Những thách thức với nông nghiệp thế giới hiện nay và trong tương lai
- Tăng dân số;
- Tổn thất tài nguyên thiên nhiên như tổn thất đa dạng sinh học, thoái hóa màu mỡ của đất, thiếu nước và giảm chất lượng nước ngọt.
- Biến đổi khí hậu.
Loài người đang trông chờ câu trả lời trên thực tế mà nông nghiệp sẽ giải quyết các vấn đề trên.
Tăng dân số
Dân số trên thế giới vẫn tiếp tục tăng trong 50 tới.
Theo tài liệu của Cơ quan Dân số Liên hợp quốc, dân số thế giới năm 2010 là khoảng 7 tỷ người và đến năm 2050 là 9 tỷ người. Biểu dồ trong hình 1.9 mô tả sự tăng dân số từ năm 1950 đến năm 2050.
Lương thực nuôi sống nhân loại vốn là mối quan tâm từ xưa tới nay của con người. FAO ước tính trong bốn thập niên tới, số dân thế giới sẽ tăng thêm khoảng 2,3 tỷ người. Để đáp ứng nhu cầu của 9 tỷ người vào năm 2050, lượng lương thực sẽ cần nhiều hơn 70% so với sản lượng lương thực hiện nay của thế giới. Trong khi đó, những năm tới đây hệ thống sản xuất lương thực toàn cầu phải đương đầu những thách thức đang tăng lên do tình trạng biến đổi khí hậu, có thể làm giảm 30% sản lượng nông nghiệp ở châu Phi, 21% ở các nước đang phát triển nói chung cùng với mối đe dọa về dịch bệnh trên cây trồng mà sản phẩm dùng làm lương thực cho người, nguồn cung cấp chính về năng lượng và chất bột trong khẩu phần thức ăn cho toàn dân số trên thế giới, có thể cho sản lượng kịp thời yêu cầu đang đặt ra hay không?
Tổn thất tài nguyên thiên nhiên
Sản xuất nông nghiệp thế giới đang phải đối mặt với những thách thức to lớn, nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp để nuôi sống nhân loại tăng, trong khi đó hai yếu tố quan trọng của sản xuất nông nghiệp là đất và nước đang bị suy giảm nghiêm trọng.
Tài nguyên đất của thế giới hiện đang bị suy thoái nghiêm trọng do xói mòn, rửa trôi, bạc màu, nhiễm mặn, nhiễm phèn và ô nhiễm đất, biến đổi khí hậu. Khoảng 2/3 diện tích nông nghiệp trên thế giới đã bị suy thoái nghiêm trọng trong 50 năm qua do xói mòn rửa trôi, sa mạc hóa, chua hóa, mặn hóa, ô nhiễm môi trường, khủng hoảng hệ sinh thái đất. Khoảng 40% đất nông nghiệp đã bị suy thoái mạnh hoặc rất mạnh, 10% đất có tiềm năng nông nghiệp bị sa hóa do biến động khí hậu bất lợi và khai thác sử dụng không hợp lý. Thoái hóa môi trường đất có nguy cơ làm giảm 10 - 20% sản lượng lương thực thế giới trong 25 năm tới, diện tích tự nhiên và đất canh tác trên mỗi đầu người càng giảm do áp lực tăng dân số, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh, ở nhiều quốc gia khu vực châu Á, Thái Bình Dương là dưới 0,15 ha, ở Việt Nam chỉ còn 0,11 ha. Theo tính toán của Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO), với trình độ sản xuất trung bình hiện nay trên thế giới, để có đủ lương thực, thực phẩm, mỗi người cần có 0,4 ha đất canh tác. Ước tính cở Việt Nam, hàng năm giảm 5m2 đất canh tác/ người.
Nước ngọt được coi là yếu tố quan trọng đối với hiệu quả sử dụng đất và tính ổn định của năng suất cây trồng. Trước đây người ta vẫn có quan niệm nước ngọt là nguồn tài nguyên tái tạo, nhưng trên thực tế quan niệm đó chưa phải là hoàn toàn đúng. Hiện nay việc cung cấp nước ngọt và sạch trên thế giới đang từng bước giảm đi. Nhu cầu nước đã vượt cung ở một vài nơi trên thế giới, trong khi dân số thế giới vẫn đang tiếp tục tăng làm cho nhu cầu nước càng tăng.
Liên Hợp quốc vừa đưa ra cảnh báo, do dân số tăng, biến đổi khí hậu, do sử dụng nước lãng phí trên thế giới sẽ lâm vào tình trạng thiếu nước vào năm 2025 trong khi nhu cầu về nước trong nông nghiệp ngày càng tăng như sự thâm canh tăng vụ và mở rộng diện tích đất gieo trồng cũng đòi hỏi một lượng nước ngày càng cao. Theo một tính toán của Huỳnh Thu Hòa và Võ Văn Bé đăng trên trang web Vietsciences, trong tương lai do thâm canh nông nghiệp mà dòng chảy cả năm của các con sông trên toàn thế giới có thể giảm đi khoảng 700 km3/ năm. Phần lớn nhu cầu về nước được thỏa mãn nhờ mưa ở vùng có khí hậu ẩm, nhưng cũng thường được bổ sung bởi nước sông hoặc nước ngầm bằng biện pháp thủy lợi nhất là vào mùa khô. Người ta ước tính được mối quan hệ giữa lượng nước sử dụng với lượng sản phẩm thu được trong quá trình canh tác như sau: để sản xuất 1 tấn lúa mì cần đến 1.500 tấn nước, 1 tấn gạo cần đến 4.000 tấn nước và 1 tấn bông vải cần đến 10.000 tấn nước.
Trong khi mở rộng diện tích tưới tiêu, cần đồng thời sử dụng ít nước hơn. Chìa khóa để giải được bài toán này nằm trong kỹ thuật tiết kiệm nước giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nước và giữ ẩm cho đất. Tổng giám đốc FAO, Jacques Diouf nhận định: cách chúng ta xử lý những thách thức trên sẽ quyết việc chúng ta sẽ “nuôi sống” thế giới trong tương lai.
Trong Cách mạng xanh ở châu Á những năm cuối thế kỷ XX, bằng biện pháp thâm canh đã làm tăng sản lượng ngũ cốc tại đây gấp đôi từ năm 1970 đến năm 1995, trong khi tổng diện tích đất canh tác chỉ tăng 4%, tuy nhiên việc thâm canh trong nông nghiệp để lại những hậu quả cho môi trường. Thâm canh trong nông nghiệp trong thời gian qua có mặt tốt là bảo vệ được rừng, đất ngập nước, đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái mà chúng đưa lại. Nhưng cũng gây ra một số vấn đề có hại về môi trường như sử dụng quá mức và không phù hợp các loại hóa chất gây ô nhiễm nguồn nước, độc hại con người, đảo lộn hệ sinh thái, lãng phí nước sẽ gây khan hiếm nước, tăng việc khai thác không bền vững nước ngầm và thoái hóa đất.
Tại những vùng sản xuất nông nghiệp khác trên thế giới không áp dụng biện pháp thâm canh mà áp dụng biện pháp quảng canh cũng gây ra nhiều vấn đề môi trường khác trong đó chủ yếu là sự suy thoái và mất rừng, đất ngập nước. Người ta tính rằng hằng năm có khoảng 13 triệu ha rừng bị suy thoái hoặc biến mất do sản xuất nông nghiệp, có khoảng 10% đến 20% đất khô là do suy thoái đất (hoặc sa mạc hóa) (nguồn đánh giá hệ sinh thái thiên niên kỷ xuất bản năm 2005). Suy thoái tài nguyên thiên nhiên tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp tương lai.
Sự biến đổi khí hậu
Hiểm họa biến đổi khí hậu toàn cầu đã được Liên Hợp quốc quan tâm, thể hiện qua việc đưa ra Nghị định Kyoto (1997) nhằm giảm khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính, đẩy nhanh tốc độ nóng lên của khí hậu, mà nguyên thủ 165 nước, trong đó có Việt Nam, đã phê chuẩn. Hội nghị quốc tế do Liên hợp quốc triệu tập tại Rio de Janeiro năm 1992 đã thông qua HIệp định khung và Chương trình hành động quốc tế nhằm cứu vãn tình trạng “xấu đi” nhanh chóng của bầu khí quyển Trái đất, vốn được coi là nguyên nhân chủ yếu của sự tăng hiểm họa.
Băng tan và nhiệt độ tăng làm nở thể tích trung bình của nước được coi như hai nguyên nhân chính dẫn đến mực nước đại dương cao dần lên, làm tràn ngập các đồng bằng thấp ven biển. Báo cáo của IPCC, do hàng chục nhà khoa học soạn thảo và hơn 2000 nhà khoa học từ 130 quốc gia tham gia đóng góp ý kiến, đưa ra dự báo: đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ bề mặt Trái đất sẽ tăng thêm từ 1,4 đến 4 0C, mực nước biển sẽ dâng thêm khoảng 28 - 43 cm.
Sự biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra sẽ gây tổn thất lớn đến nông nghiệp và sự thay đổi nhiệt độ, mưa, thay đổi khí hậu cạn kiệt nước mặt. Theo dự tính của các chuyên gia nông nghiệp của Ngân hàng thế giới nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng từ 1 - 3 độ C ở các vùng nhiệt đới thì sản lượng gạo và lúa mì giảm đáng kể vì cây trồng đã đến ngưỡng của chịu nhiệt trong trường hợp nóng lên 3 0C thì thiệt hại lớn hơn, sản lượng lúa mì và ngô có thể giảm từ 20 - 40%. Đây chỉ nói thiệt hại về sản lượng do tăng nhiệt độ chưa nói đến thiệt hại về sản lượng do lũ lụt.
Sản xuất nông nghiệp tăng trong tương lai chỉ có được từ tăng sản lượng một cách bền vững và kỹ thuật canh tác được cải thiện, chứ không phải nhờ tăng diện tích đất canh tác. Nông dân cũng cần được đào tạo tốt hơn để nắm bắt công nghiệp, phương pháp canh tác mới…
Chúng ta sẽ lần lượt điểm qua những quan điểm của các nhà nghiên cứu trên thế giới về phát triển nông nghiệp trong tương lai.
Trước hết cần nhận rõ vai trò đa chức năng của nông nghiệp.
Muốn phát triển tốt nông nghiệp trong thời gian tới trước hết cần nhận rõ vai trò đa chức năng của nông nghiệp. Nhận thức đối với chức năng nông nghiệp cũng phát triển theo sự phát triển thực tiễn của nông nghiệp thế giới.
Ngày nay nông nghiệp được thế giới coi là một lĩnh vực đa chức năng (multifunctional). Khái niệm đa chức năng của nông nghiệp mới xuất hiện gần đây với hàm ý là phải nhìn nhận nông nghiệp và mối quan hệ gắn kết với các yếu tố kinh tế, xã hôi, môi trường.
Trước hết nông nghiệp là một hoạt động kinh tế, đóng góp cho sự phát triển kinh tế các quốc gia; nó là một ngành mà đang tạo sinh kế cho 86% người dân sống ở nông thôn và sơ bộ tính vào khoảng 40% nhân loại đang dựa vào nông nghiệp làm sinh kế cho mình.
Phát triển nông nghiệp liên quan đến sự bình đẳng xã hội của nhiều quốc gia. Theo số liệu của ngân hàng thế giới, ba phần tư số người nghèo tại các nước đang phát triển đang sống ở nông thôn. Tại nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi, việc gia tăng nhanh chóng khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn và tiếp diễn cảnh nghèo đói cùng cực ở nông thôn là nguyên nhân chính gây ra căng thẳng về chính vị và xã hội. Chỉ riêng nông nghiệp chưa đủ để giảm nghèo diện rộng nhưng nó vẫn chứng minh được thế mạnh có một không hai trong giảm nghèo.
Việc phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường ngày càng liên quan chặt chẽ với nhau, sản xuất nông nghiệp mà tàn phá môi trường thì không thể phát triển nông nghiệp bền vững.
Tính chất đa chức năng của nông nghiệp đòi hỏi chúng ta không chỉ xem xét nông nghiệp với những chỉ tiêu sản lượng, sản xuất bao nhiêu tấn lương thực… Tất nhiên những chỉ tiêu đó rất quan trọng, nhưng còn xem xét cả việc xóa đói giảm nghèo, việc bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Tính chất đa chức năng được trình bày trong một sơ đồ minh họa trong báo cáo nông nghiệp toàn cầu với đầu đề Nông nghiệp đang tại ngã ba đường (Agriculture at a cross roads) của tổ chức Đánh giá quốc tế về kiến thức nông nghiệp, khoa học và công nghiệ cho phát triển (International Assesment of Agricultural Knowledge, Science and Technology for Development viết tắt là IAASTD) (xem hình 1.10).
Bản báo cáo dày trên 500 trang do hàng trăm chuyên gia trên thế giới tham gia chuẩn bị đã được một hội nghị liên chính phủ họp tại Johanesburg tại Nam Phi thông qua ngày 7 - 4 - 2008. Chủ đề chính của báo cáo là nhận xét những tác động của kiến thức nông nghiệp, khoa học và công nghệ đối với nông nghiệp trên các lĩnh vực: giảm đói nghèo; cải thiện cuộc sống nông thôn, sức khỏe con người; phát triển bền vững về kinh tế, hài hòa cân bằng xã hội và cân bằng với môi trường đã đặt vấn đề phát triển nông nghiệp thế giới tương lai cần có những thay đổi.
Theo IAASTD, đa chức năng được sử dụng để thể hiện sự liên kết mang tính tất yếu những vai trò khác nhau của chức năng nông nghiệp đối với nhân loại. Khái niệm đa chức năng công nhận nông nghiệp là một hoạt động đa dạng đầu ra không chỉ sản lượng hàng hóa (thực phẩm, thức ăn, sợi, dầu, các sản phẩm dược liệu và cây cảnh), vẫn còn sản phẩm đầu ra phi hàng hóa như dịch vụ môi trường, cảnh quan và tiện nghi, di sản văn hóa.
Thế giới cần lương thực! đây là một trong những khó khăn loài người phải khắc phục để đạt được sự tồn tại và phát triển từ xưa tới nay và từ nay về sau. Sản xuất lương thực phải có những cải tiến so với trước đây phải sản xuất lương thực bền vững, phải đảm bảo các thế hệ tiếp theo sau cũng có thể sản xuất đủ lương thực.
Nông nghiệp cũng là yếu tố chủ yếu tác động dến hệ sinh thái như nguồn nước ngọt, thải cacbon ra khí quyển. Xây dựng hệ thống nông nghiệp bền vững hơn về môi trường cũng đòi hỏi giảm tác động không tốt của hệ thống canh tác với hệ sinh thái.
Sự phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào quản lý hiệu quả nhiều phụ thuộc lẫn nhau về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đất, nước, năng lượng.
Trên cơ sở của việc nhận rõ tính chất đa chức năng của nông nghiệp mà có các biện pháp phát triển nông nghiệp cho phù hợp với tình hình mới.
Việc nhận thức tính chất đa chức năng của nông nghiệp cũng phù hợp với quan điểm của thế giới về phát triển bền vững; phát triển không chỉ là tăng trưởng kinh tế. Phát triển bền vững bao gồm 3 loại mục tiêu: mục tiêu về kinh tế với những chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, hiệu quả kinh tế, ổn định kinh tế,…. mục tiêu về xã hội với các chỉ tiêu về việc làm đầy đủ, công bằng xã hội… mục tiêu về môi trường với việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên có tái tạo được, bảo tồn các tài nguyên không tái tạo được. Theo định nghĩa của Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc năm 1987 thì phát triển bền vững là đáp ứng được các nhu cầu của hiện tại mà không gây hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.