Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 23/05/2013 22:08 (GMT+7)

Người nặng tình với những dòng sông

BƯỚC NGOẶT TRONG ĐỜI

Phạm Hồng Giang vốn là con một liệt sĩ thời chống Pháp. Ông có thiên hướng về toán, học xong phổ thông trung học được chọn đi Tiệp Khắc. Tốt nghiệp đại học, ông được giữ lại làm chuyển tiếp sinh, năm 1979 bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) tại Đại học Kỹ thuật Brno về đề tài “Mô hình toán phân tích các kết cấu mỏng có xét đến tính từ biến”. Về nước, giảng dạy tại Đại học Thủy lợi, mười năm sau ông trở lại đất bạn, làm tiến sĩ khoa học với luận văn: “Phân tích phi tuyến bất định các kết cấu mỏng có lớp và có cốt khi xét đến yếu tố thời gian”, được Hội đồng khoa học quốc gia tại Đại học Kỹ thuật Prague đánh giá xuất sắc. Lĩnh vực ông quan tâm ngày đó vẫn thiên về toán ứng dụng hiện đại, từng có những buổi thuyết giảng tại Đại học Kỹ thuật Tronheim nổi tiếng ở Bắc Âu.

Nhưng “bước ngoặt” đã đến khi vào những năm cuối thế kỷ XX, ông chuyển sang một công tác hoàn toàn mới mẻ là quản lý ngành, trên cương vị Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đặc trách thủy lợi kiêm nhiệm Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam (VNMC). Đã đến lúc không còn ngồi giải các bài toán cụ thể nào đó nữa, mà trọng tâm là các bài toán tổng thể, bài toán vĩ mô. Người làm quản lý vĩ mô phải có tầm nhìn xa trong mỗi quyết định của mình. Nhà khoa học Phạm Hồng Giang trong gần 10 năm làm Thứ trưởng và sau này khi tuổi cao, rời chính trường, đảm trách Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD) thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đã chứng tỏ là nhà quản lý có tầm cỡ, những công trình trên mọi miền đất nước mà ông chỉ đạo trực tiếp vẫn phát huy hiệu quả cao với việc áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến và thực sự ghi lại dấu ấn sâu đậm, thể hiện ở những tình cảm nồng hậu mà đồng nghiệp và mọi người dành cho ông khi gặp gỡ và thăm lại các công trình đó.

ĐÊ, ĐẬP…THỬ THÁCH

Thủ đô Hà Nội hiện có một công trình được coi là “hoành tráng”, đó là bức tường bê tông cốt thép đã thay thế con đê đắp đất bao đời ngăn lũ sông Hồng. Ý tưởng này manh nha từ trước đó, song không có giải pháp phù hợp nên đã bị bỏ qua. Ông và đồng sự đã lên phương án kỹ thuật mạnh bạo và mới mẻ với sự ủng hộ tích cực của UBND TP. Hà Nội. Đây là công trình lớn, kéo dài gần 10km ở vị trí rất nhạy cảm với nhiệm vụ giữ an toàn cho Thủ đô trong mùa lũ. Ban đầu không ít ý kiến phản đối, kể cả một số cấp lãnh đạo và một số người dân sống cạnh con đê cũ. Nhưng rồi sự kiên trì thuyết phục, cách chỉ đạo cương quyết, khôn khéo của ông cùng với nỗ lực rất lớn của đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên, công nhân... đã hoàn thành con đê mới, bền vững, giao thông thông thoáng và làm đẹp cảnh quan đô thị. Đó là một công trình có ý nghĩa nhất chào mừng 990 năm Thăng Long - Hà Nội và càng nổi bật hơn trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua, khi được thành phố chỉnh trang mặt ngoài của bức tường đê thành Con đường gốm sứ.

Không thể làm thủy lợi, phát triển nguồn nước phục vụ nông nghiệp và dân sinh mà không gắn bó, không yêu quý những dòng sông. Ông đã đến nhiều địa phương khảo sát, tìm hiểu kỹ càng các nguồn nước, sông, suối để rồi đặt bút ký nhiều dự án xây đập, làm thủy điện, trữ nước, cửa xả lũ, kênh mương tưới tiêu…

Nhiều phương án kỹ thuật do ông đề xuất đã mang lại hiệu quả lớn, tiết kiệm kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Dự án đập Phước Hòa (Bình Dương- Bình Phước) trên sông Bé được đề xuất từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, song do thiếu vốn đã phải “trùm mền”. Gần 10 năm sau, khi có nguồn vốn ODA thì vùng dự án đã thay đổi quá nhiều, phần lớn diện tích trước đây cần nước để trồng lúa đã chuyển đổi trồng cao su, giá đền bù đất lòng hồ cao vọt, không thể làm hồ lớn được nữa. Ông đã chỉ đạo chọn đập ở vị trí khác thích hợp, chỉ cần tạo hồ nhỏ, không làm ngập nhiều, đủ để đưa lũ sông Bé sang trữ tại hồ Dầu Tiếng nhằm có thêm nước cấp cho TP.Hồ Chí Minh và cả vùng trọng điểm kinh tế ở Đông Nam Bộ. Đến nay Dự án đã cơ bản hoàn thành và phát huy hiệu quả ngoài cả mong đợi.

Trong công việc, ông luôn có lợi thế của nhà khoa học thường xuyên cập nhật được những thành tựu mới nhất của khoa học, công nghệ thế giới. Hồ Cửa Đạt trên sông Chu (Thanh Hóa), hoàn thành mới đây vào năm 2010 là một thí dụ. Trước đây ở nước ta, một số đập đá đổ phần lớn chống thấm bằng lõi sét nên tốn nhiều thời gian thi công và rất bị động vì thời tiết. Về sau có vài đập đá chống thấm bằng bê tông phủ mặt nhưng chiều cao không lớn (thấp hơn 90m). Ông đã chỉ đạo và cùng với đồng sự vượt qua những khó khăn lớn về kỹ thuật để xây dựng đập đá phủ mặt bê tông Cửa Đạt cao 118m cho phép thi công nhanh, tiết kiệm vật liệu hơn. Đập Cửa Đạt là đập đá phủ mặt bê tông cao nhất nước ta và vào cỡ “khá cao” trên thế giới. Đập Định Bình (thuộc tỉnh Bình Định) được xây dựng theo một công nghệ khác, đó là sử dụng loại bê tông đầm lăn. Loại vật liệu này được dùng trên thế giới khoảng 30 năm trở lại đây, song ở nước ta mãi đến năm 2001 mới được áp dụng lần đầu tiên tại đập này. Cũng vì nó quá mới nên từ các chuyên gia thiết kế, nhà thầu xây dựng dù thuộc loại giỏi, đến lãnh đạo địa phương, ai cũng ngại ngùng, lo lắng. Ông vẫn chỉ đạo dứt khoát phải dùng bê tông đầm lăn, vì vật liệu này tiết kiệm xi măng và quan trọng hơn là cho phép thi công bê tông khối lớn với tốc độ rất nhanh. Công trình đã hoàn thành đúng kế hoạch, sớm đưa vào sử dụng và đạt chất lượng tốt, đến nỗi các chuyên gia nước ngoài đã đưa mẫu bê tông ở đây về Thụy Sĩ để triển lãm. Đập bê tông đầm lăn Định Bình đánh dấu sự mở đầu thời kỳ mới trong xây dựng đập ở nước ta. Tiếp đó nhiều đập lớn như Sơn La, Lai Châu, Bản Vẽ (Nghệ An), Plei Krong (Kông Tum), Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 (Lâm Đồng), Nước Trong (Quảng Ngãi),… đều dùng bê tông đầm lăn đã đem lại hiệu quả lớn, thời gian thi công chỉ vào khoảng 30% so với khi dùng bê tông thông thường. Mới đây, sau sự cố rò dỉ ở đập thủy điện Sông Tranh 2(Quảng Nam), với chức năng tư vấn phản biện, ông cùng các đồng nghiệp ở VNCOLD đã có những ý kiến đề xuất kịp thời giúp chính phủ khắc phục sự cố này…

ĐỂ GIẢI NHỮNG BÀI TOÁN LỚN

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hạ nguồn của dòng Mê Kông kỳ vĩ với quy luật dòng chảy có những đặc thù, không giống bất cứ nơi nào ở nước ta. Hạ tầng thủy lợi ở đây có vai trò hết sức trọng yếu để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một bài toán lớn thu hút trí tuệ, chất xám của bao nhà quản lý, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Trên cương vị của mình, ông và các cộng sự đã nghiên cứu kỹ, lên các phương án thiết kế mở các tuyến kênh tưới và thoát lũ, xây dựng các cống đập, đắp đê bảo vệ các đô thị và các khu dân cư…rồi băng qua sông rạch, không quản mưa lũ để tới hiện trường, đôn đốc, xử lý tại chỗ các vướng mắc. Trong Chương trình thoát lũ ở tứ giác Long Xuyên ra biển Tây, khi chỉ đạo việc khơi thông, mở rộng kênh Vĩnh Tế, ông quyết định làm đập Trà Sư - Tha La bằng cao su với công nghệ Nhật Bản lúc đó còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Ở cương vị quản lý toàn ngành thủy lợi, ông luôn lắng nghe và hết sức ủng hộ những ý tưởng, những sáng kiến mới của đồng nghiệp.

Các chuyên gia ở Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam luôn nhắc đến sự hỗ trợ tận tình và mạnh dạn của ông mà nếu không có thì không thể triển khai phương án thi công cống đập ngăn mặn Thảo Long (Huế) dài nhất nước ta (540 m) trong sông với kết cấu trụ đỡ, mở ra hướng mới xây dựng các đập ngăn mặn, hiệu quả cao so với phương pháp cổ truyền. Đề tài này đã nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, và đang được đề nghị xem xét trao giải thưởng Hồ chí Minh về khoa học - công nghệ. Với trách nhiệm Phó chủ tịch thường trực VNMC, ông đã cùng đại diện các quốc gia thuộc tiểu vùng Mê Kông kiên trì trao đổi, bàn thảo, có lúc là tranh luận gay gắt để thực hiện tốt Hiệp định chung về sử dụng bền vững sông Mê Kông được ký năm 1995.

Mỗi quốc gia đều muốn hợp tác nhằm khai thác tối đa nguồn lợi Mê Kông cho riêng mình và vì thế không khỏi mâu thuẫn với các quốc gia khác. Ông và các cộng sự đã có những sáng kiến đưa ra những vấn đề thuộc lợi ích chung (như giảm nhẹ lũ Mê Kông) để liên kết các quốc gia, đồng thời kiên trì đấu tranh để hài hòa các lợi ích riêng (như duy trì dòng chảy mùa khô, các quốc gia thượng nguồn không được lấy quá nhiều nước trong mùa khô). VNCOLD ra đời năm 2004, mà ông là Chủ tịch, đã có những hoạt động rất tích cực, hiệu quả. Việc làm của VNCOLD thời gian qua, đã là cầu nối giao lưu, cộng tác của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nhân, kỹ sư,.. về xây dựng đập và phát triển nguồn nước, không hề có sự ngăn cách về hành chính giữa các cơ quan, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế, trong và ngoài nước. Ông được mời làm Chủ tịch nhiều hội đồng khoa học, hội đồng thẩm định cho các vấn đề đang vướng mắc về kỹ thuật, các sự cố công trình phức tạp. Với uy tín và mối quan hệ quốc tế rộng rãi, ông đã vận động và được Hội Đập lớn Thế giới (ICOLD) giao tổ chức Hội nghị Đập lớn Thế giới lần thứ 78 tại Hà Nội năm 2010. Hơn 700 khách quốc tế tham dự sự kiện lớn nhất về đập và nguồn nước được tổ chức lần đầu tiên ở vùng Đông Nam Á và đã bầu ông làm Phó chủ tịch ICOLD. Ông còn được biết đến như một chuyên gia có trình độ cao về kết cấu xây dựng và là Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Giờ đây, tuy đã vào tuổi “xưa nay hiếm” song trời cho vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, ông đang cùng các đồng nghiệp ngày đêm miệt mài với các loại công việc thuộc nhiều lĩnh vực. Và dù với công việc gì, ở đâu, trước sau nhà khoa học - nhà quản lý ấy vẫn nặng tình nặng nghĩa với những dòng sông để phát triển bền vững, mang lại nhiều phồn vinh cho đất nước.


Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.