Nhĩ châm
Ngược dòng lịch sử
Thời điểm ra đời của nhĩ châm cho đến nay chưa được xác định chắc chắn. Từ thế kỷ thứ 2 – 3, Trương Trọng Cảnh ở Trung Quốc đã dùng nước Hẹ đổ vào tai để cấp cứu nạn nhân chết đột ngột. Tôn Tư Mạc (thế kỷ thứ 6 – 7) đã châm kim vào vùng đối vành tai (ngang với lỗ tai) để chữa bệnh vàng da. Các nhà y học đời nhà Nguyễn đã hơ nóng mạch máu sau tai để chữa kinh phong cho trẻ em.
Tuy vậy, phải đến đầu những năm 1950, một bác sĩ người Pháp tên Nogier, sau khi tình cờ gặp một người bệnh bị đau lưng được chữa khỏi bởi thủ thuật hơ nóng ở vành tai của những thầy thuốc dân gian ở Trung Đông, kết hợp với việc quan sát tỉ mỉ những vùng khác trên vành tai và thực hành trên bệnh nhân, đã xây dựng thành công sơ đồ các huyệt trên loa tai để điều trị những bệnh chứng thông thường. Bác sĩ Nogier đã công bố công trình của mình vào năm 1957 và kể từ đó, nhĩ châm đã có những bước tiến nhảy vọt. Đến năm 1972, BS Y. Mura (BV Lincohn TP New York, Mỹ) đã phát triển phương pháp châm ở loa tai thành một phương pháp hữu hiệu để điều trị cai nghiện cho những người nghiện thuốc lá, nghiện cocain và béo phì. Cũng trong năm nay, Trung Quốc đã xuất bản tài liệu có tên “nhĩ châm” và là nước đầu tiên sử dụng một số huyệt trên loa tai để gây tê trong phẫu thuật. Nhĩ châm bắt đầu được phát triển ở Việt Nam vào những năm cuối thập niên 1960 và đầu những năm 1970.
Mối liên quan giữa tai và cơ thể
- Tai là nơi hội tụ của hầu hết các đương kinh mạch trong cơ thể (theo quan niệm của Y học cổ truyền).
- Tai có quan hệ mật thiết với 5 tạng chủ yếu trong cơ thể là Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận. Ngoài ra còn liên hệ với não, tủy. Nếu nhìn loa tai, ta có thể mường tượng ra hình dạng một bào thai đang nằm ngược trong bụng mẹ, dầu quay xuống dưới (trái tai), vành tai là cột sống, còn vùng chính giữa là tay chân xếp gọn và các tạng phủ.
Chính mối tương quan này là cơ sở lý luận của phương pháp châm ở loa tai.
- Tai cũng được phân bố hệ thần kinh và mạch máu khá phong phú. Do đó, khi châm kim ở loa tai thường bệnh nhân rất đau và khi rút kim rất dễ bị chảy máu. Tuy vậy, đó là những tai biến nhỏ nếu so với những lợi ích mà nó đem lại.
Những thay đổi bệnh lý ở loa tai
![]() |
Các vùng cơ thể tương ứng trên loa tai |
- Những điểm hoặc vùng phản ứng này xuất hiện và tồn tại từ lúc bắt đầu bệnh cho đến khi khỏi bệnh. Hai tính chất phổ biến của điểm phản ứng là ấn có cảm giác đau chói hơn vùng da xung quanh và điện trở da thấp. Bệnh càng nặng, cảm giác trên càng rõ hơn.
- Lưu ý khi có những điểm phản ứng nhưng cơ thể không bệnh. Nhiều khả năng do nguyên nhân thầy thuốc ấn quá mạnh lên tai, hoặc độ ẩm da quá cao làm máy đo điện trở da họat động không chính xác.
Tìm huyệt hoặc điểm phản ứng trên loa tai
- Phổ biến nhất và cũng đơn giản nhất là dùng đốc kim châm cứu ấn nhẹ lên vùng da loa tai bằng một lực ấn nhất định. Nếu có điểm phản ứng, thường người bệnh nhăn mặt hoặc đẩy tay thầy thuốc ra. Có thể yêu cầu bệnh nhân so sánh cảm giác này với vùng da kế cận, họ sẽ phân biệt được dễ dàng vì cảm giác ấn đau tại điểm phản ứng rất đặc biệt.
- Đo điện trở da tại điểm phản ứng thấy thấp hơn vùng da kế cận rõ rệt. Đây là phương pháp giúp xác định nhanh điểm phản ứng nhưng phụ thuộc vào nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của máy đo điện trở da như độ ẩm da, điều kiện thời tiết, cách sử dụng máy… nên chỉ thích hợp khi tiến hành phục vụ nghiên cứu khoa học.
Vận dụng loa tai vào chẩn đoán, điều trị & phòng bệnh
![]() |
Loa tai tương ứng hình bào thai lộn ngược. |
Điểm phản ứng bệnh lý xuất hiện tại các vùng đại diện trong nhiều trường hợp giúp thầy thuốc xác định khu vực bệnh lý. Dù sao, vẫn cần phối hợp với các dấu hiệu khác để có chẩn đóan chính xác.
- Điều trị:dùng kim châm dành riêng cho loa tai để châm vào những huyệt hoặc điểm phản ứng trên loa tai được qui ước có liên hệ với vùng cơ thể hoặc tạng phủ đang có bệnh. Các vấn đề lưu ý cũng như các tai biến nếu có cũng tương tự như cách châm trên cơ thể. Có thể dùng một loại kim đặc biệt (nhĩ hoàn) để lưu kim tại chỗ trong 1 – 2 ngày để kéo dài tác dụng của mũi châm. Tác dụng điều trị rõ nét nhất của nhĩ châm là giảm đau.
- Phòng bệnh:Chưa có nhiều nghiên cứu hoặc báo cáo khoa học về việc dùng loa tai trong phòng bệnh ngòai vài công trình riêng lẻ. Phương pháp xoa bóp “Cốc đại phong” của Trung Quốc có đề cập đến động tác xoa vành tai và bật vành tai (“Đánh trống trời”) để tăng cường sức khỏe.