Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 29/01/2008 00:17 (GMT+7)

Người Tây phương đi tìm đất

Những cuộc tiếp xúc đầu tiên của Tây phương với nước ta

Trước hết chúng ta hãy cùng nhau lui lại về những thế kỷ xa xăm trước để tìm hiểu xem người Tây phương đến nước ta bao giờ?

Không phải là đến thời cận đại người Tây phương mới đến nước ta mà từ:

1. Năm 166, sau Thiên Chúa giáng sinh đã có một sứ giả La Mã, nói là do Marco Aurelio Antonio sai đến, cũng có qua nước ta trước khi đến Trung Hoa.

2. Một trăm năm sau, năm 266, lại có một thương nhân khác của La Mã tên là Ts’in Louen cũng theo đường Giao Chỉ lên Nam Kinh.

3. Đến thế kỷ X, khoảng năm 980, có một số giáo sĩ người Chaldée thuộc giáo phái Nestorianô qua xứ Bắc lên Trung Hoa (1).

Nhưng đó chỉ là những trường hợp hạn hữu, vì suốt thời thượng cổ và trung cổ, người Âu chỉ hiểu biết địa lý quanh Địa Trung Hải và chưa biết gì nhiều về Á châu cả.

Sau cuộc Đông chinh của Thập Tự quân, người Âu châu mới có dịp tiếp xúc với người Á châu. Do đó mới có việc trao đổi, buôn bán... và họ mới biết rằng Á châu là một vùng đất rộng, nhiều người, lắm tài nguyên...

Rồi từ đấy, các thương nhân Ả Rập dùng hai ngả đường để đi: một là đường bộ từ Hắc Hải, ngang qua Trung bộ Á châu để qua Trung Hoa, hai là đường thuỷ đi ngang qua Ấn Độ Dương, Hồng Hải, đến Alexandrie, Ai Cập, để đưa sang bán cho Âu châu những vật quý giá như hương liệu của Ả Rập, ngọc ngà của Ấn Độ, tơ lụa và đồ sành của Trung Hoa...

Đến thế kỷ XIII, một người Ý Đại Lợi là ông Marco Polo đã từng ở Trung Hoa 17 năm và làm quan cho triều đình Nguyên, nhân dịp sang sứ Chiêm Thành (Chăm Pa), có dịp ngang qua nước ta, khi trở về nước có viết một quyển sách nhan đề Đông phương kiến văn lục,nói về cái mỹ lệ và sự phồn thịnh của châu Á, trong đó có đề cập đến xứ Bắc kỳ, làm cho người Âu chú ý nhiều hơn đến Á châu.

Dầu vậy, đến đầu thế kỷ cận đại người Âu châu hãy còn có một quan niệm sai lầm rằng chỉ có một đại dương bao bọc Âu châu, Á châu và Phi châu và ở những đáy biển xa xôi, có thứ từ thạch có sức hút các tàu thuyền... hoặc những vùng biển nằm trong đường xích đạo, có một vùng nước sôi bỏng, nên các nhà hàng hải ngần ngại không dám vượt biển đi xa.... Họ lầm tưởng đến độ vào thế kỷ thứ XV, khi vua Bồ Đào Nha sai ông Vasco De Gama đi tìm đường mới, đã cho 10 tử tội đi theo trên tàu và hứa nếu chuyến đi thành công thì họ sẽ được tha tội...

Từ khi Vasco De Gama tìm được Hảo Vọng giác và sau đó nhờ sự phát minh nghề in và phát hiện đất mới, những ý tưởng sai lầm nói trên mới bị tiêu tan, người Âu châu mới hiểu Á châu rõ ràng hơn và họ mới nối tiếp nhau sang phương Đông...

Sang thế kỷ thứ XVI, Bồ Đào Nha là nước châu Âu đã chiếm được nhiều đất đai nhất ở châu Á. Trên đường biển từ Lisbonne, kinh đô Bồ Đào Nha, đến Nagasaki, Nhật Bản, người Bồ Đào Nha đã tạo nên một dãy thành trì nối liền Tây phương với Đông phương...

Tưởng cần phải nhấn mạnh là lúc bấy giờ các dân tộc Hồi giáo là một tai họa lớn lao cho các nước Âu châu Thiên Cháu giáo. Họ tiến như vũ bão, tràn qua xâm lăng Âu châu và Bắc Phi châu... thì Bồ Đào Nha là một quốc gia theo Thiên Chúa giáo, mặc dầu là một nước nhỏ dân ít, không những đã chận đứng làn sóng Hồi giáo, mà còn giành lại nhiều đất đai họ đã chiếm: Ngày 17 - 2 - 1510, tướng Bồ Đào Nha là Alphonese Albuquerque xua quân đánh bại quân Hồi giáo ở thành Goa; ngày 25 - 7 - 1511 cũng tướng này chiếm Malacca, sau đó chiếm Colombo... Do các công trạng này, mà Bồ Đào Nha đã được các Giáo hoàng ký sắc lệnh ban cho nhiều đặc quyền, so với các nước Âu châu khác, về việc chiếm cứ đất đai và truyền giáo ở Đông phương, là vùng họ phát hiện...

Năm 1555, người Bồ Đào Nha lại thuê được đất Áo Môn ( Macao ) của Trung Hoa, để làm trung tâm thương mại của họ ở Viễn Đông. Vì thế mà ta sẽ thấy những người Âu châu đến nước ta để buôn bán và truyền giáo đầu tiên đều là người Bồ Đào Nha từ Áo Môn hoặc Malacca tới...

Người Âu châu giao thiệp một cách liên tục và qui mô với người Việt Nam , nhất là trong thời gian Trịnh - Nguyễn phân tranh.

Người Bồ Đào Nha đến nước ta trước hết, rồi đến người Hòa Lan, người Pháp, người Anh...

Bấy giờ người Bồ Đào Nha, như trên vừa nói, đã thuê được đất Áo Môn (năm 1555) để làm căn cứ thương mại ở Viễn Đông. Người Hoà Lan chiếm Nam Dương (1660), thành lập công ty Ấn Độ Hoà Lan (Compagnie des Indes Néerlandaises), đặt trụ sở chính ở Batavia, là thủ đô Nam Dương, để buôn bán ở vùng này. Người Anh đến Ấn Độ (năm 1599), thành lập công ty Ấn Độ (Compagnie Anglaise des Indes) và sau nửa thế kỷ (năm 1656), chiếm luôn nước này. Còn người Pháp mãi về sau (năm 1664), Thượng thư Colbert mới lập công ty Đông Ấn (Compagnie orientale des Indes), để tranh đua với các nước....

Faifo ở Đàng Trong là nơi mở cửa thông thương với người Âu châu trước hết và ở đây đã có người Trung Hoa, người Nhật, đến ở, buôn bán từ lâu. Hàng năm vào khoảng tháng 12, hay tháng Giêng Dương lịch, các phe tàu Âu châu hoặc Trung Hoa, Đài Loan, Nhật Bản, hoặc từ Malacca hay Phi Luật Tân, đem hàng hoá như đồ sành, đồ sứ, giấy, kim thuộc, lưu huỳnh, diêm sinh, trà, bạc thoi, kim khí, nỉ, dạ, vải... đến bán, rồi mua sản vật của ta như tơ, lụa, đường, gỗ mun, quế, trầm hương, tiêu, gạo... sau 6, 7 tháng trao đổi, mua bán xong, ghe tàu ấy đi. Các thương nhân Bồ Đào Nha đều là những nhà buôn riêng, không thuộc một thương hội nào, và họ cũng chưa lập thương quán, đến mùa mua bán họ đến tạm trú ở các nhà người Trung Hoa hoặc Nhật Bản, đại diện họ ở đây, hoặc nhà các giáo sĩ đồng hương, mua bán xong là đi, uỷ mọi việc cho người đại diện; trái lại các thương nhân Hoà Lan, Anh quốc... đều là những người thuộc công ty Ấn Độ Hoà Lan, công ty Ấn Độ của Anh và ở Faifo (Đàng Trong) và Phố Hiến (Hưng Yên - Bắc Việt - Đàng Ngoài), họ đều có lập các thương quán để lưu trú... trong việc tiếp xúc với vua quan ta, họ thường nhờ người Trung Hoa, người Nhật làm thông ngôn... Ngoài các thuế xuất nhập khuẩn như ở Đàng Trong, chúa Võ Vương ấn định: Thuyền buôn Trung Hoa đến nộp 3.000 quan tiền, đi nộp 300; tàu Âu châu đến nộp 8.000 quan tiền, đi nộp 800; tàu Nhật và Áo Môn đến nộp 4.000 quan tiền, đi nộp 400; tàu Xiêm và Phi Luật Tân đến nộp 2.000 quan tiền, đi nộp 200... thuyền tàu nào trốn thuế có thể bị tịch thu hàng hoá lẫn tàu. Các tàu thuyền Âu châu mỗi khi đến buôn bán thường đem tặng vua chúa các phẩm vật quý giá lúc bấy giờ như đồng hồ, rượu...

Sĩ quan cao cấp Pháp đến Sài Gòn

Sĩ quan cao cấp Pháp đến Sài Gòn

Theo các tài liệu của người Âu châu, nhất là của các công ty thương mại nói trên, người ta thấy vua chúa ta và vua Anh, Pháp thường trao đổi thư từ với các công ty ấy và mỗi lần có thư hoặctặng phẩm của các nơi gởi đến, là vua chúa ta đều trả lời hay gởi tặng phẩm để đáp lại. Chúa Trịnh Căn (1682 - 1709), đã trả lời thư của Pháp Hoàng Louis XIV. Chúa Võ Vương (Nguyễn Phúc Khoát, 1738 -1765) đã gửi thư cho Pháp Hoàng Louis XV. Trong các thư hiện có bản dịch, như thư của chúa Minh Vương (Nguyễn Phúc Chu 1691 - 1695), gửi cho Chủ tịch công ty Ấn Độ của Anh là Nathaniel Higginsonngười ta thấy lời lẽ rất bặt thiệp và khiêm nhường. Một thường dân Anh tên là Chapman, năm 1777 ghé tàu vào Qui Nhơn, đất mới thuộc Tây Sơn, cũng được vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) tiếp kiến rất niềmnở. Điều cần phải nhấn mạnh là việc giao thiệp với người Âu châu của vua chúa ta, chỉ xoay quanh phạm vi thương mại mà thôi, ngoài ra họ không được hưởng một đặc quyền nào cả, nếu họ tỏ ra có âm mưuphản trắc thì họ sẽ bị đối phó thích đáng, như trường hợp người Hoà Lan, sẽ nói trong đoạn “Người Hoà Lan” ở dưới.

Bấy giờ ỏ Đàng Trong chúa Nguyễn, và cả vua Thái Đức nữa, đều muốn lợi dụng người Âu châu để mua súng đạn, tàu bè của họ để đánh nhau… Người Bồ Đào Nha đến Đàng Trong trước nên thân cận với chúa Nguyễn, họ bán cho Chúa súng đại bác, súng điểu thương, vật liệu làm thuốc súng như lưu huỳnh, diêm sinh…. Còn người Hoà Lan thì ban đầu Chúa cũng đối xử tử tế, nhưng sau thấy họ phải bỏ đi… Ngoài ra các Chúa cũng muốn lợi dụng khoa học Âu châu, nên từ đời chúa Hiền Vương (1648 - 1687) đến chúa Võ Vương (1738 - 1765), người ta thấy nhiều giáo sĩ giúp việc thiên văn, toán học và ngự y tại phủ Chúa.

Về phía chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, thì cũng muốn được người Âu châu giúp mình để mua khí giới… Thấy người Bồ Đào Nhà kết giao với chúa Nguyễn, chúa Trịnh cầu thân với người Hoà Lan, người Anh và cũng được họ bán cho nhiều súng đạn…

Bây giờ ta tìm hiểu sự liên lạc và hoạt động của riêng từng nước nói trên. Trước hết là (2):

Bồ Đào Nha

Ngay từ khi chưa thiết lập căn cứ thương mại ở Viễn Đông ( Macao- 1555), năm 1523 hoàng đế Bồ Đào Nha đã sai Duarte Coelho sang Việt Nam thương nghị, để mở cuộc giao thương. Năm 1535, Antonio de Faria đã vào cửa Hàn và từ năm 1540, người Bồ Đào Nha bắt đầu buôn bán ở Đàng Trong với chúa Nguyễn và dân chúng…

Năm 1615, có một người Bồ Đào Nha James de la Croix đã giúp chúa Nguyễn thiết lập một lò đúc ở Huế, đã đúc cho Chúa nhiều đại bác… bây giờ chỗ ấy gọi là phường Đúc.

Vì người Bồ Đào Nha đến nước ta trước hết, lại hết sức thân thiện và tận lực giúp Chúa nên giữa người Bồ Đào Nha và Chúa có những quan hệ đặc biệt và không có gì phải đề cập đến như các nước khác nhất là Hoà Lan…

Người Hoà Lan

Năm 1606, tàu họ bị bão giạt vào bờ biển Qui Nhơn (Đàng Trong), nên mới biết nước ta. Năm 1609, công ty Ấn Độ, Hoà Lan lập thương quán ở Trung Hoa, thường phải mua tơ lụa của lái luôn Trung Hoa, mua từ Faifo về, để bán lại cho Nhật. Vì vậy, người Hoà Lan bèn nghĩ tới cách buôn bán trực tiếp với Đàng Trong và năm 1613, tàu Hoà Lan đã đem hàng hoá đến Đàng Trong, nhưng lần này họ không gặt hái được kết quả mong muốn. Năm 1632, tàu Hoà Lan lại bị bão giạt vào Đàng Trong, rủi ro bị cướp phá... Năm 1633, hai chiếc tàu Hoà Lan từ Batavia, thủ đô Nam Dương, lại đem hàng hoá đến Faifo và hai người của họ được phép ở đó mở cửa hàng buôn bán.

Người Hoà Lan và người Bồ Đào Nha thuở đó kình địch nhau dữ dội, họ thường đánh cướp tịch thu hàng hoá của nhau ở ngoài biển... Người Bồ Đào Nha thấy người Hoà Lan đến buôn bán ở Đàng Trong, sai sứ giả từ Macao sang hai lần để xin Chúa đuổi họ đi; sứ giả Bồ còn nói rõ rằng sự hiện diện của người Hoà là một tai hoạ cho Chúa, vì nếu để họ ở lâu, có ngày họ sẽ chiếm đất đai của Chúa, như họ đã xâm chiếm đất đai ở Ấn Độ vậy. Nhưng chúa Nguyễn, mặc dầu có thiện cảm với người Bồ Đào Nha, cũng vẫn đủ sáng suốt để biết đó là những lời dèm pha, nên không nghe theo, lại còn viết thư sang công ty Ấn Độ Hoà Lan mời họ sang buôn bán....

Năm 1634, thương nhân Hoà Lan tên là Duijeker cùng một chiếc tàu đi từ Batavia chở hàng hoá đến Faifo. Cũng năm ấy có chiếc tàu Grooten Broeck của Hoà Lan bị đắm gần đảo Paracel, thuỷ thủ được người Đàng Trong cứu thoát, nhưng số tiền 25.580 Réaux thì bị đoạt mất.

Năm 1635, ba chiếc tàu Hoà Lan là các chiếc Le Grol, Le Warmand và Le Huisduinen từ Đài Loan đến cửa Hàn, Duijeker có mặt trên các tàu ấy và có đến xin hoàn lại số tiền đã mất năm trước và xin cho người Hoà Lan được ra vào luôn bán dễ dàng... Chúa Nguyễn bấy giờ là Công Thượng Vương Nguyễn Phúc Lan, (1635 - 1648), cũng tiếp đãi Duijeker tử tế, hứa giúp cho việc buôn bán, không đánh thuế, còn việc bồi thường tiền đã mất thì Chúa từ chối, nại cớ việc xảy ra thời Chúa trước.

Năm 1636, ba chiếc tàu khác của Hoà Lan từ Batavia đến Faifo, nhắc lại việc bồi thường, vẫn bị chúa Nguyễn cự tuyệt, chỉ ban phẩm vật cho các phái viên và gởi tặng phẩm cho Toàn quyền Hoà Lan ở Batavia. Việc buôn bán của tàu này cũng không gặt hái được bao nhiêu kết quả.

Thất vọng, lại thêm việc buôn bán với Nhật Bản bị Mạc Phủ cấm, nên người Hoà Lan quyết định cử một phái bộ đến thương nghị với chúa Trịnh.

Năm 1637, tàu Le Grol do Karrel Hartsing cầm đầu, đem hàng hoá đến Đàng Ngoài, tặng chúa Trịnh (bấy giờ là Trịnh Tráng (1623 - 1657) 2 khẩu đại bác, được Chúa tiếp kiến và cho phép mở thương quán ở Hưng Yên. Qua cuộc tiếp kiến và các hoạt động của người Hoà Lan, Chúa cho rằng người Hoà không còn liên hệ gì với chúa Nguyễn nữa (?) nên vua Lê Thần Thông bèn đưa thư sang cho công ty Ấn Độ Hoà Lan ở Batavia xin người Hoà Lan giúp mình có chiến tranh...

Tàu Le Grol đến Đàng Ngoài xong, lại ghé Đàng Trong buôn bán và được Chúa Công Thượng Vương uỷ mang một bức thư và vật phẩm về cho Toàn quyền ở Batavia . Trong thư Chúa ngỏ sẽ vui lòng nếu được người Hoà Lan đến buôn bán ở xứ mình.

Nhưng rồi, có lẽ thấy người Hoà Lan được ưu đãi ở Đàng Ngoài nên Chúa nghi họ giúp chúa Trịnh, bèn đổi thái độ...

Năm 1639, vua Lê Thần Tông ở Đàng Ngoài lại phái hai sứ giả sang Batavia, có lẽ xúc tiến việc cầu viện mà hai năm trước Vua đã nhờ tàu Le Grol mang thơ về cho Toàn quyền Batavia... Rồi chúa Trịnh lại viết thư và gửi tặng phẩm cho chủ nhân thương quán Hoà Lan ở Đài Loan, để cầu thân và mời sang buôn bán... Người Hoà Lan thoả thuận giúp vua Lê, chúa Trịnh, nhưng sự đàm phán kéo dài, không đi đến đâu cả, bởi vì người Hoà Lan còn lưỡng lự muốn giúp Đàng Ngoài, nhưng lại sợ quyền lợi ở Đàng Trong bị sứt mẻ....

Năm sau,có hai chiếc tàu Hoà Lan là các chiếc Kievit và Nachtegaels đến Đàng Ngoài, gặp lúc chúa Trịnh đi đánh chúa Nguyễn, chúa Trịnh xin cho theo giúp mình, nhưng các tàu ấy không đồng ý. Vua Lê Thần Tông bèn viết thơ sang trách Toàn quyền ở Batavia.

Năm 1641, có hai chiếc tàu Hoà Lan là Builden Buijs và Maria De Médicias bị bão đánh giạt vào gần Faifo, hàng hoá và 18 súng đại bác bị tịch thu, 82 thuỷ thủ bị bắt giam.

Trong thời gian này, thương nhân Hoà Lan còn lại ở Đàng Trong luôn luôn gặp khó khăn, nên họ phải đóng cửa thương quán ở Faifo.

Năm 1642, Chúa Công Thượng Vương thả một số lớn thuỷ thủ của hai tàu bị đắm nói trên, cho về nước, họ đi đường, rủi bị tàu Bồ Đào Nha bắt, giết một số, một số khác bị người Chiêm Thành bắt. Công ty Ấn Độ Hoà Lan không biết việc ấy nên sai Van Liesvelt đem tàu sang đánh chúa Nguyễn, nhưng kết quả người Hoà Lan thua to, Van Liesvelt tử trận cùng một số lính, người Hoà Lan trả thù bằng cách bắt giết một số người Việt ở duyên hải rồi xuôi buồm ra Đàng Ngoài. Từ đấy, người Hoà Lan mới ra mặt giúp chúa Trịnh, nhưng đã bị chúa Nguyễn đánh cho nhiều trận thua to...

Năm 1643, người Hoà Lan đem tàu đến Đàng Ngoài, để phối hợp với chúa Trịnh, đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong theo ý niệm: Tàu Hoà Lan đánh mặt thuỷ, còn mặt bộ do bộ binh của chúa Trịnh đảm nhiệm. Năm chiếc tàu Hoà Lan từ Đài Loan sang tham chiến, nhưng người chỉ huy đoàn tàu Hoà Lan thấy bộ binh của chúa Trịnh hỗn độn quá bèn cho tàu đi thẳng về Batavia .

Mấy tháng sau, Đề đốc Hoà Lan là Pieter Baek chỉ huy 3 chiến đấu hạm từ Batavia sang Quảng Bình để gặp quân của chúa Trịnh, khi đi ngang qua biển cửa Hàn, gặp mấy chiến thuyền của Thế tử Dũng Lê Hầu (tức chúa Hiền Vương sau này), bấy giờ làm trấn thủ Quảng Nam, điều khiển để ra tấn công. Chiến hạm lớn hơn của Hoà Lan bị chiến thuyền nhỏ của Đàng Trong xông vào đánh phá. Kết quả chiếc chiến đấu hạm có treo cờ của Đề đốc Pieter Baek bị đánh đắm, Đề đốc và thuỷ thủ đoàn đều tử trận, hai chiến đấu hạm còn lại bỏ chạy ra Đàng Ngoài.

Năm 1644, người Hoà Lan lại cho chiến hạm qua định tàn phá bờ biển Đàng Trong, nhưng vì chúa Nguyễn phòng thủ kỹ quá, chiến hạm Hoà Lan phải đi thẳng qua Đài Loan.

Thấy chiến tranh không có lợi cho việc buôn bán, công ty Ấn Độ Hoà Lan phải đổi chánh sách. Năm 1651, họ lại sai sứ giả là Verstegen sang Đàng Trong nghị hoà. Chúa Hiền Vương đã lên nối ngôi cha, cũng muốn giao hảo với người Âu châu, nên chịu bỏ qua những việc dĩ vãng, rồi hai bên cùng ký một bản Hoà ước vào ngày 9 - 2 - 1651. Những hòa ước ấy không hiểu vì sao chưa thấy thi hành. Và từ đấy về sau, thỉnh thoảng người ta thấy tàu Hoà Lan ghé Đàng Trong, cũng như Đàng Ngoài trao đổi hàng hoá rồi đi. Mãi đến năm 1753, có hai người Hoà Lan đi tàu đến cửa Hàn mua vàng và đường rồi ở lại Faifo mở cửa hàng, còn ở Đàng Ngoài thì năm 1700 họ cũng đóng cửa thương quán.

Người Pháp

Thương nhân Pháp đến sau người Bồ Đào Nha và người Hoà Lan. Họ đến sau khi Hội Truyền giáo ngoại quốc (Société des Missions Etrangèrses) thành lập và việc buôn bán và truyền giáo luôn luôn tiến hành song song. Hồi bấy giờ giáo sĩ của hội vừa nói muốn qua Viễn Đông phải trốn tránh người Bồ Đào Nha, mà tàu Hoà Lan cũng không nhận chở họ. Năm 1600, có một thương gia ở Rouen tên là Fermanel, hô hào thành lập một công ty thương mại ở phương Đông, để nhân đó đưa giáo sĩ qua cho tiện. Công ty đã thuê người Hoà Lan đóng một chiếc tàu; người Hoà Lan biết được mục đích việc đóng tàu, sợ người Pháp cạnh tranh nên đã ngăn trở không cho tàu rời bến... Sứ thần Pháp ở Hoà Lan phản đối, nhưng tình cờ chiếc tàu bị bão đánh vỡ ngay tại ụ, thế là chương trình hoạt động của công ty cũng cáo chung luôn.

Năm 1664, Thượng thư Colbert thành lập công ty Đông Ấn (Compagnie des Indes Orientales). Theo đề nghị của Giám mục Pallu, ngoài việc thương mại công ty còn có mục đích giúp cho việc truyền giáo nữa.

Năm 1669, Giám mụcLa Motte Lambert và hai Giáo sĩ De Bourges và Bouchard đến Đàng Ngoài, giả trang như người buôn bán mạo nhận là nhân viên của công ty Đông Ấn để truyền giáo... Mặc dầu bị người Hoà Lan tố cáo với vua, quan Việt Nam, nhưng Giám mục và hai Giáo sĩ cũng vẫn được cấp đất làm nhà ở, rồi giả danh buôn bán để truyền giáo.

Cũng trong khoảng thời gian này, Giám mục Pallu hết sức vận động với Thượng thư Colbert để xin lập một chi cụ cho công ty Đông Ấn ở Đàng Ngoài.

Năm 1674, Giám mục Pallu sang xứ Đàng Ngoài để dâng phẩm lên vua Lê Gia Tông, nhưng tàu gặp bão, phải ghé Phi Luật Tân... Toàn quyền Y Pha Nho thấy ông có mang theo một chương trình dự định thiết lập một chi cục của công ty Đông Ấn ở Đàng Ngoài, liền bắt giam ông rồi đưa về Y Pha Nho. Sau khi được thả, Giám mục được Giáo Hoàng sai sang dâng vua Đàng Ngoài một bức thư và phẩm vật gồm 1 đồng hồ treo có chuông, ban đêm trông thấy giờ, 2 cái gương soi, 80 chậu hoa, hoa bằng lụa, nhiều hoạ phẩm. Pháp Hoàng Louis XIV cũng cấp cho ông 15.000 Francs để làm lộ phí sang Viễn Đông, và thư cùng 20.000 Francs để mua phẩm vật dâng vua Xiêm và vua Đàng Ngoài.

Năm 1680, công ty Đông Ấn sai một lái luôn tên là Chapelain mang chiếc tàu Tonqiun từ Surate (Ấn Độ) đem hàng hoá đến xứ Đàng Ngoài. Chapelain dâng phẩm vật cho vua, chúa ta rồi được ở buôn bán, mở cửa hàng ở Hưng Yên. Năm sau tàu Tonquin (3) trở về, có chở theo một ít hàng hoá như xạ hương và tơ lụa. Thấy chuyến đi ấy có kết quả, Giám mục Pallu bấy giờ vừa ở Âu châu sang tới Surate, nhờ công ty cho một chiếc tàu khác sang Đàng Ngoài để ông sang đưa thư của Giáo Hoàng và Pháp Hoàng cùng các tặng phẩm cho vua Đàng Ngoài.

Năm 1682, công ty Đông Ấn cho chiếc Saint Joseph sang Đông. Tàu ghé Xiêm, Giám mục Pallu ở lại, thư của Pháp Hoàng Louis XIV thì uỷ mấy giáo sĩ tháp tùng chuyến tàu ấy đem dâng, còn thư của Giáo Hoàng thì không hiểu vì sao Giám mục không gửi. Thư và phẩm vật của Pháp Hoàng được dâng lên chúa Trịnh Tạc (1657 - 1682), mấy ngày sau thì Chúa mất. Trịnh Căn (1682 - 1709) mới kế vị cha, uỷ lạo các giáo sĩ, trả lời thư và tặng vua Pháp mấy tấm hàng thêu.

Nhưng các hoạt động của công ty Đông Ấn và sự giao dịch của Pháp Hoàng ở Đàng Ngoài đến đó phải đình chỉ một thời gian. Lý do là bởi vì các sản vật Đàng Ngoài mà tàu Tonquin đưa về, phải chuyển qua tàu Soleil D’orient để chở về Pháp, khi đi đến gần Madagascar bị chìm (cùng với các sứ thần Xiêm sang Pháp) nên Pháp không biết giá trị hàng hoá thế nào. Hơn thế nữa, bấy giờ trên các đảo miền Nam Đông Dương, người Hoà Lan làm chủ nhân, chỉ trừ Bentam (ở đảo Java), là nơi người các nước có thể tự do buôn bán. Nhưng đến năm 1682, người Hoà Lan chiếm nốt Bentam, người Pháp, Anh, Đan Mạch phải bỏ đi, mất cả hàng hoá và đồ đạc, chi nhánh của công ty Đông Ấn ở dây phải đóng cửa, cửa hàng của Chapelain ở Đàng Ngoài vì thế mà cũng yểu vong.

Nói tóm lại, việc buôn bán của người Pháp tại Việt Nam trong thế kỷ XVII không có gì đáng nói: một chuyến đổi chác của tàu Tonquin, vài năm hoạt động của cửa hàng Chapelain, ngoài ra các giáo sĩ giả trang thương nhân thì múa bán những hàng hoá nhẹ, hoặc làm những công nghệ sửa đồng hồ, chế thuốc súng...

Người Anh

Người Anh đến nước ta sau hết. Thấy người Hoà Lan thành công ở Viễn Đông, công ty Ấn Độ của Anh bèn tính đến việc thiết lập thương quán ở nơi nào mà người Hoà Lan không ngăn trở được.

Năm 1613, thương quán của công ty này ở Hirado sai một thương nhân tên là Peacock mang một chiếc tàu đến Đàng Trong: thuyền vào Faifo, rồi một người tên Walterr Carwerden lên bờ đem thư của Anh hoàng và các tặng phẩm gởi chúa Nguyễn. Carwerden được quan trấn thủ Quảng Nam tiếp tử tế, bán được cho ông mấy tấm da, nhưng không hiểu vì sao sau đó Peacock, mấy người thông ngôn và mấy người tuỳ tùng bị người Việt Nam giết?

Năm 1618, thương nhân Anh đến Đàng Ngoài cũng không được kết quả gì. Vì hồi bấy giờ người Anh cũng bị người Hoà Lan chống đối gắt gao, nên mọi mưu toan thương mại của họ đều thất bại cả.

Từ năm 1620 đến năm 1625, người Anh bị người Hoà Lan đuổi ra khỏi các thương quán của mình trong quần đảo Nam Dương, là nơi người Hoà Lan làm chủ, nên họ phải đóng cửa luôn các thương quán ở Đài Loan và ở Nhật Bản.

Sau khi người Hoà Lan thua trận ở Âu châu, Hoà ước Westminster - 1654 dành cho công ty Ấn Độ của Anh mấy đặc quyền, nên từ đó người Anh lại tiếp tục việc thương mại ở biển Trung Hoa và biển Nhật Bản.

Đến giữa năm 1672, công ty Ấn Độ của Anh lại sai William Gyfford và 5 người tuỳ tùng đi tàu Zant từ Bentam đến Đàng Ngoài dâng thư và phẩm vật của công ty ở Bentam lên vua Lê, xin cho người Anh được đến buôn bán. Vua Lê Gia Tông và chúa Trịnh Tác đi đánh Đàng Trong, đầu năm mới về, cho Gyfford và các đồng hành lập thương quán ở Hưng Yên. Nhưng việc buôn bán không được phát đạt lắm, vì gặp nhiều khó khăn, không phải vì điều kiện thương mại trong xứ mà do mẫu thuẫn giữa hai nước Anh và Hoà Lan gây ra. Sau hoà ước Westminster nói trên, Anh và Hoà Lan lại đánh nhau, các thương thuyền và sự tiếp vận hàng hoá của Anh thường bị tàu Hoà Lan ngăn trở, hai bên tịch thâu hàng hoá của nhau. Hơn thế nữa Gyfford bị công ty ở Bentam giải nhiệm, các người thay thế đều bất lực, nên thương quán không phát đạt được.

Năm 1683, họ dời thương quán lên Kẻ Chợ (Hà Nội), nhưng rồi vì nhân viên trong thương quán lại mâu thuẫn nhau, người Bồ Đào Nha và Hoà Lan âm mưu gây khó khăn, việc giao dịch với vua, quan ta không dễ dàng, nên đến năm 1697, họ phải đóng cửa thương quán. Các năm sau đó thỉnh thoảng họ chỉ cho tàu đến trao đổi hàng hoá mà thôi.

Trước khi rời bỏ Đàng Ngoài (1697), năm 1695 người Anh đã mưu tính luôn bán với Đàng Trong và Chủ tịch công ty Ấn Độ của Anh là Higginson, Thomas Bowyear mang tàu Le Delphin đến bỏ neo gần cù lao Poulo Cham, mang thư và phẩm vật dâng chúa Nguyễn để xin việc được đến buôn bán. Bowyear có trách nhiệm điều tra việc giao thiệp với Chúa và dân chúng, về các thứ hàng hoá, giá cả và xin Chúa ban đặc ân:

1. Cho đất lập thương quán.

2. Cho viên chủ thương quán được phép phân xử các sự bất hoà xảy ra giữa người Anh và người địa phương.

3. Cho viên chủ ấy được phép trừng phạt những người lao công và tôi tớ khi chúng phạm lỗi.

4. Được tự do xuất nhập cảng hàng hoá miễn thuế...

Bowyear được đưa về Huế, yết kiến chúa Nguyễn bấy giờ là Minh Vương. Minh Vương tiếp Bowyear rất niềm nở, ban cho 10.000 đồng tiền, 1 con lợn, hai vò rượu, hai bao gạo, hai vò cá muối. Sau đó, Chúa lại cho phái viên của Higginson diện yết một lần nữa, để y trình rõ ràng các lời thỉnh cầu, rồi Chúa trả lời rằng khi nào người Anh đến lập thương quán, các điều thỉnh cầu sẽ được cứu xét và chấp thuận sau. Nhân đó, Chúa sai hướng dẫn Bowyear đi quanh phủ Chúa để xem các đại bác đặt chung quanh và hỏi người Anh có thể đem đến bán cho các đại bác tương tự không? Hàng hoá Chúa mua được truyền trả bằng vàng như Bowyear muốn. Nhưng kẻ thừa hàn trả không đúng giá, Bowyear kêu nài, Chúa sai trả thêm hai thoi nữa. Nhân dịp này Chúa sai trao cho Bowyear một bức thư và phẩm vật là vàng, 300 tấm lụa, gỗ quí, trầm hương để gửi tặng cho Chủ tịch Higginson. Thư ấy viết bằng chữ Hán, thoả thuận để người Anh đến buôn bán, lời lẽ thật là khiêm nhường, lịch sử. nhưng không biết vì sao công cuộc giao thương của Higginson không thấy tiếp tục nữa.

Tuy việc buôn bán của mình trước kia không lời, đã phải đình chỉ, sang thế kỷ XVIII, người Anh và Pháp lại dự trù lập việc doanh thương ở đất Việt Nam . Họ đều phải chú ý đến đảo Côn Lôn trước hết.

Năm 1702, công ty Ấn Độ của Anh đến lập một cái đồn ở Côn Lôn, giao cho Allencatchpole chỉ huy. Chúa Hiếu Minh thấy vậy, sai Trương Phúc Phan ra đánh. Phan dùng mưu lược tiêu diệt được đồn. Phan mộ 15 người Đồ Bà, cho giả làm người giúp việc cho người Anh, nửa đêm cùng bọn giúp việc trong đồn nổi dậy giết tất cả người Anh, trừ hai người trốn thoát xuống một chiếc thuyền chạy sang Johore (miền Nam Malacca). Rồi Trương Phúc Phan đem quân ra tiếp ứng, thu gom được nhiều của cải...

Đến năm 1777, chiếc tàu Anh là Rumbold từ Trung Hoa đi Ấn Độ, ghé cửa Hàn để tìm hiểu về Đàng Trong. Lúc này chúa Trịnh đã lấy Phú Xuân, chúa Nguyễn chạy vào Gia Định, Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc đóng đô ở Đồ Bàn (Bình Định) được chúa Trịnh chi trấn thủ cả đất Quảng Nam nữa, còn Nguyễn Lữ vào lấy Gia Định, Đỗ Thành Nhân đánh lấy lại nên đã trở về Qui Nhơn. Nhờ một giáo sĩ giới thiệu, tàu Rumbold cho hai quan chức của chúa Nguyễn Ánh quá giang để vào Sài Gòn theo Chúa, vì gặp gió lớn tàu không ghé được Sài Gòn , phải chở luôn hai quan chức ấy sang Bengale (ở biển Ấn Độ thuộc Anh). Viên Toàn quyền Anh ở đây cho một chiếc tàu nhỏ là Jenny chở hai ông về nước; công ty Ấn Độ của Anh nhân dịp này cũng cử một nhân viên là Charles Chapman mang chiếc L’amazone sang Đàng Trong để thu xếp việc buôn bán....

Bấy giờ Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đã trở vào tái chiếm Gia Định, Nguyễn Nhạc đã xưng Đế thành (tức thành Đồ Bàn), từ Quảng Nam trở vào đã bị nhà Tây Sơn chiếm cứ. Tàu L’amazone ghé Qui Nhơn, Chapman yết kiến vua Thái Đức, vua hứa cho người Anh đến buôn bán. Rồi tàu trở ra, ghé cửa Hàn, Chapman đến Huế yết kiến quan trấn thủ Bùi Thế Đạt (3) được tiếp đãi tử tế, và miễn cho các thứ thuế. Nhưng nghe tin chúa Trịnh sai chiếm đoạt tàu Jenny đậu ở Huế, Chapman phải vào theo tàu L’amazone ở cửa Hàn rồi về Malacca (lúc đó là đầu năm 1778).

Tuy không gặp may nhưng Chapman cũng rất lạc quan về xứ Đàng Trong, cho rằng xứ này có nhiều sản vật buôn bán có lợi, vị trí lại quan trọng để tranh với các nước khác ở vùng này và khuyên công ty nên đến lập công ty ở đây càng sớm càng hay...

Những người Pháp kiên tâm hơn

Trong thời gian ấy, người Pháp hăng hái hơn và năm 1686, công ty Đông Ấn của Pháp sai một nhân viên tên là Veret sang Đàng Trong tìm nơi lập thương quán, vì thấy Côn Lôn nằm trên đường đi của tàu thuyền từ Ấn Độ sang Trung Hoa, Đàng Ngoài, Phi Luật Tân và ở đấy còn có thể buôn bán với Miên, Lào nên viết thơ về Pháp vận động chiếm Côn Lôn.

Năm 1721, công ty sai một nhân viên khác tên là Renault, sang Côn Lôn xem xét lại việc lập thương quán; khác Veret, Renault cho rằng Côn Lôn nghèo, không có sản vật, khí hậu xấu, không hợp với người Âu châu....

Nhưng vì người Âu châu lúc bấy giờ buôn bán ở Quảng Đông bị bó buộc nhiều điều, buôn bán lại không lời, nên họ đồng ý tìm một nơi khác dễ chịu hơn. Người thì định đi Ninh Phố, kẻ toan sang Macao , còn người Pháp nhắm Đàng Trong.

Năm 1744, một thương gia Pháp ở Quảng Đông tên là Den Rathe, cử một lái buôn tên là Friel, cháu của Dupleix, đi tàu đến Đàng Trong để điều tra và dọn đường cho việc buôn bán... Friel được chúa Võ Vương ban cho 1 đạo sắc văn, chấp thuận cho đến buôn bán. Nhưng De Rathe không có tàu bèn sai Friel sang Pondichéry đề nghị với Dupleix, Toàn quyền của đất Ấn Độ thuộc Pháp. Dupleix tán thành ngay, cho là một việc rất tốt, và sai sử soạn một chiếc tàu để đi... Nhưng vì cuộc chiến tranh Anh - Pháp xảy ra về việc thừa kế Vương vị nước Áo, nên việc sửa soạn sang Đàng Trong bị hoãn lại...

Đến năm 1748, chiến tranh chấm dứt, Dupleix mới sai một nhân viên là Dumontsang Đàng Trong. Trong khi đó tại chính quốc, người ta lại bắt đầu nghĩ đến việc buôn bán với chúa Nguyễn, vì trước đây có một người Pháp tên là Pierre Poivre, đã từng sang Viễn Đông, nghiên cứu vị trí chính trị, phong tục tập quán, tôn giáo, sản vật, thương mại của Đàng Trong, rồi trình bày rõ ràng trong một bài tường thuật. Công ty Đông Ấn bèn phái ông sang Viễn Đông để thành lập thương quán ở Đàng Trong và tìm cách độc quyền mua bán hương liệu như quế, hồi hương, tiêu, gừng... của người Hoà Lan. Năm 1749, Poivre đến Pondichéry, rồi đi tàu Machault đến cửa Hàn, ra Huế, yết kiến Võ Vương, dâng lễ vật, được Chúa tiếp kiến tử tế. Năm sau, tàu Machault trở về có mang theo một bức thư của Chúa gởi cho Pháp hoàng. Poivre cho rằng ở xứ này, việc cai trị không tốt đẹp, chúa, quan tham những... nên việc buôn bán không thuận lợi, nếu muốn đến đó thì phải có sức mạnh để người ta sợ và kính nể mới được. Lời phúc trình bi quan ấy làm cho công ty Đông Ấn phải bỏ những điều dự định.

Nhưng Dupleix vẫn giữ ý định của mình. Sau khi Poivre rời khỏi Đàng Trong, Dupleix có nhờ một giáo sĩ là Edmond Bennetat làm môi giới để mình liên kết với chúa Nguyễn và xin lập thương quán; rồi lại cử người thuộc quyền là De Rasec sang Đàng Trong xin Chúa mấy điều như được tự do buôn bán, được quyền sở hũư và xây dựng nhà ở, cửa hàng. Chúa thuận cho. Nhưng rồi Dupleix bị dời về Pháp, dự định bị bãi bỏ.

Dưới triều Pháp Hoàng Louis XV, Louis XVI, Thủ tướng Choiseul rồi Thượng thư ngoại giao De Vergennes, vì thấy người Anh thắng thế ở Ấn Độ và chiếm được nhiều mối lợi của người Pháp, nên sai nghiên cứu việc khôi phục địa vị Pháp ở Viễn Đông và đều để ý đến Đàng Trong là một vùng hệ trọng mà người Anh chưa chăm chú đến. Nhưng vì triều đình nhiều người không tán thành, nên dự định ấy không được đem thực hành.

Năm 1777, trong lúc người Anh cử Chapman đến nước ta, viên Trấn thủ Chandernagor, thành thị Ấn Độ thuộc Pháp, là Chevalier, sau khi sai tàu sang thám sát Đàng Trong biết xứ này nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn đang đánh nhau, có làm tờ trình lên viên Toàn quyền các đất Ấn Độ thuộc Pháp xin vì lợi ích của ước Pháp, đem quân lính sang giúp chúa Nguyễn. Nhưng lúc bấy giờ nước Pháp đang giúp Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh chống Anh, giành độc lập nên mưu tính ở Đàng Trong xa xôi kia không được triều đình Pháp cứu xét...

Tóm lại, người Bồ Đào Nha, người Hoà Lan đến Việt Nam truớc và buôn bán khá hơn người Anh, người Pháp, nhưng đến thế kỷ XVIII chỉ còn người Anh, người Pháp chú ý đến nước ta. Những tờ phúc trình của các phái viên sang điều tra, phần nhiều lạc quan, xui hai nước ấy mưu đồ trên đất Việt. Tuy nhiên khi vì ý kiến của một vài đại thần, hoặc vì thời thế không thuận tiện, việc dự định chưa làm được. Cho đến lúc cuộc cách mạng kỹ nghệ xảy ra, người Âu châu mới đồ xô đi tìm đất thực dân và Việt Nam giàu có, vị thế hệ trọng làm sao thoát khỏi sự chú mục của người Anh, người Pháp?

Riêng về nước Pháp, thì sau cuộc chiến 7 năm, đã mất nhiều thuộc địa, ở Ấn Độ chỉ còn năm nơi thương phụ, vậy muốn khôi phục lại thế lực ở Á Đông, người Pháp phải ra sức tìm kiếm thêm đất đai ở bên này...

Một giáo sĩ Pháp là Bá Đa Lộc, tìm cơ hội can thiệp vào nội bộ nước Việt Nam, và làm “đầu cầu” cho cuộc xâm lăng sau này.

Chú thích:

(1)Đoạn này tham bác cuốn Việt Nam Pháp thuộc sử của Phan Khoang.

(2)Hay Tonkincũng vậy là do phiên âm chữ Đông Kinh tức Hà Nội ngày nay.

(3)Lúc này Huế thuộc quyền chúa Trịnh.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.