Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 27/02/2013 20:57 (GMT+7)

Người suốt đời tận tụy với ngành dược Việt Nam

Ông sinh ngày 27/2/1925, một ngày rất có ý nghĩa với ông vì có sự trùng hợp kỳ lạ: đúng 30 năm sau, ngày 27/2/1955, Bác Hồ gửi thư cho cán bộ y tế rồi được Nhà nước lấy làm ngày Thầy thuốc Việt Nam để kỷ niệm hàng năm.

Ông học dược từ đầu năm 1944. Hòa vào khí thế sục sôi trong cả nước, ông đã xếp bút nghiên, cầm gậy tầm vông cùng các bạn sinh viên nhiệt tình tham gia Cách mạng Tháng 8, lật đổ cường quyền rồi gia nhập đoàn quân vào chiến khu Đồng Tháp Mười chống Pháp. Tuy mới là sinh viên Dược năm thứ 2, tập tọe bước vào nghề mà năm 1947 ông đã “lớn mật” thành lập phòng bào chế thuốc đầu tiên ở Nam Bộ.

Ngay từ những ngày đầu đầy khó khăn, ông đã được thầy dạy thực hành là tiến sĩ dược khoa Nguyễn Huy và dược sĩ hạng nhất Phạm Thị Yên (lúc đó chưa có Trường đại học Dược) dạy về đạo đức, nghĩa vụ của người dược sĩ và cách quản lý thuốc men, phát triển cây, con thuốc.

Năm 1948, ông gặp BS. Phạm Ngọc Thạch ở Bangkok, Thái Lan cũng được căn dặn phải quan tâm đến “cây con thuốc vì đó là hướng đi độc đáo của ta”. Suốt 9 năm chống Pháp, được sự chỉ đạo của BS. Nguyễn Văn Hưởng - Giám đốc Sở Y tế quân dân y Nam Bộ, với cương vị Phó phòng Dược khoa, ông cùng TS. Bùi Quang Tùng (Trưởng phòng) và Phó phòng Nguyễn Kim Phát tổ chức sản xuất và quản lý thuốc trong điều kiện thiếu thốn, đầy khó khăn gian khổ của chiến trường Nam Bộ lúc đó.

Sau khi tập kết ra Bắc, ông và 2 đồng môn Phạm Văn Sở, Nguyễn Kim Phát được Bộ Y tế cho phép thi đặc cách lấy bằng Dược sĩ hạng nhất (lúc đó chưa có bằng Đại học Dược). Cũng từ đó, ông chuyên tâm đi sâu vào việc quản lý công tác dược và quản lý ngành dược.

Từ năm 1960 - 1969, ông được phân công phụ trách Vụ Kế hoạch, Bộ Y tế. Thời gian này, ông đã sát cánh cùng các dược sĩ Đỗ Hữu Thế, Nguyễn Văn Triển, Trần Văn Luân, Lê Quang Hợp điều hành toàn bộ kế hoạch về dược và vật tư của Bộ. Năm 1966, ông được sang Liên Xô 3 tháng nghiên cứu xây dựng kế hoạch y tế và dược phẩm. Nhờ những kiến thức đó, ông được phân công giảng dạy các phần kế hoạch, thống kê ở hai trường Đại học Y và Đại học Dược Hà Nội.

Đầu năm 1970, được Trung ương cử vào miền Nam, đến nơi, ông được Khu ủy Sài Gòn - Gia Định giao nhiệm vụ hoạt động “trí vận” trong nội thành. Với tư cách Phó ban Mặt trận trí vận khu Sài Gòn - Gia Định, ông vận động và tập hợp đội ngũ trí thức trong nội thành Sài Gòn đi theo cách mạng và cuối năm 1974, ông thành lập Hội Trí thức yêu nước, tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh ngày nay.

Ngoài việc vận động trí thức, ông dành thời gian nghiên cứu, tổ chức và hoạt động 2 ngành y - dược của Mỹ và của chế độ Sài Gòn; tiếp xúc với nhiều bác sĩ, dược sĩ của chế độ cũ nên khi thành phố được giải phóng, ông đã cung cấp nhiều tư liệu quý cho lãnh đạo giúp cho việc tiếp quản ngành được thuận lợi.

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được cử làm Tổng Thư ký UBND Cách mạng thành phố Sài Gòn - Gia Định kiêm Cục trưởng Cục Quản lý dược. Ông đã cùng BS. Võ Cương (Mười Năng), Phó ban Dân y miền Nam chỉ đạo trực tiếp việc tiếp thu các cơ sở dược của chế độ cũ. Năm 1976, ông được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Y tế.

Chấp hành quyết định này nhưng muốn giữ ông lại TP.Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt - Chủ tịch UBND thành phố lúc bấy giờ đã cho ông chuyển sang kiêm nhiệm chức Giám đốc Sở Y tế thành phố. Ông trở thành người đầu tiên là dược sĩ làm Giám đốc Sở Y tế - điều mới lạ chưa hề có tiền lệ.

Với kinh nghiệm phong phú trong công tác quản lý nên trong thời gian làm Giám đốc Sở Y tế, ông đã làm được nhiều việc như: Đề nghị được Thành ủy và Bí thư Võ Văn Kiệt cho phép nhận tất cả bác sĩ, dược sĩ của chính quyền cũ đang còn tập trung học tập được lần lượt trở về để Sở Y tế giao công việc. Ông đã cùng với ông Dương Đình Thảo - Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin và Ban Tổ chức thành ủy đề nghị và được thành phố chấp thuận hỗ trợ hằng tháng thêm một số tiền cho trí thức khó khăn, giúp họ yên tâm công tác.

Ông đề nghị và được UBND thành phố cho phép thành lập Hội Y Dược học thành phố (1979) nhằm tập hợp và đoàn kết trí thức y - dược thuộc mọi nguồn (quân - dân, mới - cũ, trong - ngoài Đảng) về thành phố, nhanh chóng sắp xếp lại tổ chức và bố trí công tác cho dược sĩ, xóa bỏ “chợ trời” về dược; cho thành lập nhà thuốc hợp tác giữa phường và tư nhân; cho phép các bác sĩ lớn tuổi ở lại được mở phòng mạch tư, giải quyết được tình trạng quá tải của các bệnh viện trong thành phố.

Mặt khác, ông cho đẩy mạnh việc sản xuất thuốc men đi đôi với phát động phong trào trồng cây thuốc ở các cơ sở y tế; thành lập và phát triển trạm dược liệu; sản xuất một số thành phẩm từ dược liệu... góp phần làm hạ “cơn sốt” thiếu thuốc. Ông còn đề nghị và được UBND thành phố và Cục Hải quan đồng ý cho thân nhân được nhận thuốc men và quà của kiều bào nước ngoài, nhất là ở Pháp gửi về giúp gia đình vừa có thuốc dùng vừa tăng thu nhập, đỡ khó khăn.

Năm 1981, ông thôi chức Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, ra Hà Nội làm Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế. Tháng 6/1982, BS. Vũ Văn Cẩn mất, BS. Đặng Hồi Xuân lên thay. Để đảm bảo thực hiện xuyên suốt chiến lược xây dựng một ngành dược độc lập và tự chủ, Bộ trưởng Đặng Hồi Xuân đã đề cử ông kiêm nhiệm chức Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp Dược Việt Nam.

Ông đã hòa mình với tập thể mới, phấn đấu không mệt mỏi, vượt mọi khó khăn, gắn bó với anh chị em trong ngót 10 năm. Nhờ đó đã thực hiện được một số chuyển hướng như: phát triển nguồn dược liệu, chủ yếu là cây thuốc. Đây là một hướng cực kỳ quan trọng được Bộ Y tế đề ra.

Vì vậy, đã có 2 xí nghiệp và 2 công ty chuyên doanh ra đời đảm trách nhiệm vụ này. Hướng thứ hai quan trọng không kém là từ nhiều năm trước, mọi việc xuất nhập dược phẩm đều do Bộ Ngoại thương đảm nhận thông qua Công ty Khoáng sản nên Bộ Y tế thường bị động. Ông đã kiên trì thảo luận, thuyết phục và kiến nghị, cuối cùng được phép của Chính phủ chuyển toàn bộ công tác xuất nhập thuốc về Bộ Y tế.

Từ khi có đường lối đổi mới, dựa trên cơ sở hoàn cảnh cụ thể của nước ta, ông đã đề ra 4 điểm về ngành dược và đã được sự đồng tình, cho phép từng bước chỉ đạo của Bộ trưởng: Cho phép các dược sĩ mở nhà thuốc tư; Thành lập các công ty cổ phần; Thành lập các công ty TNHH; Cho ngành dược được thành lập Hội hành nghề.

Để tóm tắt cuộc đời hoạt động cách mạng từ tháng 8/1945 đến lúc nghỉ hưu (năm 1991), ông có đôi lời bộc bạch như sau: Sau khi nghỉ hưu, tôi còn đau đáu một điều: BS. Phạm Ngọc Thạch, vị Bộ trưởng Y tế đầu tiên của nước ta, người thầy của chúng tôi về lý luận y và dược, đã từng nói: “Theo con đường dược liệu, nước ta có cơ hội đóng góp nhiều vị thuốc độc đáo cho thế giới và có chỗ đứng vẻ vang. Nhưng điều cơ bản là phải biết quản lý và chỉ đạo”.

Còn BS. Nguyễn Văn Hưởng cũng là Bộ trưởng Bộ Y tế, một trong những nhà tổ chức tài năng của ngành đã từng trình bày nguyện vọng thiết tha của mình về việc xây dựng một nền y dược học độc lập và tự chủ. Tiếp thu những tư tưởng chỉ đạo hết sức sáng suốt và đúng đắn đó, tôi đã suốt đời tận tụy hoạt động cho ngành y dược Việt Nam bằng cách thể hiện sao cho đúng với y đức và hợp với hoàn cảnh nước ta.

Một việc làm nữa của ông sau khi nghỉ hưu cũng vô cùng có ý nghĩa là: Xuất bản tạp chí Thuốc&Sức khỏe. Ngoài ra, năm 2002, Viện Hàn lâm Quốc gia Dược học của Pháp bầu ông làm Viện sĩ.

Hiện nay, bước vào tuổi 86, ông vẫn còn đảm đương hai nhiệm vụ rất quan trọng là: Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam và Tổng Biên tập bán nguyệt san Thuốc&Sức khỏe.

Do có những thành tích đặc biệt xuất sắc đối với ngành y dược Việt Nam nên ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới theo Quyết định số 1061/2006/QĐ-CTN. Đó là thành quả thật xứng đáng với nỗ lực lao động kiên trì và không mệt mỏi trong suốt cuộc đời cống hiến của ông!  

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.