Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Chủ nhật, 23/12/2007 23:13 (GMT+7)

Những quan niệm sai lầm về tượng đài ở Việt Nam

Tượng đài là để tưởng niệm chiến tranh

Chức năng của tượng đài, theo qui định của Bộ Văn hoá - Thông tin ngày 29-3-2000 là: ‘Tượng đài là công trình văn hoá nghệ thuật biểu hiện nội dung tư tưởng và tinh thần thời đại, mang hình thái xã hội đương thời, được thể hiện bằng chất liệu bền vững, là bộ phận cấu thành của không gian kiến trúc, đô thị và cảnh quan thiên nhiên, có quy mô và hình thức nghệ thuật hoành tráng, tác động đến hình thức của xã hội ’. Tôi xin bổ sung thêm vài ý : tượng đài đánh dấu những sự kiện có tính lịch sử và xây dựng những biểu tượng cho một vùng miền hoặc một quốc gia, hoặc những con người có công với đất nước. Một công trình tượng đài phải có khả năng truyền cảm, nhắc nhở cũng như khơi gợi lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và cảm xúc thẩm mỹ cho những người quan sát. Tượng đài phải có khả năng duy trì trong vài thế kỷ và có thể tác động vào nhiều thế hệ tính tích cực của nó. Song phần lớn tượng đài Việt Nam chung một chủ đề lớn, đó là chiến tranh. Điều này cũng có lý vì chúng ta gần như không ngừng nghỉ đấu tranh chống ngoại xâm suốt bao thế kỷ. Thế giới biết đến Việt Nam cũng qua chiến tranh. Tuy nhiên, xin hỏi, cái gì gây cảm xúc cho điêu khắc ? Xin thưa, đó là con người, hay nói đúng hơn, đó là hình tượng con người. Trong bất cứ giai đoạn nào của lịch sử cũng xuất hiện những con người, hoặc những lớp người tích cực, họ tạo nên lịch sử. Và tại sao chúng ta không xây dựng hình tượng của họ? ở các nước, sự lựa chọn một nhân vật để dựng tượng cũng rất đa dạng. Đó có thể là một ngài thị trưởng, một người lính cứu hoả. Bất kể ai nếu như họ có công lớn hoặc thể hiện được đức tính quý của con người. Tôi có dịp lang thang ở Stockholm một buổi chiều chạng vạng và giật mình khi suýt va vào một người công nhân môi trường đang đẩy nắp cống để đi lên. Thực ra đó là một bức tượng. Không những vậy, theo tôi nó có tính chất của một bức tượng đài (một bức tượng đài không có đài). Vì nó tôn vinh con người, ca ngợi một ngành nghề. Nó đã đẩy lùi khoảng cách giữa các tầng lớp xã hội. Đó, tượng đài nhiều khi chỉ đơn giản vậy thôi. Thậm chí có nơi họ dựng tượng cả động vật, những con vật cứu người như chó, ngựa... Đi dọc tuyến đường Bắc Nam , cứ đến mỗi tỉnh lại có một cổng chào hay tượng đài chào đón quý khách. Những cổng chào chắp vá các biểu tượng dân tộc và chiến đấu, na ná giống nhau. Chúng ta quên mất văn hoá vùng miền mỗi nơi mỗi khác. Và tại sao lại không quảng bá văn hoá vùng đó. Ví dụ tỉnh Bắc Ninh nên xây dựng hình tượng liền anh liền chị Quan họ mời trầu quý khách. Như vậy tính đặc sắc của văn hoá vùng miền được khắc hoạ khá rõ, và rất dễ gợi ý cho tính nghệ thuật ở bức tượng.... Ở Việt Nam , tượng công nông binh quá nhiều song danh nhân văn hoá lại quá ít. Ngay cả các sự kiện lịch sử cũng chỉ biết tôn vinh chiến thắng.

Theo tôi, nên đa dạng hoá chủ đề khi xây dựng tượng đài, không nhất thiết phải là những con người thời chiến. Chúng ta tự hào về nước Việt Nam ngàn năm văn vật, song, nếu không lầm, cái để chọn tôn vinh lại chỉ loanh quanh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hãy mở rộng biên độ thời gian cả về quá khứ và hiện tại. Hãy tôn vinh những con người bình dị nhưng là tấm gương sáng. Có thể họ còn có sức truyền cảm mạnh hơn tới thế hệ trẻ.

Tượng đài phải hoành tráng

Tiêu chí này được khẳng định ở văn bản của Bộ Văn hoá - Thông tin. Đó là một tiêu chí đúng đắn. Song chúng ta đã hiểu sai về khái niệm hoành tráng; cho rằng nó có nghĩa là to tát, lớn lao, và phải thể hiện được sức mạnh. Vậy chúng ta cứ phải tìm những sự kiện hào hùng, vang dội và cố gắng thể hiện một quần thể có thế dáng động, vươn lên phía trước. Nếu là một nhân vật lịch sử tất phải là vua, tướng quốc. Do đó mọi dự án tượng đài đều có chi phí lớn và đều là những công trình tầm cỡ...

Tượng đài có thể hoành tráng, nhưng tính hoành tráng không phải nằm ở hình thức mà ở sức mạnh bên trong. Hoành tráng còn phụ thuộc vị trí và cảnh quan. Ngay cả khái niệm ”động” cũng đừng hiểu thô thiển là phải cầm vũ khí vung lên. ”Động” là thể hiện được sự sống động của con người, có thần khí ở bên trong. Nhiều tượng ở Việt Nam tuy ra oai nhưng vô hồn, không tự nhiên. Vì sao? Vì muốn có dáng động thì các trục cổ, vai, thân phải khác hướng nhau, như thế mới tạo ra thế linh hoạt, uyển chuyển. Hầu hết các trục nhân vật của tượng đài Việt Nam đều cùng hướng, nên vung tay cũng vô ích. Taylà chi tiết phụ nhất trong một thế dáng. Nhiều tượng không cần có tay mà vẫn đẹp, vẫn động (vệ nữ Milo, Thần tự do,...).

Tôi không phủ nhận sự đồ sộ những công trình đã được xây dựng ở Việt Nam , vì đúng là phải cần những điểm nhấn quan trọng trong cảnh quan thành phố. Song khi mà tính chuyên nghiệp còn non kém, cả vấn đề kỹ thuật và mỹ thuật (như nhiều ý kiến từ các phương tiện truyền thông đại chúng), vấn đề kinh phí càng lớn thì tượng càng ”hoành tráng” càng dễ bị nhấn chìm vào những sai lầm không thể chấp nhận về chất lượng chung. Vậy nên chăng đã đến lúc phải triển khai những công trình có qui mô nhỏ hơn. Và vì thế, không gian đặt tượng đài không còn là vấn đề lớn. Chỉ cần vị trí như các bùng binh đặt ở các quảng trường là đủ cho một tượng đài cỡ nhỏ. Các vườn hoa nhỏ, các đài phun nước cũng có thể đặt tượng. Nói tới đây, chắc nhiều nhà điêu khắc sẽ cười: ”khờ quá, tượng nhỏ thì tiền ít, sao đủ giải ngân”. Đó là một cách biện minh đáng xấu hổ. Hãy chi số tiền 15 tỷ (ví dụ thế) của dự án một công trình nào đó vào 10 công trình nhỏ, tất nhiên vẫn trong một dự án tổng thể, như vậy tổng chi vẫn thế. Có thể tiến hành dự án theo chủ đề, ví dụ đợt này sẽ làm 10 danh nhân văn hoá tiêu biểu của Việt Nam , được đặt ở các tỉnh khác nhau. Đợt sau sẽ là tượng các hiệu trưởng đầu tiên của các trường đại học...

Tượng đài phải có phong cách riêng

Không cần nói, ai cũng phát hiện ra các tượng đài ở Việt Nam có phong cách tương đối giống nhau. Vậy đó là phong cách gì? Trừ gương mặt, còn hình dáng các nhân vật đều có dáng vẻ chắc nịch, các khối được phạt mảng, các nếp quần áo được cách điệu, giản lược, hơi trang trí, giống như mặc áo bằng bìa cứng hoặc kim loại. Có thể gọi là phong cách khoẻ hoá. Chắc đó cũng là logic với quan niệm về sự hoành tráng nói trên. Nhưng xin đừng nhầm các tượng đài ở Việt Nam là hiện thực, vì nó đâu có giống người. Hãy cho bất cứ ai đứng cạnh tượng sẽ thấy rõ sự khác biệt. Các bộ phận đều to ngang. Và vô cùng thô thiển, trừ khuôn mặt. Hồi bé tôi quan sát nhiều bức tượng và thường so sánh chúng với các nhà du hành vũ trụ, vì họ có điểm chung: mặt thì nhỏ nhưng người thì rất lớn. Những dáng đứng trông có vẻ khoẻ mạnh đó thực ra lại rất yếu, vì không có sức sống. Tôi cũng đã thử đứng theo các dáng đó, song chỉ được vài giây là mỏi. Thứ nhất, nói về vật lý, khi không còn thế năng thì không có lực. Các bức tượng đã vươn ra hết cỡ rồi thì còn sức đâu. Thứ hai, tôi thấy nghi ngờ là hình như nhiều tượng đài khi xây dựng hình tượng đã không có mẫu. Vì nếu có mẫu người thì dáng vẻ sẽ phải khác. Cho nên tượng đài Việt Nam không có sức sống là vậy. Bên cạnh đó, phong cách khoẻ hoá này rõ ràng ảnh hưởng rõ rệt từ Liên Xô, Trung Quốc những năm 40, mà điển hình là tượng công nông của Vera Mukhina. Và có khuôn mẫu: hình tượng công nông binh thì phải khoẻ. Nhưng đó là người Liên Xô, là những con người thuộc khu vực địa lý khác, và không có sự thô thiển mà chỉ có sự gia giảm, cường điệu đôi chỗ để tăng vẻ đẹp. Người Việt Nam thì không thể như vậy. Hơn nữa, giờ đây, chúng ta đang sống trong thời đại thông tin mà quan niệm về vẻ đẹp vẫn quanh quẩn ở thời Đại chiến II.

Con người sinh ra là để yêu cái đẹp và cái thật. Chúng ta hãy thử để ý xem tại sao trẻ con đứa nào cũng thích mô hình siêu nhân, người nhện? Tại sao các bé gái lại thích búp bê barbie. Đơn giản vì chúng giống hình dáng người thật, mà lại là người có tỷ lệ chuẩn. Hay các nhà điêu khắc Việt Nam không đủ trình độ làm tượng hiện thực?... Nhân đây tôi cũng xin nói về một ngịch lý trong việc đào tạo tại trường các trường mỹ thuật. Hệ thống đào tạo cơ bản tại các trường đại học mỹ thuật ở Việt Nam có chất lượng tốt. Người nước ngoài sang đây rất thán phục khả năng nghiên cứu hình hoạ của sinh viên, vì ở nhiều nước, môn này không được chú trọng và bị thay thế bằng nhiều môn khác. Rất tiếc các sinh viên ưu tú đó đã chia tay khả năng này khi ra trường, và có lẽ không bao giờ dùng đến. Tôi hỏi nhiều sinh viên: học hình hoạ để làm gì? Đa số trả lời rất chung chung: để nghiên cứu không gian, để tìm mầu, để thực hành bút pháp... Không phải, đơn giản là học hình hoạ để vẽ người cho ra hồn và học tượng tròn để làm ra một con người bằng chất liệu khác. Tôi hỏi các sinh viên điêu khắc rằng, sau khi ra trường, họ có sáng tác theo phong cách hiện thực không thì đa số nói không và chỉ muốn làm nhân công cho những công trình lớn của các thầy, mặc dù chúng rất mê tượng thực và bỏ cả thời gian chơi để hoàn thiện bài. Lý do đơn giản: thuê mẫu đắt và khó bán. Cả hai lý do đều sai. Học rất nhiều, rất giỏi, song ra trường không ứng dụng, đó là nghịch lý lớn nhất của môn hình hoạ. Các tác giả tượng đài cũng vậy, họ đã không bộc lộ hết tài năng của mình. Trong triển lãm toàn quốc năm 2005, có 4 bức tượng mang phong cách hiện thực trong tổng số 200. Tỷ lệ là 2% (!). Ở hội hoạ, tỷ lệ đó ít hơn nhiều. Số còn lại có phải là phong cách hiện đại? Nếu còn quan niệm hình cách điệu là hiện đại e rằng lỗi thời rồi, đó là những năm 30-45. Tôi vừa có dịp thăm Trường đại học mỹ thuật Silpakorn, Thái Lan. Điều làm sững sờ cho đoàn Việt nam chính là xưởng điêu khắc của trường. Có rất nhiều phiên bản tượng đài được trưng bày tại đây, và tất cả có một điểm chung là chúng không khác gì người thật, từ khuôn mặt tới vóc dáng, trang phục. Và tất nhiên, kích thước không to lắm, chỉ nhỉnh hơn hoặc bằng người thật. Những bức tượng đó đã làm xao xuyến tất cả mọi người trong đoàn. Có bức tuy thế đứng đơn giản song nếp quần áo thì đẹp tuyệt. Và để tả nếp nhăn quần áo, mất 6 năm. Đó, chúng tôi là những người trong nghề mà còn thích như vậy, huống chi dân thường. Thái Lan là một đát nước phát triển về điêu khắc, song khi làm tượng đài họ luôn duy trì lối tả thực. Có ý kiến của một nhà phê bình cho rằng phần lớn các tượng đài Việt nam có hình thức chưa đạt vì còn mang tính chất của salon phóng to. Tôi nghĩ ngược lại, rất nhiều tương salon bị ảnh hưởng của phong cách tượng đài Việt Nam thì đúng hơn. Có điều lạ trong các hội thảo, chúng ta cứ bàn về vấn đề thẩm mỹ trong tượng đài, những sự ràng buộc tới các ngành nghề như kiến trúc, sử học và tự làm khó mình khi đưa ra những định chế khắt khe về yếu tố thẩm mỹ tượng đài, coi tượng đài là một cái gì khó lắm, cao siêu lắm song không đưa ra giải pháp cụ thể. Muốn có sự thống nhất đến đâu cũng phải đạt được tiêu chí hiện thực.

Vậy kết luận phần này, mong rằng các nhà điêu khắc Việt Nam hãy nhìn nhận lại khi được nhận làm phác thảo một bức tượng đài. Đã đến lúc phải thay đổi quan niệm. Hãy thuê mẫu và đừng mất thời gian vào việc bịa khối. Mô tả đúng con người và nếp quần áo đã là đẹp lắm rồi. Đừng nghĩ rằng các nhà chức trách thích phong cách khoẻ, vì chính chúng ta áp đặt họ thì đúng hơn. Nếu hỏi bất cứ ai rằng: đâu là bức tượng đài đẹp nhất Việt Nam ? Sẽ được câu trả lời: đó là tượng Lê Nin. Vì sao: đơn giản vì đó là bức tượng hiện thực nhất Việt Nam . Chức năng của tượng đài là truyền tải vẻ đẹp nội dung và hình thức tới quần chúng và chỉ có phong cách hiện thực mới làm được điều đó dễ dàng nhất.

Điêu khắc là biểu dương vẻ đẹp của hình khối

Tôi xin đưa ra một nhận xét nghe cũng hơi lạ nhưng nếu chú ý một chút cũng dễ hiểu. Đó là một quan niệm sai lầm về điêu khắc. Cái gì là điểm mạnh của điêu khắc? Đó là hình khối. Hiển nhiên. Và các nhà điêu khắc ra sức đắp gọt, đục đẽo để thể hiện hình khối. Có những khối gần như không diễn tả cái gì , chỉ là làm cho bề mặt gồ ghề, lồi lõm. Song họ quên mất một điều. Mục đích của điêu khắc là tạo nên hình dáng (silhouette) chứ không phải là hình khối (cube). Hình khối trong điêu khắc thực ra là phương tiện để biểu diễn hình dáng. Cũng giống trong hội hoạ. Màu sắc không phải là cái đích để diễn tả. Màu sắc là phương tiện thể hiện khối và không gian. Nếu hội hoạ chỉ diễn tả màu thì không gì hơn cái ... palette. Hình dáng là gì: là hình ảnh vật thể khi không có khối như ta nhìn một người đứng trước một nguồn sáng vậy, chỉ thấy bóng đen trước mặt. Cũng có thể gọi là hình bóng cho dễ hình dung. Tức công việc của nhà điêu khắc là phải tạo được một hình bóng tách biệt với không gian. Điêu khắc đương đại ngày càng có xu hướng triệt tiêu hình khối và chỉ chú ý xây dựng tác phẩm bằng các hình dẹt, thường được làm bằng chất liệu kim loại. Ngay cả chất liệu phổ biến của điêu khắc là đồng cũng có ý không biểu dương hình khối, vì màu của đồng rất tối, không bắt ánh sáng. Và khi chiêm ngưỡng một bức tượng đài, phải nhìn từ xa, do vậy không thể thấy khối được. Rất nhiều bức ảnh đẹp của tượng đài trên thế giới được chụp ngược sáng, chỉ thấy xuất hiện bóng đen, nhưng như thế lại càng đẹp. Vậy thì tạo khối để làm gì: khối làm tăng vẻ đẹp của hình dáng và có nhiệm vụ làm thay đổi hình dáng khi xoay chiều. Một hình khối tạo nên những hình ảnh khác nhau khi di chuyển điểm nhìn, đó là sự kỳ diệu của điêu khắc. Điều này không có được ở phù điêu và hội hoạ, mặc dù cả hai loại hình này đều có thể tả khối. Trên đường từ sân bay Nội Bài về, chắc không ai không biết bầy ngựa trên “khải hoàn môn” dẫn vào khu đô thị mới Siputra. Song nhìn từ xa, không ai đoán được đó là hình gì, vì các con ngựa mỗi con phi một hướng và đã làm hại nhau: chúng đã dính vào nhau và vô tình tạo ra những hình khó hiểu. Rất nhiều tượng của Việt Nam cũng bị tình trạng như vậy, chỉ có hình khối mà không có hình dáng, vì đơn giản là khối tượng rất đặc, thiếu các yếu tố rỗng, mà rỗng thì mới tạo nên hình. Một bức tượng phải đạt được vẻ đẹp khi nhìn xa.

Ngoài ra , lối tư duy về sự hoành tráng, như đã nói ở trên đã làm cho các nhà điêu khắc tự hại mình, đó là sự tham lam chi tiết. Nhiều tượng đài đã bị thêm thắt nhiều thứ như cờ quạt, tường thành bao quanh nhân vật chính nên đã che khuất bóng dáng họ. Ví dụ: tượng Công nhân Việt Nam ở Cung Hữu Nghị đã để các nhân vật bị lép vế, nằm ép vào một cái cục khó hiểu, có thể là cờ hay ống khói gì đấy. Tượng Cảm tử ở vườn hoa Hàng Đậu có bức tường làm lu mờ nhân vật. Nó còn che khuất một nhân vật ở đằng sau. Tượng Quang Trung ở gò Đống Đa có một khối đặc, không hiểu là cái gì, nằm giữa hai chân, cản trở hình dáng nghiêm trọng; lại choàng thêm tấm hoàng bào, nhìn thẳng thì không thấy (hơi lạ), nhưng khi nhìn nghiêng thì như bị đùn lên một cục, làm mất đi vóc dáng của một vị hoàng đế. Vậy liệu có phải thêm hoàng bào thì mới là vua. Tượng Lý Thái Tổ ở Bắc Ninh cũng được choàng một tấm hoàng bào để rồi không còn thấy dáng vẻ đâu nữa. Tất cả các chi tiết thừa đó đều có hại vô cùng tới nhân vật. Nếu Michelangelo nói: “Làm tượng là đục đi những phần thừa” thì chắc ông sẽ có nhiều việc phải làm tiếp với tượng đài Việt Nam .

Muốn kiểm tra hình bóng một bức tượng, rất đơn giản: hãy chụp ảnh và bôi đen toàn bộ phần tượng. Nếu còn thấy hình thể thì đó là bức tượng có hình dáng. Còn nếu là một “cục đen” khó hiểu, thò thụt, đoán mãi không ra thì đó chưa phải là điêu khắc 100%. Và nên chú ý, hình dáng luôn đọng lại trong trí nhớ của con người. Tôi đã làm một thí nghiệm hết sức thú vị: đề nghị sinh viên vẽ lại những bức tượng nổi tiếng theo trí nhớ. Nói chung tất cả đều vẽ được (David, Vệ nữ Milo, Người ném đĩa, Người trầm tư...) vì chúng rất nhớ chu vi bức tượng. Song khi tôi yêu cầu vẽ lại một bức tượng đài Việt Nam, thì tất cả chịu chết vì không ai nhớ nổi hình, và không biết bắt đầu từ đâu.

Vậy các nhà điêu khắc có thể tham khảo phần này để kiểm tra phác thảo của mình trước khi hoàn thành. Muốn có một bức tượng để đời, trước hết phải tạo ra hình ảnh rõ ràng.

Điêu khắc ngoài trời là tượng đài

Tượng đài là điêu khắc ngoài trời, rất đúng, song không phải cứ điêu khắc ngoài trời là tượng đài. Tượng đài chỉ là một thuộc tính, một thể loại của điêu khắc ngoài trời. Chúng ta đang thiếu một mảng rất lớn, đó là tượng nghệ thuật. Cần phải phân biệt rõ chức năng của tượng đài và tượng nghệ thuật. Chức năng của tượng đài tôi đã nói rõ, còn chức năng của tượng nghệ thuật là để tô đẹp cảnh quan, tô đẹp kiến trúc, tô đẹp cuộc sống. Cái mà điêu khắc hơn hội hoạ chính là sự hoà nhập với công chúng và tính bền vững của nó. Nếu muốn xem tranh, bạn phải vào bảo tàng hay triển lãm. Còn muốn xem tượng thì dễ vì chúng ở ngay ngoài trời, nơi bạn hay qua lại. Khi tới một đất nước, cái mà ta cảm nhận đầu tiên về nghệ thuật chính là điêu khắc. Điêu khắc tác động vào giác quan một cách tự nhiên, không áp đặt, ngấm dần vào trí óc con người và tăng khả năng quan sát, phân tích về hình khối. Do đó ý thức thẩm mỹ được tăng lên. Và còn một tác dụng hết sức quan trọng của điêu khắc ngoài trời là tác động đến cộng đồng, đó là ý thức trân trọng nghệ thuật. Nếu một bức tượng nghệ thuật dễ hiểu, nó sẽ làm cho người ta cảm thấy thú vị. Nếu đó là một bức tượng khó hiểu, thì người xem sẽ tìm cách hiểu hay đơn giản là nhận xét: đó là nghệ thuật cao siêu, và nó cần cho cuộc sống, thế cũng là quá đủ. Ở Việt Nam , chưa thấy một dự án nào chi cho việc dựng tượng nghệ thuật thuần tuý. Các tượng này có chăng cũng chỉ được trưng bày một thời gian nhất định, nhân có trại sáng tác điêu khắc, hoặc ở những nơi khuất như ở công viên, trong vườn của một đại gia... Điều này dễ lý giải vì nước ta còn nghèo, các chủ trương chính sách của nhà nước phải tập trung vào những công trình trọng điểm. Tôi hoàn toàn nhất trí, song cũng cần phải có sự chuẩn bị cho tương lại, kẻo quá tụt hậu so với thế giới. Các nước quanh khu vực như Trung Quốc, Singaporerất chú trọng vào tượng nghệ thuật, chúng xuất hiện khắp nơi. Họ thậm chí còn mua bản quyền của Dali, Moore , Botelo để làm tượng bày ở những trung tâm lớn. Ở Thái Lan, điêu khắc còn có ở siêu thị. Đã đến lúc các nhà quy hoạch, kiến trúc và điêu khắc cần phải kết hợp để cải tiến môi trường và tăng sức nặng vai trò của mình đối với mục đích phục vụ cộng đồng.

Kết luận

Tôi xin đưa ra một số gợi ý cho tượng ngoài trời là:

Thứ nhất, đa dạng về phong cách, qua đó người dân có thể tìm hiểu được về các trào lưu và phong cách nghệ thuật.

Thứ hai, đa dạng về chủ đề: người lao động, trẻ em, động vật... Như vậy sẽ gây được sự chú ý lôi cuốn được những người có cùng sở thích. Nếu một người yêu động vật thì khả năng yêu thích những tượng động vật là rất lớn.

Thứ ba, nơi đặt để phong phú: tuỳ vào phong cách và môi trường mà dựng tượng, ví dụ tượng mang phong cách cổ điển thì đặt ở các nơi có kiến trúc Pháp, nếu phong cách hiện đại thì đặt tại các đô thị mới. Xu hướng của thế giới hiện nay lại thích sự tương phản, tức là tượng hiện đại đặt cạnh kiến trúc cổ và ngược lại. Bệ tượng thấp hoặc không có bệ tượng. Hãy làm sao để có thể tiếp xúc với tượng dễ dàng.

Thứ tư, có thể gắn tượng với công năng: như vậy sẽ tăng sự gần gũi của người dân với nghệ thuật, ví dụ vừa là tượng vừa là ghế, hoặc tượng có cấu trúc, kết cấu để trẻ em có thể trèo leo, tăng sự hoạt động thể chất cho trẻ, hoà nhập nghệ thuật vào quần chúng.

Thứ năm, có tính hài hước, trào phúng để tăng khả năng thư giãn và cũng có thể mang tính ẩn dụ về giáo dục và văn hoá. Ví dụ đặt tượng người đọc sách ở ghế đá công viên, một người đang ăn xôi ở nhà chờ xe buýt, một người gánh hàng... Người ta có thể ngồi lẫn với tượng. Tất nhiên đối với loại này thì tượng phải có kích thước bằng người thật.

Thứ sáu, chất liệu phong phú, có thể có màu sắc. Điều này giúp tô đẹp cảnh quan một cách hiệu quả.

Vậy nên chăng đã đến lúc phải tiến hành hai việc: cải tiến chất lượng tượng đài và xây dựng tượng nghệ thuật. Để kết luận bài này tôi xin nhấn mạnh vào yếu tố con người, đó là xây dựng con người Việt Nam thật đẹp, thật sống động và gần gũi. Và chúng ta phải từ bỏ những quan niệm sai lầm. Vì nếu không thì dù có đi nhiều đến mấy, học nhiều đến mấy cũng chẳng thay đổi được. Các nhà điêu khắc chính là con người quyết định làm nên văn hoá tượng đài. Họ phải tạo ra những tác phẩm đẹp và đủ bản lĩnh để bảo vệ tác phẩm cũng như phải thuyết phục được các nhà chức trách chọn tác phẩm của mình đưa ra với công chúng. Nếu phải nhận những công trình không thể thay đổi đề tài thì hãy nghệ thuật hoá chúng, hãy biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật bằng phong cách hiện thực. Tuy tượng đài phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố khác như đề tài, không gian, vị trí,... song cái mà người ta chiêm ngưỡng chính là tác phẩm độc lập. Dù con đường đi tới thành công đầy chông gai, vì còn phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh thực tế, nhưng phải hiểu trách nhiệm của mình rất lớn. Dù có thể có tiêu cực, hoặc có nhiều vấn đề mà chúng tôi không thể biết được, song điều quan trọng chính là chất lượng nghệ thuật của tượng đài.


Nguồn: Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, số 5/2007

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.