Nhà toán học Mỹ yêu Việt Nam
Tôi vốn có nhiều bạn bè ở Viện Toán học Việt Nam. GS.TSKH. Ngô Việt Trung ngày đó là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện (Nay ông đương chức Viện trưởng) đã cho tôi biết lịch làm việc giữa Viện Toán và Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), mà GS. Stephen Smale là người đại diện. Theo đánh giá của GS.Trung, Stephen Smale là nhà bác học trong toán học, ông nghiên cứu và đề xuất nhiều chuyên ngành toán khác nhau và ở chuyên ngành nào cũng đạt được những kết quả xuất sắc. Ban đầu ông đi vào Tôpô hình học, chính thời kỳ này ông đã giải thành công Bài toán Poincare suốt một thế kỷ chưa ai giải được, nhờ đó nhận giải Fields (Giải chỉ trao cho những người từ 40 tuổi trở xuống, lúc đó ông 36 tuổi). Rồi ông chuyển sang nghiên cứu Hệ động lực, tiếp đến là Độ phức tạp của tính toán. Ở tuổi 70 ông còn cho ra đời Lý thuyết về quá trình nhận thức. Ông đặt ra 18 bài toán lớn dành cho thế kỷ XXI giải, cách đây vài năm mới có một nhà toán học trẻ người Thụy Điển giải được một bài. Nhà toán học Nguyễn Đình Ngọc là người Việt Nam đầu tiên đã gặp ông tại Paris, Pháp vào năm 1960 (GS.Ngọc sau ngày nước nhà thống nhất là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Viễn thông-tin học, Bộ Công an). Lần GS.Smale nhận giải Fields tại Đại hội Toán học thế giới ở Matxcơva GS.Hoàng Tụy, trưởng đoàn Việt Nam đã được gặp và trao đổi với ông. Người Việt Nam đầu tiên làm luận án tiến sĩ khoa học về Hệ động lực là GS. Trần Văn Nhung có thời kỳ công tác tại Viện Toán học, sau là Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo…
GS.Ngô Việt Trung còn cho tôi biết, đáng lẽ GS. S.Smail sang Việt Nam từ năm 2000, song đúng vào thời điểm có lời mời, ông vừa kết thúc nhiệm kỳ dạy đại học ở Hồng Kông và trở về Mỹ. Đầu năm 2004, khi Quỹ VEF bắt đầu hoạt động, tài trợ cho các nhà khoa học sang giúp đỡ Việt Nam thì ông có tên đầu tiên. Trong email phúc đáp lời mời của Viện Toán học, GS.Smale viết: “Từ lâu tôi đã hướng về Việt Nam, tôi đợi rất lâu mới có được ngày này”. GS.Trung còn lưu ý tôi: S.Smale ngay từ thời trẻ đã hăng hái xuống đường biểu tình ủng hộ Việt Nam, chống cuộc chiến tranh phi nghĩa của hai đời tổng thống Mỹ là Giônxơn và Nicxơn. Và hôm vừa đến Hà Nội, khi giao lưu với sinh viên Trường Đại học Bách khoa ông đã khóc, xin lỗi về cuộc chiến tranh Việt Nam.
Một người bạn ở Viện Toán, GS.TSKH.Nguyễn Xuân Tấn, Trưởng phòng Giải tích vui vẻ nhận làm phiên dịch cho tôi trong cuộc nói chuyện với GS.Smale. Cuộc gặp diễn ra tại khách sạn Hilton, Hà Nội vào một ngày giữa tháng 8-2004.
Đó là một ông già cao to, da đỏ au, tóc bạc phơ, đi lại nhanh nhẹn, nụ cười thân thiện luôn nở trên môi. Khách sạn năm sao lúc ấy đang tấp nập người qua lại, ông mặc cái áo phông mỏng mầu nâu có đường kẻ ngang thật xềnh xoàng, hẳn ít ai biết đó là một trong những nhà toán học lớn nhất của thế kỷ XX. Câu chuyện ngay từ đầu đã cởi mở thân mật như những người bạn quen lâu ngày gặp nhau. Vị GS người Mỹ kể cho tôi nghe về thời kỳ ông tham gia trong đội ngũ chống chiến tranh Việt Nam, nhiều lần xuống đường và có lần đã bị nhà cầm quyền bắt giam. Tôi hỏi: Tại sao ông chấp nhận dấn thân vào cuộc đấu tranh, để rồi nhận về mình bao điều phiền toái, có nguy cơ đổ vỡ cả sự nghiệp toán học đang rực rỡ? “Đơn giản vì tôi là người yêu hòa bình”- ông trả lời- “Tôi sớm nhận ra sai lầm của chính phủ nước tôi gây ra cho đất nước các bạn. Tôi giữ chính kiến của mình trong một thời gian dài cho dù bị chính phủ trừng phạt, cắt kinh phí nghiên cứu ở Viện toán cao cấp Priceton. Có thời kỳ tôi không thể tiếp tục chương trình nghiên cứu trong nước, mà phải nhiều năm sống, làm việc ở nước ngoài, như ở Braxin, Achentina, Hồng Kông…Sau tháng 4 năm 1975, mặc dù rất muốn đến Việt Nam, nhưng không thể đến do lệnh cấm vận của Mỹ. Thế rồi khi lệnh cấm vận dỡ bỏ, nhất là khi Quỹ VEF đi vào hoạt động, tôi cảm thấy thỏa nguyện khi được đến để giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục đào tạo”.
Ông cho biết thêm: Khi ông sang lần này, có nhiều suất học bổng dành cho các tài năng toán học trẻ Việt Nam ở một số trường đại học danh tiếng Mỹ ; ông còn có dịp trao đổi nghiên cứu với các đồng nghiệp của Viện Toán học. Khi được hỏi, cảm nhận đầu tiên của ông về Hà Nội, ông vui vẻ bảo là Thủ đô của các bạn có nhiều hồ nước trong xanh, mát mẻ, hiếm thủ đô nước nào có được; vợ ông thì đặc biệt thích ẩm thực Việt Nam, như các món nem rán, phở, thủy sản. Ông cũng tiết lộ với tôi và người đồng nghiệp Nguyễn Xuân Tấn sở thích sưu tầm đá quý. Trong bộ sưu tập khá công phu của ông vừa có được một viên rubi Apganixtan tuyệt đẹp. Hy vọng chuyến đi này ông cũng sẽ có được một viên ngọc thật chất lượng của Việt Nam…
Thế rồi nhân sự kiện năm 2010 Ngô Bảo Châu được nhận giải Fields, tôi đọc bài Gia phả toán học giải Fields ở Việt Nam của GS.Ngô Việt Trung trên báo Tuổi trẻ, mới biết GS.Smale cũng chính là thầy của nhiều nhà toán học xuất chúng hiện nay, những ý tưởng toán học của ông đang được họ tiếp tục phát triển. Ngoài Ngô Bảo Châu, Việt Nam còn có Hà Quang Minh, Ngô Đắc Tuấn; Pháp có G. Laumon (thầy trực tiếp của Ngô Bảo Châu) và Lafforgue(bạn cùng thầy với Ngô Bảo Châu và đã nhận giải Fields năm 2002). GS.Slephen Smale sinh năm 1930, tại miền Đông bang Michigan, trong suốt bao nhiêu năm ông đã có một sự nghiệp toán học lừng lẫy. Và đến hôm nay qua các bạn ở Viện Toán tôi được biết, nhà toán học nổi tiếng tuổi ngoại bát tuần đó vẫn khỏe mạnh minh mẫn và sắp có chuyến thăm lại Việt Nam, đất nước mà ông thiết tha yêu mến từ thuở đầu xanh tuổi trẻ.