Những điều chưa biết về cây Hồi
Ở Việt Nam, Hồi là cây kinh tế được trồng từ lâu đời, trên quy mô lớn ở tỉnh Lạng Sơn và gần đây còn được trồng ở Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn và một số nơi khác Nó góp phần vào nguồn thu nhập của một bộ phận dân cư ở các tỉnh biên giới phía Bắc Bảng sau đây cho thấy diện tích trồng Hồi và sản lượngg quả Hồi ở 4 tỉnh Miền Bắc nước ta (theo Lưu Đàm Cư và cộng sự, năm 2005):
Nơi trồng | Diện tích (ha) | Diện tích đang có quả (ha) | Số lượng quả thực tế (tấn/ năm) |
Lạng Sơn | 32.206 | 10.812 | 4.468 |
Quảng Ninh | 6.248 | 4.286 | 700 |
Cao Bằng | 4.469 | 1.800 | 852 |
Bắc Kạn | 4.714 | 698 | 188 |
Bảng dưới cho thấy sản lượng Hồi ở Việt Nam năm 2005 đã đạt 6208 tấn, riêng tỉnh Lạng Sơn đóng góp 72% (trên diện tích 10.812 ha cây đang ra quả). So với năm 1860 – 1975, sản lượng Hồi của Việt Nam khi đó chỉ dao động từ 3.500 – 5.000 tấn/ năm. Sản lượng trên sẽ tăng lên từng năm, bởi còn trên 30.500 ha cây Hồi sẽ cho quả trong thời gian tới đây.
Ngoài phần dùng trong nước, phần lớn Hồi của nước ta được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nga, các nước Đông Nam Á và Đông Âu. Tinh dầu Hồi cũng được xuất khẩu với số lượng khoảng 150 – 250 tấn/ năm. Như vậy, số lượng quả Hồi và tinh dầu Hồi Việt Nam bán ra thế giới không nhỏ, nhưng tiếc rằng trên thị trường thế giới chỉ có thương hiệu Hồi Trung Quốc (Chinese anise) mà không thấy thương hiệu Hồi của Việt Nam.
![]() |
Quả Hồi |
Đại hồi đã được sử dụng làm thuốc và gia vị ở Trung Quốc từ mấy nghìn năm trước đây. Theo Y học cổ truyền ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ, Đại hồi có vị cay, tính ấm, vào kinh can, thận, tỳ, vị; có tác dụng trừ hàn, kiện tỳ, khai vị, tiêu thực; sát trùng, gây trung tiện, kích thích tiêu hóa, lợi sữa, có tác dụng giảm đau, giảm co bóp dạ dày, chữa đau bụng, trị nôn mửa, thấp khớp, đau lưng. Liều trung bình dùng 4 – 8 g/ngày dưới dạng thuốc sắc, hoặc 1 – 4g thuốc bột. Nó còn được dùng trị rắn độc cắn, ngộ độc thực phẩm và làm gia vị.
Tây y coi tinh dầu Đại hồi (tỷ lệ 9 – 10% trong quả khô, 0,23% trong lá tươi, 0,80% trong cuống lá) có tác dụng kích thích, diệt vi khuẩn. Thành phần chính của tinh dầu Hồi là trans – anethol (tỷ lệ 85% - 93%) được dùng pha rượu mùi và mỹ phẩm. Nó còn là nguyên liệu để tổng hợp các loại thuốc nội tiết hexostrol và dietylstilbestrol. Một ứng dụng mới, quan trọng của quả Hồi là thời gian gần đây các nhà khoa học của chúng ta đã chiết xuất được từ quả Đại hồi của Việt Nam axit shikimic với tỷ lệ 7 – 10%, để làm nguyên liệu tổng hợp thuốc Tamiflu ( oseltamivirphosphat), một loại thuốc quan trọng phòng và chữa bệnh dịch cúm gia cầm trên toàn cầu do virus H5N1 gây ra.
Nói đến chi Hồi ( Illicium), trên thế giới có khoảng 40 loài, ở Việt Nam đã biết 17 loài. Ngoài cây Hồi trồng ( I. Verum) để làm thuốc, còn có các loài Hồi dại mọc hoang dã sau:
I. cambodianumHance: Hồi cambot, ở Lâm Đồng, Khánh Hòa.
I. difengpiiB. N. Chang (syn I. Griffithii): Hồi đá vôi, ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình.
I. henryiDiels: Hồi Henri, ở Lào Cai (Phanxipan).
I. kinabaluenseA. C. Smith: Hồi Hương Sơn, ở Hà Tĩnh.
I. leiophyllmA. C. Smith: Hồi lá nhẵn, ở Vĩnh Phúc, Thái Nguyên.
I. macranthumA. C. Smith: Hồi hoa to, ở Lào Cai (Sa Pa).
I. farrgersiiFranch: Hồi Phác, ở Phanxipan (Sa Pa, Lào Cai).
I. majusHook. F. Et Thomas: Hồi lớn, ở Lào Cai (Phanxipan).
I. parvifoliumMerr: Hồi lá nhỏ, ở Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế), Bà Nà (Đà Nẵng).
I. peninsulareA. C. Smith: hồi bán đảo, ở Yên Bái, Quảng Nam, Kon Tum.
I. petelotiiA. C. Smith: Hồi Petelot, ở Lai Châu, Lào Cai
I. tenuifolium(Ridl) A. C. Smith: Hồi lá mỏng, ở Nghệ An, Gia Lai, Lâm Đồng, Khánh Hòa.
I. ternstroemioidesA. C. Smith: Hồi chè, ở Sơn La (Sông Mã, Sốp Cộp).
I. tsaiiA. C. Smith: Hồi Tsai, ở Lào Cai (Phanxipan).
Các loài Hồi dại thường độc, không dùng làm thuốc. Trong đó, có loài Hồi đá vôi ( I. Difengpii), tiếng H’mông là Mubu. Cây có hình dạng tuơng tự như Đại hồi, nhưng nhỏ hơn. Hoa màu hồng đỏ, mọc đơn độc ở kẽ lá. Quả gồm 10 – 13 đại xếp tỏa tròn hình nan hoa bánh xe. Đầu mỗi đại có mỏ nhọn, dài 3 – 4mm, cong vào phía trong như lưỡi liềm. Khắc với quả Đại hồi thường chỉ có 8 đại (còn gọi là ‘Bát giác hồi hương’) và đầu mỗi đại không có mỏ nhọn, quả và tinh dầu của Hồi đá vôi có chất độc. Mùi tinh dầu này cũng không giống mùi Đại hồi. Nếu bị ngộ độc bởi Hồi dại thì có hiện tượng nôn mửa, chảy nước dãi, rát họng, đau bụng và lạnh chân tay Cần cấp cứu kịp thời.
Trên thị trường, quả Đại hồi có thể bị lẫn (hoặc bị pha trộn) với Hồi dại. Khi mua Đại hồi làm thuốc hoặc gia vị cần chú ý loại bỏ những quả có trên 10 đại và đầu các đại có mỏ nhọn mong hình lưỡi liềm để tránh bị ngộ độc.