về mặt tinh thần trước mặt những người khác.
- Mát tay: (Người) thường dễ đạt được kết quả tốt, dễ thành công trong công việc làm cụ thể (như chữa bệnh, chăn nuôi, v.v…).
Tìm hiểu ý nghĩa của nhiều nhóm tính từ khác như nhóm từ ghép nóng nảy, nóng lòng, nóng mắt, nóng mặt, nóng ruột, nóng tiếthoặc nhóm tính từ ghép nhanh chân, nhanh mắt, nhanh mồm, nhanh miệng, nhanh tay…ta cũng thấy đặc điểm ngữ nghĩa trừu tượng, có tính biểu trưng của những nhóm từ kiểu này.
3. Tóm lại, các từ chỉ BPCT là một bộ phận không thể thiếu trong vốn từ cơ bản tiếng Việt. Ngoài ý nghĩa chỉ BPCT, các từ chỉ BPCT còn có vai trò quan trọng trong việc tham gia cấu tạo các từ ghép với tư cách là từ tố, góp phần làm phong phú thêm kho tàng từ vựng tiếng Việt.
Việc xem xét đặc điểm cấu tạo và đặc điểm ngữ nghĩa của các từ ghép có từ tố chỉ BPCT là công việc cần thiết và lí thú. Đây là một trong những lớp từ mang đậm nét ngôn ngữ - văn hóa trong từ vựng tiếng Việt.
Tài liệu tham khảo
(1) Nguyễn Tài Cẩn (1977) - Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Đại học và THCN, Hà Nội.
(2) Nguyễn Thiện Giáp (1985) - Từ vựng học tiếng Việt, Nxb Đại học và THCN, Hà Nội.
(3) Trịnh Đức Hiển (2006) - Từ vựng tiếng Việt thực hành, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
(4) Hồ Lê (1976) - Vấn đề cấu tạo từ của tiếng Việt hiện đại, Nxb KHXH, Hà Nội.
(5) Hoàng Phê (chủ biên, 2003) - Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng.